T3. Th9 10th, 2024

Tôi Trung Của Thiên Chúa

Tôi Trung Của Thiên Chúa 
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích ý nghĩa việc Chúa Giêsu chịu phép rửa như sau. Đó là: “Biến cố được các thánh sử xem như là khởi đầu thừa tác vụ của Đấng Thiên Sai. Sứ mạng của Chúa Kitô đã được khai mạc như vậy và sẽ được hoàn thành trong mầu nhiệm Vượt Qua, trong đó, Chúa Kitô cất đi tội lỗi của thế gian, bằng cái chết của Người trên thập giá” (Bài giảng lễ CG chịu phép rửa 09/01/2005). Từ đó Ngài nhấn mạnh: “Sứ mạng người Kitô hữu cũng bắt đầu với Bí tích Rửa tội”. Cũng chính vì thế mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm vào mầu nhiệm Năm Sự Sáng trong chuỗi Mân Côi: “Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.”

Như vậy ta biết được ý nghĩa của ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vừa nhắc ta thời đại Thiên Sai đã bắt đầu, ơn cứu độ đã được Đức Giêsu khai mạc tại sông Giođan ; vừa để Kitô hữu nhớ lại Bí tích Rửa tội của mình mà lo sống xứng đáng là con cái Chúa.

Những vị nguyên thủ quốc gia hoặc những nhà lãnh đạo thường có những câu nói để định hướng chương trình hành động của họ trong ngày nhậm chức hoặc khởi đầu sứ vụ. Trong bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ Donald Trump, ông đã nói: “Cùng nhau, chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Những gì ông đang làm cho nước Mỹ trong gần hết nhiệm kỳ có thể hiện “nước Mỹ vĩ đại trở lại” hay không có lẽ mỗi người đều nhìn thấy. Trong bài giảng lễ nhậm chức của Đức Thánh Cha Phanxicô 19/03/2013, Ngài cũng đã nói lên đường hướng của Ngài qua hình ảnh Thánh Giuse bảo vệ Đức Maria và Hài Đồng Giêsu: Bảo vệ toàn thể tạo vật, bảo vệ mỗi người, đặc biệt là những người nghèo nhất, bảo vệ chính chúng ta: đây là một phục vụ mà giám mục của Rôma được gọi để làm, nhưng là một phục vụ mà tất cả chúng ta đều được gọi, để ngôi sao hy vọng sẽ chói sáng. Chúng ta hãy bảo vệ, với tình yêu, tất cả những gì Chúa đã cho chúng ta.” Và Ngài đã bảo vệ Giáo hội một cách kiên cường cho đến ngày hôm nay.

Trong ngày khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu, lời Chúa qua các tiên tri đã chuẩn bị từ xưa và bằng chính xác quyết của mình, Đức Giêsu không công bố chương trình hành động của Ngài, không nói Ngài làm gì, nhưng cho biết Ngài là gì.

Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ I nói: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến” (Is 42, 1a). Sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế không phải trong tư cách là “ông chủ”, là người chỉ huy, nhưng đơn giản là “người tôi trung” của Thiên Chúa.

Điều đó được Đức Giêsu thể hiện rõ ràng khi Gioan từ chối làm phép rửa cho Ngài, Ngài đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3, 15). Như vậy công chính theo cái nhìn của Đức Giêsu là thực hiện đúng vai trò của mình.

Hành động của Đức Giêsu được Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17). “Người tôi trung” là người luôn thi hành đúng bổn phận, vai trò, chức năng của mình.

Xin nhắc lại, trong ngày chịu phép rửa, khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai, khai mào cho ơn cứu độ, Đức Giêsu không nói mình sẽ làm gì như những nhà lãnh đạo khác; nhưng cho biết Ngài là ai: Ngài là tôi trung của Thiên Chúa.

Theo Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh: “Tước hiệu Tôi Tớ được ban cho những người mà sứ mạng liên hệ luôn luôn với dân được chọn… Sự tuyển chọn tất cả những tôi tớ ấy tựu trung là để làm cho dân trung thành với việc phụng sự mà Thiên Chúa chờ đợi nơi họ” (ĐNTHTK, Tr. 267)

Đức Giêsu là Tôi Tớ của Giavê, là Tôi Trung của Thiên Chúa vì sứ mạng của Ngài gắn liền với con người, để giúp họ trung thành với việc thờ phượng Chúa cho phải đạo làm con. Nhờ ý thức sứ mạng Tôi Trung, nên cuộc đời của Ngài luôn gắn liền với Chúa Cha và hướng đến con người, vì thế hành động của Ngài đều là hành động cứu độ.

Trong ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay, cũng nhắc nhở ta về Bí tích Rửa tội mình đã lãnh nhận, để một lần nữa ý thức lại tôi là ai?

Người Kitô hữu không phải quan trọng là họ làm gì, nhưng quan trọng hơn chính là việc họ là ai? Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Kitô hữu được trở thành con Thiên Chúa và anh chị em với mọi người.

Vinh dự lớn lao nhất của con người là được làm con Chúa. Họ không phải chỉ là xác thịt, là vật chất để rồi phải chết, phải hư thối, phải mục nát đi; mà còn là Thần Khí, là linh thiêng để được sống đời đời. Tư cách của Kitô hữu không phải chỉ là công dân ở một quốc gia, mà còn là công dân của Nước Trời. Tự hào của Kitô hữu không phải chỉ là sống và làm những việc bình thường, mà còn là được cộng tác với thần linh… Nói cách khác chúng có một giá trị cao hơn những con người bình thường khi được làm con cái Chúa.

Điều quan trọng là Kitô hữu phải luôn ý thức để giữ được sự trung thành. Người tôi trung là người luôn làm đẹp lòng Chúa Cha chứ không phải làm được những việc lớn lao để kể công. Kitô cũng không cần khoe thành tích cho bằng luôn nhớ mình là con cái Chúa. Vì là con cái Chúa nên tôi thờ phượng Chúa chứ không khoe khoan thành tích đọc kinh xem lễ. Vì là con cái Chúa nên tôi thăng tiến bản thân cho tốt đẹp hơn mỗi ngày chứ không khoe khoang mình đạo đức, giỏi giang. Vì là con cái Chúa nên tôi nhẫn nhịn với anh chị em chứ không khoe khoang mình hiền lành, chịu đựng. Vì là con cái Chúa nên tôi sống bác ái, muốn chia sẻ với mọi người chứ không khoe khoang mình là nhà hảo tâm, từ thiện… Làm mọi việc vì tư cách con cái Chúa sẽ tốt đẹp hơn muốn làm mọi thứ vì tôi có đạo.

Từ sự trung thành với Chúa sẽ giúp ta trung thành với những điều khác. Ví dụ vì trung thành với Chúa nên tôi mới trung thành với Bí tích Hôn Phối. Vì trung thành với Chúa nên tôi mới trung thành với thánh chức Linh mục và lời khấn dòng…

Đối với nhiều người hiện nay không còn sống đạo nữa là vì họ không có sự trung thành với Chúa. Mọi lý do chỉ là sự ngụy biện.

Ước gì mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, mỗi người chúng ta tự hào được trở thành con cái Chúa, và ý thức hơn để sống trung thành với Chúa trong tư cách làm con. Từ đó xin Chúa nâng đỡ cuộc sống của mỗi chúng ta để chúng ta làm mọi việc cũng chỉ vì mình là con cái Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *