Món “ăn năn” – CN II MV A
Có một món ăn các nhà hàng nhiều sao không quen thết đãi, nhưng những quán ăn tôn giáo lại xem như đặc sản của mình. Món ăn ấy người đời không quen thưởng thức, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến ăn như một thứ lương thực sớm tối. Món ăn ấy không có trong thực đơn của những đầu bếp trứ danh nhưng luôn gặp thấy trên bàn ăn của Giáo Hội lữ hành. Món ăn ấy đơn giản lắm nhưng lại là món ăn có đầy đủ mọi hương vị chua cay mặn chát ngọt bùi của quá khứ hiện tại tương lai. Món ăn chữa bệnh nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng tâm linh. Món ấy là món gì?
Thưa đó là món “ăn năn sám hối”, một món ăn màu tím truyền thống của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, cũng là món ăn hữu ý được nhìn qua trang Tin Mừng hôm nay. Nhưng để tránh dị ứng hoặc phản ứng phụ, đồng thời để tận hưởng những hiệu quả bổ dưỡng, trang Tin Mừng đề nghị ta những động tác quan trọng để hưởng dùng món “ăn năn sám hối”.
1) Động tác thứ nhất là chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình.
Đây là động tác mở đầu trong tiến trình ăn năn sám hối, cũng là động tác mở đầu cho bất cứ một sinh hoạt phượng tự nào khi con người tiếp cận với Thiên Chúa: ta vừa mở đầu Thánh Lễ với tâm tình thú tội ăn năn. Chính Chúa Giêsu ngày trước cũng đã mở đầu sứ vụ công khai của Người bằng lời kêu gọi không quên “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”. Và ngay Gioan Tẩy Giả cho dẫu trong hoang địa nắng cháy khô cằn chẳng có gì ăn, cũng hô vang đồi núi: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần trong không gian và cũng vì Nước Trời đã gần đến trong thời gian.
Động tác “nhìn nhận tội lỗi” trong mắt nhìn của những kẻ xa lạ với Tin Mừng có thể là một thứ tâm lý xa rời thực tế theo kiểu “không ai bắt lỗi ngu gì mà thú nhận”; nhưng đối với những kẻ tin vào Phúc Âm đó lại là hai mắt nhìn của một tấm lòng chân thành: một mắt nhìn vào mình để nhận ra thân phận mình tội lụy và một mắt nhìn lên Chúa để nhận lấy lòng thương bao dung tha thứ của Ngài. Ta nhận mình có tội bởi ta đã nhìn vào tình thương của Chúa từ hồi nào. Ta nhận ra Chúa yêu ta bởi ta đã nhìn thấy từng ngày lỗi tội của mình.
Như vậy, “nhìn nhận tội lỗi” chính là động tác mở đầu của món “ăn năn sám hối”, cũng là động tác mở về tình thương của Thiên Chúa và mở vào kho tàng thiêng liêng chất chứa ơn tha thứ do Thiên Chúa thết đãi con người. Tự căn bản, xưng thú tội lỗi của mình cũng là tuyên xưng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
2) Động tác thứ hai được gặp thấy trong lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”.
Có thể có ai đó ngẩn ngơ thầm nghĩ: “Ơ hay, cái ông Gioan Tẩy Giả này mới thật là ngớ ngẩn, sám hối như trong động tác thứ nhất tự nó đã là một việc lành rồi, cần phải làm thêm việc lành khác nữa sao? Vẽ chuyện!”. Xin thưa rằng ông Gioan Tẩy Giả không ngớ ngẩn đâu, ngược lại, trong lời kêu gọi đơn giản của ông đã hàm chứa những ý nghĩa đẹp đến độ ngẩn ngơ cho một lòng ăn năn tích cực và đích thực.
Lòng ăn năn tích cực không dừng lại trong ý thức nhìn nhận tội lỗi của mình, bởi nếu chỉ có thế nó có nguy cơ biến dạng thành một thứ dày vò lương tâm bất bình bất ổn bất an bất toàn; hay thành một thứ hối hận theo tự điển tra ngược, là “hối thì ít mà xem ra hận lại nhiều!”. Không phải thế, lòng ăn năn tích cực là cả một tâm tình sống ơn tha thứ, sống do ơn tha thứ và cũng sống cho ơn tha thứ, có nghĩa là một sức sống được chuyển dịch một cách cụ thể qua những việc lành mọi lúc mọi nơi cho Chúa và cho anh chị em mình.
Đó cũng là lòng ăn năn đích thực không đồng hóa với một thứ tình cảm chợt đến chợt đi, bởi nếu chỉ có thế nó có nguy cơ biến dạng thành một thứ cảm tình vị kỷ theo kiểu làm việc lành cho “sướng”, thế thôi, trong khi lòng ăn năn đích thực gọi đến một phẩm cách, một trách nhiệm. Gioan Tẩy Giả không bảo làm việc lành cho “sướng” mà hãy làm việc lành cho “xứng” với lòng sám hối.
3) Động tác thứ ba để thưởng thức món “ăn năn”, đó là khiêm tốn đợi chờ Đấng đang đến.
Đấng ấy không phải là người xa lạ, mà là một THỰC KHÁCH viết hoa viết đậm của mọi Kitô hữu quanh bàn “ăn năn”. Đấng ấy là Đức Kitô đã đến lần thứ nhất trong lịch sử với ngả nghiêng cây Thập Tự, sẽ đến lần thứ hai ngày cánh chung với sự công chính và nền hòa bình viên mãn, và Người đến từng ngày cho tất cả những ai khiêm tốn đợi chờ với lòng sám hối.
Thảo nào trang Tin Mừng hôm nay nói nhiều đến từ ngữ “dọn đường và sửa đường”. Dọn đường bởi vì Đấng ấy đang trên đường đến với ta và sửa đường “quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống” là bởi vì Người chỉ thích đến với ta trên đường công chính.
Hiểu như thế, ăn năn không phải là ăn điều gì khác hơn là ăn chính Đấng đang đến: Chúa Kitô. Chính Người là đích điểm của việc sám hối. Vắng Người là thiếu tất cả: việc sám hối có thể co cụm lại như một thứ nghi thức thực hiện cho yên lương tâm; nhưng có Người là có tất cả: việc sám hối bấy giờ sẽ trở nên một mạch nguồn sức sống mới trong Thánh Thần. Nói cách khác, lòng người sám hối Mùa Vọng ví tựa những căn phòng, quá ngổn ngang chật hẹp, Chúa Kitô sẽ không thể chen chân bước đến; nhưng ngược lại biết dọn dẹp sạch sẽ thẳng ngay, Người sẽ ung dung tìm vào như vào trong căn hộ của mình.
Tóm lại, dẫu chẳng phải là “người có tâm hồn ăn uống” mà chỉ vì cái phong phú và lắt léo của tiếng Việt, nên đã xin chia sẻ Phúc Âm hôm nay qua dạng thức của một món ăn: món “ăn năn sám hối” với ba động tác: nhìn nhận tội lỗi, thực hiện việc lành và chờ đợi Chúa đến; một cách trực tiếp là họa lại lời Gioan Tẩy Giả vang lên trong trang Tin Mừng, một cách gián tiếp là lòng hẹn lòng hãy tìm đến món “ăn năn” qua việc sống Bí tích Hòa Giải.
Đó không phải là món ăn mới nhưng luôn có diệu cảm mới dành cho những ai biết ăn đúng cách. Đó không phải là món ăn lạ, nhưng luôn là những phép lạ tâm linh dành cho những ai biết ăn đúng liều lượng. Đó không phải là món ăn đặc sản chỉ thết đãi trong thời gian cao điểm như Mùa Vọng Mùa Chay, mà là món quanh năm ngày tháng mở cửa cho hết mọi người bất kể giàu nghèo lớn bé. Đó không phải là món ăn cầu kỳ trong các nhà hàng quý tộc, mà thực ra là một nhịp cầu vô cùng kỳ diệu dẫn ta ra khỏi tình trạng tối tăm và dẫn ta bước tới đời sống thánh ân.
Mười năm trước khi kinh tế còn khó khăn, trên đường đi hằng ngày thấy xuất hiện những tấm bảng hiệu nhận phục hồi những cơ phận máy móc, tôi đã có ý nghĩ nên ghi trên tòa Hòa Giải một tấm bảng hiệu nhận “phục hồi sự sống các tâm hồn”. Hôm nay, thời kinh tế mở cửa, trên đường từ chợ Bến Thành về đây thấy nhan nhản những bảng hiệu của các quán ăn đặc sản, từ Hương phố tới Hương đồng, từ Hương xưa tới Hương rừng lao xao. Tôi nghĩ có lẽ phải ghi trên tòa Hòa Giải tấm bảng khác thôi: Hương thiêng đặc sản tâm hồn, món “ăn năn” dẫn đến nguồn thánh ân.