T4. Th9 18th, 2024

Dạ, con đây! – CN II TN B

Dạ, con đây!

Chúa nhật II thường niên – Năm B

“Dạ, con đây!”.  Đó là lời thưa của cậu bé Sa-mu-en trong đền thờ ở Si-lô. Cậu bé này sau sẽ trở thành ngôn sứ đầu tiên trong lịch sử Israel. Cậu Sa-mu-en lúc đó đang ngủ trong đền thờ, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Hòm Bia là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài. Nơi đền thờ linh thiêng này, Thiên Chúa hiện diện để soi sáng và ban sức mạnh cho dân. Ngài cũng chính là vị lãnh đạo tối cao của dân được tuyển chọn.

Chúa gọi Sa-mu-en ba lần. Nhưng cậu lại tưởng đó là tiếng gọi của thày tư tế Hê-li, và cậu chạy đến với thày mình. Theo hướng dẫn của vị tư tế, khi Chúa gọi lần thứ tư, Sa-mu-en đã nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Tâm tình lắng nghe đã dẫn vị ngôn sứ sang một ngã rẽ khác của cuộc đời.

Tâm tình sẵn sàng vâng theo ý Chúa cũng được thể hiện nơi phần lớn các ngôn sứ của Cựu ước. I-sa-i-a, vị ngôn sứ sống vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đã nghe tiếng Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta”, và ông đã trả lời: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).

Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta. Tuy vậy, những bộn bề của cuộc sống; những tạp âm của đời thường, làm cho chúng ta không nghe được tiếng Chúa. Trong lịch sử, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến thế gian. Người là “Ngôi Lời” đến nói với chúng ta những lời yêu thương, nhưng ít khi chúng ta nhận ra lời ấy.

Để lắng nghe Lời Chúa, cần có tâm hồn rộng mở và sẵn sàng. Lời Chúa đến với chúng ta, không như âm thanh của chiếc loa phường. Chiếc loa phường phát cho những người qua lại, mỗi người nghe được một vài câu, thậm chí chỉ một vài từ. Tuy vậy, những người qua đường còn mang quá nhiều bận tâm cơm áo gạo tiền, nên cũng chẳng quan tâm những gì họ nghe thấy. Người tín hữu muốn nghe Lời Chúa, cần phải có một không gian thiêng liêng. Không gian ấy không chỉ là trong ngôi thánh đường, mà còn trong gia đình, giữa cuộc sống và thậm chí ngay giữa những ồn ào náo nhiệt nơi phố chợ. Không gian ấy có thể tạo nên bằng tâm tình cầu nguyện và lắng nghe. Chúa đang nói với chúng ta trước hết qua Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo hội và còn qua những người mà chúng ta gặp gỡ, hay những biến cố xảy đến xung quanh chúng ta. Người có tâm tình lắng nghe sẽ dễ dàng nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Thánh Gio-an tác giả Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta một kinh nghiệm bản thân về cuộc gặp gỡ lần đầu với Chúa Giê-su. Một ngày nọ, khi thấy Chúa Giê-su đi ngang qua, ông Gioan Tẩy giả nói với các môn sinh của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Từ lời giới thiệu này, hai môn đệ của ông Gioan Tẩy giả đi theo Chúa Giê-su. Một người tên là An-rê, người kia ẩn danh, và theo mạch văn thì hầu chắc đó là tông đồ Gio-an. Hai môn đệ này đã ở với Chúa, đã lắng nghe lời giáo huấn của Người. Hai ông đã được Người khai sáng, để rồi hôm sau, khi trở về, ông An-rê nói với em mình là Si-mon rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a – nghĩa là Đấng Kitô”. Cuộc gặp gỡ này đã dẫn hai ông đi trên một lộ trình mới, lộ trình của người môn đệ Đức Giê-su, luôn gắn bó mật thiết với Người, kể cả lúc hoạn nạn đau thương.

Ngày chúng ta được lĩnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã chọn Chúa Giê-su làm Thày dạy. Chúng ta đã tuyên thệ trung thành với Chúa và từ bỏ tội lỗi. Lời tuyên thệ ấy luôn vang lên trong tâm hồn cuộc đời của chúng ta, những Ki-tô hữu đích thực. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta hãy nhìn lại cách theo Chúa của mình, để giữ trái tim tươi mới như thuở ban đầu, luôn sẵn sàng thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Đương nhiên, lời thưa này phải được chứng minh bằng những thiện chí cố gắng và bằng hành động trong cuộc sống cụ thể.

Thánh Phao-lô muốn chúng ta đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách thực tế hơn. Đó là những nỗ lực sống thánh thiện và từ bỏ tội lỗi. Thiên Chúa ngự trong tâm hồn mỗi người. Ai sống trong sạch, người ấy được nên một với Đức Ki-tô và sẽ tìm được sự bình an nội tâm. Một tâm hồn và cuộc sống trung thực, ngay thẳng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức tin Ki-tô giáo tuyên xưng sự sống lại của thân xác con người. Vì vậy, phải tôn trọng thân xác khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

“Này con xin đến để thực thi ý Chúa!”. Lời Thánh vịnh 39 được đọc trong phần Đáp ca diễn tả tâm tình vâng phục của người tin Chúa. Thư gửi giáo dân Híp-ri sau này nhận ra đó là tâm tình của Chúa Giê-su, khi Người vâng lời Chúa Cha để xuống thế làm người (x. Dt 10,8-10). Chúa Giê-su là gương mẫu cho chúng ta về sự vâng phục, khiêm tốn và yêu thương. Ước chi mỗi chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời và thành tâm thân thưa với Ngài: “Dạ, con đây!”.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *