CN. Th10 6th, 2024

Con Một Cha – CN VII TN A

Con Một Cha
Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm A

Nếu Chúa nhật trước, Chúa Giê-su dạy những ai theo Chúa phải có đức công chính “trổi vượt hơn sự công chính của các luật sĩ và người Pha-ri-siêu”, thì Chúa nhật này, Người lại dạy chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho những người đã làm hại mình. Theo văn mạch Tin Mừng, những lời khuyên này đi liền theo giáo huấn của Chúa nhật trước. Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định sự mới mẻ trong lời giảng dạy của Người. Người cũng mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ Người phải thay đổi não trạng, nhờ đó cuộc sống cũng được canh tân và trở nên nhân ái hơn.

Với những lời giáo huấn trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng lấy ác báo ác, nhưng lấy điều lành mà đối lại với điều ác. Bởi lẽ nếu lấy ác báo ác, sự ác sẽ thêm chất chồng. Luật Do Thái không chỉ đóng khung việc thực thi tình mến giữa những người đồng bào, nhưng mở ra với đồng loại, tức là với tất cả những người sống trên trái đất này. Tuy vậy, đức yêu thương – theo Luật ông Môisen – vẫn còn ranh giới, tức là chỉ là dành cho những người làm ơn cho mình. Chúa Giêsu đã quả quyết: nếu chỉ yêu thương những kẻ yêu thương mình, thì không có gì đặc biệt và cũng chỉ giống như những người thu thuế. Trong cái nhìn của người Do Thái đương thời, người thu thuế là hạng người kém đạo đức và gian dối.

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Yêu thương kẻ thù, đó là tính ưu việt của Kitô giáo, nhưng lại là một điều ngược đời, thậm chí là điều không tưởng đối với nhiều người trong xã hội chúng ta. Dù biết rằng đây là điều không dễ thực hiện, nhưng Chúa vẫn kêu mời chúng ta như thế. Chính Chúa Giêsu làm gương cho chúng ta. Trên cây thập giá, vào giờ phút đau thương, Chúa Giêsu đã thều thào trong hơi thở, xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình, “vì họ không biết việc họ làm”. Noi gương Chúa, trước hết là thánh Stêphanô tử đạo, rồi biết bao Kitô hữu trong suốt bề dày lịch sử, kể cả các vị tử đạo, đã cầu nguyện và tha thứ cho những lý hình và vua quan tham dự vào việc hành hạ và giết mình. Điều đó cho thấy, lời khuyên “hãy yêu kẻ thù” là điều có thể thực hiện. Tình yêu thương mà Chúa Giêsu đề nghị là tình yêu không biên giới, không phân biệt. Đó là tình yêu rộng mở đến hết mọi người.

Nội dung giáo huấn của Chúa Giê-su không nhằm đưa ra một lời khuyên nhẫn nhịn, cam chịu trước những bất công và dối trá, như có người lầm tưởng. Nếu Chúa Giê-su đề nghị: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”, thì trước toà thượng tế Caipha, khi một người lính vả vào má Chúa, Người đã hạch lại: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Sự khiêm nhường và lòng bao dung tha thứ không đồng nghĩa với thái độ hèn hạ nhu nhược trước sự lấn át của kẻ mạnh và kẻ đối xử bất công.

Nền tảng của tình yêu không biên giới chính là vì mọi người cùng là con của Cha trên trời. Thiên Chúa là Cha chung của gia đình nhân loại. Mọi người sống trên thế gian, không phân biệt giàu nghèo, đều là con cái Thiên Chúa. Trong cuộc sống, có những người con nhận ra ơn sinh thành trời biển của cha mẹ để tôn kính và mến yêu; ngược lại, có những người con lại không nghiệm ra điều ấy và dửng dưng với việc đền đáp công ơn cha mẹ. Điều này giải thích tại sao có nhiều người không nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha. Ngài là Đấng yêu thương nhân loại. Ngài không muốn cho bất cứ thụ tạo nào phải trầm luân. Người lành người ác cũng là con Thiên Chúa. Không lẽ Thiên Chúa vì bênh vực những người lành mà lại trừ diệt những người ác, tức là trừ diệt chính con cái mình?

Lời dạy của Thiên Chúa trong Cựu ước “các ngươi (con cái Israel) phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Bài đọc I), đã được tiếp tục qua giáo huấn của Chúa Giê-su: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Một cách cụ thể, thánh Phao-lô khuyên chúng ta hãy sống tốt lành, tôn trọng thân xác, vì thân xác là đền thờ của Thiên Chúa. Thánh nhân cũng cảnh báo chúng ta về điều mà thế gian gọi là “khôn ngoan”, vì nhiều khi đó lại là những cạm bẫy nguy hiểm. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa. Chính Đức Ki-tô dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Cha, là cội nguồn của danh hiệu làm cha trên trời dưới đất, và cũng là Cha chung của mọi người.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *