CN. Th10 6th, 2024

Có Tình Yêu Là Có Tất Cả – CN XXX TN A

Có Tình Yêu Là Có Tất Cả – CN XXX TN A

Những ngày này ca khúc được tìm kiếm và nghe nhiều nhất trên mạng xã hội là ca khúc ” của nhạc sĩ Hoài Duy. Đức Giám mục Giáo phận Cần Thơ trong thư kêu gọi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt cũng đã trích lời của ca khúc này: “Nhạc phẩm ‘Thương lắm miền Trung ơi’ đã chuyển tải đến chúng ta tình trạng hiện nay tại một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi: ‘Mưa bão giông về, mái nhà đổ nghiêng, tan tác cò bay, đồng xanh cây trái giờ trắng xóa như dòng sông… Thiên tai rồi lại thiên tai dồn dập về miền Trung như trút hết lên phận nghèo’.” Quả thật chưa bao giờ khúc ruột miền Trung lại lên cơn đau quặn thắt đáng thương như vậy. Những tin tức, những hình ảnh liên tục được cập nhật khiến người xem phải ngẹn ngào vì thương cho đồng bào mình.

Qua những gì đang diễn ra tại đất nước Việt Nam, chúng ta thấy lời Chúa đúng là chân lý, cụ thể qua các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật XXX Thường niên A hôm nay, vì lời Chúa đã dạy ta sống tình yêu và nhắn nhủ chúng ta tất cả đều tùy thuộc vào tình yêu.

Đứng trước cảnh khổ của đồng bào, mọi con dân Việt Nam đều “Hướng về Miền Trung”. Người ta có thể thống kê những thiệt hại về người và tài sản sau trận lũ lụt, nhưng chắc chắn không ai thống kê được tình người trong trận lũ lịch sử này. Những đoàn cứu trợ từ Bắc chí Nam đều một lòng hướng về miền Trung, những đoàn xe nối đuôi nhau mang theo dòng chữ “Hướng Về Miền Trung” đỏ rực trên Quốc Lộ I A lúc này, những sáng kiến để cứu đói cho đồng bào bị cô lập vì lũ lụt như cơm hộp, bánh mì, bánh chưng, bánh tét và lương khô… Có lẽ sẽ có một kỷ lục mới cho Việt Nam khi đồng loạt nhiều nồi bánh chưng, bánh tét được nấu. Cảnh tượng cả một láng trại được dựng lên để hàng trăm người đến hợp lòng gói bánh, hàng trăm bếp lửa bập bùng trong đêm tạo nên một cảnh đẹp huyền bí vì nó phát xuất bởi tình đồng bào. Thương lắm miền Trung ơi!

Thiên Chúa là Tình Yêu, và đạo Chúa là đạo Yêu, còn Kitô hữu là những người biết Yêu. Đức Giêsu đến thế gian này cũng không gì khác hơn là vì yêu và dạy yêu. Ngài yêu nên mới “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế”, và cái giá cho chữ yêu đó là chính mạng sống của Ngài. Trong suốt cuộc đời Ngài đã sống tình yêu và dạy cho các môn đệ cũng biết yêu như Ngài.

Ngài đã trả lời cho một người thông luật được rõ đâu là giới răn trọng nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39). Tóm lại tất cả chỉ là Yêu.

Có lẽ người thông luật mừng lắm vì anh ta bị mớ bồng bông của luật lệ quấn chặt khiến anh ta cảm thấy nặng nề và không biết luật nào là trọng nhất. Ngài còn quãng diễn thêm: “Tất cả Luật Môsê và sách các Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40). Hóa ra những gì anh ta thuộc lòng và tuân giữ một cách nặng nề xưa nay chỉ là chữ yêu mà thôi. Như vậy tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa giáo đều phải tùy thuộc vào chữ Yêu đó. Và đó chính là kim chỉ nam cho đời sống Kitô hữu chúng ta.

Chữ yêu như hai trục của đồ thị. Trục tung hướng đến Thiên Chúa, trục hoành hướng về tha nhân. Điểm gặp nhau như kết quả của Tình Yêu chính là Nước Trời. Không thể thiếu một trong hai nếu muốn có kết quả tốt đẹp. Không thể yêu mến Chúa mà không yêu người, và cũng không thể yêu người mà không yêu mến Chúa. Thực sự ra Thiên Chúa ở nơi con người, và con người là hiện thân của Thiên Chúa. Nói như vậy để chúng ta xác quyết thêm một lần nữa: người công giáo phải biết YÊU: yêu Chúa và yêu người. “Yêu Chúa trên hết mọi sự, yêu người như mình ta vậy!”

Chúng ta yêu mến Chúa vì Chúa đã yêu thương chúng ta, đã tạo dựng nên chúng ta, đã cứu độ và còn ban Thánh Thần để chúng ta luôn được tràn đầy ân sủng Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng nhiều cách như: Tuân giữ các giới răn của Chúa; năng đọc và suy niệm Lời Chúa; năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, chịu các bí tích, làm những việc đạo đức, chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng để đưa nhiều người về làm con cái Thiên Chúa…

Rất có thể chúng ta đã yêu mến Chúa, nhưng chưa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” khi chúng ta chỉ dành cho Chúa một chỗ nhỏ bé trong tâm hồn mình. Chúng ta chỉ yêu mến Chúa “với điều kiện”, nghĩa là khi được bình an thì còn thờ phượng Chúa, khi gặp thử thách, đau khổ thì chúng ta quên Chúa để tìm kiếm những danh vọng lợi lộc và thú vui ; hoặc lúc bình thường không nhớ đến Chúa, đến khi gặp khó khăn, “hết đường binh” chúng ta mới tìm đến với Chúa như là con đường cuối cùng… Thậm chí có những người quên hẳn Thiên Chúa trong cuộc đời mình, mặc dù họ đã được rửa tội, hoặc họ đã từng “thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự”. Họ đã từ khước một Tình Yêu vô cùng lớn lao.

Chúng ta yêu thương con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã dạy: “Nếu ai nói “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20). Hơn thế nữa, ngày tận thế, Thiên Chúa không phán xét chúng ta điều gì ngoài việc chúng ta đã làm cho người khác: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”  (Mt 25,40). Một cách thâm sâu, mỗi lần chúng ta làm gì cho người thân cận là chúng ta làm cho Chúa, mỗi khi nhiệt tâm giúp đỡ người khác là chúng ta đang nhiệt tâm với Chúa, vì Chúa ẩn mình trong anh em ta, hay nói cách khác Ngài bày tỏ vinh quang nơi con người, nhất là những người cùng khổ; như G. Tagore đã từng cảm nghiệm : “Ngài ở với người nông dân đang cày bừaNgài ở với người công nhân đang đập đá, Ngài đang đổ mồ hôi dưới nắng mưa từng ngàyvà chân bùn tay lấm trong tấm áo tả tơi”.

 Như vậy chắc chắn Ngài đang ở với đồng bào miền Trung chúng ta. Ngài đang ở bên những người đã chết vì thiên tai lũ lụt. Ngài đang ở bên người chồng mất đi người vợ trên đường đi sinh con. Ngài đang ở bên người mẹ mất đi đứa con trai đang học lớp 10 chèo bè chuối đi nhận cơm từ thiện vì nhiều ngày chưa được ăn cơm, chẳng may trượt chân ngã xuống nước và bị nước cuốn trôi. Ngài đang ở bên những người ngồi bên chiếc quan tài người thân của mình treo trên mái nhà chờ nước rút để mai táng. Ngài đang ngồi trên nóc nhà, dầm mình trong mưa, chờ hàng cứu trợ của người khác… Chúng ta sẽ gặp Chúa nơi những người cùng khổ như thế.

Và nhiều người đã thực sự gặp Chúa khi họ biết san sẻ với anh chị em của mình. Bất kể tôn giáo gì, nhưng chắc chắn ca sĩ Thủy Tiên đã gặp Chúa vì cô là người làm nên lịch sử thiện nguyện của Việt Nam khi quyên góp được hơn 100 tỉ đồng cho đồng bào miền Trung và đích thân cô đã đến vùng lũ để cứu trợ cho họ. Cụ già khòm lưng may mắn mua được thùng mì, khi xe cứu trợ đi ngang, bà cũng gửi cho đồng bào trong vùng khó khăn hơn. Bà đã gặp Chúa vì bà có tình người.

Tuy nhiên cũng còn một ít người thờ ơ trước cảnh khổ của bồng bào mình khi họ lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để tăng giá mặt hàng cứu trợ, tăng giá xe, tàu chở hàng cứu trợ; thậm chí có những người ăn chận hàng cứu trợ của dân. Họ ăn không kể bất cứ thứ gì. Họ ăn mì, ăn gạo, ăn áo phao, ăn dầu gió xanh, ăn thuốc xức ghẻ, ăn xuồng cứu sinh… Sở dĩ họ làm vậy là vì họ không có Thiên Chúa để yêu mến. Nếu họ có Thiên Chúa thì chắc chắn họ sẽ có Tình Yêu, mà khi có tình yêu thì không ai có thể làm ngơ trước nỗi đau của đồng bào mình.

Tất cả mọi sự đều hệ tại ở tình yêu. Mọi giới răn, lề luật của Chúa cũng đều hệ tại ở tình yêu. Mọi đường hướng của Hội thánh cũng đều dựa vào tình yêu. Có tình yêu là có tất cả, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính vì thế người Kitô sống đạo tốt là người có thật nhiều tình yêu. Mục tử huấn luyện, dạy bảo giáo dân thành công là giúp họ ngày càng biết yêu và phát triển tình yêu của mình để trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng tự động san sẻ tình yêu đó, vì họ biết rằng có tình yêu là có tất cả.

Xin Mẹ Maria nâng đỡ nhân loại, nhất là người dân Miền Trung của chúng con. Xin cho tình yêu mọi nơi đổ dồn về miền Trung để làm vơi đi gánh nhọc nhằn của đồng bào chúng con, và cũng là để chúng con sống lời Chúa một cách cụ thể: “Trước kính mến Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *