Niềm nở tiếp đón người tội lỗi
Ngày 13/05/1981 giữa lúc hàng chục ngàn người chen chúc nhau tại công trường Thánh Phêrô để đón Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên làm mọi người đứng tim, Đức Thánh Cha đã ngã gục trên chiếc xe mui trần, máu vọt lên tung tóe. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: một vị Giáo hoàng bị mưu sát. Ali Agca, hung thủ tội ác, bị bắt ngay tại chỗ. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này bị giam tại nhà tù Rebibbia ở Rôma, cả thế giới kinh hoàng về tội ác tầy trời này. Năm 1984, thế giới còn kinh ngạc hơn nữa: Đấng bị thảm sát đã đến nói chuyện với kẻ sát hại mình. Không ai biết hai bên nói gì. Nhưng người ta rất cảm động thấy Đức Thánh Cha bắt tay Ali Agca với nụ cười rất trìu mến.
Đây là hình ảnh sống động nhất về tình yêu Đức Giêsu niềm nở đón tiếp các tội nhân. Đức Thánh Cha, vị đại diện Đức Giêsu, bị bắn gục, vẫn tỏ lòng rất nhân từ đối với kẻ tội ác. Ali đã nhập vào đoàn hành hương của đoàn chiên hiền lành đang vui mừng chào đón chủ chiên đến thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng tinh thần đoàn chiên bằng lời hằng sống. Ali như con chiên ghẻ, như đứa con phung phá, xô đến giết chủ chiên, giết cha mình, nhưng người cha hiền, người mục tử nhân hậu đã sẵn sàng liều chết đến cứu đứa con hư, sẵn sàng tha thứ, hòa giải và vui mừng ôm lấy đứa con trở về.
Bài Tin Mừng nói lên tình yêu của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi qua ba dụ ngôn: Chiên lạc, đồng tiền mất và đứa con đi hoang. Mỗi dụ ngôn diễn tả một sắc thái đậm tình sâu thẵm.
1- Dụ ngôn chiên lạc: Ông chủ có 100 con chiên, chỉ lạc một con giữa cảnh bao la rừng núi, biết đâu mà tìm, thế mà với đôi chân trần đạp trên sỏi đá, gai gốc, ông đã chạy lang thang khắp nơi để tìm con chiên lạc. Một con sánh với 99 con còn lại thì chỉ như số không, không đáng gì, đâu có làm ông nghèo đi chút nào! Việc làm của ông chứng tỏ hùng hồn rằng: Bất cứ giá nào, ông cũng không để mất, dù một con. Một con được ông cho giá trị như 99 con. Nó giống như Đại tướng bất cứ giá nào cũng không để chết đi một người lính quèn, một người lính được coi như cả một đoàn quân. Chết một tên lính gác, có thể chết cả đoàn quân.
Đức Giêsu như chủ chiên, mỗi người dù chẳng đáng gì, nhưng đều được Người thương yêu đặc biệt nhưng không. Người cứu độ từng người với bất cứ giá nào. Người thương một người tội lỗi như yêu tất cả các thánh. Người đánh giá mạng sống mỗi người hơn tất cả lời lãi thế gian. Vì thế, “cả triều thần thiên quốc, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Đức Giêsu còn đặc biệt tôn trọng từng người tội lỗi: Người ăn uống với họ, tọa đàm với họ và còn vui mừng vác họ lên vai.
Thực ra, tình yêu Thiên Chúa đối với con người không thể so sánh với bất cứ dụ ngôn nào được. Chủ với chiên cũng chỉ là loại thụ tạo, còn Thiên Chúa với con người cách xa nhau vô cùng. Thiên Chúa là Đấng tạo hóa, con người là thụ tạo. Thiên Chúa thánh thiện cao sang vô cùng, con người tội lỗi và thấp hèn như bùn đất. Thế mà, Thiên Chúa đã bỏ trời vinh quang xuống thế chịu chết, cứu vớt con người. “Tình yêu của Thiên Chúa đối với tội nhân không ai hiểu thấu”.
2- Dụ ngôn “Người phụ nữ có mười đồng bạc, chẳng may đánh mất một đồng”. Chúng ta tiếp tục chiêm ngưỡng một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa đối với tội nhân. Ở dụ ngôn chiên lạc, con số 1 cực kỳ nhỏ mọn so với số 99 cực kỳ lớn lao. Còn ở đây 1 so với 10 khá quan trọng. Nếu gói gọn cuộc đời của bà vào 10 đồng: Mất 1 đồng là mất sống một ngày, chỉ còn sống chín ngày. Vậy mất một đồng là một thiệt hại lớn đến chừng nào! Thiên Chúa mất đi một linh hồn là Thiên Chúa mất đi một ngày sống, chỉ còn chín ngày nữa thôi. Dụ ngôn nói lên sự khẩn thiết của con người được sống trong tình yêu thương Thiên Chúa. Thiên Chúa coi con người thiết yếu cho sự hiện diện tình thương của Thiên Chúa, giáo lý dạy: Con người không thêm gì cho vinh quang và hạnh phúc nội tại của Thiên Chúa. Nhưng theo dụ ngôn này, mỗi người chiếm một địa vị thiết yếu trong tình yêu của Thiên Chúa đến chừng nào! Nếu không có bệnh nhân, thì đâu có thầy thuốc. Nếu không có tội nhân, thì đâu có tình thương cứu độ nữa. Một kẻ tội lỗi như Phaolô trở lại, quan trọng đến chừng nào cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã tâm sự với môn đệ Timôthêu rằng: “Trước kia, cha đã từng nói phạm thượng, ngược đãi và lăng nhục Người. Thế mà Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà người thứ nhất là cha. Sở dĩ cha được thương xót là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng khoan dung của Người, trước hết nơi cha, mà đặt cha làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời”. “Ôi tội Adam cần thiết thay để Thiên Chúa ban Đấng Cứu độ trần gian”
3- Dụ ngôn: Một người kia có hai con trai, nói lên tình yêu Thiên Chúa càng tuyệt diệu hơn nữa đối với người tội lỗi. Người cha có hai con trai: một đứa đi hoang, một đứa ở nhà chẳng coi cha ra gì, lại ghen ghét giận dữ cha và muốn đứa em chết đi. Thế là người cha kể như mất cả hai con. Ông sẽ bị rêu rao là kẻ bạc phước, neo đơn, cô độc, tuyệt tự. Ông không còn được ai gọi là cha nữa.
Nếu xếp cả nhân loại vào hai hạng đứa con đó, thì Thiên Chúa không còn ai để ca tụng Thiên Chúa là Cha nữa, vì “nơi cõi chết, ai nhớ đến Người; chốn âm ty, ai sẽ chúc tụng Người (Tv. 6,6). Hơn nữa, quỷ sẽ rêu rao xỉ nhục Người như Môsê đã nói với Chúa rằng: “Chúa đã đưa dân này ra khỏi Ai Cập … mà lại tiêu diệt chúng … thì Ai Cập sẽ rêu rao rằng: Chúa đã manh tâm đưa chúng ra đi để giết chúng nơi sơn cước và tận diệt chúng khỏi mặt đất” (Xh. 7, 12 Bài đọc II).
Không, không bao giờ, tình yêu của Thiên Chúa không cho phép xẩy ra như vậy, vì “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc. 20, 38). Thiên Chúa đã dựng nên và cứu độ con người để họ được sống vinh quang hạnh phúc muôn đời, để tình yêu Thiên Chúa được cả sáng.
Lạy Chúa, Chúa đã ban phúc cho chúng con nhưng không. Xin cho chúng con biết trao lại cho nhau nhưng không. Mạng sống của chúng con thiết yếu nhờ vào sự cứu độ của người khác, xin cho mọi người chúng con cứu độ nhau để chúng con được cứu độ và tôn vinh lòng thương xót của Chúa đến muôn đời.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)