Đức Mẹ Mân Côi Và Truyền Giáo
Mân côi và truyền giáo tuy cách xa nhau lịch sử của ngày lễ, nhưng gắn liền với nhau về nội dung: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ Maria và sứ vụ ra đi đều xuất phát từ Chúa Thánh Thần.
Tình yêu đáp trả tình yêu.
Với Mẹ Maria lòng yêu mến Chúa đã được hun đúc từ trong gia đình. Khi là thai nhi đến khi lớn lên trong gia đình với ơn nuôi dưỡng của cha mẹ là Thánh Gioakim và Anna. Gia đình là môi trường ươm mầm tình yêu, là trường học tình yêu dẫn con người ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đấng siêu việt và người khác. Nơi gia đình sum họp cầu nguyện, Chúa Thánh Thần như ngọn lửa giữ đầm ấm, yên vui, và đốt nóng ngọn lửa mến yêu.
Khi Sứ thần Gabriel chào kính Mẹ Maria đã nói lên tác động của Chúa Thánh Thần: “Thánh thần sẽ đến trên người, và quyến năng Ðấng Tối cao trên người rợp bóng” (Lc 1, 35). Tình yêu của Thiên Chúa đặt trong tâm hồn là một năng lực tích cực vừa đón nhận vừa cho đi một cách quảng đại nhất. Mẹ Maria đã lãnh hội từ Thiên Chúa điều trọng đại và trở nên niềm vui cho Mẹ: “Hồn tôi tôn dương Chúa và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi, vì người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người. Này từ đây mọi người sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1, 46 – 48).
Tình yêu là năng lực khơi nguồn cho hành động và yếu tính của tình yêu là quan tâm, trách nhiệm, kính trọng và hiểu biết. Trong cuộc đời chiêm niệm của Mẹ Maria được tóm tắt lại: “Còn Maria thì bà giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2, 19) và hoạt động trong cuộc đời của Mẹ được kể lại: “Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Yuđa” (Lc 1, 49). Sự kiên vững khi đứng dưới chân Thánh Giá của Con (Ga 19, 25).
Niềm vui truyền giáo.
Niềm vui đích thực luôn là niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa. Trong niềm vui, Chúa đã dựng nên con người để chia sẻ niềm vui với Chúa. Trong sa ngã con người đánh mất niềm vui ở với Chúa, Chúa đã đi tìm con người để sống lại trong niềm vui. Niềm vui được trao ban và con người khiêm nhường đón nhận. Mẹ Maria, sống trong niềm vui của người bé nhỏ thuộc về Thiên Chúa để luôn thưa tiếng “Xin vâng”.
Niềm vui thúc đẩy ra đi đến với người khác. Niềm vui là chính Chúa cư ngụ trong lòng Mẹ Maria, niềm vui của ngày đón nhận, niềm vui của ngày vội vã lên đường. Mẹ mang niềm vui đến cho anh chị em mình. Không có niềm vui, truyền giáo chỉ là sứ mệnh buồn chán.
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 288:
“Có một “kiểu” Maria trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh … Ðức Mẹ Maria biết làm thế nào để nhận ra bước chân của Thần Khí Thiên Chúa trong những biến cố lớn và ngay cả trong những biến cố dường như không thể nhận thấy được. Ðó là chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa trong thế gian, trong lịch sử và trong đời sống hàng ngày của mỗi người và mọi người. Chính Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và làm việc ở Nadareth, và cũng là Ðức Mẹ Giúp Ðỡ, một người “vội vã” rời làng mình để đi giúp đỡ người khác (Lc 1, 39). Ðộng năng này của công lý và sự dịu dàng, chiêm niệm cùng đi đến với những người khác, là những gì làm cho Mẹ trở nên một mô hình cho việc truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để qua lời cầu nguyện từ mẫu của Mẹ, Mẹ giúp cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc, và làm cho có thể phát sinh một thế giới mới. Chính Ðấng Phục Sinh đã nói với chúng ta, bằng một quyền năng, đổ đầy chúng ta với lòng tin tưởng và niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển nổi: “Này, Ta làm mọi sự ra mới” (Kh 21, 5).
Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa,
xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự hiệp thông,
của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại,
của công lý và tình yêu dành cho người nghèo,
để cho niềm vui của Tin Mừng
có thể đi đến tận cùng của trái đất
và không có ngoại vi nào mà không có ánh sáng của nó.”