T3. Th9 10th, 2024

CHỨNG NHÂN HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG – CN II TN A

CHỨNG NHÂN HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Lời Chúa hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm và từ đó học hỏi gương sống và trở nên chứng nhân như con người hiền lành và khiêm nhường của Thánh Gio-an Tẩy giả. Đặc biệt, khi Ngài diện kiến Con Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, liền tuyên xưng đức tin “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1, 29). Câu kinh này chúng ta đều được nghe mỗi lúc tham dự Thánh lễ. Và cũng vì vậy, mà chúng ta có thể liên tưởng đến câu chuyện đã xảy ra tại ngôi làng nhỏ bé bên nước Đức.

Chuyện kể rằng: trên nóc nhà thờ Werden có một bức tượng hình con chiên được tạc bằng đá. Người ta truyền lại xuất xứ của bức tượng ấy như sau: một anh công nhân đang làm việc trên mái nhà thờ này thì bỗng nhiên dây an toàn bị đứt, thế là anh ta bị rơi xuống sân đang chất đầy những đống đá to. Ngạc nhiên là anh ta không bị thương nặng, nhờ lúc bấy giờ có một chú chiên đang gặm cỏ giữa hai đống đá. Anh ta may mắn rớt xuống trên người con chiên, đè nó chết, nhưng anh thì được sống. Để tưởng nhớ, anh ta đã chạm trổ một con chiên bằng đá, và được phép của cha xứ, anh đặt nó trên nóc nhà thờ. Anh nghĩ đây là một cách tốt nhất nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với con vật đã cứu mạng sống mình, mặc dù nó chẳng hề biết.

Đúng vậy, chú chiên ấy không biết mình đã chết để cứu anh chàng công nhân ấy, nhưng Con Chiên – Chiên Thiên Chúa – thấu tỏ và sẵn sàng tự nguyện chịu hiến tế làm giá chuộc cứu muôn người, trong đó có chúng ta. Dẫu chúng ta bất xứng đi chăng nữa, Ngài vẫn yêu thương, đón nhận và cứu độ chúng ta. Không những thế, Thiên Chúa còn “đặt [chúng ta] như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ngài tràn lan khắp địa cầu” (x. Is 49, 6). Ôi vui sướng dường bao khi được lãnh nhận ơn gọi và sứ mệnh lớn lao này! Nhưng cũng không khỏi lo lắng làm sao sống-thực hiện chúng một cách tròn đầy và trọn vẹn!

Tác giả Thánh vịnh cảm nhận và dạy chúng ta thưa rằng: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 39, 8a. 9a.). Vì vậy, với tâm tình tín thác, cậy trông, chúng ta không ngần ngại cùng với ngôn sứ Sa-mu-el thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời” (1Sm 3, 9). Chính nhờ vào ân sủng “do thánh ý Chúa” (x. 1Cr 1, 1) và “bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giê-su Ki-tô” (1Cr 1, 3), chúng ta học biết khiêm nhường và trở nên hiền lành trong đời, đặc biệt mỗi lúc sống ơn gọi, tuyên xưng đức tin và thực hiện sứ mệnh làm chứng cho Chúa. Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện về Thánh Clê-men-tê thường đi khất thực, xin trợ giúp từ người khác để nuôi nấng các trẻ em mồ côi. Một hôm, thánh nhân bước vào quán ăn, tiến đến chiếc bàn có rất nhiều thanh niên đang ngồi ăn uống say sưa, mong sao xin được chút thức ăn thừa cho các em mồ côi, thì bị một thanh niên sỉ vả và nhổ đầy nước bọt vào mặt. Đối lại, ngài rất đỗi bình tĩnh đáp: “Cám ơn anh! Đây là cái anh cho tôi. Còn phần của các em mồ côi đâu?” Hết sức sửng sốt, anh chàng đó vừa cảm thấy xấu hổ, vừa không biết hành xử ra sao, bèn rút tiền từ hầu bao đưa cho thánh nhân, rồi chạy vội ra về với vẻ mặt rưng rưng muốn khóc.

Hiền lành và khiêm nhường vừa là các nhân đức nồng cốt giúp ta sống các nhân đức khác, vừa thúc đẩy ta thực thi ơn gọi-sứ mệnh của một chứng nhân trung thành, tin yêu. Cụ thể hơn, chúng ta cùng nhau dừng lại ít giây đọc lại lời dạy của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô (Kinh truyền tin, Chúa nhật 19/10/2014) gợi lên cho mỗi người chúng ta thế nào là sống hiền lành và khiêm nhường chân chính: “Làm chứng cho Chúa nghĩa là gì nếu không phải lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế vũ lực, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên, chúng ta không sống như một ‘thành trì bị vây hãm’, nhưng như một thành phố được đặt trên núi cao, rộng mở, đón nhận và liên đới – nghĩa là không được sở hữu thái độ khép kín, nhưng đem Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cả cuộc sống chúng ta, rằng: bước theo Đức Giê-su giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn”.

Để khép lại bài chia sẻ này, con xin mượn lời của cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, ngỏ hầu cùng với quý cộng đoàn lắng đọng và nguyện cầu: “Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng, con còn được thoải mái hơn phần nào!”

 Lm Xuân Hy Vọng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *