Giê-su – Thần tượng đời tôi
Chúa nhật XXI Thường niên A
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, trong ngôn ngữ của giới trẻ, chúng ta thường thấy cụm từ nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh. Đó là “đu Idol”. “Đu” là tiếng Việt, “Idol” là tiếng Anh. “Đu” theo nghĩa này có nghĩa là chạy theo, hâm mộ đến mức cuồng tín mê man. “Idol” là thần tượng. Chủ thể của “Đu Idol” hầu hết là thanh niên nam nữ. “Idol” của họ là những người mẫu, ca sĩ, cầu thủ bóng đá, diễn viên điện ảnh. Trong một số trường hợp, “Idol” lại là những “giang hồ mạng”, là những kẻ vô học và những người có phát ngôn ngông cuồng, thiếu chuẩn mực đạo đức. Vậy mà vẫn có những người coi là “Idol – thần tượng” của mình. Việc chạy theo thần tượng là điều không có gì lạ. Việc hâm mộ và tôn vinh những tài năng là điều chẳng có gì đáng trách. Tuy vậy, về phương diện ngữ học cũng như về khía cạnh đức tin, chúng ta cũng cần tìm hiểu để sử dụng ngôn từ cho chính xác.
Trong truyền thống Cựu ước, “Idol” được dịch là thần tượng, ngẫu tượng, ngẫu thần, tà thần. Từ điển Công giáo Việt – Anh giải thích: “Theo nghĩa rộng, ngẫu thần là bất cứ điều gì được gán cho địa vị tối cao vốn chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Theo nghĩa hẹp, ngẫu thần là một đồ vật, thường mang dáng con thú hoặc hình ảnh biểu tượng chỉ thần, và được thờ thay cho Thiên Chúa đích thật”. Như thế, thờ ngẫu tượng là đặt một thụ tạo vào chỗ mà chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng. Các ngôn sứ của Cựu ước kịch liệt lên án các loại hình thờ ngẫu tượng, và các ông gọi đó là phản bội, là bất trung, giống như người vợ hay chồng ngoại tình. Chúa phán trong sách Lêvi: “Các ngươi không được hướng về các tà thần, không được đúc tượng thần mà thờ. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,4). Thánh Phao-lô cũng lên án thờ ngẫu tượng, khi ngài viết: “Anh em đừng trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng, như một số trong nhóm họ, theo lời đã chép: Dân đã ngồi xuống để ăn uống, rồi lại đứng lên chơi đùa” (1 Cr 10,7-8). Tác giả Thánh vịnh còn chế giễu: “Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó, có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng. Tác giả còn chúc dữ: “Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy” (Tv 115,4-8).
Yêu mến người tài, yêu mến cái đẹp và tôn vinh những tài năng, đó là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy vậy, suy tôn đến mức để cho những nhân vật và sự vật ấy thay thế vị trí của Thiên Chúa, thì đó là chọn nhầm lý tưởng, gọi là tội thờ ngẫu tượng.
Một ngày nọ, Chúa Giê-su đặt câu hỏi với các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?”. Sau khi nghe các ông trả lời theo dư luận quần chúng, Chúa Giê-su muốn các ông phải xác định rõ ràng hơn: “Còn các anh, các anh bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi: các anh chọn ai là “Idol” của mình? Tông đồ Phê-rô đã trả lời: “Thày là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời của Phê-rô là lời tuyên xưng Đức tin. Lời tuyên xưng này có ơn soi sáng của Chúa, như Chúa Giê-su đã nói khi Người khen ngợi ông Phê-rô: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thày, Đấng ngự trên trời.” Sau này, tông đồ Phao-lô viết: “không ai có thể nói “Đức Giê-su là Chúa” mà lại không do Thánh Thần (1 Cr 12,3). Chúa Giê-su còn khẳng định điều này trong lời cầu nguyện với Chúa Cha: “Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25). Không có ơn soi sáng của Chúa, chúng ta không thể nhận biết và tin vào Người.
Nếu chúng ta có dịp đến hành hương tại Đền thờ Thánh Phê-rô ở Rôma, khi viếng mộ Thánh Phê-rô, ở khu bàn thờ chính của Đền thờ, chúng ta sẽ nhìn thấy một tấm biển bằng đồng, khắc chữ La-tinh hai câu nói của Thánh Phê-rô. Câu thứ nhất: “Thày là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16); câu thứ hai: “Lạy Thày, bỏ Thày thì chúng con biết theo ai?” (Ga, 6,68). Câu thứ nhất là lời tuyên xưng Đức tin; câu thứ hai là lời hứa trung thành. Hai câu nói này đã làm nên dung mạo của vị Tông đồ trưởng. Ông đã được Đức Giê-su đặt làm nền tảng Giáo Hội, đồng thời trao quyền cai quản và điều hành cộng đoàn tín hữu tin vào Chúa Giê-su trên toàn thế giới. Những ai đến viếng mộ Thánh Phê-rô, được mời gọi tuyên xưng Đức tin và tuyên hứa trung thành với Chúa. Xưa cũng như nay, ơn gọi luôn là một huyền nhiệm. Bài đọc I trích sách ngôn sứ I-sai-a ghi lại: Thiên Chúa đã chọn ông En-gia-kim làm vua và ban cho vương quốc hùng mạnh an bình. Chính Ngài củng cố quyền lực của vị vua này. Ngài trao chìa khoá nhà Đavít cho ông, và làm cho vương quyền của ông vững bền.
Thần tượng và lý tưởng của người Ki-tô hữu là chính Đức Giê-su. Ơn gọi Ki-tô hữu là nên giống Đức Giê-su trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Các tông đồ đã chọn Đức Giê-su làm lý tưởng. Họ đã chết để làm chứng rằng sự lựa chọn của họ là chính đáng và cao cả. Để được nên giống Chúa Giê-su là “Idol” của mình, chúng ta phải năng gặp Người. Cuộc gặp gỡ thân tình nhất, là gặp gỡ qua lời cầu nguyện, vì khi cầu nguyện là ta tâm sự với Chúa và lắng nghe Chúa nói với ta, thân thiết gần gũi như một người Bạn. Cầu nguyện để càng ngày càng nhận biết Đức Giê-su là Ai đối với bản thân mình.
“Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Chúa Giê-su đã đổi tên cho ông Si-mon và cho ông một tên mới là Phê-rô. Việc đổi tên đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời. Phê-rô là Tảng Đá. Giáo Hội của Đức Giê-su đặt nền trên chính Tảng Đá ấy. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội luôn đứng vững đã hai ngàn năm, và sẽ còn vững vàng cho tới khi Chúa Giê-su đến trong vinh quang.
Khi lĩnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã chọn Chúa Giê-su là IDOL, là LÝ TƯỞNG cho đời mình. Xin cho chúng ta luôn trung thành với lựa chọn ấy.