T3. Th9 10th, 2024

CÂU CHUYỆN TỪ CHIẾC GIỎ TRÊN GÁC ĐÀN (*)

CÂU CHUYỆN TỪ CHIẾC GIỎ TRÊN GÁC ĐÀN (*)

Chúng tôi là ca viên ca đoàn ở một giáo xứ thuộc TGP Sài Gòn, tổ chức đi chơi biển Phan Thiết. Chuyện không vui chẳng ai cầu, ai muốn: trời mưa bão. May mắn, có một người trong chúng tôi quen biết một ca viên ở Giáo xứ nhà quê nọ…cách Phan Thiết hơn 30 cây số.
-Thôi thì mời anh em về nhà mình đi nhé. Khách sạn ngàn sao!
Thế là chúng tôi về đến nhà anh chiều thứ 7. Ăn tối trong mưa nhưng món nào cũng ngon, bởi vui, và căn nhà bống ấm. Hẳn là sức ấm của chúng tôi không đủ làm ngưng gió, làm thôi mưa bão lạnh lùng ngoài kia, nhưng không hiểu sao, mưa bỗng nhẹ dần, gió dịu lại hơn.
Một đêm yên ả sau những ồn ả của chúng tôi ca đoàn thành phố và và một số ca viên thôn quê gặp nhau.
Sáng hôm sau…
Rất vui khi chúng tôi được mời lên gác đàn dự lễ Chúa Nhật với ca đoàn của anh. 25 anh chị em chúng tôi đều có bài hát cầm tay, cùng với hơn 40 ca viên ca đoàn của xứ. Bất ngờ thứ nhất với tôi: ca đoàn nhà quê, mỗi người có bản nhạc cầm tay, còn có cả cho chúng tôi nữa. Những bài hát khá quen thuộc, cộng đoàn đều hát rập ràng theo bảng điện, nếu tôi không lầm chỉ có bài đáp ca, alleluia, và bài hiệp lễ là ít tính cộng đồng hơn.
Bất ngờ thứ hai nhưng là lớn nhất đối với tôi, là: lúc chủ tế bắt đầu giảng, các ca viên của ca đoàn nhà quê kia chuyền nhau một chiếc giỏ (giỏ xóc tiền: vật dụng nhận tiền dâng cúng trong Thánh Lễ Chúa Nhật, có nơi gọi là Quả, nơi khác gọi là Oi….) và mỗi ca viên lần lượt bỏ tiền vào đó….
Sau thánh lễ, anh bạn ca viên giới thiệu với anh ca trưởng về chúng tôi, và anh ca trưởng thay lời ca đoàn chào chúc chúng tôi vui vẻ. Vỗ tay mừng vui với nhau.
Lên xe, ra về. Anh bạn ca viên kia mời chúng tôi đi uống cà phê vườn Lim nổi tiếng.
Tôi định “ghi nhớ những điều ấy và suy niệm trong lòng” rồi, nhưng, không chỉ có tôi, mà còn cả mấy anh mấy chị nữa cũng đang có những thắc mắc giống tôi.
Chúng tôi hỏi nhiều chuyện một lúc, anh bạn kia trả lời:
-Hồi hôm, mình có gọi cho anh ca trưởng, và báo là có khách. Ảnh hỏi số người, rồi ảnh in bài hát tại nhà luôn để sáng nay có hát.
-Mình thật bất ngờ là ca đoàn nhà quê mà hát với bản nhạc cầm tay, thật tuyệt.
-Lỡ rồi các chị ơi, dẫu không biết nốt nào, nhưng bây giờ mà hát với bản lời thôi, là tụi mình không hát được. Cũng có khi nhờ bản nhạc cầm tay ấy mà tụi mình cũng bắt đầu biết vài nốt rồi, dễ cho anh ca trưởng hơn. Với lại, anh ca trưởng hay nói đùa: 4 bài hát trên 2 tờ giấy A4, tiền pho-tô cũng chỉ mất có 700 đồng Việt Nam. Sao lai phải tiết kiệm đến thế. Thời buổi này, cho con nít tờ 1000 chẳng đứa nào thèm lấy.
-Còn chuyện ca viên bỏ tiền vào giỏ nghĩa là sao?
-Xin thưa anh em là mình phải kể câu chuyện dài rồi. Nó phải có đầu có đuôi. Không thể nói liền, nói ngắn được.
Anh em chúng tôi hồi hộp nghe. Nhưng anh bạn kia thì cứ loay xoay như có điều khó nói. Một lúc sau, anh mới bắt đầu:
-Chuyện là, anh ca trưởng nhà mình hay nói với ca đoàn rằng chỉ có một điều làm thành nội quy ca đoàn mà thôi, và điều ấy trong câu hát làm thành lời nguyện chung và riêng cho mỗi người, là: “Lạy Chúa, xin giữ miệng con đây. Nguyện xin canh phòng lưỡi con đây. Xin Chúa đừng để lòng trí con vấn vương mùi đời”.
 
Anh ca trưởng chịu khó luyện giọng và tập hát cho anh chị em, nhưng điều quan trọng nhất không phải là chuyện hát hay, hay hát dở, mà là hát đúng phụng vụ. Trong giờ tập hát, anh thường chia sẻ ý nghĩa Lời Chúa và ý của các bài hát mà anh đã chọn cho ca đoàn hát. Sau giờ tập hát, có khoảng 5 phút cầu nguyện với ý Lời Chúa trong các bài hát đã tập. Anh luôn mong muốn và kêu gọi anh chị em ca đoàn hãy sống gắn bó với Chúa và với nhau.
 
Vào dịp tết, anh ca trưởng thường tặng chúng tôi món quà “BA TỪ” để xài cho cả năm: ví dụ “Chúa Khiêm Nhường”, “Bình Thường Thôi”, “Nhỏ Bé Thôi”, “Việc Phải Làm”, “Thuộc Về Chúa”…Trong năm, anh lại nhắc món quà “ba từ” ấy trong những giờ tập, để anh em chúng tôi tập luyện một cách sống thiêng liêng
 
Anh cũng có những sáng kiến hơi kỳ dị, nhưng vì “giữ miệng lưỡi” nên chúng tôi cứ phải nghe, và dần dần mới thấy ý nghĩa, thấy hợp lý.
 
Chẳng hạn, cách đây 8 năm, tuần 1 vọng, anh nói: Trong năm, mình có ba lễ nghỉ việc xác. Tôi thấy anh em chúng mình lạm dụng ngày lễ thánh quá, không sử dụng đúng muc đích của ngày nghỉ việc xác, bên nam thì uống rượu nhậu nhẹt, bên nữ thì hát karaoke vô bổ. Vì thế, đề nghị chúng ta sẽ làm việc bác ái chung vào ngày ấy. Tiền đâu? Cố gắng tháng 12 này hy sinh, để dành. Lễ đêm Giáng Sinh, mình góp mỗi người một ít cho Thủ Quỹ. Thủ Quỹ kết toán và công bố ngay. Sáng ngày 25, đề nghị các chị ở nhà lo cơm nước cho gia đình mừng Lễ, còn các anh, lo đi chợ mua quà giáng sinh cho người nghèo với số tiền ấy, rồi tập trung về nhà mình mà phân chia ra thành gói quà. 2 giờ chiều ngày 25, cả nam nữ tập trung nhà mình để chia nhóm đi thăm và tặng quà giáng sinh. Thăm xong, về lại nhà mình để ăn mừng lễ với nhau, có gì vui nấy.
 
Khi có đề nghị này, anh em chẳng vui, nhưng sau khi đi thăm và tặng quà Giáng sinh về, ai cũng nhận được niềm vui thiêng liêng quý giá. Từ ấy, tám năm qua, chúng tôi đã thực hiện được hơn 10 lần nghỉ việc xác, làm việc lành.. rất vui, rất vui.
 
Cách đây ba năm, anh ca trưởng lại nói: anh em có thấy mỗi người đi lễ đều có một chút dâng cúng vào giỏ không. Đó là lễ dâng hy sinh, mồ hôi nước mắt của mỗi người hiệp với lễ tế Chúa Giê-su trên bàn thờ. Chúng mình trên gác đàn, hay vì chúng mình là ca viên, mà những người làm nhiệm vụ không đưa giỏ tới. Vì thế nên mình đã xin Cha sở cho ca đoàn cũng được dâng cúng, và số tiền ấy, xin dành cho quỹ bác ái của ca đoàn. Cha sở đã đồng ý.
 
May mắn thay, cũng năm ấy, khi quỹ bác ái có chút chút thì có một đôi vợ chồng ca viên kia bị mất chiếc xe Air Black mới mua hơn 42 triệu. Một tuần sau, không tìm được xe, anh em quyết định xuất quỹ bác ái hơn 20 triệu để góp giúp anh mua lại một chiếc xe ít tiền hơn, có mà đi tập hát với anh em. Thương cả nhà. Vui cả nhà.
 
Từ ấy, chiếc giỏ bác ái của ca đoàn cứ đến Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh lại được trút ra và làm thành những món quà nhỏ gửi đến những người bệnh, người nghèo, cả lương lẫn giáo. Lễ Giáng sinh năm kia, theo đề nghị của anh ca trưởng, anh em thăm và tặng quà chỉ cho người bệnh ung thư. Tưởng ít, ai dè cũng có đến hơn 20 người bệnh ung thư trong một vùng quê đường kính chỉ khoảng 15 cây số….
 
Anh bạn ca viên bỗng ngưng lại, cúi măt xuống. Vì kể tới chuyện người bệnh ung thư chăng. Anh em chúng tôi muốn nghe anh kể tiếp, nhưng anh không kể nữa. Bỗng anh rưng rưng mắt nói:
 
Năm qua, có chín người ung thư được thăm, được quà, đã chết rồi. Trong đó có một nam ca viên ca đoàn mình, anh Phê-rô Trần Ngọc Lan…và Bố của một ca viên: Ông PX. Nguyễn Chiến….
…………………..
Tôi nhớ đến lời thư của Thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” và nghĩ về mình: ca viên phải sống được điều mình đã hát…
Tôi chỉ biết thầm tạ ơn Chúa vì bây giờ chúng tôi mới hiểu ra giá trị của một cơn bão, và việc đi chơi của ca đoàn chúng tôi phải đáp vào một chỗ mà chúng tôi không hề dự tính…
Sài gòn ngày 26-11-2018
Maria Mân Côi
(*) Giỏ: giỏ xóc tiền; vật dụng nhận tiền dâng cúng trong Thánh Lễ Chúa Nhật, có nơi gọi là Quả, nơi khác gọi là Oi….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *