LỜI CHÚA TRONG CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NHỎ
WHĐ – Thành viên các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (CĐKN) ở Á châu vui mừng và hy vọng thật sự khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh qua việc chia sẻ Lời Chúa trong các CĐKN. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta qua Tông huấn hậu Thượng hội đồng, Verbum Domini (Lời Thiên Chúa): “Đối với Giáo hội và với thế giới, Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục là một bằng chứng về vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ Lời Chúa trong sự hiệp thông Giáo hội”[2]. Giáo hội châu Á đã nỗ lực hướng dẫn các tin hữu nghe, thấy, tiếp xúc và sống Lời Chúa như nguồn gốc và nền tảng cuộc sống và là sứ mạng của họ trong Giáo hội đặc biệt qua các CĐKN. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mạnh mẽ khuyên nhủ các CĐKN: “Trong sinh hoạt mục vụ, nên tạo cơ hội thuận tiện cho các cộng đoàn nhỏ có thể phát triển, các cộng đoàn này ‘được tạo nên bởi các gia đình, bám rễ trong các giáo xứ hay được liên kết với các phong trào Giáo hội hoặc với những cộng đoàn mới’; trong các cộng đoàn này, việc đào tạo, cầu nguyện và hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo hội sẽ được khuyến khích”[3].
Về mặt này, hiểu rõ các điểm thiết yếu của các CĐKN, các phương pháp chia sẻ Kinh Thánh cũng như hiểu biết những gì Giáo hội Á châu đã triển khai qua AsIPA (Asian Integral Pastoral Approach / Đường hướng Mục vụ Toàn diện Á châu / ĐhMvTdAc) thật là có ý nghĩa. Bởi vì chia sẻ Lời Chúa trong các CĐKN là một trong những phương thế hữu hiệu nhất thực thi việc chăm lo “mục vụ trong các cộng đoàn Kitô hữu như là khung cảnh trong đó diễn ra một hành trình cá nhân và cộng đoàn dựa trên Lời Thiên Chúa, hầu Lời Chúa thật sự nằm ở tại nền tảng của đời sống thiêng liêng” (Ibid. 72). Vả lại, các CĐKN là những biểu hiện đích thực của hiệp thông giáo hội và là những trung tâm truyền bá Tin Mừng.
Vì vậy, tôi sẽ giới thiệu AsIPA (Đường hướng Mục vụ Toàn diện Á châu), CĐKN và phương pháp chia sẻ Kinh Thánh qua Bảy Bước nhằm “tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo hội, vì Lời Chúa là nguồn mạch bất tận luôn đổi mới …Lời Chúa luôn ngày càng trở nên trung tâm điểm của mọi hoạt động trong Giáo hội”[4]. Đó chính là chia sẻ kinh nghiệm của các CĐKN, các câu chuyện sống thực của người Á châu, những người đang cố gắng lắng nghe Lời Chúa, gặp gỡ Chúa Giêsu và bước theo Người.
I. ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ TOÀN DIỆN Á CHÂU (ĐHMVTA) / ASIAN INTEGRAL PASTORAL APPROACH (ASIPA) LÀ GÌ?
Đường hướng Mục vụ Toàn diện Á châu là cách thức thể hiện quan điểm về một cách thức mới thể hiện Giáo hội – một Giáo hội tham gia qua các CĐKN ở Á châu. Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC ) đã thôi thúc và hướng dẫn các Giáo hội ở châu Á thực hiện Giáo hội học hiệp thông và tinh thần Công đồng Vatican II. Đặc biệt Tổng Đại hội lần V của Liên Hội đồng Giám mục Á châu vào năm 1990 đã nêu rõ hướng đi mới trong việc thể hiện Hội Thánh. Nhiều Giám mục trong Tổng Đại hội đã mạnh dạn phát triển các CĐKN để cụ thể hóa quan điểm Giáo hội tham gia. Nó đã trở thành cột mốc cho việc mở rộng các CĐKN trên toàn thể Giáo hội ở Á châu.
Thành quả của Tổng Đại hội lần V là văn phòng của Đường hướng Mục vụ Toàn diện (AsIPA) đã được thành lập vào năm 1993 trực thuộc Văn phòng Giáo dân của Liên Hội đồng Giám mục Á châu.
Đường hướng Mục vụ Toàn diện Á châu đã tiến hóa và trở thành kim chỉ nam trong mọi chuyển biến và là đường lối xây dựng các CĐKN ở Á châu. Văn phòng Đường hướng Mục vụ Toàn diện Á châu đã tổ chức 5 tổng Đại Hội, một số các đại hội quốc gia và nhiều cuộc hội thảo đồng thời triển khai các nhóm khởi động cùng với nhân tố thành lập nhóm. Tất cả đã góp phần vào việc nảy sinh hàng ngàn CĐKN trên toàn thể Á châu.
Năm ngoái, văn phòng Đường hướng Mục vụ Toàn diện Á châu đã tổ chức hai cuộc hội thảo tại Trung tâm Chúa Cứu Thế từ ngày 18 đến 30 tháng 10 năm 2010. Cuộc hội thảo thứ nhất về quy tắc Tông đồ Giáo dân của các giám mục đưa ra cho các CĐKN và cuộc hội thảo thứ hai là cuộc Hội thảo Quốc tế về Đường hướng Mục vụ Toàn diện Á châu. Mỗi cuộc hội thảo kéo dài trong 5 ngày. Tất cả đều nhằm vào việc giới thiệu đường hướng mới thể hiện Giáo hội và tìm hiểu sâu xa hơn về các CĐKN cũng như các phương pháp chia sẻ Thánh Kinh. Mọi diễn tiến và nội dung đều được sắp xếp theo cách thức đóng góp của nhiều người, và tập trung vào việc thực hành các phương pháp chia sẻ Kinh Thánh qua Bảy Bước cũng như phương pháp Đáp ứng theo nhóm. Hơn nữa, các tham dự viên đã dành nhiều thời gian trong ngày học hỏi về CĐKN và tiến hành thực hiện từng bước phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng.
Thành quả là năm giám mục Thái Lan trong số 10 giám mục tham dự Hội thảo lần I của BILA về các CĐKN đã quyết định tổ chức một cuộc hội thảo về Đường hướng Mục vụ Toàn diện dành cho 200 linh mục Thái Lan trong 5 ngày vào tháng 7 năm 2011. Các tham dự viên cùng một giám mục người Bangladesh cũng đã lên kế hoạch đặt ưu tiên mục vụ trong các CĐKN cho kế hoạch mục vụ ba năm sắp tới. Giáo phận Hsinchu thuộc Đài Loan quyết định đẩy mạnh các CĐKN và phương pháp chia sẻ Tin Mừng. Các tham dự viên khác từ các giáo phận và quốc gia khác nhau như Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Macau, Mông Cổ, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Sri Lanka, đã lên kế hoạch cụ thể thực hiện các CĐKN đặt nền tảng trên Lời Chúa theo bối cảnh của các giáo phận. Do các tham dự viên đã cảm nghiệm được rằng các CĐKN là một trong những phương thế hữu hiệu nhất đối với dân Chúa để tiến tới bàn tiệc Lời Chúa như vậy họ được nuôi dưỡng và sống “không chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên Chúa’” (Mt 4, 4), để tiến tới con đường mới thể hiện Giáo hội.
II. CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NHỎ / CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN LÀ GÌ?
Một số linh mục và nhiều người có thể nói: “Chúng ta luôn luôn có các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, chẳng hạn, các nhóm cầu nguyện và các hội đoàn khác bao gồm các Kitô hữu ở dạng nhóm nhỏ”.
Trong bất cứ CĐKN nào cũng có thể có nhiều nét đặc trưng tùy theo bối cảnh. CĐKN rất ít khác nhau và đều có chung 4 điểm thiết yếu sau đây:
- Hội viên các CĐKN là những người láng giềng của nhau
- Các CĐKN xem việc chia sẻ Kinh Thánh là cốt lõi của các buổi họp mặt
- Các CĐKN cùng hành động và làm việc với nhau trong đức tin
- Các CĐKN phải liên kết với Giáo hội hoàn vũ.
Chúng ta sẽ cứu xét từng điểm thiết yếu của các CĐKN, các tác động và thành quả của nó.
1) Thành viên các CĐKN là những người láng giềng
Các thành viên của một CĐKN không phải là những người từ các địa điểm khác nhau của giáo xứ mà là những người láng giềng cận kề. Họ luân phiên họp mặt tại nhà. Nó mang tính chất gia đình như Giáo hội tại gia là cộng đoàn cơ bản nhất khi thiết lập các CĐKN. Nó khuyến khích “tạo lập những cộng đoàn gồm những gia đình, tại đó các tín hữu cùng nhau thực hành việc cầu nguyện và suy niệm chung những đoạn Kinh Thánh được chọn”[5].
- CĐKN khuyến khích mọi tín hữu – người giàu và người nghèo, thanh niên và người lớn tuổi, những nhóm người có ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau, đặc biệt là những người không phải là công giáo cùng với những người lạ cùng tham gia các cuộc họp mặt trong CĐKN.
- CĐKN đồng thời thúc đẩy các thành viên nhìn vào cuộc sống thường ngày và các nhu cầu của nhau và hàng xóm. Các CĐKN là điểm khởi đầu chắc chắn cho một xã hội mới đặt nền tảng trên nền văn minh tình thương.
2) Các CĐKN lấy việc chia sẻ Tin Mừng làm nền tảng cho các cuộc họp mặt
Các CĐKN cử hành việc chia sẻ Thánh Kinh như nguồn gốc và nền tảng của CĐKN. Trong các CĐKN, Lời Chúa đã nhập thể vào thế gian bao giờ cũng là trung tâm của các CĐKN (Cv 2, 46), Mc 6, 37, 41-42 (Dei Verbum số 10, 21, 22, 24-25). Đặt trọng tâm vào Lời Chúa trong các CĐKN đáp ứng được việc để cho Thánh Kinh “tạo cảm hứng cho công việc mục vụ”.
Các CĐKN luôn tuân thủ phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng. Tuy nhiên, một đôi lần họ cũng có thể sử dụng các phương pháp khác miễn là các phương pháp này giúp họ nhìn xa hơn cuộc sống của mình, vươn tới cuộc đời của các người khác. Các phương pháp này bao gồm phương pháp đáp ứng theo nhóm và phương pháp chương trình Bạn Bè/Yêu Thương với sự phân tích về mặt xã hội. Thông thường các CĐKN sử dụng Tin Mừng của chủ nhật sắp tới để chia sẻ. Sau đó họ chọn những bản văn trong các sách khác của Thánh Kinh cũng được. Mọi thành viên của một CĐKN đều mang theo sách Thánh Kinh của mình.
- Qua việc chia sẻ Tin Mừng, các CĐKN thực hiện sự có mặt của Chúa Kitô ở giữa họ, ở đây và lúc này, Chúa Giêsu thật sự trở thành nền móng của cộng đoàn của họ.
- Chia sẻ Tin Mừng tăng thêm sức mạnh cho các thành viên các CĐKN để họ trở thành môn đệ của Chúa. “Nếu các ngươi lưu lại nơi lời Ta thì hẳn thật, các ngươi là môn đệ của Ta” (Gioan 8, 31).
- Mỗi CĐKN làm cho các thành viên thành một gia đình mới. “Mẹ Ta và anh em Ta là những người này, những kẻ nghe và làm theo lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21).
- Qua việc chia sẻ Tin Mừng, các thành viên CĐKN được nuôi dưỡng về mặt tinh thần và trưởng thành trong nhãn giới Tin Mừng để thấy, phân định và tác động trên thế giới thực tiễn.
3) Các CĐKN cùng nhau hoạt động và làm việc trong niềm tin
Ở bước 6 trong phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng, các CĐKN nêu câu hỏi: “Nhiệm vụ của chúng ta tuần tới là gì?” Nhiệm vụ của chúng ta với tính cách “Giáo hội” tại địa phương này là gì?” Các thành viên của CĐKN sẽ nói: “Chúng ta chính là Giáo hội tại khu vực này!” Chính vì vậy, các CĐKN cảm thấy có trách nhiệm đảm trách sứ vụ của Giáo hội, ngày nay, tại khu vực họ sống.
Ví như các CĐKN tham gia việc chuẩn bị phụng vụ ngày chủ nhật, chuẩn bị cho các cháu rước lễ lần đầu, chia sẻ niềm tin với các dự tòng, chuẩn bị cho giới trẻ chịu phép thêm sức, tiếp đón các người lạ, bảo trợ các dự tòng, cùng nhau đứng lên chống đối bất công và tham nhũng, tha thứ cho nhau, gầy dựng sự đoàn kết và hoà bình. Đây là cách thức thể hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng nhằm biến đổi thế gian thành Nước Chúa ở mọi nơi mọi lúc với tư cách môn đệ của Chúa Giêsu[6].
4) CĐKN phải liên kết với Giáo hội hoàn vũ
Điểm thiết yếu thứ tư của một CĐKN là hợp nhất cùng mọi Kitô hữu khác. Và chính bí tích Thánh thể hay Lễ bẻ bánh là mối liên kết mạnh mẽ nhất giữa các CĐKN và Giáo hội hoàn vũ.
- Qua bí tích Thánh thể và Lời Chúa, nhiều CĐKN và các hội đoàn khác trong một giáo xứ trở nên một “hiệp thông các cộng đoàn”.
- Bí tích Thánh thể tạo nên sự hợp nhất mạnh mẽ. Giáo xứ địa phương kết hợp với Giáo hội hoàn vũ qua cùng một niềm tin, cùng một sứ vụ là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người.
- Các CĐKN có đại diện trong hội đồng mục vụ giáo xứ
- Người đứng đầu các CĐKN tiếp tục được huấn luyện và trau dồi về mặt thiêng liêng do cha xứ hướng dẫn.
Quả vậy, các CĐKN đã chứng tỏ được mình là một dụng cụ hữu hiệu trong việc nuôi dưỡng dân Chúa, đem lời Chúa vào cuộc sống và thực hiện sứ mạng của Giáo hội ngày hôm nay như lời của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu xác quyết: “Các CĐKN là phương cách hữu hiệu để tăng cường sự hiệp thông và tham dự vào giáo xứ và giáo phận”.
III. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ TIN MỪNG
Các phương pháp chia sẻ Tin Mừng không những được sử dụng ở các Giáo hội ở Á châu mà còn ở Phi châu và Âu châu. Các Đức giám mục Oswald Hirmer và Fritz Lobringer thuộc Học viện Lumko ở Nam Phi đã triển khai các phương pháp này từ năm 1978.
Vấn đề của việc sáng chế ra các phương pháp chia sẻ Tin Mừng là: “Bằng cách nào chúng ta có thể tạo thuận lợi cho người dân thường nghe, chia sẻ và sống Lời Chúa, nếu chúng ta muốn nhắm đến số đông dân Chúa?” Phải luôn tâm niệm rằng mọi phương pháp chia sẻ Tin Mừng đều phải được thiết kế làm sao để có thể là những phương pháp dành cho tín hữu bình thường, với cách thức đơn giản nhưng sâu sắc về mặt tinh thần và có nền tảng vững chắc về mặt thần học.
Các CĐKN thể hiện Tin Mừng trong đời sống của họ. Có nhiều phương pháp chia sẻ Tin Mừng. Tất cả các phương pháp này đều không chỉ nhắm đến việc suy niệm về Lời Chúa mà còn sống Lời Chúa trong cuộc đời thường ngày. Trong số các phương pháp này, có phương pháp Bảy Bước sẽ được nói đến ở đây.
IV. PHƯƠNG PHÁP BẢY BƯỚC CHIA SẺ TIN MỪNG
1) Giới thiệu phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng
Phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng là nền tảng chia sẻ Tin Mừng dùng cho các CĐKN ở Á châu. Đây là một trong những cách thức gặp gỡ đích thân Đức Giêsu. Nguyên lý triển khai phương pháp Bảy Bước đặt nền móng trên đường lối Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta. Người đã mời gọi đám đông và dân thường và đã đi vào trong quan hệ của tình yêu thương với họ. Phương pháp này giúp con người thời đại chúng ta một lần nữa có thể gặp gỡ Thiên Chúa, “một vì Thiên Chúa đang nói và chia sẻ với chúng ta tình yêu của Ngài, để chúng ta có được sự sống dồi dào” (xem Ga 10, 10).
Việc sử dụng phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng làm nền tảng trong các CĐKN đã tạo nên những thay đổi lớn. Câu chuyện sau đây cho thấy phương pháp này đã ảnh hưởng, qua nhiều cách, như thế nào đối với các thành viên CĐKN:
Vào năm 2.000, một nhóm 20 người Hàn quốc đã thực hiện một chương trình quảng bá về các công đoàn Kitô hữu nhỏ tại các giáo phận Mangalore và Goa ở Ấn Độ. Trong cuộc họp mặt với khoảng 100 trưởng nhóm các CĐKN thuộc một giáo xứ ở Mangalore, một số người đã nêu lên câu hỏi: “Phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng đã giúp gì cho bạn?” Những câu trả lời tự phát của các thành viên khiến chúng tôi thêm xác tín rằng phương pháp Bảy Bước này hữu hiệu như thế nào trong việc phát huy đời sống Kitô hữu. Sau đây là một số câu trả lời: “Lời Chúa đã thay đổi đời tôi”, “Hiện nay tôi thân thiện hơn với hàng xóm qua đức yêu thương”, “Hiện nay cầu nguyện trong gia đình đã trở nên rất quan trọng đối với tôi”, “Tôi đã gần gũi hơn với các thành viên trong gia đình”, “Lúc đầu, chỉ một ít người tham gia bước 5, hiện nay, con số đã gia tăng và điều này đã nối kết chúng tôi lại với nhau”, “Lời trong cuộc sống ở bước 6 nuôi dưỡng lòng đạo đức mỗi ngày”, “Phương pháp này cho chúng tôi thêm sức mạnh để phục vụ người nghèo mỗi tháng qua hành động cụ thể”, “Nhờ phương pháp này Lời Chúa đã đi vào cuộc đời của chúng tôi một cách hữu hiệu”.
Đây không chỉ là câu chuyện cá biệt về phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng mà còn là kinh nghiệm của các thành viên của các CĐKN về phương pháp này.
Bước 1: Chúng ta đón mời Chúa
Chúng ta ý thức về sự hiện diện của Chúa qua việc cầu nguyện mời Chúa đến, chúng ta vui mừng đón Chúa đến giữa chúng ta. Chúng ta gợi lên một lời mời gọi đích thân, tha thiết và trực tiếp qua lời cầu nguyện tự phát, với một đoạn Tin Mừng được trích dẫn. Trong buổi chia sẻ Tin Mừng này, chúng ta muốn được tiếp xúc với một con người đang sống là chính Đức Kitô đã sống lại, Ngôi Lời đã thành xác phàm.
Bước 2: Chúng ta đọc một đoạn Tin Mừng
Kế đó một người chậm rãi đọc bài Tin Mừng của Chủ Nhật sắp tới trong tư thế cầu nguyện. Đọc lại một lần thứ hai đoạn Tin Mừng này, nếu có thể được, qua một bản dịch khác hay qua ngôn ngữ khác trong trường hợp có thành viên trong số người tham dự sử dụng ngôn ngữ khác. Chúng ta “công bố” Tin Mừng qua việc “đọc bản văn” Tin Mừng trong tư thế cầu nguyện ở các CĐKN. Qua việc “công bố” bản văn, Tin Mừng trở nên sống động tại đây và lúc này.
Bước 3: Chúng ta chọn một câu, một từ nào đó và suy gẫm
Một người trong nhóm khích lệ các tham dự viên chọn một từ hay một câu ngắn nào đó trong bài rồi đọc đi đọc lại ba lần một cách rõ ràng, chậm rãi và trong tư thế cầu nguyện, sau mỗi lần đọc, có thời gian thinh lặng. Điều này tạo nên bầu khí chiêm niệm Lời Chúa. Vào cuối bước thứ ba này, đọc lại đoạn Tin Mừng một lần nữa.
Bước 4: Chúng ta để Chúa nói trong thinh lặng
Ở bước 4 này, chúng ta giữ thinh lặng trong ít phút để lắng nghe điều Chúa đang nói với mỗi người. Trong lúc này, mỗi người lặp lại trong lòng một lời nào đó đã đặc biệt đánh động mình. Những người khác, trong tinh thần của đoạn Tin Mừng, ngồi xuống bên cạnh Đức Giêsu và “bất động” trong sự hiện diện đầy tình thương yêu của Chúa.
Bước 5: Chúng ta chia sẽ những gì chúng ta nghe được trong tâm can mình
Chúng ta chia sẻ một từ ngữ hay một câu đã đánh động chúng ta theo cách thức của mỗi người và trải nghiệm của chúng ta về Lời Chúa. Chúng ta muốn có sự chia sẻ đích thân, của chính mình, không phải là thuyết giảng hay tranh luận. Do đó, người chia sẻ nên bắt đầu bằng câu: “Tôi cảm thấy xúc động, bị đánh động bởi từ này, vì…” hoặc “Tôi đã bị đánh động bởi câu này, vì…”. Việc chia sẻ mang tính riêng tư này là việc tuyên xưng mạnh mẽ nhất sứ điệp của Chúa. Chúng ta chia sẻ những gì bản thân chúng ta “đã thấy và đã nghe” (1Ga 1, 3-4).
Bước 6: Chúng ta bàn về nhiệm vụ nhóm được mời gọi thực thi
Ở bước 6, chúng ta thảo luận về cuộc sống hằng ngày. Các CĐKN lập kế hoạch làm thế nào để sống Lời Chúa, Lời đã trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh để hành động. Các CĐKN có thể chọn những công việc mà cộng đoàn sẽ cùng nhau thực hiện hoặc do một người đảm trách. Bước 6 phải chú trọng vào đời sống của các CĐKN. Đức tin, đời sống và việc thực thi trở nên hoà nhập trong bước 6 này. Kết thúc bước 6, chúng ta có thể chọn trong đoạn Tin Mừng một ‘Lời của cuộc sống’, lời mà các thành viên của các CĐKN sẽ cố gắng sống trong suốt tuần đó.
Bước 7: Chúng ta cầu nguyện tự phát
Tất cả chúng ta được mời gọi cầu nguyện từ thâm tâm của mình. Buổi họp mặt có thể được kết thúc bằng một lời cầu nguyện hay một bài hát mà mọi người đều thuộc.
2) Những nét đặc trưng quan trọng của phương pháp Bảy Bước
Các CĐKN trong Giáo hội Á châu đều ở trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng tất cả các CĐKN này đã xem phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng là nền tảng của cộng đoàn. Bởi vậy, chúng ta cũng cần tìm hiểu xem cái tạo nên tính độc đáo của phương này là gì.
- Đức Kitô là lãnh đạo: Không giống các phương pháp khác, ở đây Đức Kitô là người lãnh đạo duy nhất. Nhiệm vụ của người hướng dẫn chỉ là đọc lên từng bước và điều hành ở bước 6. Ngay từ đầu, chúng ta đã đón mời Chúa Phục Sinh để Người có thể soi đường dẫn lối chúng ta.
- Đặt nền tảng trên Kinh Thánh:Chúng ta không thể thực hiện phương pháp này mà không dựa vào Lời Chúa hoặc Kinh Thánh. Lời Chúa là dấu chỉ gần như có tính cách bí tích về sự hiện diện của Chúa Kitô. Chúa sống lại ẩn dấu trong các lời này thật sự hiện diện.
- Không thể không có cộng đoàn: Phương pháp được hình thành cho một cộng đoàn chứ không phải cho một người cầu nguyện riêng tư. Các chi thể của thân mình Đức Kitô gặp gỡ Đức Kitô để củng cố mối quan hệ với Người và với nhau.
- Chủ động tham gia và một phong cách lãnh đạo mới: Ở đây, mọi người đều có cơ hội như nhau để tham gia vào tất cả các bước. Không trông chờ một người nào đó sẽ đóng vai trò chủ chốt trong khi người khác lắng nghe. Tất cả mọi người giàu hay nghèo, trí thức hay ít học, thanh niên cũng như người trưởng thành, tất cả đều là anh chị em trong Đức Kitô.
- Dễ dàng tập trung: Lời Chúa sống động. Các văn bản chúng ta đọc, các câu, chữ chúng ta chọn, việc chia sẻ chúng ta thực hiện, lời nguyện tự phát hình thành trong chúng ta, tất cả đều thúc đẩy chúng ta tập trung vào Chúa Giêsu. Mỗi bước đều tạo nên bầu khí cầu nguyện và chiêm ngắm.
- Sự chia sẻ của mỗi người: khi giảng dạy hay cổ vũ, thông thường chúng ta dễ áp đặt lời Chúa cho người khác hay trên các tình huống. Nhưng trong phương pháp Bảy Bước, chúng ta phải tìm cho ra điều gì Đức Kitô đang nói cho ta ngày hôm nay. Cũng chính Chúa Giêsu đang tỏ bày ước vọng của Người. “Xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi” (Lc 19, 5).
- Phục vụ mang tính thiết yếu: Sẽ không có chia sẻ Lời Chúa nếu không có hành động kèm theo. Phương pháp Bảy Bước đổ tràn đầy trên chúng ta lòng trí của Đức Kitô và hướng dẫn chúng ta đi theo bước chân Người. Như Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tuyên bố: các CĐKN có thể là “các chứng nhân của sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em là Lời Chúa đi vào đời sống. Người chính trực và trung tín không chỉ giải thích Kinh Thánh mà trước hết còn “mở” Kinh Thánh trước mặt mọi người như một thực tế sống động và được thực thi”.
V. THÀNH QUẢ VÀ THÁCH THỨC CỦA PHƯƠNG PHÁP BẢY BƯỚC CHIA SẺ TIN MỪNG
1) Thành quả
Sau đây là những thành quả rõ ràng mà các thành viên các CĐKN chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp Bảy Bước:
- Nó khuyến khích người tín hữu bình thường làm quen với Kinh Thánh.
- Chính những người bình thường có thể áp dụng mà không cần đến một sự huấn luyện lâu dài và phức tạp cũng như các chuyên gia thần học.
- Bí tích Thánh thể ngày chủ nhật trở nên có ý nghĩa hơn nhờ việc chia sẻ Tin Mừng trước này.
- Vai trò của người hướng dẫn nói lên phong cách lãnh đạo mới. Nhờ đó, các thành viên các CĐKN có thể rút tỉa kinh nghiệm cho việc chuyển giao quyền điều hành không mang phong cách áp đặt và tạo cơ hội tham dự trong cách lãnh đạo.
- Đây là công cụ hữu hiệu để xây dựng một cộng đoàn đặt nền tảng trên Kinh Thánh và qui chiếu về Đức Kitô.
- Bảy Bước giúp các thành viên các CĐKN kết nối đức tin với đời sống.
- Nó khích lệ người ta đem thực thi đức tin.
- Nó cho phép chúng ta trải nghiệm Đức Kitô hiện diện và đích thân gặp gỡ Người.
- Nó giúp các thành viên các CĐKN mở rộng lòng và chia sẻ cuộc sống với nhau trong tín thác.
- Lời Chúa trở nên sống động hơn ở giữa mọi người.
2) Những thách thức
Nhận ra được một số hạn chế và thử thách trong khi sử dụng phương pháp Bảy Bước chia sẻ Tin Mừng cũng có ích cho chúng ta:
- Ở bước 1 và bước 7, một số người gặp khó khăn khi cầu nguyện tự phát. Chúng ta cần tập chuyện này.
- Đôi khi mở rộng lòng với Chúa không phải là chuyện dễ dàng đối với những người lo âu và ưu tư về quá nhiều chuyện.
- Đích thân chia sẻ với người khác điều Chúa đã nói ‘với mình’ vì sự hối cải của mình quả thực là điều khó vì chúng ta không quen làm việc này.
- Việc lập nên một kế hoạch hoạt động vì người nghèo và cho các vấn đề xã hội trong vùng lân cận vào mỗi buổi họp mặt của các CĐKN có thể là vất vả.
- Nguy hiểm của phương pháp Bảy Bước là ở chỗ các thành viên của các CĐKN có thể dừng lại ở mức độ hoàn toàn cá nhân hơn là mở rộng phạm vi tới vùng phụ cận và xã hội. Nếu bước 6 không hoàn thành tốt, các CĐKN có thể sẽ rơi vào tình trạng quá tập trung vào cộng đoàn mình hoặc giáo xứ mình. Đây chính là lý do tại sao thỉnh thoảng các CĐKN cũng nên sử dụng các phương pháp chia sẻ Tin Mừng khác.
- Một số người coi phương pháp Bảy Bước là một bài tập hời hợt. Họ bảo: “Đây là sự chia sẻ Lời Chúa mang tính cá nhân không có những cái nhìn và quan điểm mang tính trí thức”. Nhưng đây là một cách thức tiếp cận khác với việc học và trao đổi Kinh Thánh.
- Một số cho rằng các thành viên CĐKN có thể hiểu ý nghĩa thực tiễn của Thánh Kinh một cách sai lệch hay không phù hợp trong phương pháp Bảy Bước. Tuy nhiên trong việc chia sẻ Tin Mừng này, điều quan trọng nhất không phải nhằm vào chuyện mọi thành viên có nắm được ý nghĩa chú giải của văn bản hay không. Chúng ta dành việc “nói về” Chúa Giêsu, hay việc “thảo luận” về ý nghĩa tiên khởi của bản văn Kinh Thánh, dù quan trọng, vào những lúc khác. Việc chia sẻ Tin Mừng này nhằm mục đích gặp gỡ Chúa Giêsu, chính Lời của Chúa trong cuộc sống. Lời hứa ở “đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở đó, giữa họ” (Mt 18, 20) là điều truyền cảm hứng cho việc chia sẻ loại này.
VI. MỘT SỐ GỢI Ý
Các CĐKN đã và đang đối diện với các thử thách để tiến bước. Tôi sẽ nêu lên một thách thức mà các tham dự viên ở (BILAI) Học viện Giám mục về Tông đồ Giáo dân lần I về các CĐKN cũng đã thừa nhận.
“Ngay cả khi chúng ta hân hoan chúc mừng sự xuất hiện hàng ngàn CĐKN trên toàn châu Á, thì đồng thời cũng đang nảy sinh những thách thức và nhiều vấn để mới tác động trên sự lớn mạnh của CĐKN. Sự thụ động của các thành viên trong Giáo hội của chúng ta và sự thiếu hiểu biết về Kinh Thánh của người công giáo đang làm cho các CĐKN dễ dàng trở thành mồi của các người thu phục tín đồ, đẩy các CĐKN này đến với các giảng viên vốn sẽ tách rời họ khỏi chân lý của Tin Mừng (2 Tm 4, 4)… Các CĐKN, vì muốn có những người điều khiển đã đào tạo, vẫn còn xem mình là những nhóm cầu nguyện và cần phải được khai sáng để tự xem mình là các môn đệ đi theo Đức Giêsu trong sứ vụ của Người”.
Hơn nữa, bản báo cáo đúc kết thúc Học viện Giám mục về Tông đồ Giáo dân về các CĐKN cũng khuyên nên hành động thực tiễn. “Trong 20 năm tới đây, chúng ta cần phải có những người điều khiển đã được huấn luyện đầy đủ ở mỗi cấp để có thể dẫn dắt các cộng đoàn hiện hữu trong các cộng đoàn năng động truyền bá Tin Mừng. Để ứng phó với các nỗ lực và thách thức của các CĐKN nói trên, tôi muốn đề xuất một số ý kiến sau đây.
- Đối với các người lãnh đạo các CĐKN: Ngoài phương pháp Bảy Bước và các phương pháp chia sẻ Tin Mừng khác đã được sử dụng tại các CĐKN ở châu Á, các trưởng CĐKN cũng cần hiểu biết ý nghĩa tiên khởi của bản văn Tin Mừng đồng thời phải học hỏi về các nền tảng Kinh Thánh. Việc này sẽ bổ khuyết cho các hạn chế của các phương pháp chia sẻ Tin Mừng được sử dụng ở các CĐKN.
- Đối với các thành viên thông thường của các CĐKN: cần phải có một sự đào tạo, huấn luyện và một số cơ cấu nào đó để kích hoạt và hỗ trợ các sự vụ trong các CĐKN. Chính vì vậy cần phải tổ chức các khóa trau dồi Kinh Thánh cũng như cung cấp các tài liệu cho các thành viên các CĐKN được viết một cách dễ dàng và đơn giản hơn nữa.
- Đối với những người tham gia việc tông đồ Thánh Kinh: nếu họ có thể đào sâu hiểu biết của họ về các CĐKN và tham dự vào việc áp dụng phương pháp chia sẻ Tin Mừng ở các CĐKN, điều này sẽ cổ vũ thêm cho sự tương trợ lẫn nhau và sự phát triển của chúng ta.
Các CĐKN đặt nền tảng trên Lời Chúa không phải là một trong những phong trào trong Giáo hội mà là một sự thể hiện cụ thể của Giáo hội đang hoạt động. Sự trải nghiệm Lời Chúa là cách thức tốt nhất để cổ vũ các CĐKN vốn đang tìm một cách thức mới để thể hiện Giáo hội – một Giáo hội tham gia ở châu Á. Chúng ta là Giáo hội.
Tác giả: Bibiana Jen-hynn Ro[1]
Chuyển ngữ: Bùi Kim Sơn
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 69 (Tháng 3 & 4 năm 2012)
[1] Thư ký, Văn phòng phụ trách Giáo dân và Gia đình của Liên Hội đồng Giám mục châu Á.
[2] Verbum Domini, số 2
[3] Ibid. số 73
[4] Ibid. số 1
[5] Ibid. số 85
[6] Gaudium et spes, số 47-52