T3. Th9 10th, 2024

Rước lễ thiêng liêng theo gương một vài vị thánh

Rước lễ thiêng liêng theo gương một vài vị thánh

Trong những ngày cả thế giới phải cách ly ở nhà, người Công giáo không được tham dự Thánh lễ mà chỉ có thể theo dõi Thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng. Vậy, người tín hữu nên dọn mình rước lễ thiêng liêng như thế nào?

Sau đây là kinh nghiệm, lời cầu nguyện của một số vị thánh cũng như lãnh đạo của Giáo hội mà người viết lược dịch từ bài Thánh Anphongsô dạy chúng ta rước lễ thiêng liêng trên Interris.it.

Thánh Anphongsô Maria Liguori: Một vị thánh dấn thân

Thánh Anphongsô Maria Liguori là một vị thánh gần gũi với chúng ta. Ngài là Giám mục và tiến sĩ Hội thánh sống ở thế kỷ XVIII, đồng thời là tác giả bài hát mừng Giáng Sinh nổi tiếng “Ngài xuống từ muôn sao”. Là người của Thiên Chúa, Ngài từng phải đối diện với những hoàn cảnh khẩn cấp và luôn sẵn sàng hiến thân cho những người nghèo nhất. Trong nạn đói năm 1764, dẫn đến cái chết của 300 nghìn người ở vương quốc Napoli (nước Ý), Thánh Anphonsô đã chạy đi cứu giúp người đau khổ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái để “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Người ta kể rằng Ngài nhịn ăn vì thương người nghèo và Ngài đã bán hai chiếc nhẫn quý giá, cây thánh giá Giám mục và các đồ vàng bạc để cho người nghèo mua thức ăn.

Cách đặc biệt, thánh nhân từng để lại một lời kinh rước lễ thiêng liêng mà rất nhiều người Việt Nam đã biết. Vì thế, để rước lễ thiêng liêng, các tín hữu có thể đọc lời kinh này của Ngài:

“Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen”

Rước Lễ thiêng liêng

Thường thì Ngài rước lễ thiêng liêng, giống như nhiều vị thánh khác như Tôma Aquinô, Phanxicô de Sales, Catherine thành Siena, Josemaría Escrivá và Margherita Maria Alacoque. Theo chính Thánh Tôma, thực hành này được Công đồng Trento xác nhận, hệ tại ở lòng khao khát thiết tha được rước Chúa Giêsu Thánh Thể và trong một vòng tay yêu thương như thể đã nhận được.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu viết: “Con không thể rước lễ thường xuyên như con muốn nhưng, Chúa ơi, Ngài không phải là Đấng toàn năng sao? Xin hãy ở trong con, như trong Nhà Tạm, đừng bao giờ rời xa của lễ hiến tế nhỏ bé của Ngài.”

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp “Giáo hội Sống nhờ Thánh Thể-Ecclesia De Eucharistia”, đề cập đến tầm quan trọng “nuôi dưỡng lòng khao khát Thánh Thể trong tâm hồn” mà “may mắn thay đã được phổ biến qua nhiều thế kỷ trong Hội Thánh và được khuyến khích bởi các thánh nhân là những bậc thầy về đời sống thiêng liêng” (Số 34). Ngài tiếp tục nhắc lại lời thánh Têrêsa viết trên “Đường hoàn thiện” của mình: “Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự Thánh Lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, thực hành này cũng đem lại nhiều ơn ích; như thế, trong lòng bạn càng thêm khao khát Chúa tình yêu của chúng ta”.

Bậc đáng kính Marthe Robin

Năm 1928, tình trạng tê liệt đường tiêu hóa ngày càng tăng khiến nhà thần bí người Pháp Marthe Robin không thể nuốt bất kỳ loại thức ăn hay đồ uống nào như khi còn trẻ. Nhưng người phụ nữ trở thành bậc đáng kính của Giáo hội vào năm 2014 này, vẫn tiếp tục sống thêm 50 năm nữa và hơn nữa là chị chỉ rước lễ mỗi tuần một lần. Chị kể: “Mỗi ngày khi tôi không có niềm vui được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và nhiều lần trong ngày, tôi thực hành rước lễ thiêng liêng, hiệp thông tinh thần và trong lòng mình”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi tái khám phá giá trị của hiệp thông

Giữa đại dịch virus corona, ngay cả Đức Giáo hoàng Phanxicô, tại buổi Kinh Truyền Tin ngày 15 tháng 3 vừa qua, từ Thư viện của Điện Tông tòa đã mời gọi các tín hữu “tái khám phá và làm sâu sắc thêm giá trị của sự hiệp thông liên kết tất cả các thành phần của Giáo hội. Hợp nhất với Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ đơn độc, nhưng chúng ta tạo thành một Thân thể duy nhất, trong đó Ngài là Đầu. Đó là một sự kết hiệp được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, cũng như bằng việc Rước Lễ thiêng liêng, một thực hành rất được khuyến khích khi không thể lãnh nhận Bí tích. Tôi nói điều này cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người sống một mình”.

Và trong bài giảng tại Nhà thánh Marta ngày 19 tháng 3, Đức Giáo hoàng đã đề nghị một lời kinh nguyện cho những người theo dõi Thánh lễ trực tuyến và mong muốn được kết hiệp với Bí tích Thánh Thể:

“Ôi lạy Chúa Giêsu, con sấp mình dưới chân Chúa và dâng lên Chúa lòng ăn năn thống hối khi tự dìm mình xuống hư không và trong sự hiện diện của Chúa. Con thờ lạy Chúa trong Bí Tích Tình Yêu. Con ao ước được rước Chúa ngự vào nơi nghèo nàn là tấm lòng con dâng Chúa. Trong khi đợi chờ niềm hạnh phúc được chịu lễ thật, con muốn chiếm lấy Ngài cách thiêng liêng. Ôi lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến với con để con được đến với Ngài. Xin tình yêu Chúa đốt cháy tất cả con người con cho cuộc đời và cho đến chết. Con tin vào Chúa, con hy vọng vào Chúa, con yêu Chúa. Chớ gì được như vậy. Amen”

Nguồn: phatdiem

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *