Mơ về ngày cơn đại dịch qua đi
Bị con virus corona đe doạ, con người phải sống một cuộc sống giam mình trong căn nhà, không thể tụ họp bạn bè, không thể giao tiếp thoải mái, lúc nào cũng trong trạng thái phòng thủ, lo sợ, công ăn việc làm bị trì trệ, mọi sinh hoạt bị ảnh hưởng… Hẳn là nhiều lúc chúng ta thấy khó chịu, bứt bối trong lòng. Cũng như bao người khác, tôi mong là cơn dịch này sẽ sớm qua đi, trả lại sự bình yên cho nhân loại. Tôi chẳng biết đến khi nào nhân loại chúng ta mới được thụ hưởng niềm vui ấy, nhưng nếu được phép nghĩ về ngày đó, tôi mơ tưởng thế này:
Con người chúng ta sẽ sống một cuộc sống có ý thức và trách nhiệm hơn với môi trường chung quanh. Con người và thiên nhiên có mối liên hệ sống còn với nhau. Chỉ vì nghĩ đến những lợi ích của bản thân, bao năm qua con người đã tàn phá thiên nhiên rất nhiều, làm mất đi hệ cân bằng sinh thái. Thật ra, chẳng có thiên nhiên nào báo thù con người, nhưng là chính con người tự huỷ diệt mình thôi. Tôi mơ về một thế giới sau dịch bệnh này sẽ có ít cây xanh bị chặt phá, nhưng nhiều cánh rừng sẽ mọc lên, nguồn nước giảm đi sự ô nhiễm. Con người cũng biết cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, tạo sự thân thiện với môi trường. Hai bên chan hoà và che chở cho nhau.
Con người sau cơn đại dịch Covid chắc sẽ biết quý trọng hơn những gì mình đang có, dù đó có khi chỉ là những điều rất bình thường nhỏ nhặt như từng hơi thở, thức ăn tươi sạch, chiếc khẩu trang hay viên thuốc Vitamin C để tăng đề kháng. Có nhiều điều Tạo Hoá ban cho, ta cứ ngỡ nó là hiển nhiên nên chẳng mấy khi quan tâm và tỏ lòng tri ân cảm tạ. Nhìn những bệnh nhân Covid gồng mình và cần sự trợ giúp của những chiếc máy to lớn chỉ để thở, ta bỗng nhận ra việc mình còn có thể hít thở cách tự nhiên, dễ dàng, không cần cố gắng gì là cả một quà tặng lớn lao. Nếu con người luôn sống trong sự biết ơn, chắc là sẽ giảm đi rất nhiều những hờ hững. Họ sẽ sống chậm lại, có chiều sâu hơn, bớt than phiền và nghiệm được một hạnh phúc vô bờ bến vì thấy mình được yêu thương quá đỗi.
Sau cơn đại dịch này, tôi nghĩ rằng con người chúng ta sẽ nhận ra được sự quý giá của người thân và những ai sống bên cạnh. Covid đã cho ta thấy việc chúng ta có thể sống mà không cần ra ngoài là điều có thể làm được. Đã có những tình cảnh đau buồn trong thời gian đen tối này: người thân bị phát hiện dương tính, nhập viện rồi ra đi bất thình lình, ta chẳng kịp nói lời an ủi hay từ biệt, sẽ chẳng bao giờ còn được nghe lời họ nói, thấy khuôn mặt họ. Covid buộc chúng ta phải ở nhà, cách nào đó, cũng là để ta tập lại thói quen tận hưởng niềm hạnh phúc khi ở với người thân. Bao nhiêu năm qua, những đòi hỏi của mưu sinh đã khiến người ta coi nhẹ các mối tương quan tình cảm gia đình và bằng hữu. Giờ đây, mong là sau biến cố dịch bệnh này, con người sẽ nhận ra rằng có thể nói chuyện tự nhiên, ngồi gần nhau, ôm và hôn nhau là điều thật quý giá và hạnh phúc; từ đó họ cũng sẽ biết sắp xếp thời gian, dành ưu tiên cho những gì là thiết yếu nhất của cuộc sống.
Kinh nghiệm về những ngày cách ly, dù là trong khu vực quy định hay ở nhà, cũng sẽ làm cho người ta quý trọng hơn sự tự do mà mình đang tận hưởng. Tự do là món quà quý giá nhất Tạo Hoá ban cho con người. Nhưng nhiều lúc con người chỉ lợi dụng nó chứ không biết tận hưởng nó. Sau khoảng thời gian đại dịch này, tôi mơ về một xã hội, nơi con người biết cách dùng tự do của mình sao cho hữu ích và ý nghĩa hơn.
Đặc biệt, chắc chắn là sau cơn đại dịch, con người chúng ta sẽ cảm nhận cách sâu xa rằng trong tất cả mọi sự, tình con người là cái thiêng liêng và có sức mạnh vĩ đại nhất. Chữ “tình” vẫn còn tồn tại giữa sự hoành hành của sự dữ. Thời gian vừa rồi, ngang qua những sáng kiến tông đồ và từ thiện, ta thấy vẫn còn nhiều đoá sen tươi đẹp và ngát hương hiện diện quanh mình. Sống trọn chữ “tình” là sống nhân phẩm làm người cách hoàn hảo nhất. Nó làm cho con người nên cao quý. Nó làm cho hình ảnh Thiên Đàng được hiển hiện ngay ở đời tạm này. Con người chắc sẽ tiếp tục làm cho cái căn cốt nhất đó của mình được lớn lên thêm, xuất phát từ niềm tin rằng một khi con người biết nắm lấy tay nhau, chẳng một sự dữ nào có thể làm khó họ.
Riêng đối với người Công Giáo,
Tôi hạnh phúc mơ tưởng đến những giờ kinh gia đình, khi mọi thành viên trong nhà quy tụ bên nhau trước bàn thờ, cùng nhau cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa (mà bây giờ, họ đang thực thi điều này). Chẳng cần phải đến đất thánh hay hành hương ở những nơi xa xôi mới được gọi là đạo đức. Người ta có thể gặp được Chúa ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy” là đủ rồi.
Tôi phấn khởi mơ về những thánh lễ đầy ắp giáo dân tham dự với tất cả lòng sốt sắng và hăm hở. Sau một thời gian tạm thời ngưng các hoạt động tôn giáo công cộng, hy vọng các tín hữu sẽ bắt đầu nhớ và thèm khát những buổi quy tụ cộng đoàn bên bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa. Họ sẽ đến nhà thờ vì lòng khao khát chứ không phải vì ép buộc. Người ta hớn hở gặp Chúa và gặp nhau trong tình huynh đệ. Họ sẽ đến nhà thờ sớm hơn hoặc ít là đúng giờ, ăn mặc tươm tất hơn, đi vào bên trong, tiến lên khu vực gần cung thánh để tận hưởng bầu khí thiêng liêng và lãnh nhận ân sủng của Chúa. Họ sẽ chăm chú lắng nghe Lời Chúa dạy, kính cẩn rước Chúa vào lòng, nghiệm thấy nơi đó nguồn sức sống bồi dưỡng tâm linh. Đời sống đạo của Giáo hội, từ các giáo xứ đến các dòng tu sẽ trở nên sống động và đổi mới hơn bao giờ hết.
Các vị chủ chăn và linh mục cũng ý thức hơn về ơn gọi và vị trí phục vụ của mình trong Giáo Hội. Việc phải dâng lễ đơn độc, không có sự hiện diện của giáo dân có lẽ đã dạy họ bài học thấm thía nào đó. Họ sẽ cảm thấy quý giá hơn khi có giáo dân cùng ở bên mình để dâng lễ. Họ sẽ bớt chửi bới, trách móc nhưng khích lệ và động viên con chiên hơn. Những bài giảng sẽ được chuẩn bị chu đáo hơn, ngắn gọn, xúc tích nhưng đủ để hướng dẫn đời sống giáo dân. Họ sẽ cử hành thánh lễ và các bí tích cách sốt sắng hơn, chứ không máy móc, kỹ thuật hay làm cho xong. Họ sẽ bớt trịnh thượng, bớt nghĩ mình quan trọng, bớt tự xếp mình ở trên người khác. Họ ý thức được rằng không có giáo dân, họ rất đơn độc; họ cần giáo dân để mình được là linh mục, người phục vụ cho Nước Chúa.
Và còn nhiều sự mường tượng khác về một thế giới ngày không còn đại dịch… Không biết những giấc mơ của tôi có thành hiện thực không. Tôi mơ cho nhân loại, nhưng cũng là mơ cho chính mình, rằng bản thân cũng sống sự hoán cải triệt để hơn và mỗi ngày được biến đổi nên tốt hơn ngang qua những sự thanh luyện Chúa gửi đến.
Còn bạn, bạn mơ ước thế giới chúng ta sau cơn đại dịch này sẽ như thế nào?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ