T2. Th9 9th, 2024

Chữ Phúc – Thánh Lễ Giao Thừa

Chữ Phúc

Có một lần tôi xem người ta lấy cốt một ngôi mộ cỗ không có thân nhân nhận lãnh trên phần đất người ta sắp xây dựng một ngôi nhà lớn. Ngôi mộ được xây cất kiên cố và trang trí theo kiểu Tàu. Chắc là của một gia đình giàu có. Người nằm trong mộ, theo bia đá ghi, là một phụ nữ tuổi đời chỉ mới bốn mươi. Người ta tin rằng người giàu có, vì là ngôi mộ cỗ, nên theo tục lệ xưa, người ta thường liệm theo người chết rất nhiều món đồ quý giá để họ có thể dùng ở thế giới bên kia, thế nên, người bốc mộ lục soát rất kỹ trong chiếc quan tài. Ông ấy không tìm thấy gì cả. Ông đưa tay móc vào miệng người chết, có vẻ ông rất hiểu biết, hay đã kinh nghiệm về điều này: người ta có thể bỏ vào miệng người chết những món đồ trang sức bằng vàng hay châu ngọc, đá quý. Và ông moi ra được một gói nhỏ được bọc kỹ trong nhiều lớp bọc nhựa. Ông cẩn thận mở ra. Không có gì cả, ngoài một mãnh giấy chưa mục và nét chữ chưa nhòa, nên rất dễ nhận ra nội dung dòng chữ ghi trên giấy: “nỗi buồn này mang xuống tuyền đài”.

Mùa Xuân về, người ta gởi đến nhau rất nhiều câu chúc. Nhưng có một câu không thể thiếu, đó là PHÚC-LỘC-THỌ.

Đối với nhiều người, đặc biệt là người Công Giáo, “Phúc” không phải chỉ là sự giàu có vật chất, nhiều ruộng đất, nhiều tài sản… mà trước hết, “Phúc” là “Sống theo Tin Mừng”, tìm được bình an trong Tình Yêu Thiên Chúa.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Từ khởi điểm “Tâm hồn nghèo khó”, con người sẽ trở nên hiền lành, không tranh dành cấu xé lẫn nhau. Con người nhận ra sự đau khổ trong giới hạn thân phận làm người của mình và đồng loại nên biết chia sẻ và tương trợ nhau. Họ không ngừng dắt dìu nhau để vươn lên cuộc sống công chính.

Những bước đi như vậy, giúp con người biết quan tâm đến tha nhân, biết xót thương người.

Một con người có tâm hồn hiền lành biết chấp nhận đau khổ, không ngừng tự thanh luyện mình vì khát khao trở nên công chính, biết mở rộng con tim để phân phát tình thương, con người ấy sẽ có tâm hồn trong sạch. Vì tình yêu chân chính luôn đem lại cho con người tâm hồn trong sạch.

Một con người có tâm hồn trong sạch chắc chắn phải khát khao có một thế giới trong sạch, một thế giới tươi sáng ngập tràn điều thiện hảo, bình an và không có nơi dành cho thù hận. Và như thế, họ sẽ đem hết tâm lực ra để xây dựng hòa bình.

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Chúa Kitô là mẫu mực của con người có tâm hồn nghèo khó. Từ khi nằm trong chiếc nôi là máng cỏ, rồi trọn một đời xuôi ngược “con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”, đến cái chết trần trụi trên Thập Giá. Tâm hồn nghèo khó ấy là Chúa của Hòa Bình.

“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính”.

Chúa Ki-tô là nguồn mạch sự công chính. Ngài đã chết vì sự công chính.

“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga.18,37)

Đó là Tiếng Nói của Tình Thương. Tình thương đến từ những tâm hồn nghèo khó, những tâm hồn không gợn đục những tham vọng tom góp vật chất tiền tài danh vọng cho riêng mình. Dục vọng cuồng điên thế tục không thể ban cho nội tâm con người sự bình an thật sự, và như thế, không thể đạt được cái Phúc trong sâu thẳm tâm hồn mình được.

Nếu lòng không đạt được cái Phúc, thì cái Lộc, cái Thọ cũng chẵng có ý nghĩa gì. Giàu có và sống lâu mà đầy lo lắng và sầu muộn, tâm không tịnh, lòng không an, sao gọi là Phúc được!

“Nỗi buồn này mang xuống tuyền đài”, đó là một thứ địa ngục ở ngay trong ta, ở trong tâm hồn ta. Địa ngục ở ngay trong tâm ta rồi thì làm gì ta có Phúc được!

“Vì Nước Trời là của họ”

Con người không có Tình Thương thì không thể vui được.

Không vui thì làm sao có được mùa xuân? Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Không có mùa xuân thì làm sao có hạnh phúc.

Hoa là biểu tượng của nụ cười. Nụ cười là biểu tượng của niềm vui. Niềm vui là biểu tượng của mùa xuân. Mùa xuân là biểu tượng của hạnh phúc.

Chúa là nguồn vui của đời ta.

Chúa là hạnh phúc của đời ta.

Chúa là mùa xuân của đời ta.

Chữ Phúc chỉ thật sự có ý nghĩa tròn đầy trong Tình Yêu Của Chúa.

            Tạ ơn Chúa, vì Chúa cho con niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đó là hạnh phúc được làm con Chúa, và đó là tất cả ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của đời người.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng