Vương quốc tình yêu – CN V PS C
Lịch sử nhân loại đã mở đầu bằng sáng tạo thì sẽ kết thúc bằng tái tạo (sáng tạo mới).
Người ta vẫn thường dùng chữ tận thế để diễn tả sự tan vỡ của lịch sử và vũ trụ vật chất. Sự tan vỡ, sự tận thế là điểm tất yếu để cho thế giới mới xuất hiện. Tận thế, theo cách nói, cách diễn đạt của con người chính là giây phút quặn đau để chấm dứt cõi tạm và đưa vào con người vào cuộc sống mới (Rm 8, 21.22; 2 P 3, 10.13; Kh 21, 1.5)
Gioan đã được “ơn” để thấy vũ trụ thời cánh chung. Trời cũ đất cũ đã qua đi. Cách riêng, biển là nơi ủ ấp những sự dữ cũng sẽ không còn nữa. Một trời mới đất mới sẽ xuất hiện để thay cho trời cũ đất cũ. Một Giêrusalem mới tự trời cũng sẽ xuống và chỉnh tề như một tân nương. Hội Thánh mới là dân Thiên Chúa sẽ xuất hiện đó là mỗi người chúng ta. Tất cả trong tư thế sẵn sàng để đón chờ đức lang quân. Người đến đó chính là Thiên Chúa và Thiên Chúa ở cùng họ. Với tình thương, Thiên Chúa sẽ lau khô giọt lệ trên khuôn mặt của họ. Chúa sẽ khử trừ sự chết. Thiên Chúa phán: này Ta làm mới mọi sự.
Thế giới mới, cuộc sống mới mà Thiên Chúa hứa này hoàn tất mọi lời hứa và công trình của Ngài. Ơn cứu độ đã hứa, đã chuẩn bị một thời gian thật dài trong lịch sử nay hoàn thành. Chúa Giêsu là thủ lãnh của vạn vật tập họp tất cả trong Ngài và Ngài trong tư cách là con trao lại Thiên Chúa Cha để như lời Chúa Giêsu nói là tất cả mọi sự là của Cha.
Thế giới mới này đã được hoàn tất và sẽ phục hồi tất cả những gì đã mất, đã hư hỏng để công trình cứu độ của Thiên Chúa hoàn thành. Thế giới mới này không chỉ phục hồi tình trạng nguyên khởi của nhân loại mà còn tiến xa hơn, đạt tới viên mãn hơn. Tất cả cái xấu bị loại bỏ. Cái bất toàn được cải thiện và nâng cao. Cái tốt do lòng tin – cậy – mến được giữ lại làm chất liệu để xây dựng trời mới đất mới.
Niềm tin để xây dựng trời mới đất mới được Phaolô và Banaba nhắc nhở cho mọi người.
Phaolô và Banaba đi rao giảng Tin mừng. Khởi đầu từ Antiôkia là nơi Thánh Thần “thổi hơi” cho các ông và mời gọi các ông đi rao giảng. Các ông đã đi từ thành này sang thành khác, đảo nọ sang đảo kia với biết bao nhiêu khó khăn vất vả, lo lắng, sỉ nhục và thậm chí còn bị cầm tù. Thế nhưng vượt trên tất cả những khó khăn ấy lại là niềm vui vì danh Chúa và cứu độ các linh hồn. Lòng các ông dần dần thay đổi. Các ông yêu những người các ông được sai đến như Chúa Giêsu đã yêu các ông. Các ông đã thực thi giới răn mới nhận được từ Chúa. Vì thực thi như vậy, những ai tiếp xúc, những ai gặp gỡ nhìn thấy nơi các ông hình ảnh của Chúa Giêsu.
Cuộc đời của các tông đồ quả là cuộc đời đầy gian nan khốn khổ ấy vậy mà các ông lại để giờ khích lệ và khuyên nhủ người ta giữ vững đức tin “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” Các môn đệ có lẽ phần nào giống như Thầy của mình trong bàn Tiệc Ly. Dù biết phải đón nhận đau khổ, đón nhận cái chết trên thập giá nhưng lại bảo các môn đệ giữ vững niềm tin. Các môn đệ mời gọi con người ta đi theo con đường hẹp, đi theo con đường thập giá.
Đó là niềm tin. Niềm hy vọng thì qua thánh Gioan tông đồ, chúng ta được mời gọi để chờ đợi cái ngày trời mới đất mới đến. Trời mới đất mới mà Gioan thấy cũng chỉ là trong viễn tượng và là viễn tượng của lòng tin. Nếu không hy vọng vào trời mới đất mới đến thì sẽ nản lòng và cứ mãi bám vào cái cũ, bám vào cái trời cũ đất cũ mà con người đang sống. Để có một niềm hy vọng vào lời của Gioan không phải là chuyện đơn giản.
Thêm một bậc nữa để sống trong trời mới đất mới đó là tình yêu, đó là lòng mến. Tình yêu và lòng mến đó ngày hôm nay Chúa Giêsu đã trình bày hết sức rõ ràng trong Tin mừng theo Thánh Gioan
Chúa Giêsu biết trước cái ngày mà Ngài phải ra đi nhưng rồi Ngài loan báo cách hiện diện mới mẻ của Ngài. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Và thánh Gioan quảng diễn như sau: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1 Ga 4,12).
Vâng, tình yêu đích thực là một “sự hiện diện thực sự” của Thiên Chúa. “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Chúa Giêsu hiện diện giữa những người cùng nhau cầu nguyện (Mt 18-20). Những gì các người đã làm (cho ăn, cho mặc, viếng thăm, săn sóc) cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là “các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Chúa Giêsu luôn hiện diện trong mọi người đang cần đến tôi và tôi đang phục vụ (Mt 25,31-46).
Nếu thực là thế! Nếu thực là “Thiên Chúa đã chết”, thì sự vắng mặt của Thiên Chúa trong thế giới hiện tại chỉ là hiện tượng tình yêu đã chết”. Nhưng hãy để ý, vì tiếng nói lừa dối của thế giới hiện đại không ngừng thay đổi giọng điệu với ta, qua những làn phát sóng, trong mọi thứ quảng cáo. Người ta chỉ bàn luận, chỉ ca ngợi “tình yêu”. Nhưng là thứ tình yêu nào chứ? Éros hay Agapè, “tình yêu bản thân” hay “tình yêu kẻ khác”? tình yêu là từ hàm hồ nhất, giả dối nhất. Khi chúng ta nói: “Tôi thích bánh bía Sóc Trăng!”… chúng ta có thích nó thực sự hay chúng ta sử dụng nó nhằm thoả mãn cho lợi ích của chúng ta? Khi chúng ta yêu một người nào đó, chúng ta có yêu họ theo cách đó… nghĩa là chỉ vì chúng ta hay vì họ? Ngôn ngữ Hy Lạp ít hàm hồ hơn, vì có hai từ khác biệt nhau để diễn tả hai thực tại yêu thương đối nghịch nhau:
– Éros: Yêu mình… đó là tình yêu lợi dụng kẻ khác đến hủy hoại họ.
– Agapé: Yêu tha nhân… đó là tình yêu sẵn sàng hy sinh cho kẻ khác.
Chúa Giêsu nói: như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy thương nhau. Với một từ “như” hết sức đơn giản… nhưng đã vạch trần mọi hình thức tình yêu giả tạo của chúng ta dễ dàng lặp đi lặp lại.
Yêu như Chúa Giêsu yêu! Đó là quỳ gối xuống rửa chân cho anh em mình, một cử chỉ phục vụ thấp hèn nhất (Ga 13,14). Đó là việc Chúa Giêsu vừa làm. Yêu như Chúa Giêsu yêu! Đó là “hiến mạng sống cho kẻ mình yêu thương” (Ga 10,11-15,13). Đó là điều Người sắp thực hiện, vào ngày mai, trên thập giá.
Chúa Giêsu nói với thánh nữ Angèle de Foligno: “Việc cha yêu con, đâu phải trò đùa”. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã dẫn Người đến thái độ hoàn toàn từ bỏ bản thân mình.
Để yêu tha nhân đúng như con người, và nhận biết họ trong chính sự “khác biệt” của họ, chúng ta cần từ bỏ quan niệm coi mình là trung tâm mọi giá trị. Đối với Thiên Chúa, tình yêu tha nhân đã dẫn Chúa Giêsu chấp nhận thập giá Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi yêu thương họ, trong cả khả năng thụ tạo nhầm lẫn của họ. Khả năng đó, “kẻ khác” đã chiếm hữu trong tự do của họ, để phủ nhận tôi, trở nên một địch thù với tôi, và kết án tử hình tôi!
Đối với Chúa Gỉêsu, tình yêu không phải là cái gì cứ lặp đi lặp lại cách dễ dàng và nhàm chán đến độ vô nghĩa. Mọi người xem ra đều nói đến yêu thương. Thế mà, Chúa Giêsu quả quyết, giới răn của Người thì mới mẻ. Phải, yêu như Chúa Giêsu hẳn là phải rất độc đáo, rất mới lạ. Đó là một thứ luân lý mới. Người ta không khi nào biết được nơi mà tình yêu đó dẫn bạn tới.
Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: “là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Vỏn vẹn với 3 dòng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ba lần lặp lại điệp khúc: Yêu thương nhau. Sự lặp lại rất có ý nghĩa. Nhờ đó, Người đã gợi lên ba lý do bổ sung cho nhau, khiến chúng ta phải yêu thương.
Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”.
Đó là gương mẫu của Chúa Giêsu: “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Sau cùng, đó là dấu chỉ Chúa Giêsu: “Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu…”.
Như vậy, Chúa Giêsu thực sự mời gọi các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Người, lúc Người rời bỏ thế gian. Tình yêu huynh hệ là “thể thức” thực sự, giúp Đức Kitô tiếp tục hiện diện suốt dòng “Thời gian cuối cùng”, mở đầu bằng cài chết của Người. Gioan đã không thuật lại việc lập phép Thánh Thể, như ta mong đợi. Nhưng bù lại, ông đã tường thuật việc rửa chân ” và trao ban “giới răn mới quan trọng” như thể dưới mắt ông, Tình yêu là một tái diễn sự Hiện Diện đích thực của Đức Kitô, cũng thực sự và hữu hiệu, như dấu chỉ hữu hình, của Bí tích Thánh Thể. Nhằm bổ sung những gì mà các thánh sử khác không nói đến, có thể nói thánh Gioan đã giảm thiểu tính thiêng thánh của nghi thức, để đề cao nội dung hơn”. Theo thánh Mát-thêu, Máccô và Luca, Chúa Giêsu nói: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp, và Máu Thầy sẽ đổ ra”. Còn theo Gioan, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy rửa chân cho anh em, Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nhưng, đó cũng chính là “sự hiện diện” có tình nghi thức và thực sự. Có một điều gì đó chất vấn mạnh mẽ các Kitô hữu khi tham dự thánh lễ. Dấu chỉ mà người ta nhận ra môn đệ Chúa Giêsu không chỉ là Thánh lễ. “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Chúa Giêsu từ vương quốc Tình Yêu đến và Ngài lại trở về vương quốc Tình Yêu. Ngài đã mở đường bằng Tình Yêu và những ai yêu thật sự như Chúa Giêsu yêu sẽ có một chỗ trong vương quốc Tình Yêu ấy.
Muốn có chỗ trong trời mới đất mới hay vương quốc Tình Yêu của Chúa Giêsu thì ngay trong cái cõi tạm, ngay trong cái trời cũ đất cũ này con người phải sống niềm tin, niềm hy vọng và đặc biệt tình yêu mà Chúa Giêsu đã sống.
Lm. Anmai.