Mùa Chay tỏ lộ vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống
Sự chết và tình yêu đan xen vào nhau một cách tinh tế.
Vào đầu tuần này, khi lắng nghe chương trình thể thao trên radio, tôi chợt nhận ra là đã đúng một năm kể từ lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông tôi còn sống. Quả là kỳ lạ khi bộ não con người có thể kết nối được những điều nho nhỏ như thế.
Một năm trước, tôi ngồi trên một chiếc ô tô bên cạnh anh trai và mẹ tôi; chiếc xe chạy xuống một con đường cao tốc để đến thị trấn Sikeston gần Missouri. Đó là nơi ông tôi đang được chăm sóc trong bệnh viện, sau một vài tháng sức khỏe không ngừng yếu đi.
Trong khi lái xe về nhà, tất cả chúng tôi đều nhìn ra ngoài cửa sổ, trôi lạc trong những suy nghĩ của mình và chương trình phát thanh thể thao cứ thế theo cùng chúng tôi như những tiếng ồn trống rỗng.
Tôi không nghe chương trình thể thao trên đài phát thanh thường xuyên lắm, nhưng tình cờ tôi lại đã nghe radio vào đầu tuần này trong khi lái xe, và ngay lập tức bị kéo trôi về quá khứ.
Giống như là tôi đã có khoảng thời gian du hành và một lần nữa lại nhìn thấy con đường về nhà trải dài những cây thông và cây thù du kéo đến tận chân trời; tôi lại có thể ngửi thấy không khí ngọt ngào ở Missouri khi chúng tôi bước vào bệnh viện và cảm nhận bàn tay to lớn của ông tôi nằm trong bàn tay tôi lần cuối.
Bàn tay của ông tôi là bàn tay của một người làm việc trong trại sản xuất bơ sữa, một người đàn ông sẵn sàng thức dậy sớm để làm việc trong nhiều giờ đồng hồ liền, bàn tay đó có thể nâng bất kỳ vật nặng nào. Và cũng chính đôi bàn tay ấy đã viết ra những lời rất tử tế, lãng mạn cho vợ mình. Ông tôi không bao giờ nói về tình yêu ẩn kín này cho gia đình mình nghe, nhưng nó lại được thể hiện rất rõ nét qua từng thớ thịt của ông tôi.
Khi nghĩ về cái chết ấy giống như một cái gai của cành hoa hồng đâm vào mình, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn và thật khó mà nguôi ngoai được. Nhưng tôi lại thấy rất rõ điều này là tôi vô cùng hài lòng vì mình đã có cơ hội để biết ông và yêu ông của tôi.
Cuộc đời ông tôi, như nhà thơ Rainer Maria Rilke đã nói: “đã thấm sâu vào máu tôi”. Thật kỳ lạ, sự khuất bóng của ông tôi lại khiến cho tình yêu của tôi trở nên chân thực hơn, dễ dàng để biết ơn cuộc đời nhiều hơn. Trước đây, tôi chỉ đơn giản cho rằng cuộc đời hiển nhiên là như thế thôi, chẳng cần trân trọng chi cả.
Hằng năm, vào Thứ Tư Lễ Tro, tôi lại cử hành Thánh lễ với giáo dân của tôi. Một lần nữa, họ háo hức đón nhận phước lành xức tro từ tay linh mục. Phước lành xức tro là một biểu tượng của sự trái ngược – một thập giá bằng tro tàn, được vẽ lên trán với lời nói kèm theo: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Làm thế nào mà cái chết lại có trở thành một phước lành như thế được nhỉ?
Đối với tôi dường như có một mối liên hệ giữa hai điều: (1) cái chết cho ta thấy rõ tình yêu của ta dành cho người thân vừa mới qua đời, và (2) việc ngắm nhìn cái chết sẽ cho thấy mình yêu cuộc sống đến mức nào.
Trước khi trở thành một người Công giáo, tôi là một người Tin Lành không cử hành Mùa Chay. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã bỏ lỡ điều gì cho đến khi tôi tham dự Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro lần đầu tiên. Thật là một khoảnh khắc xúc động khi vị linh mục vẽ hình thập giá bằng tro lên trán bạn và nói tiên tri rằng, rồi một ngày nào đó, một cách nào đó, thân xác của bạn sẽ xuống mồ.
Cũng trong năm đó, hoàn toàn bất ngờ, tôi được trải nghiệm ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Vị linh mục mang cây thánh giá xuống bậc thang dưới cùng của cung thánh rồi đặt trên một tấm đệm nhung đỏ. Các tín đồ xếp hàng từng người một rồi quỳ gối xuống sàn nhà lát bằng đá cổ, cúi đầu và hôn lên chân Chúa chết trên Thánh giá.
Chính hình ảnh của cái chết và việc hôn thánh giá đã mang về cho ta một cảm nhận mạnh mẽ không thể chối cãi: đây chính là vị Thiên Chúa mà chúng ta yêu mến và tôn thờ. Cái chết đã làm cho tình yêu của chúng ta trở nên chân thật hơn.
Có một mầu nhiệm nằm trong mối liên hệ giữa cái chết và tình yêu. Nó đi vào chính trái tim của chúng ta – trái tim của những con người, có linh hồn vĩnh cửu hợp nhất với một thân xác lớn lên rồi tàn tạ đi.
Có một đoạn văn hay trong cuốn tiểu thuyết “Người bị tước quyền sở hữu” của nữ văn sĩ Ursula Le Guin, nói về cách chúng ta chỉ nhìn thấy được cái đẹp thực sự của một đối tượng khi chúng ta nhìn thấy được toàn bộ về nó. Bà ấy viết: “Nếu bạn có thể nhìn thấy được toàn diện một vật gì đó, thì vật đó xem ra sẽ rất đẹp… nhưng nhìn lại gần, sẽ chỉ là một thế giới toàn là bụi bẩn và đá lởm chờm. Ngày qua ngày, cuộc sống trở nên khó khăn, bạn sẽ mệt mỏi, bạn sẽ dễ dàng đánh mất đi sự mẫu mực. Lúc đó, bạn sẽ cần một khoảng cách… Để thấy trái đất đẹp như thế nào, hãy nhìn nó từ mặt trăng. Để thấy cuộc sống tươi đẹp như thế nào, hãy nhìn nó từ một vị trí thuận lợi là cái chết.”
Mùa Chay có thể là một trải nghiệm đầy thử thách. Vì khi tập trung vào việc đền tội và ăn chay, ngắm nhìn bụi tro và cái chết, thì đó cũng chính là nhìn lại ngày giỗ của chính mình. Tuy nhiên, những nỗ lực và sự tự vấn lương tâm ấy cũng rất đáng giá. Chiêm ngắm cái chết của ta là một bài tập vô giá, vì nó cho thấy toàn bộ cuộc sống của ta – từ khi bắt đầu, tiến triển, cho tới khi kết thúc.
Từ điểm nhìn thuận lợi ấy, chúng ta sẽ ở trong một vị trí độc đáo để hiểu được cuộc sống thực sự tươi đẹp và quý giá như thế nào. Tình yêu là bức tranh toàn diện. Trong cuộc sống, chúng ta yêu. Trong cái chết, chúng ta yêu. Dù sống hay chết, chúng ta mãi mãi thuộc về nhau.
Lm Michael Rennier (Aleteia) / Thu Phượng chuyển ngữ