CN. Th10 6th, 2024

Dịch corona trong mầu nhiệm Vượt Qua

Dịch corona trong mầu nhiệm Vượt Qua

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn thế giới trong khi tuần thánh đã đến. Có nhiều trăn trở rằng liệu Giáo Hội sẽ sống mầu nhiệm vượt qua như thế nào giữa dịch bệnh Corona. Suy ngắm những gì đang diễn ra, tôi nhận thấy rằng lúc này Giáo Hội không chỉ cử hành mà là đang sống mầu nhiệm vượt qua cùng với Chúa Giêsu. Thật vậy nếu như trong cuộc thương khó khổ nạn của Chúa Giêsu có biết bao điều xảy đến thì những điều tương tự đang diễn ra giữa đại dịch Corona lúc này.

Nhân loại bắt gặp một Thiên Chúa thing lặng trong hai biến cố này. Thật thế, Phúc Âm cho thấy hình ảnh một Thầy Giêsu năng động đi từ làng này sang làng khác, nhìn với ánh mắt yêu thương, nghe với cảm thông, chạnh lòng thương với những ai bơ vơ lạc lõng, giảng dạy khôn ngoan và hành động đầy uy quyền chữa lành tật bệnh và xua trừ ma quỷ. Thế nhưng, bước vào cuộc thương khó là một Giêsu hoàn toàn khác: âm thầm đón nhận tất cả phản bội, chối từ, cáo gian, nhạo báng, đánh đập và cuối cùng chết tất tưởi trên thập giá giữa hai tên trộm cướp. Giêsu đó là Con Thiên Chúa tốt lành hay chỉ là tên gian phi bịp bợm? Ngài là Đấng toàn năng hằng hữu hay là kẻ bất lực trước bất công và sự dữ đang hoành hành?

Những câu hỏi tương tự đang dấy lên giữa bao cõi lòng. Có Thiên Chúa hay chăng mà tại sao lại có sự dữ xảy ra? Thiên Chúa có tốt lành và quyền năng không mà để dịch Corona hoành hành cướp đi bao nhiêu sinh linh, gây khốn cùng cho bao nhiêu con người? Giữa bao chất vấn ấy là hình ảnh một Thiên Chúa im lặng. Ngài im lặng bước vào cuộc khổ nạn cùng nhân loại giữa đại dịch.

Trong cuộc-khổ-nạn-đại-dịch Covid này, có những PHẢN BỘI lại niềm mong chờ việc dùng khoa học để bảo vệ và thăng tiến sự sống thay vì là công cụ hại người, dùng chính trị để bảo vệ an toàn và yên bình cho cộng đồng xã hội thay vì gây bất ổn chiến tranh; có những CHỐI TỪ hợp tác với những tấm lòng thiện ý để kịp thời tiếp cứu, chối từ chữa trị cho người già yếu; có những CÁO GIAN nơi việc đem mọi hậu quả của sai lỗi cá nhân đổ lên đầu người khác, sai lỗi của con người đổ lên đầu Thiên Chúa; có những NHẠO BÁNG BÁCH HẠI khi người nghèo đói bị coi thường rẻ rúng nhân phẩm và tính mạng, người lên tiếng cảnh báo sự thật về đại dịch bị quản thúc, bức bách và cả khử trừ.

Trong cuôc-khổ-nạn-đại-dịch Covid này, có những kẻ âm mưu tính toán vì lợi ích và ý đồ riêng khiến đại dịch bùng nổ, như Giuđa phản bội Chúa để theo tính toán của riêng mình. Có những kẻ không sử dụng quyền thế được trao cách đúng đắn để ngăn ngừa đại dịch xảy ra, như Herode, Philato và Thượng tế Caipha làm ngơ, tiếp tay và kết án oan Chúa. Có những kẻ thừa nước đục thả câu, tranh thủ thời cơ chuộc lợi qua thu tích và buôn bán vật dụng y tế, hàng hóa, thực phẩm với giá tăng mấy lần, như Giuđa tranh thủ bán thầy Giêsu kiếm ít tiền bỏ túi. Có bao người hoảng loạn tìm cách bảo đảm an toàn cho bản thân không hề quan tâm đến an nguy của người xung, giống như các môn đệ hoảng loạn bỏ chạy thoát thân khi thầy Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu.

Bên cạnh những vô tâm ấy là bao tấm lòng. Nhiều người đau buồn và thương khóc cho bao nhiêu người đang phải khốn khổ vì dịch bệnh, giống như các phụ nữ thành Giêrusalem thương khóc cho Chúa Giêsu. Nhiều người bất chấp nguy hiểm đe dọa, sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ vật chất, tinh thần, chuyên môn hầu mong bao người bệnh và thế giới có thể qua cơn nguy kịch, khống chế được dịch bệnh, giống hình ảnh bà Veronica lau mặt Chúa và ông Simon phụ Chúa vác thập giá. Một số khác băn khoăn trăn trở nhưng chẳng biết nên làm thế nào thôi đành dò dẫm tình hình để hành động như Phêrô và Gioan bám theo Thầy xa xa , nhưng chẳng biết phải làm sao, chỉ cố dò dẫm lần mò. Một số khác đau khổ trước cảnh bao người chết chóc tang thương, chẳng hiểu là sao nhưng vẫn kiên định sẻ chia và đồng hành cùng nạn nhân trong dịch bệnh với tinh thần  nhận định và cầu nguyện, với lòng cậy trông hy vọng, như Mẹ Maria dõi bước theo Chúa suốt cuộc thương khó cho đến giờ phút cuối.

Thiên Chúa vẫn âm thầm thổn thức trước cảnh dịch bệnh đang hoành hành. Ngài âm thầm ghi nhận tất cả thiện tâm và nỗ lực. Ngài cũng âm thầm đón nhận tất cả phản bội, chối từ, cáo gian, nhạo báng, đánh đập và cuối cùng cái chết tất tưởi trong ý thức và lòng tin của bao người. Ngài đang chết, đang trút những hơi thở cuối trong họ.

Khi Thầy Giêsu chết tất tưởi trên thập giá và được mai táng trong mồ thì các môn đệ hoang mang và sợ hãi, không hiểu tại sao và chẳng biết làm thế nào. Họ chỉ còn biết tụ họp với nhau để tìm an ủi đỡ nâng, cùng nhau hồi niệm và đợi chờ trong hy vọng, hy vọng đến tuyệt vọng. Ba năm dong duổi theo thầy Giêsu, ấp ủ trong lòng niềm tin yêu hy vọng nơi vị Thầy vốn tràn đầy ân sủng và quyền năng cả trong lời nói lẫn việc làm. Ấy vậy mà Thầy lại chấp nhận bị bắt, cáo gian, kết án tử hình treo thân trần trụi trên thập giá giữa hai tên gian phi. Không một lời phản kháng, không một hành động tỏ lộ quyền năng. Tại sao? Tại sao Thầy lại im lặng? Tại sao Thầy không tỏ lộ quyền năng? Tại sao lại làm thế trước bất công và bạo quyền, trước sự dữ và khổ đau?

Cũng thế, Thiên Chúa đang trong cuôc-khổ-nạn-đại-dịch Covid và Giáo Hội đang trong cảnh thương khó cùng với Ngài. Một màn u ám bao trùm lấy nhân loại và Giáo Hội. Trước màn đêm của đau khổ bệnh tật chết chóc tràn lan khắp nơi, biết bao câu hỏi TẠI SAO không khỏi dấy lên trong muôn cõi lòng và giữa lòng Giáo Hội. Tại sao? Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng?

Thiên Chúa vẫn đang im lặng. Ngài im lặng bước vào cuộc khổ nạn cùng nhân loại giữa đại dịch. Ngài âm thầm thổn thức trước cảnh dịch bệnh; âm thầm đón nhận tất cả tình yêu, niềm tin, cảm thông, sẻ chia; âm thầm đón nhận cả những phản bội, chối từ, cáo gian, nhạo báng, đánh đập. Ngài đang thầm lặng đón nhận tất cả, yêu thương tất cả, tha thứ tất cả và tín thác trọn vẹn cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trong mỗi con người, chết tất tưởi trong ý thức và lòng tin của bao người.

Như Mẹ Maria và các môn đệ tụ họp trong phòng và đóng kín cửa không hiểu mọi sự đang diễn ra là thế nào, Giáo Hội dẫu hoang mang, vân đang chờ đợi trong hy vọng nơi Thánh Ý Yêu Thương của Thiên Chúa. Giáo Hội vẫn cậy trông và tín thác nơi Lời Hứa của Chúa phá tan màn đêm thê lương chết chóc của đại dịch và mang đến ánh sáng niềm vui và hy vọng của mầu nhiệm Phục Sinh. Giáo Hội đang thực sự sống Mầu Nhiệm Vượt Qua giữa đại dịch Corona này.

Đối với nhiều người thương khó là điên rồ là sỉ nhục, là bất lực; đối với đại đa số là không thể hiểu nổi. Nhưng đối với những ai đặt tình yêu, niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa thì đau buồn của thương khó với Chúa Giêsu là đường đến với hạnh phúc của việc được phục sinh cùng Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con được luôn Tin tưởng Cậy trông và Hy vọng để chọn lựa thái độ và lối sống thích hợp, hầu có thể bước theo Chúa trong u buồn của cuộc thương khó giữa đại dịch này, hầu mong chờ ngày giờ được phục sinh tươi vui cùng Ngài, với Ngài và trong Ngài.

Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn SJ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *