T4. Th9 18th, 2024

Khi yêu, người ta nhìn nhau hay nhìn về một hướng?

Khi yêu, người ta nhìn nhau hay nhìn về một hướng?

Chúng ta vẫn thường nghe nói: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Thế sao hai người yêu nhau không dùng mắt để nhìn và quan sát những góc đẹp trong tâm hồn nhau mà lại nhìn về một hướng như lời khẳng định của tác giả Antoine de Saint-Exupéry rằng Yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng. Đây có thể là một điều khá thú vị dành cho những người đã từng yêu nhau có cơ hội suy nghĩ và chọn lựa hầu đưa ra một quyết định cho riêng mình.

Trước đây, người viết đã từng nghe qua nhạc phẩm Con gái của nhạc sĩ Ngọc Lễ. Lời bài hát như con gái nói có là không, con gái nói không là có…con gái nói một là hai, con gái nói hai là một…lần đầu nghe, bản thân cảm nhận một nỗi trống vắng vì ca từ quá ư trẻ trâu và có phần châm biếm, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo và vô vị. Thiển nghĩ, đây có thể là lời tỏ tình của hai kẻ đang say nắng, nói chuyện vu vơ khi ở bên nhau không biết tỏ tình vì lúng túng và bẽn lẽn trong mối tình đầu. Thế nhưng, khi nghe đoạn nhạc sau, tôi lại cảm nhận một sắc thái khá mạnh mẽ, chúng diễn tả sự chững chạc của hai người yêu nhau: Hãy nhìn vào đôi mắt em đây, anh sẽ hiểu tận trái tim này. Hóa ra, những lời nói vu vơ tưởng chừng như vớ vẩn lại là cách để lôi kéo người yêu đi sâu vào trong tận tâm hồn mình qua ánh mắt. Một khi, lời nói trở nên lạc lõng giữa một biển ngôn tình, thì ánh mắt lại diễn tả cả một cơn sóng cuồn cuộn trào dâng. Nó có thể cuốn phăng đi những nghi kỵ thấp hèn, những đua đòi vị kỷ, những dối trá điêu ngoa, và chỉ còn đọng lại những giọt nước mắt tinh khôi của những tâm hồn thiện chí. Và khi ấy, tôi mới chấp nhận lời khuyên của những nhà tư vấn tâm lý: càng nhìn nhau, họ càng yêu nhau.

Nhưng nhìn nhau ở điểm nào để có thể tiếp tục yêu nhau và đi đến trọn đời ? Đó là bản lĩnh của những tâm hồn tế nhị.
Yêu nhau quả ấu cũng tròn ư ? Dường như nó chỉ phù hợp với cảnh giới của hai tâm hồn mới bước vào đường tình yêu. Sự mù quáng ấy thật dễ hiểu ! Tuy nhiên, khi đã lấy nhau rồi, trắng đen đã phân ranh rõ rệt, người ta lại thường nhìn vào những góc khuất của nhau nhưng thay vì để chia sẻ và cảm thông, họ lại dùng nó như bằng chứng cho cuộc chia ly vĩnh viễn. Đó là thái độ sống của những người tiêu cực, bi quan yếm thế, không thể khám phá ra những nét đẹp mới lạ trong tình yêu. Đó không phải là góc nhìn của người có năng lực tích cực.

Trái lại, có một ánh nhìn khiến hai người thuộc trọn về nhau khi bỗng nhiên, họ thốt lên cùng lúc: “Wow” và cùng phá lên cười, chúng làm nổ tung cả một bầu trời nghi ngại. Có thể nói, đó là những khoảnh khắc ra khỏi mình để có thể thuộc trọn về nhau.
Có lúc nàng đang ngồi xem trên truyền hình một cảnh phim về một cô gái bị hiểu lầm đang bị tổn thương lại chịu áp lực về việc người chồng muốn ly dị. Nàng xúc động và đồng cảm với nhân vật, chàng nhận thấy sự kiện, liền hỏi: “Sao em khóc ?”. Nàng trả lời trong nước mắt: “Em sợ mất anh”. Thế là chàng đã ôm nàng vào lòng và bảo: “Làm gì có chuyện đó”. Thật ra, nàng đã trả lời hơi vội và chưa chi tiết, rằng: anh đang làm em tổn thương vì những câu nói vu vơ…Nhưng dù sao, cái ôm chặt ấy cũng đã đủ mạnh để chữa lành nỗi đau. Bởi đó, cần nhìn nhau để nhận ra những mong cầu khá tế nhị của người yêu.

Có nàng đã chia sẻ với một chuyên gia tâm lý rằng em đau bệnh chẳng bao giờ thấy anh ấy ngó ngàng đến dù chỉ một viên thuốc. Hỏi ra mới rõ, chính nàng bao năm chẳng hề biết chồng đau bệnh hay khỏe khoắn thế nào. Bởi thế, sự quan sát và quan tâm cần được đáp ứng từ hai phía. Ngoài ra, việc nhìn nhau và quan tâm nhau cần đi vào những góc khuất của tâm hồn để có thể vực dậy, chữa lành nhau để mọi thành viên trong gia đình luôn cảm nhận thực sự rằng gia đình là nơi an toàn nhất giúp tôi sống thật với chính mình. Khi đó, ta sẽ hiểu thấu phần nào câu nói: Có một nơi để về đó là nhà, có những người để yêu thương đó là gia đình, có được cả hai đó là hạnh phúc.

Thế nhưng, chúng ta không dừng lại ở việc tình yêu được vun đắp nơi ánh nhìn của nhau mà còn mở ra cho các tương quan khác. Theo các nhà tư vấn tâm lý, dấu hiệu của một tình yêu lành mạnh là mở ra và mở rộng với các đối tượng khác, đó là một trong những mối quan tâm mà tác giả muốn gửi gắm qua câu nói: Yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng. Hướng ấy có thể hiểu là lý tưởng hay giá trị cuộc sống, những đứa con và hơn nữa, là một Ai đó.
Trong thời điểm hai người mới gặp và yêu nhau, người ta có thể thề trăng hứa sao, hẹn non hò biển, nhưng trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, họ cần phải nghiêm túc đặt ra những vấn đề mang tính sống còn, một trong những điều chúng ta muốn bàn đến ở đây là bậc thang giá trị. Nếu hai người không có một hướng nhìn chung này hay ít ra, hiểu biết và chấp nhận quan điểm và lập trường sống của người yêu thì sẽ dễ dẫn đến tan vỡ nay mai, vì căn nhà có vững chắc là nhờ cái nền chất lượng và vững chãi, cũng vậy, đời sống hôn nhân gia đình không thể lâu bền nếu không được đặt trên những thang giá trị chuẩn mực và thiết thực. Bởi đó, ngày nay người ta thống kê một phần lý do dẫn đến những cuộc ly dị là thiếu hoặc chưa chuẩn bị tốt giai đoạn trước hôn nhân. Nghĩa là họ chưa được tiếp cận những hướng dẫn cụ thể cho đời sống chung của những chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình hoặc tham gia tích cực các lớp giáo lý hôn nhân để bản thân chuẩn bị những tâm thức và tâm thế sẵn sàng khi đối diện với những khó khăn trong tương lai.

Hẳn nhiên, ai cũng hiểu biết và ý thức những giá trị đang ước ao của đời sống này cả trước khi bước vào hôn nhân, nhưng thực tế, khi đối diện với thực tại vốn muôn màu muôn vẻ, người ta dễ bị cuốn theo những xu hướng xã hội đương thời đề cao mà bỏ qua những truyền thống cổ xưa đã không ngừng giúp các bậc phu huynh của họ kiên vững trong đời sống gia đình. Một minh họa cụ thể cho những gì chúng ta đang bàn đến, xét ưu tiên cho giá trị gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn, một số gia đình phải sống cảnh tha phương cầu thực, vợ ở quê nhà còn chồng làm phương xa hoặc ngược lại. Mặc dù, họ vẫn tiếp xúc với nhau mỗi ngày qua các điện thoại thông minh, họ có thể nhìn mặt nhau và nói chuyện trực tiếp nhờ phương tiện hiện đại, nhưng đó chỉ là cách quan tâm về mặt tâm lý. Song, có một phần khác mà chúng ta chưa chú trọng đủ mà đôi khi, chúng lại mang tính quyết định, đó là nhu cầu thể lý. Bởi đó, mới có trường hợp, chồng hy sinh rời xa tổ ấm để ky cóp tiền bạc về xây dựng gia đình, nhưng có ai ngờ, ở nhà, vợ mình qua lại với tên chạy xe ôm, vì ông này vẫn chở nàng đi chợ và lo cho nàng mọi thứ chỉ trừ tiền bạc. Hóa ra, giá trị của gia đình bị lãng quên, người ta nhân danh một thứ hạnh phúc nào đó được xây dựng bằng tiền tài để sẵn sàng hy sinh việc xa rời tổ ấm mà bương chải với đời, đến khi có một chút vật liệu để xây căn nhà thì không có người để ở; nhà không có, tổ ấm cũng chẳng còn !

Hay có những người vì quá mê chuyện làm ăn và đối tác để rồi bỏ bê bữa cơm tối gia đình: một lần, hai lần rồi quen dần thích ăn cơm tiệm hay nhậu với bạn bè hơn là chung bữa cơm với vợ con, với lý do biện minh rằng vì tương lai hạnh phúc gia đình…Đúng là hầu như các ông chồng đều có ý hướng tốt lành đó, nhưng không thể xem chúng như là cách để thường xuyên vắng mặt trong bữa cơm gia đình và những buổi gặp gỡ khác trong sự gần gũi thân tình giữa vợ chồng – con cái. Họ nhủ lòng rằng cố tạo tương giao tốt với sếp và đồng nghiệp (ăn nhậu) thì dễ thăng chức, thăng chức thì sẽ có lương cao, có lương cao sẽ xây một căn nhà đẹp, có căn nhà đẹp thì gia đình sẽ hạnh phúc…Lầm to ! Họ quên một sự thật quan trọng rằng không thể xây dựng hạnh phúc gia đình trong tương lai mà không đặt nền móng vững chắc từ bây giờ trong hiện tại. Làm sao có một gia đình hạnh phúc mà mỗi thành viên không thường xuyên gặp gỡ để vun đắp mái ấm của mình ? Làm sao có một tình thân đích thực khi cảnh chồng về muộn mà vợ con đã ngủ sớm, rồi sáng ra, vợ đi chợ, con đi học mà chồng vẫn ngủ li bì, đến khi dậy đi làm thì tinh thần uể oải lại cũng chẳng gặp được mặt vợ con…cứ như thế, ngày này qua tháng nọ, đó gọi là gia đình ?
Và trong phạm vị ưu tiên cho sự chọn lựa về gia đình, ở đây, chúng ta được mời gọi nhìn về một hướng là những đứa con trong gia đình.

Trước tiên, chúng ta nghe lời khẳng định từ Giáo hội: Hôn phối và tình yêu trong hôn nhân, tự bản chất, được hướng về việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Trên thực tế, con cái là ân huệ tối thượng của hôn nhân và mưu ích rất nhiều cho chính cha mẹ chúng. (x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Vui Mừng Và Hy Vọng – Gaudium et Spes, số 50). Điều này hầu hết mọi Kitô đều xác tín như thế nhưng trong thực tế, đôi khi chúng bị lãng quên và đưa đến những lạm dụng đáng tiếc. Chẳng hạn, một khi hai vợ chồng chỉ chăm chú vào bản thân và tập chú vào cuộc hôn nhân đang gặp khủng hoảng mà sẵn sàng chia tay mặc cho những đứa con – là những kẻ đáng thương nhất – phải chịu cảnh cha mẹ ly tán. Trái lại, cũng có những bậc cha mẹ vì nhìn đến những hậu quả ảnh hưởng sâu đậm đến con cái do việc ly tán mang lại mà đã chấp nhận tình trạng hiện thời mặc dù không ngủ chung một giường, chẳng ăn chung một mâm. Cho đến một ngày, hai người xích lại gần nhau sau những biến động không thể nào tránh khỏi, đã vượt qua ngoạn mục nhờ thiện chí của hai người. Khi đó, đứa con đã trở thành sợi dây vô hình nối kết mọi khoảng cách tưởng chừng như vô vọng trong đời sống gia đình.

Tưởng cũng cần nhắc lại về tình trạng khủng hoảng trong đời sống nói chung và trong hôn nhân gia đình nói riêng. Có thể nói, khủng hoảng là thành phần tất yếu cho mọi đời sống mà hôn nhân cũng không là một ngoại lệ. Đôi khi, người ta tránh né thuật ngữ này mà dùng một từ khác, nhưng dù sao, nó cũng nói lên một sự biến động nào đó mà sau cuộc giông bão, mỗi người sớm vượt qua và lớn lên. Bởi đó, để vượt qua và lớn lên, mỗi người trong gia đình đều trải qua những cuộc khủng hoảng cách nào đó. Tuy nhiên, tùy cách mỗi người tiếp cận và giải quyết thực tại này mà sẽ có nhiều hệ quả khác nhau. Có những người đã tìm đến giải pháp ly dị, nhưng thật ra, đây chỉ là cách tránh né thực tại đời sống vì thực tế, có những người trải qua nhiều cuộc tình mà không thể sống hài hòa với ai. Một trong những hướng tích cực mà chúng ta đang bàn đến: tất cả vì đàn con thân yêu.

Cuối cùng, hướng nhìn mà hai người yêu nhau nhắm đến là chính Thiên Chúa. Quả thật, Ngài là tác giả phối hợp và tác thành họ nên một qua niềm xác tín vào Bí tích Hôn nhân: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly. Thế nên, Ngài đồng chịu trách nhiệm cho đôi bạn. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu thuật ngữ “đồng trách nhiệm” này thế nào ? Nghĩa là chính Ngài đã ban đủ ơn giúp họ sống trọn vẹn và bền vững trong cuộc hôn nhân này. Nhưng thực tế, con người vẫn quyết định ly dị là tùy tự do của mỗi người. Có thể nói, phần lớn những điều đáng tiếc này xảy ra là do họ không nhận thức đúng về thực tại thánh thiêng này. Thật vậy, họ cho rằng một đời sống hạnh phúc không thể chấp nhận sự có mặt của những khó khăn, thử thách và cả những khủng hoảng nữa ! Hạnh phúc không phải là một thứ cảm xúc phấn chấn hay cảm giác thỏa mãn nào đó mà chúng hệ tại sự chúc phúc của Thiên Chúa. Quả thật, chính Ngài mới thực sự đem lại hạnh phúc cho đôi bên. Khuynh hướng chung của vợ chồng khi gặp khó khăn, thử thách nào đó là họ thường đổ lỗi cho nhau mà không tìm hướng giải pháp tốt nhất đến từ giáo huấn của Giáo hội, được hiểu như ý muốn của chính Thiên Chúa trong giai đoạn đen tối này. Chính khi quá tự tin vào khả năng tự giải quyết của chính mình, quá nhìn vào bản thân mà quên đi sự thật: khi yêu, họ nhìn về một hướng là chính Thiên Chúa.

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta đã thấy được phần nào giá trị tích cực từ câu nói của tác giả Antoine de Saint-Exupéry, đồng thời, bổ sung cho thông điệp này bằng cách đề nghị hai người yêu nhau cũng cần nhìn vào nhau để nhận ra những tâm tư, tình cảm đôi khi chỉ đọc được qua ánh mắt. Cho dù, các bạn đang nhìn nhau hay nhìn về một hướng, hãy luôn tâm niệm Thiên Chúa luôn ở với các bạn, Ngài muốn chia sẻ phận người với các bạn, đồng trách nhiệm với các bạn và chúc phúc cho gia đình các bạn.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *