TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Lạy Chúa, hôm nay con muốn tìm hiểu “TUẦN BÁT NHẬT” là gì? Và tuần bát nhật có ích gì cho con, xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí con nha… À, thì ra tuần bát nhật là những ngày “KÉO DÀI” lễ hội, hay nói đúng hơn là những ngày “CAO ĐIỂM” của lễ hội.
Trong “TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH” Giáo hội trọng thể cử hành Thánh Lễ Misa với “Kinh Vinh Danh” rất vui tươi và phấn khởi: lời thờ lạy, lời chúc tụng, lời ngợi khen, lời cảm tạ Thiên Chúa cho Ngôi Hai xuống thế làm người.
Đang lúc con phấn khởi rộn ràn kéo dài “LỄ HỘI” và ngân nga ca khúc “GIÁNG SINH” thì Giáo Hội lại trọng thể cử hành lễ:
- – Lễ kính nhớ Thánh Stêphanô (26/12), vị Phó Tế Tử Đạo đầu tiên của Giáo Hội (Cv 7,1-60).
- – Lễ kính nhớ Thánh Gioan Tông Đồ (27/12), vị Tông Đồ yêu thương Chúa Giêsu nhiều nhất.
- – Lễ các Thánh Anh Hài (28/12), bị bách hại vì bối rối quyền lực của Hêrôđê.
- – (29/12), Đức Mẹ và Thánh Giuse dâng Đức Chúa Giêsu vào đền thánh theo luật Môsê (Lc 2,22-35)
- – Lễ Thánh Gia Thất (30/12), từ Ai Cập Thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trở về Nazarét sống ẩn (Mt 2,19-23).
- – Thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật (31/12), Chúa Giêsu là ánh sáng, là sự sống, là ân sủng của mọi tạo vật trong vũ trụ (Ga 1,1-18)
- – Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1)… kết thúc Tuần Bát Nhật.
Chúa ơi, những ngày lễ đặc biệt trong Tuần bát nhật mang lại ý nghĩa gì cho con đây?
1. Thánh Stêphanô Phó Tế: Người thuộc trọn về Đức Giêsu Kitô, người được tràn đầy Chúa Thánh Thần, người nhìn thấy vinh hiển của Thiên Chúa trên trời, nên đã bị chụp mủ là lộng ngôn phạm thượng tới Đức Chúa. Thánh Stêphanô bị ném đá cho tới chết… Ngài là hạt giống yêu thương rất tốt trong những ngày đầu của Giáo Hội, ngài là vị Anh Hùng Tử Đạo dũng cảm cho chân lý Chúa Kitô. Và trước khi chết, ngài lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con… Lạy Chúa, xin đừng nhớ tội của họ” (Tv 7,60). Một hạt giống sống đạo anh dũng cho con noi theo.
2. Thánh Sử Gioan Tông Đồ có nhiều cái rất đặc biệt với Đức Giêsu Kitô để cho con noi gương sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa:
- – Thánh Gioan trực tiếp được Chúa gọi và thu hút mạnh mẽ (Mt 4,21-22),
- – Ngài là bạn, bạn thân, bạn tri kỷ chân thật và rất nhiệt thành với Chúa Giêsu (Gn 13,23),
- – Ngài thông hiểu, chia sẽ và gánh vác mọi nỗi quan tâm lo lắng của Chúa Giêsu (Gn 19,26-27),
- – Ngài rất yêu kính Đức Mẹ và là Tông Đồ duy nhất kề cận Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá (Gn 19,26-27),
- – Ngài thật sự thuộc trọn về Thiên Chúa và nên một với Đức Giêsu Kitô (Gn 17,23).
3. Lễ các Thánh Anh Hài: Khi vua Hêrôđê không lợi dụng được Ba Vua (Nhà Thông Thái) cho biết “vua Do Thái mới sinh ra” ở đâu, thì ông lập tức ra lệnh giết các trẻ em từ 2 tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng phụ cận. Để có được ngôi vua, ông đã giết anh; để lấy được chị dâu Hêrôđia, ông đã giết vợ. Một bạo chúa như Hêrôđê, vì lợi ích và quyền lực của mình, việc tồi tệ gì ông cũng dám làm. Các nhà thần học đoán rằng có khoảng 25 em đã bị giết để giải quyết những bối rối về quyền lực của Hêrôđê. Qua biến cố này, giúp con hiểu rằng: không nên lạm dụng sức mạnh và đam mê quyền lực để tàn ác với kẻ khác, những cái đó không thể đem lại bình an trong tâm hồn và được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
4. Lễ Thánh Gia Thất: Khởi đầu là một gia đình (Adam, Eva), Giao Ước Noel hay Giao Ước Abraham cũng từ một gia đình. Nay trong hành trình Giao Ước Mới nơi Đức Giêsu Kitô cũng không ngoại lệ. Gia đình Thánh Gia là đơn vị thiết yếu quan trọng cho Giao Ước Mới, Giao Ước “PHÀM + THÁNH” đồng cư. Giao Ước nâng cấp con người lên bật thần thánh (Dưỡng Tữ của Thiên Chúa) qua Đức Giêsu Kitô. Vì thế gia đình “phải là” nền tảng vũng chắc trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa… Gia đình Thánh Gia là một mẫu gương sống động cho gia đình con.
5. Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1) kết thúc Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, nhưng lại là một “sức bật” rất mạnh khởi đầu cho một Năm Mới _ “Mẹ“. Từ khởi đầu, Evà bị khuyến dụ bất tuân thì Mẹ Maria lại vâng phục thật tuyệt hảo để huấn dạy Đức Giêsu Kitô vâng phục Đức Chúa Cha thật tron vẹn. Như vậy, người mẹ là “then chốt” giáo dục, là “cốt lõi” cho sự trọn lành, là “khí cụ” an toàn cho ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Gia đình nào có người mẹ đạo đức, gia đình đó sản xuất thánh(s)… Bằng chứng là: Gia Đình Thánh Gia, gia đình Thánh Vêrônica, gia đình Thánh Fêlicita,… và gần đây nhất là gia đình Thánh Zélie Martin (Mẹ của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu). Dĩ nhiên người cha cũng rất quan trọng, vì cha là “tông góc” ngàn đời… Cho nên Thiên Chúa chọn dòng dõi Thánh Vương Đavít để hạ phàm… bởi thế, người cha cũng phải sống sao cho tốt để trở thành bờ vai nương tựa ấm áp cho vợ và là gương đức hy sinh nhân từ cho con cái noi theo… ví dụ: Thánh Louis Martin (Cha của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu).
Tóm lại, qua năm câu chuyện truyện trên, Giáo Hội xây dựng một nền tảng đơn giản, nhưng rất vững chắc cho con người trở nên thánh, và trở nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa.
- – Sống đạo anh dũng như Thánh Stêphanô.
- – Chuyên luyện thần lực kết hợp mật thiết với Thiên Chúa như Thánh Gioan Tông Đồ.
- – Tuyệt đối không vì sỉ diện và lợi ích cá nhân mà nguy hại người cô đơn, bất công với kẻ yếu, nhất là tránh xa những hành vi nguy hại đế các trẻ em và thai nhi không sức tự bảo vệ.
- – Người “cha” phải là một điểm tựa tốt và là “gương sáng” cho gia đình như Thánh Giuse.
- – Người “mẹ” phải là nhà sản xuất “thánh”, vì thế “mẹ” phải hiền hòa và khiêm nhu như Đức Mẹ.
Lạy Chúa, để cảm tạ tình Chúa yêu con, xin Chúa cho Thiên Thần và các Thánh giúp và nhắc nhở con nhiệt thành, hăng say, và anh dũng loan báo Tin Mừng… xin Chúa Thánh Thần gia tăng lòng yêu mến Chúa nơi con để con luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa ở mọi nơi và trong mọi biến cố của cuộc đời… xin giúp con biết sống lành và sống tốt để xứng đáng với danh phận người Kitô mà chính Đức Chúa Giêsu đóng ấn cho con trong chương trình cứu độ của Ngài… và xin cho con mãi mãi thuộc về Chúa, sống với Chúa, sống cho Chúa, và sống vì Chúa mà thôi. Amen.