T3. Th9 10th, 2024

Yêu Kẻ Thù, Khó Hay Dễ? – CN VII TN C

Yêu Kẻ Thù, Khó Hay Dễ?

Khó khăn ngay từ khi nghe dạy: “hãy yêu kẻ thù”. Đã là kẻ thù nghịch với mình, làm sao có thể yêu thương, còn làm ơn cho kẻ thủ ác với mình. Điều khó khăn ấy, cần xuất phát lại từ nơi tình yêu Thiên Chúa mới có thể thực hiện được việc yêu kẻ thù.

Tại sao yêu kẻ thù.

Tình yêu là trên hết mọi sự. Thiên Chúa yêu thương con người vô điều kiện, dù con người thế nào đi chăng nữa, Thiên Chúa cũng yêu thương. Sự tốt lành của Thiên Chúa thể hiện qua tình yêu giáng thế nơi chính Chúa Giêsu. “Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8)

Yêu thương như cách người ta vẫn sống: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5, 46). Yêu kẻ thù là một đòi hỏi từ nơi Chúa Giêsu với những người tin theo Chúa. Đó là một cách đảo lộn cách suy nghĩ về đức yêu thương, không xem mình là trung tâm, mọi người xoay quanh mình, mà từ nay mọi người cũng như chính mình cần lấy Chúa làm trung tâm.

Yêu kẻ thù là một đòi hỏi đức ái cao cả, khó thực hiện nhưng cũng là một hành vi giải thoát chính mình khỏi ích kỷ hữu hiệu nhất. Thông thường ghét kẻ thù ta sẽ nuôi lòng oán hận, trả thù… Nuôi những ý định, cảm xúc tiêu cực này thôi, đã tự giam hãm mình trong cái tôi ích kỷ, buồn chán, đau khổ, xấu tính…

Khi nuôi hận thù, ta có thể nói xấu, vu oan cho kẻ ta không ưa thích, ta tìm nhiều cách làm phương hại đến kẻ thù. Dù khi ta nói với người khác về cái xấu của kẻ thù, cũng làm cho người nghe e ngại tiếp cận với ta. Sự cô lập hoặc tạo thành một nhóm chuyên nói xấu người khác, điều đó tạo thành khối ung nhọt nguy hiểm cho cộng đoàn.

Yêu kẻ thù, là một đòi hỏi về đức ái. 

Đức ái đó bắt đầu từ nơi chính mình. Ta cần nuôi dưỡng ta bằng những điều tốt lành, những sự thiện, những lòng nhân. Đó là đức ái với chính mình, khi Chúa mời gọi : “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6, 36). Có lòng nhân từ nơi chính mình là cách nuôi dưỡng điều tích cực trong đời sống, tự giải thoát khỏi những cô đơn, đau khổ do ích kỷ ràng buộc.

Đức ái khởi đi từ chính mình như ngạn ngữ La tinh viết: “Không ai có thể cho cái mình không không có”. Có điều thiện, có lòng nhân, có sự tốt lành, ta sẽ sống với người khác hài hòa cách tự nhiên, đơn giản như vốn có. Yêu thương kẻ thù lúc ấy sẽ không khó, làm ơn cho kẻ chuốc oán cho mình cũng dễ dàng.

Để nuôi dưỡng đức ái nơi mình hãy cùng sống với Chúa Giêsu. Các môn đệ khi sống với Chúa, các ngài có một kinh nghiệm sâu xa trong đời sống cầu nguyện: “Xin ban thêm cho con đức tin” (Lc 17,6). Một cách đơn sơ, đức tin thêm cho ta biết rằng “Ơn Chúa đủ cho ta” (2Cor 12, 9). Từ nguồn tình yêu sung mãn của Chúa lấp đầy những khiếm khuyết của ta, từ nguồn tình yêu vô biên của Chúa mới mở rộng những ngõ hẹp tâm hồn của ta.

Trong lời cầu nguyện: “Xin ban thêm cho con niềm tin” tự nhận ra nơi ta cần phá vỡ mọi tự hào, tự mãn, tính khoe khoang, xem thường người khác, hoặc xem mình ở trên người khác… Phá vỡ sự kiêu căng để sống khiêm nhường, để biết cảm thông, chia sẻ, hiểu biết người khác. Chúa mời gọi ta: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11,29).

Hãy yêu kẻ thù! Là bài học luyện lòng nhân, nuôi dưỡng mình bằng sự thiện, tình yêu thương, lòng bác ái, những điều tốt lành. Xin cho con thêm đức tin, để bổ khuyết nơi con những gì còn thiếu sót, khiếm khuyết trong con.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *