T3. Th9 10th, 2024

Cảm nhận và làm chứng cho Lòng Chúa xót thương – CN II PS C

Cảm nhận và làm chứng cho Lòng Chúa xót thương
Chúa nhật II Phục Sinh – Năm C

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được gọi là Tông đồ của Lòng Chúa thương xót. Ngài đã cổ võ lòng sùng kính Lòng Chúa thương xót và đã có sáng kiến thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật II Phục sinh hằng năm. Trong một bài giảng về Lòng Chúa thương xót, vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã tuyên bố như sau: “Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về Tình Yêu của Ngài, Tình Yêu ấy mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Tình Yêu ấy được mạc khải và được thực hành là Lòng Thương Xót, thúc giục mỗi người đáp lại tình yêu với Đấng bị đóng đinh… Với những tâm tình đó, chúng ta cử hành Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh từ Năm Toàn Xá (năm 2000). Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh được gọi là Chúa nhật Lòng Thương Xót (Divine Mercy Sunday)”.

Thực ra, giáo huấn về Lòng Chúa thương xót không phải là một khám phá mới của Thánh Gioan Phaolô II. Lòng Chúa thương xót được thể hiện trên từng trang của Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước. Lịch sử Thánh, hay lịch sử Cứu độ ghi lại một chuỗi liên hoàn những phản bội của con người và lòng bao dung của Thiên Chúa. “Ngài là Đấng chỉ nổi giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Hôm nay cũng vậy, con người lãng quên Thiên Chúa, thậm chí muốn gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, vì yêu thương là bản chất của Ngài. Thánh Gioan Phaolô đã có công khơi gợi lại hình ảnh của Lòng Chúa thương xót, dựa vào nền tảng Kinh Thánh và những mạc khải tư Chúa tỏ cho thánh nữ Faustina, người đồng hương với Ngài, và cũng là người tông đồ được Chúa chọn làm sứ giả của Lòng Chúa thương xót.

Một ngày nọ, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa” (Nhật Ký, 300). Bối cảnh xã hội hiện tại cho thấy nhiều lo âu: Đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt, thì lại nổ ra cuộc chiến tranh tàn khốc tại Ucraina. Trong thời đại vẫn được mệnh danh là thời hoà bình, mà cuộc chiến sát nhân vẫn xảy ra. Mặc dù biết bao lời kêu gọi, phê phán và lên án, cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trái lại còn đang nguy cơ leo thang và lan rộng. Tôn vinh Lòng Chúa thương xót và thiết tha cầu nguyện sẽ giúp cho thế giới tìm lại hoà bình. Chúa đã hứa với chúng ta như vậy, qua thánh nữ Faustina.

Thánh Gioan Phaolô II đã gọi Lòng Chúa thương xót là tặng phẩm Phục Sinh. Trong Mùa Chay và Tuần Thánh, chúng ta đã cử hành và suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Thập giá diễn tả một cách hoàn hảo Lòng Chúa thương xót. Hình ảnh người Tôi tớ đau khổ của Đức Giavê được mô tả trong sách Ngôn sứ Isaia đã thực hiện nơi Đức Giêsu: Người không còn hình dạng cho chúng ta nhìn ngắm. Người mang lấy trên thân mình tất cả tội lỗi nhân gian. Thiên Chúa đã “đánh phạt” Người (x. Is 52,13-53,12). Quả vậy, trên cây thập giá, Đức Giêsu như một tội nhân khốn khổ và như một người nghèo khó tới mức tột cùng. Dường như Thiên Chúa cũng bỏ rơi Người: “Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa! sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).

Khi tôn vinh Lòng Chúa thương xót, chúng ta hãy nhận ra Người đang hiện diện giữa chúng ta. Đức Giêsu Phục sinh không phải một câu chuyện huyền thoại, cũng không phải một câu chuyện của thời xa xưa. Trái lại, Đấng Phục sinh đang sống và hiện diện giữa chúng ta. Ngỏ lời với người trẻ trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Chúng ta cần luôn tự nhắc mình là Chúa Kitô đang sống, bởi vì chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm. Điều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta. Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta là Đấng đang sống. Người là Đức Kitô Phục Sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn. Vì thế Thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền” (1 Cr 15,17) (số 124).

Tông đồ Tôma đại diện cho trường phái hoài nghi, chỉ tin vào những gì cảm nghiệm bằng giác quan và sẵn sàng thách thức những điều kiện để tin. Cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh đã cho ông một kinh nghiệm: Không phải chỉ những gì động chạm được bằng chân tay hay nhìn thấy tận mắt, thì mới đáng tin. Hơn nữa, “phúc cho những ai không thấy mà có lòng tin”. Cuộc gặp gỡ này giúp ông tin mà không cần “thấy dấu đinh ở tay Người, xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Người”. Đứng trước Đấng Phục sinh, những thách thức này trở nên vô nghĩa.

Cùng với Tôma, chúng ta hãy tôn thờ Đấng Phục sinh và tuyên xưng Đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Câu tuyên xưng này cũng đồng nghĩa với lời kinh chúng ta vẫn đọc khi tôn vinh Lòng Chúa thương xót: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”. Hãy để Đấng Phục sinh đi vào cuộc đời chúng ta, để Người thay đổi tận căn trái tim và hành động của chúng ta. Nhờ được thấm nhuần Lòng Chúa thương xót, người Kitô hữu trở nên chứng nhân của Lòng Chúa xót thương.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *