CN. Th10 6th, 2024

7 ơn của Chúa Thánh Thần và ý nghĩa mỗi ơn

7 ơn của Chúa Thánh Thần và ý nghĩa mỗi ơn

Những người lớn tuổi trong chúng ta, chắc hãy còn nhớ nằm lòng một câu giáo lý xưa kia về 7 ơn cả của Chúa Thánh Thần : một là ơn khôn ngoan, hai là ơn hiểu biết, ba là ơn thông minh, bốn là ơn khéo liệu, năm là ơn mạnh bạo, sáu là ơn đạo đức, bảy là ơn kính sợ Đức Chúa Trời. Còn những ai nhiều lần tham dự hoặc chủ sự ba bí tích Khai Tâm cho người lớn trong đó có ban Bí tích Thêm sức ; hay những lần ĐGM làm phép xức trán cho các em tuổi mười trở lên, thì khi chủ sự giơ hai tay trên các người lãnh nhận cũng đọc lời nguyện liệt kê 7 ơn đó:

“Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu va sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức – xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa.”

Xin thú thật mãi cho tới những năm gần đây vẫn không sao phân biệt nổi những ơn này khác nhau làm sao. Nhất là mấy ơn đầu: 1) Khôn ngoan, 2) Hiểu biết 3) Thông minh. Ba ơn này chẳng là một hay sao, tuy mức độ có chênh nhau hơn kém…Như khi người ta khen con cái mình rằng là nó nhỏ nhưng nó khôn lắm, nó thông minh lắm, nó hiểu nhanh lắm, ta thấy ba cái khen đó, nó “xêm xêm”: chẳng khác gì đầu đề một quyển sách châm biếm của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nêxin: Con chúng ta giỏi thật !

Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo” năm 1992 có nhắc tới 7 ơn này hai lần, một trong phần Nghi thức bí tích Thêm sức (số 1299) và một trong phần Hiệu quả bí tích (số 1303), nhưng chỉ liệt kê chứ không có một dòng giải thích.

Vậy muốn hiểu rõ 7 ơn Chúa Thánh Thần, ta phải coi lại bản gốc của nó : Isaia 11,2. Các nhà chuyên môn đã làm giúp ta, ta chỉ việc thu lấy kết quả của họ. Vì quả thật nếu dịch các ơn đó từ tiếng Hipri rồi Hy lạp qua Latinh, rồi mới từ Latinh chuyển qua tiếng Việt chúng ta đọc, thì thật khó lòng hiểu nổi các ơn đó muốn nói gì. Cần phải dịch lại mới sáng tỏ nội dung. Chúng ta sẽ không khởi đầu từ ơn khôn ngoan mà đi từ ơn thứ bảy, ơn dễ hiểu nhất để ngược lên tới ơn trên cùng là ơn khôn ngoan.

7- Ơn thứ bảy là ơn kính sợ Đức Chúa Trời. Đây là ơn mà đọc lên chúng ta hiểu ngay muốn nói gì. Kính sợ là úy kính, một tâm tình mà ở trần thế này con người cần có thì mới mong tránh loạn tặc. Khi một người nào đó ngang tàng, coi trời bằng vung, không biết sợ trời là gì, thì người ấy có thể làm mọi sự và thường là những điều tệ hại nhất.

6- Nhưng một ơn khác của Chúa Thánh Thần làm cho ơn kính sợ này trở nên tình yêu, đó là ơn đạo đức. Sáu là ơn đạo đức : nghe “đạo đức”, ta nghĩ ngay đạo đức là năng đi nhà thờ, năng đọc kinh lần hạt. Nhưng đó mới là những diễn tả. Đạo đức chính là Đạo làm con. Một người con năng đến với cha là người con có hiếu. Và nếu cần dịch lại thì sẽ là ơn sùng hiếu (pietas). Ơn thứ 7 cho ta kính sợ Chúa, nhưng không phải kính sợ Chúa như một ông vua đầy uy quyền sát khí, một lời nói là đầu rơi, một chau mày là người chết. Nhưng ơn kính sợ Chúa cộng với ơn sùng hiếu này khiến ta kính sợ Chúa như người Cha của chúng ta. Đây phải là một ơn riêng của CTT khiến ta mới có thể dám xem Chúa là Cha của mình (x. Ga 4,6 ; Rm 8,15).

5- Năm là ơn mạnh bạo hoặc ơn mạnh sức. Đây không phải là sức khoẻ phần xác thôi, nhưng là sự dũng cảm của một người con Chúa can trường và vui vẻ thực hiện ý của Cha mình. Do đó có thể dịch ơn mạnh bạo là ơn dũng cảm.

Thực vậy để thực hiện chứ không phải chỉ biết thôi –ý của Chúa- nhiều khi chẳng dễ nuốt ngon ăn. Phải dũng cảm lắm mới được. Chúa Giêsu đã nói : Từ ngày Gioan Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và chỉ những ai mạnh bạo mới được vào Nước Trời (Mt 11,12). Một chỗ khác, Chúa Giêsu nói : Không phải cứ kêu ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng là thi hành ý của Cha Ta (Mt 7, 21). Móc nối 2 câu này ta thấy phải dũng cảm lắm mới thực thi được ý Chúa để có thể chiếm Nước Trời.

4- Bốn là ơn lo liệu. Ơn thứ năm mạnh bạo cho ta sự dũng cảm để làm theo ý Chúa, nhưng chính ơn lo liệu này, dịch rõ hơn phải là ơn chỉ giáo cho ta biết đâu là ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể. Trong Tam Quốc Chí, Khổng Minh Gia Cát Lượng trao cho Triệu Tử Long trên đường sang Đông Ngô 3 túi gấm trong đó có sẵn những chỉ dẫn. Khi cần thì cứ mở cẩm nang (túi gấm) để biết phải làm gì làm gì làm gì. Tới bờ sông, mở túi gấm 1, gặp quả núi mở túi gấm 2…

Vì thế ơn lo liệu tức là ơn cẩm nang, ơn túi gấm, ơn chỉ giáo: (conseil) là ơn hiểu biết ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể để ơn dũng cảm cho ta sức mạnh thi hành.

Ba ơn còn lại liên hệ đến chữ BIẾT. Nhưng mỗi ơn cho ta biết Chúa mỗi cách.

3- Ba là ơn thông minh. Dịch như trong lời nguyện của Bí tích Thêm sức sẽ dễ hiểu hơn: ơn suy biết. Là ơn mình suy từ thiên nhiên vạn vật mà biết có Chúa là Đấng Tạo Hoá. Cách biết Chúa bằng lối này Chúa Thánh Thần ban cho rất nhiều người. Nhìn chiếc đồng hồ có các bánh xe ăn khớp nhau, ta suy biết có người làm ra đồng hồ. Thì nhìn trời đất muôn vật với trật tự lạ lùng, ta suy ra có ông Trời là Tạo Hoá. Đây là cách biết Chúa sơ đẳng nhất: biết Chúa qua thiên nhiên, biết Tạo Hoá qua mọi thọ tạo. Trước đây dịch là ơn thông minh. Dịch là ơn suy biết thì có lẽ thông minh hơn !

2- Ơn suy biết là biết Chúa qua thọ tạo (Science). Cách biết Chúa cao hơn là biết Chúa qua mạc khải. Đây chính là ơn thứ hai: hai là ơn hiểu biết, hay dịch đúng hơn: ơn thấu hiểu, ơn thông hiểu. Không phải là hiểu biết thường qua thọ tạo, nhưng là hiểu biết thấu đến chính Tạo Hoá đó đã tỏ mình ra với con người. Tiếng chuyên môn gọi là mặc khải. Nói rõ hơn, ơn này đòi hỏi ta phải tin nữa. Tin Thiên Chúa là Lời – Lời nói với con người – cụ thể là tin Kinh Thánh là Lời ngỏ của Chúa cho nhân loại. Ơn này cũng còn có nghĩa là hiểu lời ngỏ của Chúa nữa: nói nôm na là hiểu và giải thích Kinh Thánh. Các nhà chú giải Thánh Kinh có lẽ nhận được ơn này nhiều. Tất cả thuộc phạm vi của ơn thấu hiểu.

1- Và cuối cùng là ơn khôn ngoan : một là ơn khôn ngoan. Chữ “khôn ngoan” chưa nói được gì cả về ơn thứ nhất trong 7 ơn CTT này. Phải móc nối với một câu trong sách Khôn Ngoan ta mới khôn ra được, mới sáng trí hơn : Xin rộng ban cho tôi, Đức Khôn Ngoan hằng ở bên toà Chúa (Kn 9,4). Hoặc trong sách Huấn ca : Khôn ngoan đều xuất phát bởi Chúa, và khôn ngoan ở với Người muôn đời (Hc 1, 1). Vậy ơn khôn ngoan dịch cách khôn ngoan hơn phải là ơn thượng trí, tức là ơn “biết” Chúa thật sự, biết theo nghĩa Kinh Thánh—có thể nói như thế: Adong biết Eva, sinh ra Cain. Ơn thượng trí cho ta biết Chúa thật sự bằng cách bay vút lên trời (thượng trí mà !) để sống thân mật, sống kết hợp, sống kề cận ở ngay bên Chúa, nếm được Chúa, cảm được Ngài: Đức khôn ngoan hằng ở bên toà Chúa.

Chúa Thánh Thần cũng ban ơn thượng trí này cho một số vị tuy còn trong thân xác trần gian, nhưng ngất trí, được đưa thấu tận trời xanh để cảm, để nếm Chúa, để -nói theo lối nói của kẻ đã được đưa lên tầng trời thứ ba : có trong thân xác hay ngoài thân xác, người ấy không biết- đưa lên để nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại. “Về một người như thế, tôi sẽ tự hào.” Phaolo thuật như vậy trong 2Cr 12, 1-6.

Nhiều vị thánh khác, nhất là thánh nữ, được ơn thượng trí kết hợp với Chúa trong khi cầu nguyện. Toma Celano thì nói về Phanxicô Assisi như sau, “khi cầu nguyện, không phải là thánh nhân cầu nguyện mà Phanxicô là hiện thân của sự cầu nguyện” -một kiểu nói khác của sự kết hợp chiêm niệm, của ơn thượng trí. (Nếu các thánh khó khăn lắm mới được ơn này, thì hình như ta dễ dàng được ơn thượng trí, ngất trí này hơn, nhất là trong tuần phòng gặp những bài giảng khô và lâu, tức gặp những chuyên viên gây mê giỏi !). Thôi ta hãy khoan vội xin ơn thượng trí này, mà ta hãy cứ thấy Chúa bằng ơn suy biết khi đi dạo vườn hoa cây cối nơi TGM này. Xin CTT cho ta biết hô lên Eureka như Archimede ngày xưa khi ta khám phá được ý nghĩa hay ho của Lời Chúa qua ơn thấu hiểu. Ta hãy xin cho ta biết ý Người muốn ta làm gì hôm nay, chốn này, qua ơn chỉ giáo. Lại xin ơn dũng cảm để ta thực thi điều Chúa chỉ dẫn. Và như thế ta là người con thật của Chúa là Cha qua ơn sùng hiếu và ơn kính sợ.

Còn nếu ta xin thẳng ơn thượng trí để “biết” Chúa, kết hợp với Chúa ngay từ đầu tuần phòng, thì chẳng cần mấy bài giảng của đức cha, chẳng cần lân la đến nhà thờ lễ lạy, vì ta đã đắm chìm trong Ngài rồi, thì quả là “khôn ngoan,” mà dịch là ơn khôn ngoan cũng chẳng sai vậy !

Ghi chú : ta thấy các ơn đi từng cặp :
– ơn sùng hiếu làm cho ta kính sợ Chúa như con kính sợ Cha
– ơn dũng cảm làm cho ta dám thực hiện ý Chúa trong giây phút hiện tại mà ơn chỉ giáo cho ta biết đâu là ý của Ngài lúc này.
– ơn suy biết cho ta biết Chúa qua thọ tạo thiên nhiên để rồi nhờ ơn thấu hiểu giúp ta biết Ngài ngỏ lời với con người
– cuối cùng, khi biết Chúa thì yêu Ngài (vô tri bất mộ) : lúc đó biết theo nghĩa thông thường trở thành “biết” theo nghĩa Kinh thánh, tức là yêu, là kết hợp với Chúa qua ơn thượng trí.

Nguồn DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *