T3. Th9 10th, 2024

Đọc Ngược Kinh Lạy Cha – CN XVII TN C

Đọc Ngược Kinh Lạy Cha
CN XVII TN C

Kinh Lạy Cha được ghi lại ở hai Phúc âm: Matthêu và Luca.

Sau khi Chúa dạy đừng khua chiêng đánh trống như người giả hình. Đừng cho tay trái biết việc tay phải phải làm. Khi cầu nguyện đừng lải nhải, họ cứ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha trên trời biết rõ anh em cần gì. Đừng như người giả hình thích đứng cầu nguyện trong hội đường. Rồi Matthêu kết luận: Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Mt 6,7-9).

Luca xếp hoàn cảnh Kinh Lạy Cha ngay sau trình thuật bữa ăn ở nhà Macta, Maria và Ladarô. Câu chuyện xảy ra ở vùng núi Ôliu. Nơi chốn và thời gian của Kinh Lạy Cha là: “Mọi người trở về nhà mình, còn Chúa thì đến và qua đêm ở núi Ôliu”. Cả ngày Chúa giảng trong đền thờ. Đêm đến Thầy trò kéo nhau về núi Ôliu. Bấy giờ các môn đệ hỏi Chúa cách cầu nguyện. Chúa đã dạy Kinh Lạy Cha: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện,cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.Người bảo các ông:‘Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến’” (Lc 11,1-2).

Kinh Lạy Cha, một lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm.

Đọc xuôi, Kinh Lạy Cha bao gồm: một lời thân thưa (Lạy Cha), hai lời nguyện ước (xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển triều đại Cha mau đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời) và ba lời cầu xin (xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ). Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện là xin cho mình được sống trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa. Làm con thảo của Chúa là làm sao để mọi người được nhận biết, thờ phượng và thực thi ý Chúa, tuân giữ lề luật của Ngài và yêu thương tha nhân.

I. Đọc ngược Kinh Lạy Cha

Đọc ngược kinh Lạy Cha để đi lại lộ trình đức tin của dân Do thái ngày xưa và để bày tỏ niềm xác tín mới đối với Thiên Chúa vì những gì Người ban cho chúng ta qua kinh Lạy Cha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng:

  1. Thiên Chúa là Cha quyền năng đã cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.

Cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ bên Ai cập, thì nay qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa cứu khỏi quyền lực của Satan là đầu mối của mọi sự dữ.

  1. Thiên Chúa là Cha yêu thương không để chúng ta sa chước cám dỗ.

Sau khi được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, dân Do thái đã đi qua hoang địa tiến về đất hứa, đã gặp rất nhiều cám dỗ và thử thách. Sau khi chịu phép rửa tội, cuộc đời chúng ta cũng là một hành trình xuyên qua hoang địa trần gian để tiến về đất hứa đích thực là thiên đàng. Chúng ta cũng gặp phải những chước cám dỗ như người Do thái ngày xưa. Nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta tha thiết khẩn cầu Chúa gìn giữ và Người đã gìn giữ chúng ta.

  1. Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Mặc dù đã nhiều lần phản bội, quay lưng lại với Thiên Chúa, thử thách Thiên Chúa, cứng đầu cứng cổ bất tuân lệnh Chúa, nhưng dân Do thái đã được Chúa tha thứ, nhờ lời chuyển cầu của ông Môsê. Cũng vậy, nhờ công nghiệp của Đức Kitô, chúng ta luôn được Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu sót và những xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em là hình ảnh của Người. Được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng tha thứ cho nhau, để cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa.

  1. Thiên Chúa là Cha quan phòng luôn chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta.

Trong suốt hành trình 40 năm trước khi tiến vào đất hứa là nơi chảy sữa và mật, mỗi ngày dân Do thái đã được Thiên Chúa ân cần ưu ái ban cho manna, thịt chim cút và nước sạch từ tảng đá chảy ra. Ngày nay Thiên Chúa quan phòng cũng luôn lo liệu cho chúng ta mọi nhu cầu vật chất, để chúng ta có thể sống xứng đáng và phát triển các khả năng. Hơn nữa Người còn ban cho chúng ta bánh hằng sống là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cùng với dòng nước ơn thánh vọt ra từ tảng đá là Đức Kitô đang hoạt động qua các bí tích, giúp chúng ta có sức đạt đến đất hứa đích thực là nước thiên đàng, nơi tràn trề sữa và mật thiêng liêng, khiến cho chúng ta không bao giờ đói khát.

  1. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan đã mạc khải cho chúng ta thánh ý của Người và giúp chúng ta thực hiện.

Cùng với manna, chim cút và nước từ tảng đá vọt ra, Thiên Chúa còn ban cho dân Do thái các huấn lệnh bày tỏ ý muốn của Người, để họ tuân giữ và được sống. Ngày nay, chúng ta cũng nhận được thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo Hội. Đời sống của mỗi người chúng ta hệ tại việc thực thi ý Chúa. Khi kết hiệp sự vâng phục của chúng ta với sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý Cha, tức là chúng ta làm cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

  1. Thiên Chúa là Vua uy quyền đã làm cho Nước Chúa trị đến nơi chúng ta.

Sau khi hoàn tất cuộc hành trình xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel đất hứa làm gia nghiệp, ở đó họ sống hạnh phúc dưới quyền cai trị của Người. Sau khi hoàn tất cuộc hành trình nơi dương thế, chúng ta cũng sẽ được đưa vào Nước Trời, nơi Thiên Chúa hiển trị, để Người mãi mãi là Vua của chúng ta và chúng ta sẽ là dân của Người đến thiên thu vạn đại, và trong Nước Người không còn đau khổ, khóc than và tang tóc, nhưng chỉ có sự sống dồi dào trong hạnh phúc vô biên.

  1. Thiên Chúa là Cha, đó là thánh danh mà chúng ta ca tụng đến muôn ngàn đời.

Sống trong đất hứa Thiên Chúa đã ban, những người Do thái đạo đức không ngừng tôn vinh danh Chúa, vì chính nhờ danh Người họ đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, được giúp đỡ để vượt qua các chước cám dỗ, được tha thứ mọi tội lỗi, được nuôi dưỡng chăm sóc, được biết thánh ý của Thiên Chúa, được sống dưới quyền cai trị của Chúa. Mai ngày trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ không ngừng ca tụng thánh danh Thiên Chúa và chúng ta có thể khởi đầu kinh Lạy Cha như sau: “Lạy Cha, giờ đây chúng con được ở với Cha trên trời”. (trích từ: Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).

II. Kinh Lạy Cha, lời kinh tuyệt vời

Kinh Lạy Cha là lời kinh của chính Chúa Giêsu. Thánh Tôma Aquinô gọi Kinh Lạy Cha là “lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất”. Còn Tertulianô nói đây là “Bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng”. Tin Mừng về Thiên Chúa là Cha và chúng ta có thể nài xin cùng Ngài trong tư cách là những người con.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Vinh danh và thánh ý Chúa được đặt trên hết. Các nhu cầu của con người được đặt sau.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Con người được gọi Thiên Chúa là Cha. Mỗi người là con cái của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai.

Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này.

III. Đọc Kinh Lạy Cha với tâm tình yêu mến

Trong Thánh Lễ, trước khi đọc Kinh Lạy Cha, chủ tế mời gọi: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo lời Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”. Động từ “dám” diễn tả một thái độ kính sợ đối với Chúa. Thái độ này bắt nguồn từ truyền thống lâu đời trong Kinh Thánh, được minh họa trong cảnh Môsê gặp Thiên Chúa nơi bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi: “Chớ lại gần. Cởi dép ra, bởi đất ngươi đang đứng là đất Thánh” (Xh 3,5). Chỉ nhờ Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa làm người, chúng ta mới dám đến gần Thiên Chúa là Cha, trong niềm tin yêu thảo hiếu: “Trong Ngài, ta được tự do dạn dĩ và được đến cùng Cha, đầy lòng tín thác vì đã tin vào Ngài” (Ep 3,12).

Kinh Lạy Cha là bản kinh tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là lời kinh của Chúa Giêsu, lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu đã trực tiếp dạy các môn đệ. Kinh Lạy Cha còn là lời kinh của Hội Thánh, trong Phụng vụ, Kinh Lạy Cha luôn chiếm ưu thế đặc biệt trong các Giờ kinh Nhật tụng, trong Thánh lễ và trong các Bí tích gia nhập Kitô giáo.

Chính vì thế, khi đọc Kinh Lạy Cha, thái độ nền tảng chúng ta phải có là khiêm tốn và biết ơn: khiêm tốn vì nhận ra sự thật về con người bất xứng của mình, tạ ơn vì biết rằng tất cả là ân huệ Thiên Chúa ban. Đồng thời, phải noi gương Chúa Giêsu, sống tư cách người con hiếu thảo, luôn tín thác vào Cha, và thực thi thánh ý Cha. Cầu nguyện là thân thưa với Thiên Chúa như con với cha.

Chúa Giêsu là Đấng đã thi hành ý muốn của Cha ở dưới đất cũng như ở trên trời. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy chúng ta cũng là lời tóm kết những gì Chúa đã sống. Lời cầu nguyện và đời sống của Chúa đi đôi với nhau. Kinh Lạy Cha, nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta “dám” thân thưa lời cầu nguyện hàng ngày với Cha trên trời. Trong thánh lễ, trước khi đọc Kinh Lạy Cha, vị chủ tế nâng cao Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, tuyên xưng rằng: Chính nhờ Ðức Kitô,cùng với Ðức Kitô,và trong Ðức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha,là Thiên Chúa toàn năng, đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *