Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền
Một trong các phương pháp truyền giáo đó là chăm sóc, yêu thương những người bệnh hoạn, tật nguyền như Đức Giêsu, dù phải trả giá.
Một lần kia, khi tôi mới về Cái Rắn, có một Phó tế gởi đến năm triệu đồng, nói “đây là quà của nhóm Chia sẻ Lời Chúa ở Tokyo, xin cha trao cho các em khuyết tật”. Vậy là suy nghĩ đi tìm những người khuyết tật trong vùng nảy sinh. Tôi nói Hội đồng giáo xứ cùng với các bà phước, nhất là các bà phước từ thành phố xuống, bủa đi hết xóm này qua xóm khác, hai tuần mới hết, tổng kết được số người khuyết tật trong xã là 180; nếu thêm những ấp xung quanh thuộc xã khác thì 257. Dĩ nhiên họ là những người tật thì không chữa được nên chỉ còn cách là an ủi họ thôi.
Sau dịp đó, chúng tôi quyết định mỗi năm ít là phải có 4 lần đi thăm họ. Rồi cũng đi xin ân nhân đây đó để mỗi người mỗi một lần được một món quà tối thiểu 50.000, mà đi thì lâu lắm. Có một lần tôi đích thân đi, bảy giờ sáng tôi xuống xuồng, đem theo cơm vắt, ăn cơm dưới xuồng luôn, mà đến bốn giờ chiều mới về. Họ ở trong các kênh, rạch lắt léo, có chỗ phải kéo đập và có chỗ đi lộn, phải đi vòng trở lại, nên hết một ngày mà chỉ có 17 người thôi. Mỗi lần đi thăm vậy họ mừng quá, nước mắt nhễu ra, vì trước nay chưa ai yêu thương họ, bây giờ họ thấy đạo yêu thương họ, họ mừng lắm. Họ mừng, cha mẹ mừng, bạn bè mừng, lối xóm mừng… Và điều đó trở thành một chứng tá của Tin Mừng.
Có những trường hợp bệnh hoạn, tật nguyền vô duyên lạ lùng, chịu không nổi mà vẫn cứ phải thương. Chẳng hạn một lần, tôi cùng bà phước với hai người trong Hội đồng giáo xứ đi một chiếc xuồng đến một cái nhà ở tận trong đồng, nghe nói có một đứa con gái 16 tuổi bị cụt một bàn tay. Tôi hỏi bà chủ : “Nghe nói chị có đứa con bị cụt tay, bây giờ chị cho chúng tôi gặp cháu”. Bà kêu: “Ý, ông cha kêu gặp mày kìa”. Con bé chạy lên, không có bàn tay, mặt thì sáng láng mà tay không có. Tôi hỏi tại sao vậy thì bà kể : “Hôm đó, hồi nó có 2 tháng tuổi, tui đưa 2 thằng con trai chống xuồng đi qua bên bà ngoại chơi. Nó ở nhà với cha, ngủ trên giường. Cha nó đi nhấp câu cách đó chừng một công đất (cỡ 36 thước ngang), đến khi nghe nó khóc thét lên thì mới chạy về. Hóa ra con heo nái trèo lên giường lôi xuống nhai mất bàn tay…”. Tuy nhiên, đi lòng vòng thăm nom thêm 300 thước nữa, thì bà con xóm giềng lại nói không có đâu, mẹ nó nói xạo đó. Đúng ra là : “Hôm đó cha nó đi chợ về, xỉn ngủ với con trên bộ ngựa, xỉn quá, tới mức độ con heo kéo đứa con xuống nhai bàn tay mà vẫn chưa tỉnh. Đến khi tỉnh dậy rồi thì xong rồi, bàn tay mất rồi, như vậy là lỗi tại cha nó, cha nó xỉn, thấy có vô duyên không? Cha ngủ với con ở trên giường như vậy mà để cho con heo nái nhai bàn tay mà không biết”. Họ cho biết thêm : “…Năm sau, bà sinh một đứa con trai em con nhỏ cụt tay, nhưng không có hậu môn. Cha nó chắc là hối hận quá nên thắt cổ chết luôn…”.
Xạo hay không xạo, đúng hay có thêm thắt… Mặc kệ ! Chỉ biết đây là hoàn cảnh quá bi đát. Hôm tôi đến, thằng đó vẫn còn mang cái bọc ni lông ở bên hông. Tôi hỏi tại sao hồi đó không xin bác sĩ làm cho nó cái hậu môn đàng hoàng đi, mà phải đeo cái bọc này 14 năm. Mẹ nó rầu rầu rằng bác sĩ nói nhiều tiền lắm, không làm nổi đâu. Tôi quyết định đưa nó lên Nhi đồng I làm cho cái hậu môn mới để đi học không ai chọc ghẹo nữa. Giờ thì đã bình thường. Còn chị nó, một người bên Mỹ cho được cái bàn may, rồi bà phước có một lớp cắt may, dạy nghề cho. Nó không cắt may giỏi lắm nhưng những đồ bình thường trong nhà, lối xóm thì làm được. Sau người đó lại cho thêm cái máy vắt sổ nữa cho nên nó cũng có thể tự kiếm sống.
Đó cũng là một trong những câu chuyện hết sức vô duyên, tàn tật cách phi lý, ba cái tai nạn đổ xuống trong một gia đình. Biết và giúp đỡ họ kịp, họ nhớ cả đời…
Tôi kể thêm một câu chuyện khác, một cảnh chua quá dở khóc dở cười : Có tám người bệnh hoạn, bị bệnh viện địa phương chê, giới thiệu lên thành phố nhưng họ không có tiền. Chúng tôi cũng rỗng túi, chỉ biết cầu nguyện. Rồi bất ngờ có một người ở Mỹ cho được 500USD, bán được 7 triệu (lúc đó), bù thêm 3 triệu nữa, được 10 triệu, thế là xong. Tôi nói với ông thầy xứ là bây giờ có tiền rồi, ông thầy đưa 8 người đi Sài Gòn. Họ tập trung hết ở nhà xứ vào buổi chiều. Trong số đó có một ông bồng đến một đứa bé 12 tuổi, học lớp sáu. Nó tong teo chỉ còn da bọc xương thôi. Tôi nói rằng đứa bé này sợ đi Sài Gòn không nổi. Nhưng mà ngàn năm một thuở mà, cho nên tôi thử để liệu trù, chứ nhìn tội nghiệp quá. Tôi khều khều cái ổ nách, thấy đứa bé cười hí hí. Được, cười có vẻ giòn giã lắm, hy vọng. Sau đó tôi bảo đứa bé “con nhéo tai cha cái coi”. Nó nhéo xong, lại cười hí hí… À, có lý. Rồi cuối cùng trước khi đi, bà phước cho ăn cơm, nó ăn tới hai chén cơm lận, ăn hơn tôi luôn. Vậy là chắc ăn. Lệnh cho đi.
Ông thầy bao một chiếc xe 16 chỗ, mà đi có 8 người bệnh, với chừng 3 – 4 người đi thăm nuôi, đi lo nữa. 8 giờ khuya khởi hành từ Cà Mau, 11 giờ 20 thì ông thầy gọi điện về nói với bà phước thằng bé chết rồi. Nó chết ngay trên tay của cha nó. Trước khi chết nó chỉ nói được một câu thôi : “Mẹ”. Biết điện thoại để trong nhà cũng như không vì tôi đâu có nghe được, bà phước sợ tôi mất ngủ không qua báo liền, đợi đến sáng, sau giờ đọc kinh nguyện gẫm thì mới cho tôi hay. Tôi giật mình, sợ quá, thế thì hỏng rồi. Bây giờ sợ người ta sẽ đặt vấn đề : thằng bé đi bệnh viện không có giấy giới thiệu của bác sĩ, thằng bé đi bệnh viện không được bác sĩ khám nghiệm và định giá sức khỏe trước, nhà thờ đưa đi như thế là nhà thờ phải chịu trách nhiệm… Tôi lo quá, rồi tôi bắt đầu than phiền với Chúa: “Chúa ơi, Chúa làm Chúa, Chúa sướng quá, Chúa làm phép lạ, Chúa rờ cái nó khỏi. Thế là cha mẹ, vợ con, anh em, xóm giềng, hàng trăm người mừng. Nó chết ngắt rồi mà Chúa cầm tay kéo lên, thế là nó ngồi dậy, sướng quá. Còn chúng con phải làm phép thường, mệt quá, tốn tiền, tốn sức, mất thời giờ, mà bây giờ còn mắc vạ đây này. Người ta mà lật thế, tố cáo nhà thờ thiếu trách nhiệm là tụi con chết đấy… !”.
Phiền Chúa tí, đến 7 giờ thì ông thầy về tới nhà. Ông giang tay ra, nói rằng “Thưa cha, mọi khâu đều tốt đẹp”, không có chuyện gì phiền hết”. Thứ nhất là bỏ chiếc xe đó, bao chiếc xe khác, ngay lúc 11h20 tại Sóc Trăng, không dễ nhưng được. Rồi về tới Cà Mau, bao xuồng cho từng người bệnh về nhà. Thằng bé được đưa về tận nhà, ba mẹ nó hiểu. Mừng, tôi kêu bà phước gọi ngay những em nào không đi học buổi sáng tập trung lại, bao mấy chiếc xuồng, rồi mỗi em bẻ một bông trang, vì nhà thờ bông trang nhiều lắm. Chúng tôi đi, đến nơi thì họ chôn rồi, con nít họ có tục lệ là chết chôn liền, không để lâu. Đành ra đứng xung quanh ngôi mộ, hát một bài cầu hồn, rồi các em đặt mỗi đứa một bông trên mộ, gần như kín ngôi mộ. Trở về nhà, ông bố của em bé đó cầm tay tôi mà nói như thế này: “Cả đời chúng tôi mới có được một lần như thế này, được đưa con đi chữa bệnh ở thành phố. Chúng tôi mơ ước hoài không được, nhờ ông cha, mới được. Đành rằng cái việc ông cha giúp không thành đạt, bởi vì số của con tôi nó ngắn quá, nó chết, nhưng mà không sao, chúng tôi vẫn nhớ ơn ông cha…”.
Về sau, thật lạ lùng, cả gia đình đó theo đạo, một số người trong xóm cũng theo đạo. Tôi đã xin lỗi Chúa : “Chúa ơi, con xin lỗi, không chỉ xin lỗi Chúa mà cám ơn Chúa nữa, bởi vì không phải là Chúa chơi khó con, mà là Chúa chơi khéo, Chúa chơi khôn. Chúa biến cái tai họa thành một niềm tin, Chúa biến cái tai họa thành một giáo điều, cám ơn Chúa…”.
Đó là một trong những cái khó khăn khi thi hành lời Chúa dạy, là phải yêu thương những người bệnh hoạn tật nguyền, ít là đem lại niềm an ủi cho họ. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khi khai mạc Công đồng Vatican II, việc đầu tiên là ngài viết thư cho các em thiếu nhi, cho những người bệnh hoạn, tật nguyền. Ngài bảo rằng : “Lời cầu nguyện của những người đó rất đáng được Chúa chấp thuận. Trẻ em thì như thiên thần, còn người bệnh hoạn, tật nguyền thì họ dâng cả hy sinh của họ. Như thế được hai việc: thứ nhất, lời cầu nguyện hy sinh của những người đó đem lại ơn cứu độ cho nhiều người, thứ hai, chính họ khi làm điều đó, họ tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc…”.
Xin đừng quên những người bệnh hoạn, tật nguyền ở ngay trong xóm, trong ấp, trong phường, trong xã của chúng ta. Đi đến đâu cũng phải tìm ra những người đó và lâu lâu thăm họ một lần, dù không cho họ cái gì nhưng ngồi nghe họ kể nỗi khổ một nửa giờ đồng hồ cũng là quý giá lắm rồi. Làm được như thế là chúng ta đang thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng và hun dày đức tin, vì Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định như thế : “Đức tin chỉ vững mạnh khi chia sẻ. Cứ lên đường truyền giáo, rồi những cái lủng củng, nội bộ trong họ đạo của mình lần lần sẽ giảm thiểu đi”.
Lm Piô Ngô Phúc Hậu