ĐẤNG QUY TỤ MUÔN DÂN
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C
Để loan báo Chúa Phục sinh, trước hết các tông đồ tìm đến những người Do Thái, với hy vọng họ sẽ dễ dàng nhận ra Đức Kitô là Đấng Thiên sai mà họ mong đợi. Quả thật là có nhiều người Do Thái tin vào lời chứng của các tông đồ. Tuy vậy, có nhiều người lại chống đối và tìm cách gây khó dễ cho việc giảng dạy của các ông. Tác giả sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về việc các tông đồ rao giảng tại miền Antiôkia và Pixiđia, cách xa Giêrusalem. Sau khi nghe các ông rao giảng, vào ngày Sa-bát, người đến nghe đông theo cách diễn tả của tác giả là “gần như cả thành tụ họp nghe Lời Thiên Chúa”. Tin mừng về Chúa phục sinh đã lan rộng và cộng đoàn tín hữu phát triển nhanh chóng. Trước những hành động ngăn cản và quấy rối của người Do Thái, hai tông đồ Phaolô và Barnaba đã có một quyết định quan trọng: đó là các ông đi đến với dân ngoại. Đây là một hướng đi mới, đồng thời cũng diễn tả tính hoàn vũ của ơn cứu độ được thực hiện qua Đức Giêsu thành Nagiarét. Quả vậy, Đức Giêsu không chỉ cứu độ người Do Thái, như nhiều người ngộ nhận. Người là Đấng Thiên Sai, là Ánh sáng của muôn dân như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo. Người đến để quy tụ muôn người về một mối. Tác giả Tin mừng thứ bốn đã hiểu điều này qua câu nói của thượng tế Caipha: “Điều đó ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ cho dân (Do Thái) mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11, 51-52).
Việc quy tụ muôn người được diễn tả qua hình ảnh chủ chiên và đàn chiên. “Tôi là mục tử tốt lành. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”. Đức Giêsu đã diễn tả cộng đoàn những người tin vào Người, giống như một đàn chiên, mà Người chính là Mục tử của đàn chiên ấy. Mục tử và đàn chiên là hình ảnh rất quen thuộc ở đất nước Do Thái, thời xưa cũng như ngày nay. Đây cũng là cách so sánh đơn sơ dễ hiểu đối với người bình dân. Như người mục tử hy sinh sự sống mình để bảo vệ đàn chiên trước sự tấn công của sói dữ và của quân trộm cướp, Đức Giêsu hy sinh mạng sống mình để đem lại sự sống cho đàn chiên. Người đã tuyên bố: “Khi nào tôi được giương cao khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi”. Cái chết và sự phục sinh của Chúa là điểm quy tụ muôn dân. Hai mươi thế kỷ sau biến cố ấy, danh Đức Giêsu được loan truyền khắp thế giới, nơi mọi quốc gia và mọi vùng lãnh thổ. Đấng chịu đóng đinh đã quy tụ muôn dân. Đấng đã sống lại đang chuyển tải cho các tín hữu sự sống và niềm vui. Ai đến với Chúa sẽ tìm thấy hạnh phúc, vì Chúa là Mục tử dẫn đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc, như mục tử dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát lành.
Khía cạnh hoàn vũ của ơn Cứu độ còn được diễn tả qua thị kiến của thánh Gioan tông đồ. Vị thánh này đã ghi lại trong sách Khải Huyền: “Tôi thấy một đoàn người thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”. Đức tin Kitô giáo đã làm thay đổi quan niệm về ơn Cứu độ nơi người Do Thái, mở ra một nhãn quan mới. Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Ngài muốn cho mọi người được hạnh phúc và được cứu rỗi.
Nhờ bí tích Thanh tẩy, người Kitô hữu được kết nạp vào đàn chiên của Chúa, tôn nhận Đức Giêsu là lý tưởng cuộc đời, là Đấng dẫn dắt và chở che. Như người mục tử dẫn dắt và chăm sóc đàn chiên thế nào, Đức Giêsu cũng dẫn dắt và chăm sóc người tín hữu như vậy. Những ai xác tín vào lòng nhân hậu và tình thương của Chúa, sẽ được Người xót thương và sẽ tìm thấy bình an hạnh phúc.
Chúa nhật hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn Thiên triệu. Chúng ta vẫn có thói quen gọi những người sống bậc tu trì là “được Chúa gọi – Thiên triệu”. Xin cho nhiều bạn trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa để quảng đại đáp lại lời Người. Chúa gọi chúng ta nhiều cách. Có thể qua cha mẹ, qua bạn bè hoặc qua một sự kiện nào đó đánh động tâm hồn. Khi cầu nguyện, phân định và nhận ra ý Chúa, chúng ta sẽ trung tín theo Người, và như thế, chúng ta sẽ trở nên thành viên của đàn chiên có Chúa Giêsu là Mục tử.