T4. Th9 18th, 2024

Y Phục Dự Tiệc Cưới – CN XXVIII TN A

CN XXVIII Thường Niên A – 2020
Y Phục Dự Tiệc Cưới

Người xưa có câu: “Y phục xứng kỳ đức”. Một người đứng đắn phải ăn mặc cho xứng hợp. Xứng hợp đây không chỉ là kiểu dáng bên ngoài hợp thời trang, hợp hình thể; mà còn phải hợp với bối cảnh nữa. Không thể mặc áo dài khi đi ngủ, hoặc mặc vest để ra đồng làm ruộng, và càng không thể mặc đồ tắm đến nơi tôn nghiêm.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn ra trong bối cảnh Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem với tư cách Đấng Messia của Thiên Chúa. Thế nhưng những người biệt phái và Pharisêu thì phủ nhận uy quyền của Ngài, nên khi thấy Ngài giảng dạy và làm những dấu lạ, họ đã chất vấn: “Ông lấy quyền gì mà làm những điều đó?” Trong bối cảnh gay cấn như vậy, Đức Giêsu kể cho họ nghe một loạt 3 dụ ngôn như một lời cảnh báo, trong đó có dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe kể về việc nhà vua mở tiệc cưới cho hoàng tử, nhưng khách được mời không ai đến. Nhà vua sai người đi mời một lần nữa, họ cũng từ chối. Cuối cùng vì tiệc đã dọn sẵn sàng nên nhà vua kêu gia nhân đi mời tất cả mọi người ngoài đường vào dự tiệc. Dụ ngôn nói về thái độ từ chối hạnh phúc Nước Trời mà Thiên Chúa ngay từ đầu đã có ý định ban cách riêng cho dân Do Thái. Nhưng chính vì họ khước từ nên họ đã không được hưởng hạnh phúc đó. Thiên Chúa đã mời gọi tất cả mọi người, trong đó có chúng ta đến hưởng hạnh phúc Nước Trời với Ngài, hạnh phúc mà những người biệt phái và Pharisêu đã khước từ.

Điều bất ngờ và kỳ cục xảy ra, chính nhà vua sai người ra đường gặp ai bất luận tốt xấu cứ mời họ vào dự tiệc, nhưng khi người ta vào rồi, nhà vua phát hiện có một người không mặc y phục lễ cưới. Nhà vua hỏi anh ta tại sao? Nếu là tôi thì tôi sẽ trả lời: “tại tôi đang đi ngoài đường, rồi ông kêu tôi vô mà!” Nhưng người này lại không nói được điều gì hết. Có nguyên do khiến anh ta phải á khẩu, nữa chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau. Chính vì vậy mà nhà vua đã sai người ném anh ta ra chỗ tối tăm bên ngoài, nơi người ta khóc lóc nghiến răng. Nói như vậy chúng ta đã biết số phận của người này ra sao rồi?

I. Y PHỤC LỄ CƯỚI

  1. Trong Tin Mừng

Dân tộc Do Thái là một dân tộc thể hiện tính cộng đồng rất mạnh nhờ những cuộc viễn chinh, thêm vào đó là yếu tố tôn giáo. Mọi sinh hoạt tôn giáo đều tập trung ở hội đường. Vì vậy hình thức bên ngoài rất được họ chú trọng. Cho nên không lạ gì thói giả hình trong dân, nhất là giới lãnh đạo, bởi vì họ muốn được người ta nhìn nhận. Cũng không lạ gì họ quá chú trọng đến những luật lệ rửa tay chân, chén bát, đeo những thẻ kinh trên trán để chứng tỏ mình thuộc nhiều kinh…

Tôi muốn nói những điều đó để chúng ta khỏi phải bỡ ngỡ khi nhà vua cho lính đi kêu những người ở ngoài đường vào dự tiệc, nhưng khi phát hiện một người không mặc y phục lễ cưới, nhà vua đã đuổi họ ra bên ngoài, vì theo phong tục họ phải mặc y phục riêng khi đi đám cưới.

Điều tôi suy nghĩ là tại sao những vị khách bất đắc dĩ lại có y phục để đi vào dự tiệc cưới? Thưa vì đây là tiệc cưới của hoàng tử, một sự kiện trọng đại của cả đất nước và được mọi người chờ đợi. Ai cũng mong muốn mình được một tấm vé để vào dự tiệc cưới, thậm chí họ còn tìm cách “đi cửa sau” để được chiếc vé đó. Tuy nhiên nhà vua chỉ mời một số khách nhất định mà thôi, vì vậy những người khác cứ thèm thuồng thôi, thèm thuồng mãi cho tới ngày đám cưới diễn ra họ vẫn còn hy vọng, họ mon men đến gần cung điện để vừa ngắm cô dâu chú rể, vừa biết đâu có ai cho mình tấm vé vào dự tiệc thì sao. Dĩ nhiên khi chờ đợi sự may rủi như vậy họ phải chuẩn bị sẵn chiếc áo dự tiệc cưới. Còn người vào phòng tiệc mà không mặc y phục dự tiệc là lỗi của anh ta. Anh ta biết muốn dự tiệc thì phải mặc y phục riêng, nhưng anh ta vẫn không chịu mặc, không phải vì anh ta không có, nhưng vì anh ta xem thường nhà vua, xem thường bữa tiệc.

  1. Trong cuộc sống

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được trao chiếc áo trắng với lời nhắn nhủ: “chiếc áo trắng này là dấu hiệu tước vị của con, con hãy giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa ĐGK để dự tiệc vui muôn đời”. Nghĩa là chúng ta đã được Giáo hội trao cho chiếc áo để đi dự tiệc cưới trong Nước Trời rồi, phần của chúng ta là phải biết gìn giữ để đến khi bữa tiệc diễn ra, chúng ta có y phục mà dự tiệc. Qua hình ảnh chiếc áo dự tiệc cưới cho chúng ta biết rằng không phải hễ là Kitô hữu, hễ được lãnh nhận Bí tích Rửa tội là được vào thiên đàng đâu, nhưng chỉ những ai có mặc chiếc áo dự tiệc mới được vào mà thôi. Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu đâu là y phục để dự tiệc cưới, chứ không phải muốn mặc gì thì mặc.

II. Y PHỤC LỄ CƯỚI LÀ GÌ?

  1. Mặc lấy tư cách làm con Chúa

Y Phục lễ cưới ở đây trước hết là tư cách làm con cái Chúa. Chúng ta phải tự hào vì mình được mặc chiếc áo làm con Chúa. Chiếc áo như dấu hiệu giúp mình ý thức và giúp người khác biết tôi là con cái Chúa. Ngày được mặc áo dòng, Cha Giám đốc Chủng viện nhắn nhủ anh em chúng tôi, chiếc áo dòng không làm nên thầy tu, nhưng mỗi khi mặc lấy chiếc áo dòng nhắc nhở cho người tu biết rằng mình đã chết cho đời, chết cho Đức Kitô; và cũng để cho người khác thấy rằng đây là ông thầy tu, để giúp ông ấy sống xứng đáng với tư cách là ông thầy tu. Cũng vậy, chúng ta phải tự hào vì mình là người công giáo và cố gắng sống cho đúng tư cách là một người công giáo, bởi vì đó là chiếc áo chúng ta đã khoác trên người ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

  1. Mặc lấy tinh thần của Đức Kitô

Mặc y phục lễ cưới ở đây còn là mặc lấy tinh thần của Đức Kitô nữa. Mà tinh thần của Đức Kitô chính là con người của Đức Kitô. Nghĩa là khi đã là người công giáo, chúng ta thuộc về Đức Kitô, nên mỗi khi muốn nói gì, làm gì, chúng ta hãy nghĩ xem Đức Kitô có muốn tôi làm như vậy không?

  1. Cởi bỏ con người cũ

Tuy nhiên để mặc lấy tư cách làm con cái Chúa, mặc lấy tinh thần của Đức Kitô thì chúng ta phải biết cởi bỏ chiếc áo cũ kỹ đang mặc, nghĩa là phải có tinh thần sám hối. Sám hối vì tư cách chúng ta không đúng với tư cách là con cái Chúa. Sám hối vì tinh thần của chúng ta không phải là tinh thần của Đức Kitô. Tư cách và tinh thần đó đòi hỏi chúng ta phải can đảm đi ngược lại với cách sống sai trái của xã hội hôm nay..

Tóm lại, chúng ta đã được mời dự tiệc Nước Trời, nhưng phải mặc chiếc áo dự tiệc mới được vào. Từ đó mời gọi chúng ta phải luôn có tinh thần hoán cải để phù hợp với tư cách là con cái Chúa và tinh thần của ĐK,vì đó là chiếc áo của chúng ta đã lãnh nhận ngày được Rửa Tội.

Xin ơn Chúa giúp để chúng ta biết nghe lời Đức Mẹ, đặc biệt trong tháng Mân Côi này, để “Ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm, siêng năng lần hạt Mân Côi”, để trang bị cho ta trang phục tử tế để dự tiệc cưới.

Lm. Giuse Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *