GANH ĂN TỨC Ở MUÔN ĐỜI NÁT – Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 25/04/2020
Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!
Trong bài viết “Các Kitô hữu trợ giúp nhau nên Thánh, linh mục Phan Long có kể câu chuyện như sau:
Có hai chú diều bay trên bầu trời, chúng quyết định mở cuộc tỷ thí để xem ai sẽ bay cao hơn. Cạnh chúng có hai con chim ưng cũng đang mở cuộc thi tài. Chỉ trong chớp mắt, chúng bay vút lên trời. Nhưng hai chú diều thì cứ đảo bên này đảo bên kia, và không sao bay lên cao được.
Sau này, diều hỏi chim ưng: “Chúng ta mở cuộc tỷ thí dưới cùng một bầu trời, nhưng vì sao các anh có thể bay lên cao, còn chúng tôi thì không?”
“Đó là vì nguyên tắc tỷ thí của chúng ta khác nhau!”, một chim ưng nói: “Nguyên tắc của chúng tôi là phải vượt thắng đối thủ; trong khi nguyên tắc của các anh lại là ngăn không cho đối thủ thắng mình. Theo nguyên tắc của chúng tôi, nếu đối thủ bay vượt hơn mình, thì mình phải cố gắng hết sức để có thể đuổi kịp và thắng; còn nếu mình vượt hơn, đối thủ cũng phải nỗ lực nhiều hơn để có thể bằng mình. Do đó, cả hai chúng tôi đều có thể bay vút lên giữa trời xanh. Còn theo nguyên tắc của các anh, thì nếu đối thủ bay cao hơn mình, mình phải tìm cách kéo đối thủ xuống. Nếu ta không thể bay lên được, thì mi cũng đừng hòng! Hai sợi dây của các anh cứ xoắn vào nhau như thế, làm sao bay lên cao?… Đó là cách nghĩ của các anh, và lẽ đương nhiên là cả hai đều thất bại”.
Quý vị và các bạn thân mến!
Cạnh tranh hay ganh đua là một yếu tố tích cực và cần thiết để giúp một cộng đoàn, một xã hội được phát triển mạnh mẽ. Với quyền năng của mình Đấng Tạo Hóa có thể tạo nên những con người có những khả năng, trình độ, sức khỏe ngang bằng với nhau, nhưng nếu Ngài làm như thế thì cuộc sống con người sẽ đơn điệu và tẻ nhạt biết bao! Vì người ta không còn gì phải cố gắng, phải vươn lên vì chẳng có ai hơn mình. Trong các câu chuyện kiếm hiệp thời danh, đã có nhiều tay kiếm sau khi khổ luyện để trở thành tay kiếm siêu quần, bá chủ trong thiên hạ lại trở nên cô đơn trong ngôi vị độc tôn của mình. Họ buồn vì không còn ai xứng đáng là đối thủ. Thanh kiếm của họ trở nên cô đơn vì không còn cái đích để nó cố gắng vượt qua.
Thế nhưng, sự cạnh tranh chỉ mang lại lợi ích nếu đó là sự cạnh tranh lành mạnh. “Nếu mình vượt hơn, đối thủ cũng phải nỗ lực nhiều hơn để có thể bằng mình. Do đó, cả hai chúng tôi đều có thể bay vút lên giữa trời xanh”. Ngược lại, cạnh tranh không lành mạnh là khi “đối thủ bay cao hơn mình, mình phải tìm cách kéo đối thủ xuống” thì sẽ không mang lại hiệu quả tích cực cho cá nhân cũng như cộng đồng, xã hội.
Trong hoạt động tông đồ của người Kitô hữu chúng ta cũng thế. Nhiều khi chúng ta cũng bị cám dỗ bởi những danh phận, địa vị trong một hội đoàn, một tổ chức đạo đức và như thế, chúng ta sẽ trở nên rất khó chịu, cảm thấy như bị tổn thương danh dự khi trong cộng đoàn bỗng xuất hiện một ai đó tỏ ra xuất sắc, tài giỏi hơn chúng ta. Và do sự ganh tỵ, do lo sợ sẽ bị mất ảnh hưởng, vì uy tín năng lực của mình có thể bị lu mờ trước ngôi sao vừa xuất hiện đó, từ cõi vô thức, chúng ta bắt đầu có những suy nghĩ và hành động mang đầy tính đố kỵ. Nhân danh sự ổn định cộng đoàn, bảo vệ những bài bản chính thức của tập thể, chúng ta khéo léo tìm mọi cách để loại trừ hoặc làm cho nhiệt tình của năng lực mới giảm dần, họ trở nên chán nản và tự nguyện rời bỏ hội đoàn mà ta đang có ảnh hưởng nhất.
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, việc Thiên Chúa trở nên người phàm và yêu thương con người đến nỗi bằng lòng chịu chết trên Thập Giá đã khiến ma quỷ ganh tỵ, gieo rắc hận thù và cái chết trên khắp thế giới. Xin Chúa giữ chúng con đừng sa vào chước cám dỗ của ma quỷ để sự ghen ghét, đố kị và cạnh tranh xâm nhập vào con tim mà ngược lại, hãy biết chung sống hòa bình như anh chị em với nhau. Amen.
Bình Minh