T4. Th9 18th, 2024

Từ Sợ Hãi đến Yêu Thương

Từ Sợ Hãi đến Yêu Thương

Bức i-côn “Ba Ngôi Thiên Chúa-theo Cựu Ước”
của Andrei Rublev vẽ vào khoảng năm 1410

Khi cầu nguyện trước bức i-côn này, chúng ta cảm thấy được mời gọi tham gia vào cuộc đối thoại thân mật giữa ba Đấng Rất Thánh và đồng bàn với các Ngài. (Henri Nouwen)

Những người tích trữ vì sợ

Một số người quá quan tâm về nguồn dự trữ trên thế giới bảo nhau rằng: “Lấy gì bảo đảm là chúng ta có đủ lương thực và nguồn dự trữ cho những lúc khó khăn? Cho dù bất cứ điều gì xảy đến, chúng ta phải tìm cách để có thể tồn tại. Vậy cách tốt nhất là chúng ta hãy thu tích thật nhiều lương thực và kiến thức hầu có đủ cho chúng ta trong những lúc túng thiếu và giúp chúng ta vượt qua thời gian khủng hoảng.” Thế rồi họ bắt đầu tích trữ mọi thứ cần thiết, nhiều đến nỗi người khác phải lên tiếng phản đối: “Các anh đã thu tích quá nhiều, nhiều hơn những gì các anh cần. Trong khi chúng tôi lại không có đủ lương thực để có thể tồn tại. Hãy chia sẻ cho chúng tôi phần dư của các anh!” Nhưng những người chỉ lo tích trữ lại nói: “Không, không được đâu, chúng tôi cần phải dự trữ những thứ này phòng khi cần, nhất là trong những lúc rủi ro, nguy hiểm.” Những người kia năn nỉ: “Hiện tại chúng tôi đang chết đói, làm ơn chia sẻ cho chúng tôi ít lương thực, đồ dùng và kiến thức của các anh để chúng tôi có thể tồn tại. Chúng tôi không thể đợi thêm được nữa! Chúng tôi cần những thứ đó ngay bây giờ!” Nghe đến đây, những người chuyên lo tích trữ vì sợ thiếu lại càng sợ hơn, ngoài nỗi sợ thiếu, giờ họ lại mang thêm một nỗi sợ nữa, đó là sợ những người nghèo đói tấn công. Vì thế họ bảo nhau: “Chúng ta hãy xây tường rào chung quanh để người lạ không thể đột nhập vào lãnh địa của chúng ta.” Thế là họ bắt đầu xây những tường rào cao vừa kiên cố đến nỗi họ không thể nhìn thấy bất cứ ai ở bên ngoài, dù những người bên ngoài đó quen hay lạ! Và khi nỗi sợ gia tăng, họ nói với nhau: “Kẻ thù của chúng ta càng ngày càng nhiều và mạnh đến độ họ có thể đập phá những bức tường của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta chỉ xây tường thôi thì chưa đủ chắc chắn để chống lại kẻ thù, chúng ta cần đặt chất nổ và kẽm gai trên những tường rào để không còn ai dám đến gần.” Tuy nhiên, thay vì cảm thấy an toàn sau những bức tường được trang bị vũ khí chống kẻ thù, họ lại cảm thấy chính họ bị nhốt trong những nhà tù của sự sợ hãi do chính họ xây lên.

Tại sao chúng ta lại sợ hãi đến thế?

Càng biết nhiều người và càng hiểu họ thì tôi càng thoát khỏi thế lực của những sợ hãi tiêu cực. Một khi chúng ta sống trong lo sợ thì nỗi sợ càng có sức mạnh vây hãm cuộc sống của chúng ta. Sợ hãi xâm nhập vào toàn bộ cơ cấu của chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn. Nhiều người đã để cho sự sợ hãi chi phối mọi động lực, suy nghĩ và hành động của họ. Chúng ta quá lo lắng cho bản thân mình và cho những người chung quanh. Chúng ta sợ điều dữ, sợ những điều không may có thể xảy ra cho mình và cho người thân.

Trong cuộc sống, hầu như lúc nào chúng ta cũng có cái gì đó để sợ: sợ những điều ở bên trong, ở chung quanh chúng ta, sợ những chuyện rất gần hoặc rất xa, sợ những điều nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được, sợ chính mình, sợ người khác và sợ cả Thiên Chúa. Trong mọi suy nghĩ, lời nói, hành động hoặc những phản ứng của chúng ta dường như luôn mang dáng dấp của sự sợ hãi. Nỗi sợ này dường như có một sức mạnh vô hình mà chúng ta không thể giũ bỏ nó được. Một khi sự sợ hãi xâm chiếm tâm hồn chúng ta cách sâu xa, nó đi vào cả trong cõi vô thức. Một cách ý thức hay không ý thức, chúng ta đã để cho nỗi sợ điều khiển tất cả mọi sự lựa chọn và quyết định của chúng ta. Sự sợ hãi nếu chưa được thuần hóa có thể trở thành một bạo chúa hung hãn hành hạ và đàn áp chúng ta phải sống như những con tin trong ngục tù của nó.

Một khi chúng ta để cho nỗi sợ hãi len lỏi vào cuộc sống của mình, chúng ta tự nhốt mình trong căn nhà của sợ hãi và nhìn mọi thứ bên ngoài qua lăng kính sợ hãi. Vì thế, những gì chúng ta thấy chỉ là bế tắc, thiếu thốn, khan hiếm và xa tránh. Ai bị chi phối bởi sức mạnh của sợ hãi, tâm trí họ luôn cảm thấy căng thẳng và muốn xa tránh người khác. Những ai làm chúng ta sợ hãi, thường sai khiến chúng ta làm những gì họ muốn. Khi sợ người nào, chúng ta thường để cho người đó điều khiển chúng ta. Sự sợ hãi là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất trong tay những ai muốn điều khiển chúng ta. Những người đó có khi là bố mẹ, thầy cô giáo, bác sĩ, cấp trên, giám mục, cha xứ hoặc Thiên Chúa. Một khi bị sợ hãi khống chế, chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động như một người nô lệ.

Nhìn vào mối quan tâm của xã hội hôm nay, những chủ đề và chuyên mục trên tạp chí, trên đài phát thanh thường tập trung vào quyền lực và sự sợ hãi. Mọi người luôn lo lắng tự hỏi: Tôi sẽ phải làm gì hoặc tôi sẽ sống ra sao nếu tôi không tìm được một người bạn đời, không mua được nhà, không tìm được việc làm xứng hợp, không tìm được người bạn hay một vị ân nhân nào giúp tôi? Tôi sẽ phải làm gì nếu tôi bị đuổi việc? Nếu như tôi bị bệnh hoặc gặp tai nạn thì tôi phải làm thế nào? Làm sao tôi có thể vượt qua được nỗi đau nếu tôi mất đi người bạn thân, hoặc hôn nhân của tôi tan vỡ? Nếu chiến tranh xảy ra thì cuộc sống của tôi sẽ như thế nào? Thực ra, sự thật vô hình hàm chứa trong những câu hỏi này là: sẽ chẳng bao giờ có những câu trả lời khỏa lấp được sự sợ hãi trong tâm hồn họ vì họ luôn luôn cảm thấy sợ, hết sợ chuyện này lại đến chuyện khác. Việc này giải quyết chưa xong lại xuất hiện nỗi sợ khác. Để đi đến quyết định sinh con, chúng ta vạch ra rất nhiều thứ phải làm liên hệ đến đứa con như sự lo lắng liệu mình có đủ khả năng để trợ cấp cho con vào đại học hay không? Việc nuôi dạy con sẽ như thế nào? Và cứ thế, chúng ta cứ bị cuốn vào hết nỗi lo này đến nỗi lo khác liên quan đến nghề nghiệp, nơi mình sống, bạn bè, người thân và rất nhiều thứ khác. Nếu chúng ta cho rằng, chúng ta sẽ không hạnh phúc nếu không được bạn bè tán thành, ca tụng? Hoặc chúng ta nghĩ là sẽ bất hạnh nếu không có đủ tiền. Những ý nghĩ như thế sẽ khiến chúng ta tiếp tục ở trong tình trạng sợ hãi lo lắng và cố tìm mọi cách để thu tích, để có nhiều hơn nữa. Cứ thế, từ nỗi sợ này lại sinh ra nỗi sợ khác. Sợ hãi chẳng bao giờ nảy sinh tình yêu.

Tác động của sự sợ hãi trên cuộc đời chúng ta có thể rất tinh vi. Trong ý thức, chúng ta có thể không dám nghĩ mọi người chung quanh là kẻ thù của chúng ta, tuy nhiên, chúng ta vẫn có những thái độ và ứng xử như thể họ là kẻ thù. Ngày qua ngày, nếu điều đó cứ tiếp tục xảy ra, thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình trở thành kẻ xa lạ với những người hàng xóm láng giềng và ngay cả với những người sống chung một nhà với chúng ta. Chúng ta cảm thấy sợ hãi, cô lập và bất lực. Thay vì tự tin và tự do, chúng ta lại cảm thấy lo âu buồn phiền và tê liệt. Thay vì sống trong niềm vui và hy vọng, chúng ta lại cảm thấy buồn phiền và trống rỗng. Thay vì sống trong căn nhà trào tràn tình thương, nơi Thiên Chúa ngự trị, chúng ta lại nhốt mình trong ngục tù của sự sợ hãi.

NGÔI NHÀ NƠI TÌNH YÊU ĐƯỢC VUN TRỒNG

Trong vài tháng được chia sẻ và quan sát đời sống của những anh chị em nghèo khổ, bị áp bức tại Châu Mỹ La Tinh, tôi dần nhận ra rằng họ là những người rất tự do, không sợ gì cả. Họ sống rất đơn sơ, chân thành và luôn thể hiện lòng biết ơn giữa một đất nước đầy những mối nguy hiểm, sợ hãi. Ở nơi đó, tôi nhìn thấy những người nghèo đói, đau đớn và khổ cực. Cũng nơi đó tôi tìm được niềm vui, sự bình an và lòng biết ơn. Tôi cũng sớm nhận ra rằng, sự áp bức và sự nghèo đói của Nam Bán cầu là những nỗi lo sợ, thống khổ và sự giam hãm của những người sống trong Bắc Bán cầu. Một cách nào đó, hai thực tại này không thể tách rời nhau. Sự đau khổ và mất tự do được tạo nên bởi nhu cầu tích trữ và sợ hãi hoang mang không tách rời khỏi những đau khổ mà anh chị em đang sống trong các vùng mà chúng ta gọi là “quốc gia đang phát triển” phải hứng chịu. Tại Bắc Mỹ, dường như chúng ta quên đi những điều dẫn chúng ta tới cuộc sống yêu thương. Chúng ta dường như đã đánh đổi niềm hy vọng ở trong ngôi nhà yêu thương của Chúa bằng những bức tường kiên cố, hệ thống an ninh trật tự và những cộng đồng kín cổng cao tường.

Thánh Gioan đã rất chí lý khi khẳng định tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi. Ở đây thánh nhân muốn ám chỉ đến một tình yêu thánh thiêng đến từ Thiên Chúa. Ngài không đưa ra một chiến lược cụ thể nhằm đạt được mục tiêu hay phát triển hệ thống an ninh. Ngài cũng không nói đến những cảm xúc của con người hay sự hòa hợp tâm lý, hấp dẫn lẫn nhau hoặc những cảm xúc sâu đậm thu hút nhau. Tất cả những điều này đều có giá trị của nó. Tuy nhiên, tình yêu hoàn hảo mà thánh Gioan muốn nói ở đây là một tình yêu phổ quát và vượt trên mọi dự định, cảm xúc, tình cảm và đam mê. Tình yêu hoàn hảo là một tình yêu linh thánh, trong đó chúng ta được mời gọi thông phần vào sự mật thiết của Thiên Chúa và học biết ở lại trong sự mật thiết với Đấng là tác giả và là cội nguồn của tình yêu. Sự mật thiết này không khởi đi từ con người nhưng phát xuất từ Thiên Chúa và do sáng kiến của Chúa – Đấng đã đến cắm lều và ở giữa chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta vào ở trong nhà của Ngài, nơi mà Ngài đã chuẩn bị phòng ốc sẵn sàng cho chúng ta.

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

Thánh kinh Cựu ước cũng như Tân ước rất nhiều lần đã dùng từ “nhà – home”. Các Thánh vịnh luôn diễn tả một sự khao khát được ở trong nhà của Thiên Chúa, được ẩn náu dưới cánh của Ngài và trú ẩn an toàn trong đền thánh Chúa; các Thánh vịnh ca ngợi nơi thánh của Chúa, là lều tạm lý tưởng và nơi trú ẩn an toàn vững chắc. Cụm từ “ở trong nhà Chúa” diễn tả nỗi khát mong trong những lời cầu nguyện tâm tình trên đây. Thật là ý nghĩa khi thánh Gioan mô tả Chúa Giêsu – Ngôi Lời Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Thánh Gioan không chỉ kể lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu đã mời gọi thánh nhân và người anh là ông Andrê đến và ở lại trong nhà của Chúa (Ga 1, 38-39) nhưng thánh Gioan còn khéo léo cho chúng ta thấy cách thức Chúa Giêsu thể hiện Ngài chính là Đền Thờ mới (Ga 2,19). Điều này được biểu lộ rõ ràng trong diễn từ ly biệt, khi Chúa Giêsu cho thấy Ngài chính là nơi cư ngụ đích thực của chúng ta: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Chúa Giêsu, nơi cư ngụ trọn vẹn của Thiên Chúa, đã trở thành nhà – nơi ở của chúng ta. Bằng cách chọn ở lại trong chúng ta như nhà của Chúa, Chúa Giêsu cho phép chúng ta ở lại trong Chúa như nhà của chúng ta. Bằng việc xây dựng mối tương quan thân mật với chúng ta, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tham dự vào mối tương quan thân mật giữa Ngài với Chúa Cha. Bằng việc chọn chúng ta làm nơi ở yêu thích của Ngài, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta chọn Ngài làm nơi cư ngụ yêu thích của chúng ta. Có thể chúng ta sẽ phân vân tự hỏi làm sao chúng ta có thể ở trong ngôi nhà tình yêu? Hoặc phải chăng vì chúng ta đã quen sống trong sự sợ hãi đến độ không còn khả năng nghe được lời mời gọi, “Đừng sợ!” của Chúa?”

ĐỪNG SỢ!

Đây là lời quả quyết mà không chỉ một mình chúng ta cần học để có thể nghe thấy nhưng còn phải được minh chứng bằng cuộc sống để tất cả mọi người đều có thể cảm nhận và nghe được lời này. Cụm từ “Đừng sợ!” được nhắc đến nhiều lần trong Tân ước. Khi sứ thần của Chúa xuất hiện, lời đầu tiên của các ngài, đó là “đừng sợ!” Đây cũng là lời sứ thần Gabriel đã nói với ông Giacaria khi hiện ra với ông trong đền thờ và báo cho ông biết vợ ông, bà Elizabeth sẽ sinh một con trai; cũng với lời này, sứ thần Gabriel nói với Đức Maria khi hiện ra với Mẹ trong căn nhà của Mẹ tại làng Nazareth. Sứ thần báo cho Mẹ biết là Mẹ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu.

Qua cuộc đời sứ vụ, Chúa Giêsu đã nhiều lần dạy các môn đệ đừng nhát đảm, đừng để cho sự sợ hãi thống trị. Khi các môn đệ hoảng sợ trước các đợt sóng dữ dội, Chúa Giêsu vẫn thản nhiên ngủ trên thuyền! Như các môn đệ đầu tiên, mỗi khi nỗi lo âu ập đến làm chúng ta chao đảo, chúng ta cũng muốn đánh thức Chúa và hoảng hốt thưa với Ngài: “Xin cứu chúng con, lạy Chúa, vì chúng con sắp chìm rồi!” Ngài cũng sẽ bảo với chúng ta: “Hỡi những người kém lòng tin, sao các con lại hoảng hốt đến thế?” Và Ngài ngăm đe gió và biển, biển lặng như tờ (x. Mt 8,23-27). Lời trấn an này cũng được lặp lại cho các phụ nữ khi các bà đến thăm mộ Chúa và thấy tảng đá bị lăn sang một bên: “Đừng sợ, đừng sợ, đừng sợ.”

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ trong căn phòng đóng kín vì sợ, Ngài nói với các ông: “Hãy an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mt 28,10). “Thầy là Thiên Chúa tình yêu, Đấng mời gọi các con đến lãnh nhận món quà của niềm vui, của sự bình an và lòng biết ơn để các con trút bỏ hết mọi nỗi sợ hãi lo âu. Nhờ đó các con có thể chia sẻ cho người khác kinh nghiệm về những điều các con sợ phải buông bỏ.” Lời mời gọi của Chúa Giêsu gọi mời tất cả chúng ta hãy bước ra khỏi căn nhà của sự sợ hãi để đến ở trong mái nhà của tình yêu; ra khỏi sự giam hãm của chốn ngục tù để bước vào vùng trời tự do: “Hãy đến với Ta, hãy vào trong nhà của Ta, căn nhà của tình yêu!”

“Đừng sợ!” – lời trấn an được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây là lời mà chúng ta cần nghe nhất. Một lời chứa đựng những từ như “Fear not!- Đừng sợ!” đã và đang được vang lên trong suốt dòng lịch sử nơi môi miệng các sứ giả của Chúa, nơi lời của các thiên thần hoặc các thánh, nhất là lời của chính Chúa Giêsu. Đó là lời mở ra một cuộc sống hoàn toàn mới – cuộc sống trong mái ấm yêu thương, trong căn nhà của Chúa.

Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta dọc dài cuộc sống, Ngài dạy dỗ và chỉ lối cho chúng ta trở về với mái ấm yêu thương. Nhưng thật không dễ để hiểu được những bài học của Chúa vì chúng ta thường bị chi phối bởi rất nhiều nỗi sợ hãi hoang mang. Chúng ta cảm thấy lo lắng sợ hãi khi nhìn vào những công việc hoặc những nhiệm vụ tưởng như vượt quá sức mình, khi phải đối diện với những thách đố, những đợt sóng dữ dội, những cơn lốc và bão tố gầm thét. Chúng ta thường thốt ra những câu nói đượm vẻ hoài nghi như: “Vâng, vâng, … nhưng cứ nhìn xem, thực tế đâu có thể bảo đảm cho tôi khỏi những lo lắng.” Chúa Giêsu, một vị Thầy đầy kiên nhẫn, Ngài không ngừng dạy chúng ta phải xây đắp cho căn nhà – quê hương đích thực của mình ở đâu. Ngài dạy chúng ta nên tìm kiếm điều gì và chọn lựa lối sống nào hầu dẫn chúng ta đến tình yêu đích thực. Khi chúng ta phân vân, mất định hướng, chúng ta thường tập trung mọi chú ý của mình vào những khó khăn, nguy hiểm mà quên đi những điều chúng ta đã nghe. Những lúc đó, Chúa Giêsu tiếp tục nhắc nhở chúng ta: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con. Ai ở lại trong Thầy thì Thầy sẽ ở lại với người ấy và người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái…. Thầy đã nói với các con điều này để niềm vui của Thầy ở mãi trong các con, và niềm vui của các con nên trọn vẹn” (Ga 15,4 – 5.11). Quả vậy, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy ở trong ngôi nhà yêu thương của Ngài.

TỪ SỢ HÃI ĐẾN YÊU THƯƠNG

Cầu nguyện là con đường dẫn chúng ta ra khỏi ngôi nhà sợ hãi để bước vào ngôi nhà tình yêu. Cầu nguyện giúp chúng ta vượt thắng nỗi lo sợ do bị lệ thuộc vào một cá nhân nào đó, bị chi phối bởi cách họ suy nghĩ về chúng ta và cách hành xử của họ đối với chúng ta. Chúng ta lo lắng “anh hoặc chị ấy nghĩ gì về tôi? Ai thực sự là bạn của tôi? Kẻ thù của tôi là ai? Ai tán thành tôi, khen ngợi tôi hay phản đối tôi? Ai nói tốt hoặc nói xấu về tôi?” Chúng ta cứ mải lo lắng băn khoăn đi tìm ảnh hưởng, giá trị và căn tín đời mình từ người khác. Một khi chúng ta để cho người khác quyền quyết định về giá trị bản thân hay lòng tự trọng của mình tùy vào cách họ phản ứng, suy nghĩ hoặc nói về chúng ta, lúc đó, chúng ta trở thành nô lệ cho những mối tương quan. Chúng ta trở thành những người bị lệ thuộc hoặc ăn bám vào một ai đó để họ bố thí cho mình chút tình thương, giá trị và chỗ đứng của bản thân mình. Và nếu không được người ấy nhìn nhận, chúng ta sẽ cảm thấy bị hụt hẫng và mất định hướng. Chúng ta đã để cho người đó quyết định căn tính và phẩm giá của mình. Dần dần sự lệ thuộc cách mù quáng này khiến chúng ta mất định hướng và mục đích sống. Lúc đó, thay vì chọn sống cuộc sống của mình cách tự do thoải mái, chúng ta lại sống trong sự bất an, lo âu và sợ hãi.

Trong một thế giới đầy những hỗn loạn, bất an, một trong những cách cầu nguyện tốt nhất là chúng ta chọn tình yêu hơn là lo lắng băn khoăn, chọn mở rộng tâm hồn để cảm nhận sự hiện diện sống động của Đấng luôn yêu thương che chở chúng ta. Khi chúng ta đạt đến sự trưởng thành thiêng liêng và cảm nghiệm sâu xa về sự hiện diện của Chúa, đồng thời ý thức rằng cuộc sống của chúng ta được bao bọc bởi tình yêu Thiên Chúa và sự thông hiệp với Ngài cho dù hoàn cảnh bên ngoài có thế nào đi nữa, chính lúc đó, chúng ta mới có thể rũ bỏ mọi nỗi sợ hãi đang đeo bám tâm trí chúng ta. Thực tế cho thấy, thật hiếm có một ngày trong đời, một ngày mà chúng ta không phải đối diện với bất kỳ một nỗi lo âu nào cả, bên trong cũng như bên ngoài. Thế nhưng, cho dù cuộc sống luôn phải đối diện với trăm nghìn mối lo, chúng ta không phải sống trong sự sợ hãi, vì tình yêu mạnh hơn sợ hãi: “Trong tình yêu không có sợ hãi; tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” (1Ga 4,18).

Thật sự tôi chưa bao giờ thấy ở đâu mô tả về ngôi nhà của tình yêu đẹp và đầy đủ ý nghĩa như nơi bức i-côn về Chúa Ba Ngôi của họa sĩ Andrei Rublev đã vẽ vào năm 1410 để tưởng nhớ thánh Sergius (1313 – 92) – vị thánh vĩ đại người Nga. Đối với tôi, bức tranh i-côn như là cánh cửa sổ hé mở cho chúng ta nhìn vào bên trong ngôi nhà tình yêu. Quả thật, câu chuyện đằng sau bức tranh gợi mở cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa.

Trước đây khá lâu, ở nước Nga, nhiều cuộc bạo động xảy ra tại một thành phố nhỏ khiến các thầy trong Đan viện cảm thấy lo lắng sợ hãi đến nỗi họ không thể cầm trí cầu nguyện được. Trước tình hình đó, Viện phụ đã mời Rublew, một họa sĩ nổi tiếng về tranh i-côn, vẽ một bức tranh hầu giúp các thầy có thể duy trì đời sống cầu nguyện ngay giữa những hỗn loạn, hiểm nguy và sợ hãi. Rublev đã vẽ một bức i-côn dựa trên câu chuyện trong sách Sáng Thế kể lại việc ba thiên thần đến thăm ông Abraham và cùng chia sẻ với nhau quanh bàn tròn của tình thân và lòng hiếu khách. Trong bức tranh i-côn, nhân vật ở giữa chỉ hai ngón tay về chén thánh và nghiêng người về phía nhân vật ở bên trái, Đấng đang dâng lời chúc tụng. Nhân vật thứ ba ngồi phía bên phải chỉ về lỗ trống hình vuông ở trên mặt bàn. Từ những chuyển động của các nhân vật và những chi tiết của bức tranh, người xem như được mời gọi tham dự vào cuộc đối thoại cùng với những chuyển biến thiêng liêng diễn ra khi đàm đạo. Ba nhân vật đã hợp thành vòng tròn bí nhiệm được chuyển động theo một sự cân xứng hoàn hảo. Vì thế, khi các thầy cầu nguyện trước bức tranh i-côn và tập trung tâm trí vào vòng tròn của tình yêu, sự thân mật và lòng hiếu khách, họ bỗng nhận ra rằng họ chẳng có gì phải sợ. Khi các thầy tự cho mình trở thành thành viên của cộng đoàn được thiết lập bởi ba Đấng Thánh, đồng thời để mình bị lôi cuốn vào trong vòng tròn của sự an toàn và tình yêu thương, lúc đó các thầy sẽ cảm thấy vững tâm và cầu nguyện tốt.

Đứng trước bức i-côn này, tôi ý thức về những nỗi lo lắng đang có trong tôi. Nhưng khi tôi tập trung mọi chú ý vào ô vuông trên mặt bàn, tôi cảm thấy đó như một chiếc cửa sổ dẫn tôi bước vào nơi sâu thẳm trong sự thân mật với Thiên Chúa. Điều này giúp tôi xác tín hơn rằng, dù tôi vẫn phải đối diện với những khó khăn thử thách của một thế giới ngập tràn những nỗi ghét ghen và sợ hãi, thì chính sự thân tình, lòng hiếu khách và sự niềm nở đón tiếp của các nhân vật trong bức tranh đã trở thành con đường dẫn tôi đi sâu vào trong mầu nhiệm của cuộc sống thần linh.

HÃY LƯU LẠI TRONG TÌNH YÊU

Buông bỏ sợ hãi và nhìn nhận sự thật về chính mình luôn là một thách đố. Khi chúng ta quên đi căn tính đích thực của mình – con yêu dấu của Chúa, chúng ta sẽ đánh mất mục đích sống, sẽ cảm thấy bất an, sợ hãi. Vì sợ nên chúng ta không còn tự do để quyết định và hành động. Chỉ khi nào chúng ta dành chỗ cho Thiên Chúa và bắt đầu lắng nghe tiếng nói yêu thương của Ngài, chúng ta mới cảm nhận được một tình yêu đích thực và hoàn hảo. Dần dần chúng ta có thể giũ bỏ mọi nỗi sợ hãi và nhìn nhận phẩm vị người con yêu dấu của mình trong tình yêu thương của Chúa. Chắc chắn sự sợ hãi sẽ không hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta. Có thể ngày mai nó sẽ trở lại chi phối chúng ta và chúng ta cũng sẽ phải tiếp tục chiến đấu với nó, nhưng không phải vì thế mà chúng ta lo sợ hay hoảng loạn, chúng ta lại tiếp tục hành trình buông bỏ sợ hãi để đạt đến yêu thương. Mỗi lần chúng ta cảm thấy sợ, chúng ta hãy đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, lắng nghe tiếng nói của Chúa và để Ngài dẫn chúng ta về với tình yêu hoàn hảo của Ngài, một tình yêu có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi và ban cho chúng ta sự tự do đích thực.

Thật không dễ khi phải chống lại và vượt ra khỏi sự giam hãm của những thế lực tối tăm để chọn sống trong mái ấm yêu thương như là nơi trú ẩn đích thực của mình. Lựa chọn này không chỉ làm một lần cho tất cả nhưng đây là một lựa chọn liên tục trong hành trình thiêng liêng. Lựa chọn này được củng cố trong các việc thực hành thiêng liêng như: chuyên chăm cầu nguyện, siêng năng đọc và chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp lectio divina và khao khát sống sự sống của Chúa trong mỗi phút giây của cuộc sống. Các việc đạo đức như thế cùng với những tập luyện thiêng liêng khác nhằm giúp chúng ta ý thức hơn về căn tính người con yêu dấu của mình. Những luyện tập căn bản như lòng hiếu khách, tình bạn thiêng liêng, nguyện gẫm, sự tha thứ và tinh thần vui tươi sẽ giúp chúng ta dần dần thoát khỏi sự giam hãm của sợ hãi để lưu lại trong mái nhà của tình yêu. Lúc đó chúng ta có thể mặc lấy tâm tình Thánh vịnh gia thốt lên, “tôi được ở trong đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23,6).

MỘT MÁI ẤM YÊU THƯƠNG DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Việc thoát khỏi sự giam hãm thống trị của sợ hãi để sống trong mái nhà của tình yêu là một việc cần thiết, không chỉ cho một cá nhân mà cho sự tồn tại của cả gia đình nhân loại. Nếu chúng ta suốt ngày chỉ lo nghĩ đến những điều làm chúng ta sợ khác như: sợ khủng bố, sợ xã hội chủ nghĩa, sợ đất nước mình không thể tiếp tục giữ được danh tiếng là một cường quốc hùng mạnh và giàu có nhất thế giới. Hoặc có khi chúng ta bị chi phối bởi những nỗi sợ như làm sao có thể đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng hơn để có thể chế tạo thật nhiều vũ khí tối tân, có sức hủy diệt địa cầu nhanh hơn. Trên bình diện quốc gia, chúng ta phải thoát khỏi những ước muốn thống trị cùng với những mối đe dọa của sự chết để tìm ra những phương thế củng cố cho việc hòa giải, sự hợp tác và tương trợ mang tính quốc tế. Chúng ta cần lập một chương trình đào tạo về sự bình an, về mục vụ bình an hoặc về khả năng tạo thêm nguồn lực để duy trì sự bình an. Chúng ta cần đổi mới hệ thống giáo dục, tổ chức tôn giáo, luật lệ trao đổi trên thương trường và ngay cả những trò tiêu khiển, giải trí, để tất cả đều nhắm đến mục đích là xây dựng sự bình an như mối quan tâm hàng đầu của mọi hoạt động. Chúng ta cần một trật tự mới về kinh tế vượt trên mọi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội để tái tạo sự bình an và công bằng như mục tiêu chung của xã hội. Trên bình diện quốc gia, chúng ta cần tin rằng một trật tự mang tính quốc tế là điều khả thi và những ganh đua, kình địch giữa các quốc gia hoặc các khối liên minh nay đã lỗi thời.

Liệu chúng ta có thể phát triển một linh đạo toàn cầu trong đó những chỉ dẫn của Tin mừng không chỉ dừng lại ở thái độ và lối ứng xử của những cá nhân nhưng còn là của các quốc gia? Phải chăng chúng ta cần có một cuộc thay đổi rộng lớn, một cuộc cách mạng đi từ sợ hãi đến yêu thương, từ sự chết đến sự sống, từ tình trạng tù hãm đến tái sinh sự sống mới, từ thái độ sống thù nghịch đến lối sống tự do của con cái Thiên Chúa, những người thuộc về cùng một gia đình nhân loại? Có thể nhiều người sẽ cho rằng, cuộc cách mạng trên đây là hão huyền hoặc chỉ là những ý tưởng ngây ngô, không thực tế. Họ đón nhận và thực hiện những giáo huấn của Chúa Giêsu trong phạm vi cá nhân và gia đình họ, nhưng khi áp dụng những giáo huấn đó cho các vấn đề thuộc phạm vi quốc tế, họ lại thấy những giáo huấn này không thực tế và hầu như không tưởng. Nhưng Chúa Giêsu đã sai các môn đệ của Ngài ra đi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài. Ngài không chỉ sai các môn đệ đến với một cá nhân nào đó nhưng là đến với muôn dân, dạy cho mọi dân tộc tuân giữ các giới răn và mệnh lệnh của Chúa (Mt. 28,19-20). Vào ngày sau hết, Chúa Giêsu sẽ tập hợp tất cả các nước và sẽ hỏi họ: “Các người đã làm gì cho các anh em bé nhỏ nhất của Ta?” (Mt 2, 31-46). Hành trình trở nên môn đệ ở đây phải hiểu là hành trình vượt trên sự đạo đức cá nhân hoặc trung thành cộng đồng để đến với muôn dân, làm cho mọi dân nước đón nhận Tin mừng của Chúa. Không chỉ một vài cá nhân, nhưng là tất cả mọi quốc gia, được mời gọi thoát khỏi sự giam hãm của sợ hãi – nguyên nhân của mọi nỗi nghi ngờ, hận thù và chiến tranh, để bước vào ngôi nhà chung của tình yêu, nơi đó sự hòa giải, chữa lành và bình an ngự trị.

Các thầy dạy đàng thiêng liêng tuyệt vời như thánh Bênêđictô, thánh Catarina Siena, mục sư Martin Luther King, cha Thomas Merton, tất cả đều dẫn chúng ta tới một chân lý sức mạnh của sự đổi mới trong Lời Chúa không chỉ giới hạn trong phạm vi an toàn của cá nhân hoặc giữa những tương quan cá nhân nào đó nhưng sức mạnh đó phải được lan tỏa trên phạm vi toàn thế giới. Một thế giới được gọi là Giêrusalem mới, một thế giới mới, một cộng đồng mang tính toàn cầu và thuộc về tất cả mọi người, mọi quốc gia. Những ai dám tham gia vào vòng tròn thân mật của Chúa, họ sẽ là những vị thánh Phanxicô mới của thời đại. Họ được mời gọi và sai đi để hoàn tất vòng tròn thân mật của Thiên Chúa bằng sự đáp trả của họ. Họ cho chúng ta một cái nhìn về một trật tự mới, một trật tự được nảy sinh từ những đổ nát của cái cũ. Thế giới đang chờ đợi những vị thánh mới – những người nam, người nữ ngôn sứ được cắm rễ sâu trong tình yêu của Chúa, nhờ đó họ được tự do để hình dung và thiết tạo một thế giới mới nơi công lý ngự trị, nơi không còn chiến tranh, nơi mà những thể chế, trật tự cũ sẽ bị loại bỏ. Chúng ta mong ngóng ngày mà tất cả chúng ta được lưu lại trong tình yêu, ở đó chúng ta được giải thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi, không chỉ trong chốc lát nhưng là được tự do hoàn toàn và mãi mãi.

Nhà của Chúa là nhà của tình yêu được dành cho tất cả mọi người. Trong ngôi nhà, chúng ta được ở trong quỹ đạo của sự an toàn, niềm nở và thân mật. Ở đó, chúng ta sẽ dần dần giũ bỏ được những nỗi sợ hãi của mình để học biết tin yêu phó thác. Trong nhà đó, chúng ta tìm được tự do, niềm vui và sự gần gũi thân thương. Khi sống trong ngôi nhà của tình yêu, chúng ta dễ dàng kiến tạo bình an và thực thi công bình. Được sống trong bầu khí yêu thương, chúng ta sẽ thi hành sứ vụ cách nhiệt thành và hiệu quả hơn. Nơi mái ấm yêu thương, chúng ta được tự do thể hiện chính mình, được tự do hoạt động, tin tưởng và yêu thương mà không phải sợ bất cứ điều gì.

Những thực hành cụ thể cho việc huấn luyện thiêng liêng

Ai trong chúng ta cũng thấy rằng thế giới chúng ta đang sống đầy những mối nguy hiểm, sợ hãi và bấp bênh. Nhiều người trong chúng ta phải sống trong những hoàn cảnh nơi mà những người chung quanh chỉ cảm thấy thú vị và phấn khởi trước những thất bại của chúng ta. Chúng ta cũng có thể phải sống trong một môi trường bị bao vây bởi những người luôn muốn làm hại chúng ta, coi chúng ta như kẻ thù. Chúng ta cũng có thể cảm thấy sợ vì có quá nhiều thay đổi đang diễn ra trên thế giới, nơi mà dường như sự “thống lãnh và quyền lực” của những bậc thống trị thế giới tối tăm này (Ep 6,12) đang xâm chiếm cơ cấu xã hội đến nỗi sự bình an và công lý không còn đất sống. Mặc dù chúng ta không muốn sợ những người chúng ta gặp ngoài đường, nhưng thực tế khiến chúng ta phải sợ họ. Chúng ta không muốn khóa xe hơi, xe đạp hoặc thậm chí khóa cửa nhà của chúng ta, nhưng với tình trạng xã hội như hôm nay buộc chúng ta phải khóa để bảo đảm an toàn. Chúng ta không muốn cảnh báo bố mẹ, con cái hay bạn bè không nên đi ra ngoài một mình, nhưng vì sự bất ổn của an ninh buộc chúng ta phải nhắc nhở họ. Sống trong một xã hội như thế, làm sao chúng ta có thể vượt ra khỏi mọi nỗi sợ hãi để dám sống hoàn toàn cho tình yêu?

Hồi tâm và viết nhật ký

Sau đây là những câu hỏi đơn giản giúp chúng ta suy niệm riêng hoặc thảo luận với một nhóm nhỏ:

  1. Ngày hôm nay, điều gì đã khiến bạn cảm thấy sợ và lo lắng?
  2. Ai hoặc điều gì làm bạn sợ nhất?
  3. Khi bạn sợ thiếu thốn, bạn thường tích trữ hoặc bám víu vào điều gì?
  4. Lúc nào bạn cảm thấy an toàn và không sợ hãi? Đó là những hoàn cảnh nào?
  5. Ngày hôm nay, Chúa đã thể hiện tình yêu và sự quan tâm của Ngài đối với bạn bằng cách nào?
  6. Thư của Thánh Gioan chương 1,18 “tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” có ý nghĩa gì đối với bạn?

Visio Divina[1]: Sống trong ngôi nhà của tình yêu

Hãy dành ra ít là 10 phút cho việc cầu nguyện bằng hình ảnh. Hãy nhìn thật lâu và chăm chú vào bức i-côn về Chúa Ba Ngôi của họa sĩ Rublev. Hãy lắng nghe cha Henri Nouwen nói về bức i-côn này trong Nét đẹp của Thiên Chúa: “Khi đặt mình trước tác phẩm và cầu nguyện, tôi có cảm tưởng như được mời gọi tham gia vào cuộc trò chuyện thân mật của Thiên Chúa và được đồng bàn với Thiên Chúa. Ba Ngôi Sự chuyển động từ Chúa Cha sang Chúa Con và sự chuyển động của Chúa Con và Chúa Thánh Thần về phía Chúa Cha trở thành một chuyển động thiêng liêng giúp tôi nâng tâm hồn lên và cảm thấy bình an.”

Tiếp đến là quan sát vòng tròn thân mật được tạo ra bởi ba Đấng Rất Thánh trong bức tranh. Kế đó, đưa mắt nhìn về phía ô vuông ở trên mặt bàn. Vài phút sau, chúng ta ngừng nhìn vào bức tranh và cầu nguyện lớn tiếng bằng một trong những câu Thánh vịnh dưới đây. Rồi lại tiếp tục nhìn vào bức tranh và đi vào trong vòng tròn thân mật.

“Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo”
(Tv 46,1)

“Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy CHÚA,
dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con”
(Tv 31,14).

“Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt”
(Tv 95,7).

“Tôi tin chắc rằng: dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa,
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên”
(Tv 23,6).

Vào cuối giờ cầu nguyện, bạn hãy đọc lớn tiếng Thánh vịnh sau đây:

“Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời, …
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA”
(Tv 27,4-6).

Dịch từ cuốn “Spiritual Formation” của cha Henri Nouwen
Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà
Nguồn: Nouwen, Henri JM. Spiritual Formation: From Fear to Love. HarperSanFrancisco, 2006, p. 72 – 88.
[1] Visio Divina là phương pháp cầu nguyện bằng hình ảnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *