Hôm nay, thánh sử Mát-thêu đưa ra cho chúng ta một dụ ngôn khác, và các chi tiết có thể khiến độc giả cảm thấy khó hiểu hay thậm chí còn gây khó chịu. Đó là câu chuyện dụ ngôn về một vị vua đã chuẩn bị tiệc cưới thịnh soạn cho con trai mình, nhưng oái oăm thay chính những vị khách quý lại từ chối đến dự tiệc. Chúng ta hãy làm sáng tỏ câu chuyện này và thử xem Chúa muốn nói gì với chúng ta, cũng như liệt kê những gì khiến chúng ta bối rối khi thoáng nghe dụ ngôn này. Nếu chúng ta tôn trọng cách thức cũng như người kể chuyện và lý do tại sao thánh sử Mát-thêu đưa dụ ngôn này vào phúc âm của mình thì chúng ta sẽ hiểu được thông điệp sâu sắc mà dụ ngôn này sẽ mang lại cho chúng ta.

Thật là một cách thông thường để lôi kéo khách đến dự đám cưới! Nhà vua sai người hầu của mình đến để “triệu hồi” họ. Chúng ta có triệu tập khách đến dự đám cưới và lễ kỷ niệm của gia đình mình không? Không, nhưng vấn đề là chúng ta không phải là những người nắm quyền và cai trị một vương quốc. Với quyền lực tuyệt đối của mình, các vị vua và nữ hoàng hoạt động khác với chúng ta. Đây dường như là lời mời thứ hai mà nhà vua đưa ra, vì những người được triệu tập đã là “khách mời”. Lời thông báo đầu tiên đã được đưa ra trước đó và bây giờ những vị khách này mong đợi một lời mời gọi để thông báo rằng: bữa tiệc đã sẵn sàng. Nhưng họ phớt lờ lệnh triệu tập của những người hầu. Tôi biết một số thanh thiếu niên đã từ chối lời mời dự tiệc khi họ biết những vị khách khác là ai. Người lớn đôi khi cũng làm như vậy. Có phải đó là những gì đã xảy ra ở đây? Hoặc là có những lý do khác để không tham dự?

Có phải những người trong danh sách khách mời, những người vận động người khác, muốn làm sáng tỏ điều gì đó với nhà vua không? Những lý do mà khách được mời đưa ra để không tham dự là mơ hồ; họ chỉ đơn thuần trở lại nơi làm việc của mình, như thể muốn nói rằng: công việc của họ quan trọng hơn đám cưới của hoàng tử con trai vua. Làm thế nào để một người bỏ qua một lời mời lễ cưới của hoàng gia? Ngay cả khi bạn không muốn đi, bạn sẽ đi vì bạn muốn thể hiện sự tôn trọng với người cai trị của mình? Chúng ta biết cảm giác đi dự tiệc chỉ vì “sếp”, hoặc một người bạn đã mời chúng ta. Vì vậy, đối với thần dân của nhà vua, việc đi dự đám cưới chỉ là một ý nghĩa chính trị tốt. Trong phản ứng tiêu cực của họ với lời mời, khách đang tỏ ra ngu ngốc, kiêu ngạo, thậm chí là lăng mạ.

Trong văn hóa thời Chúa Giê-su, danh dự được đánh giá cao và làm xấu hổ ai đó một cách công khai là một sự sỉ nhục khủng khiếp và, trong trường hợp này, những người từ chối lời mời đang xúc phạm vị vua của họ! Một số thậm chí ngược đãi và giết các tôi tớ của vua; tương đương với một cuộc tấn công trực tiếp vào nhà vua.  Nhà vua không thể để chuyện này trôi qua dễ dàng mà không có phản ứng gì, dù sao thì ông cũng là vua của họ và phải duy trì danh dự và vị trí của mình. Vì vậy, nhà vua ra lệnh giết các thần dân ngoan cố này và thiêu hủy thành phố của họ. Nhưng bây giờ ông sẽ làm gì, sau tất cả những chuẩn bị cho bữa tiệc thịnh soạn và hôn lễ của hoàng tử, con trai mình? Nhà vua vừa loại bỏ danh sách khách mời.

Nhà vua phái đầy tớ của mình đến “các con đường chính”, bao gồm các quảng trường và chợ trong thị trấn.  Ông “mời” những người không bao giờ có tên trong danh sách khách mời của hoàng gia hoặc danh sách “đáng kính”. Bởi lẽ những người đầu tiên được mời, những doanh nhân và chủ đất, đã từ chối lời mời của vua! Bây giờ hãy nghĩ đến những người sẽ được mời từ “con đường chính”: người bán hàng rong, người bán thịt, người ăn xin, gái mại dâm, người thu thuế, kẻ ăn trộm trong các cửa hàng, người khiếm khuyết và bệnh tật, v.v.  Khi họ được mời, những người này biết đây là một điều tốt; và họ sẽ không ngu ngốc đến mức từ chối.

Chúng ta biết mình đã bỏ bao nhiêu thời gian và công sức để lên kế hoạch cho một đám cưới; dù chúng ta không phải là hoàng gia. Hãy nghĩ đến những món ăn và thức uống tinh tế trên bàn tiệc. Chúng đã được chọn lựa cẩn thận như thế nào! Liệu những người mới đến này có đánh giá cao những gì được đặt ra trước mắt họ không? Họ sẽ nhâm nhi và thưởng thức những loại rượu ngon nhất chứ? Họ sẽ uống chúng theo thứ tự thích hợp chăng? Dĩ nhiên là không. Điều đó là quá lịch sự! Họ đói và khát. Trên thực tế, bạn có thể thấy họ thậm chí còn xô đẩy và chen lấn nhau để vào và giành lấy những vị trí tốt nhất và đồ ăn thức uống ngon nhất. Trong cả cuộc đời, họ sẽ không bao giờ có một bữa tiệc như vậy và chắc hẳn họ đã nghĩ rằng: họ sẽ không bao giờ có một lần nữa, vì vậy họ sẽ lao ngay vào và tận hưởng; tận dụng tối đa thời điểm này. Uống, uống, uống. “Làm ơn cho thêm đi!” Những người thiếu thốn có biết cách tổ chức và thưởng thức hơn những người dư thừa không? Nếu chúng ta nhận ra nhu cầu của mình ngày nay đối với Bí tích Thánh Thể và nhận ra món quà chúng ta đã nhận được, chúng ta có thể đã có quá đủ lý do để cùng “cử hành Thánh Thể” với nhau.

Nhà vua bước vào phòng tiệc để gặp các “vị khách”. Họ không còn đơn thuần là những người ăn xin, những người đứng đường, những người lạ, những tên trộm cắp, v.v.  Họ được gọi là “những vị khách”. Vị thế của họ đã hoàn toàn được thay đổi. Họ đã không làm gì để xứng đáng với nó! Họ được mời đến một bữa tiệc mà trong trí tưởng tượng hoang dại nhất của họ, họ sẽ không bao giờ mơ ước được như vậy. Tôi nghe thấy âm thanh của hồng ân Thiên Chúa vang vọng qua phòng tiệc trên cả những tiếng ồn ào, tiếng khàn khàn, tiếng hát và tiếng cười của “khách”.

Yếu tố đáng xấu hổ trong câu chuyện dụ ngôn như thể vẫn chưa đủ (!) nên còn một chi tiết khó hiểu, một điều mà chúng ta có thể muốn loại bỏ nữa, đó là cuộc gặp gỡ của nhà vua với người đàn ông không có “áo cưới”. Tôi muốn phản đối nhà vua: “Nhưng bạn vừa bắt anh ta từ đường phố, làm sao bạn có thể mong anh ta ăn mặc những món đồ trang sức phù hợp? Anh ta sẽ lấy chúng ở đâu? Bạn có phải là người hay thay đổi và vô lý?”

Có một lựa chọn trong Bài đọc để kết thúc dụ ngôn ở câu 10, và do đó loại bỏ chi tiết có vẻ không hợp lý về người khách ăn mặc không phù hợp. Nhưng đôi khi những khía cạnh chói tai của những câu chuyện dụ ngôn này mang lại nhiều hoa trái nhất cho người nghe. Trong một lớp học giáo lý dành cho những trẻ em sáu tuổi, khi câu chuyện dụ ngôn này được đọc và giáo viên hỏi về việc người đàn ông không có quần áo cưới, một đứa trẻ đã đề nghị: “Nhà vua muốn những vị khách mới của mình ăn mặc chỉnh tề cho đám cưới và có thể ngài đã cho họ quần áo cưới ở ngay cửa ra vào.” Đó không phải là một phản ứng tồi, và đó cũng là đề xuất của một trong những học giả Kinh thánh. Chúng ta được cung cấp những gì chúng ta cần, một khi chúng ta nhận lời mời đến dự tiệc cưới. Nhớ về câu chuyện Cô bé Lọ Lem: bà tiên đỡ đầu đã cho cô bé chiếc áo choàng để cô bé Lọ Lem có thể tham dự vũ hội. Hôm nay, thánh Phao-lô nói một điều tương tự trong bài đọc thứ hai gửi tín hữu Phi-líp-phê: “Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 4,19).

Cộng đoàn của thánh Mát-thêu bao gồm cả người Do Thái và dân ngoại đã cải đạo; khá hỗn hợp cho Giáo hội sơ khai! Các Kitô hữu người Do Thái chắc chắn sẽ dễ dàng tiếp thu những đặc điểm ngụ ngôn trong dụ ngôn hôm nay, vì giống như việc các khách mời của nhà vua đã ngược đãi và giết những người hầu được sai đến để mời họ đi dự tiệc, thì các nhà tiên tri, những người được sai đến để kêu gọi dân chúng trở về với Thiên Chúa cũng bị ngược đãi và bị giết.

Giống như những người được mời đến dự tiệc từ các con đường, cộng đoàn của thánh Mát-thêu hẳn cũng có sự hỗn hợp giữa “tốt và xấu” và vì vậy phần thứ hai của dụ ngôn sẽ thách thức họ. Các thành viên đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào trước lời mời dự tiệc cưới mà Thiên Chúa đã ban cho họ? Họ có nhận ra món quà mà họ được lãnh nhận không? Thái độ và cách cư xử của họ đối với các “vị khách” khác trong cộng đoàn là gì? Nếu tất cả đều là khách không phải bởi họ xứng đáng với lời mời mà là do hồng ân mang đến thì làm sao các Ki-tô hữu có thể tiếp tục tách biệt và phân chia mình theo chủng tộc, giới tính, quốc gia xuất xứ, ngôn ngữ, khuynh hướng tình dục, những người mới đến và những người cũ, ăn mặc đẹp và những người nghèo?

Nếu bạn đọc thư thứ nhất và thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, bạn biết rằng những rắc rối và chia rẽ mà cộng đoàn ở Cô-rin-tô đã trải qua khiến thánh Phao-lô đau khổ đến mức nào. Tại các buổi cử hành của họ, những người Do Thái và dân ngoại cải đạo, cả giàu và nghèo, góa phụ, trẻ mồ côi, bệnh tật và những người từ “những con đường chính” là những người đã đáp lại lời mời gọi phổ quát của Chúa Giê-su. Sự đa dạng này hẳn là khó đón nhận đối với một số người, những người đã từng sống với “đồng loại” của họ. Nhưng sau đó, thánh Phao-lô đã có những sửa chữa mạnh mẽ trong các bức thư của ngài và có những dụ ngôn như ngày nay, để thách thức chủ nghĩa tinh hoa của họ và kêu gọi họ trở lại là một cộng đoàn những người theo Chúa Giê-su.

Nếu chúng ta chú ý đến Lời Chúa mà chúng ta nghe hôm nay và ghi nhớ lời ấy trong lòng thì làm sao chúng ta có thể không chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể và cử hành phụng vụ cùng mọi người ở đây với chúng ta? Đừng đánh giá động cơ đến hay cách ăn mặc của họ hoặc mức độ hoạt động tích cực như thế nào của họ trong giáo xứ. Hãy ăn mừng với họ và thực tế rằng tất cả chúng ta đều là những người nghe Lời Chúa hôm nay. Chúng ta cũng sẽ cố gắng hết sức để trở thành người thực hiện Lời Chúa đó! Hãy để Chúa quyết định ai là người ăn mặc quần áo cưới thích hợp.

Suy ngẫm:

Giống như những người từ “các con đường chính” được mời đến dự lễ, Giáo hội của chúng ta cũng là một tập hợp của “xấu và tốt như nhau” và vì vậy phần thứ hai của dụ ngôn thách thức chúng ta. Chúng ta đang thay đổi cuộc sống của mình như thế nào để đáp lại lời mời dự tiệc cưới mà Chúa đã ban? Chúng ta có nhận ra món quà mà chúng ta đã nhận được không? Nếu tất cả đều là khách, không phải do xứng đáng mà do ân sủng, thì làm sao chúng, những người Kitô hữu, có thể tiếp tục chia rẽ nhau theo chủng tộc, giới tính, quốc gia xuất xứ, ngôn ngữ, người mới và người cũ, kẻ ăn mặc đẹp và người nghèo?

Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi:

    • Thái độ và cách cư xử của chúng ta đối với những “vị khách” khác trong cộng đoàn đức tin của chúng ta như thế nào?
    • Làm thế nào chúng ta có thể chào đón họ để chia sẻ những điều tốt đẹp mà Chúa đã ban cho chúng ta?

Tác giả: Jude Siciliano, O.P.
Nguồn: https://www.preacherexchange.com/latest.htm
Chuyển ngữ: Nt. Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng