CN. Th12 10th, 2023

Lược sử hình thành và phát triển – Giáo Xứ An Phú

Lược sử hình thành và phát triển
Giáo Xứ An Phú

 A. AN PHÚ LƯỢC SỬ:

  1. Khai sinh và thành lập:

Sau hiệp định Genève 1954, từng đoàn nguời lũ lượt từ Miền Bắc đã rời bỏ nơi chốn, xứ đạo, cơ sở… để hòa theo dòng người di cư vào Miền Nam sinh sống và lập nghiệp. Tại một mảnh đất sình lầy, hoang sơ với địa giới nằm giữa hẻm 205 và 219 đường Lê Văn Duyệt (sau đổi thành đường Nguyễn Thông nối dài, rồi đến đường Hoàng Đạo, nay là đường Trần Văn Đang – gần cống Bà Xếp). Phía ngoài giáp đường rày xe lửa, địa giới thuộc Giáo xứ Hòa Hưng, phía trong giáp kênh Nhiêu Lộc; bên kia kênh là địa giới thuộc Giáo xứ Bùi Phát và Giáo xứ Vườn Xoài. Phía Đông Nam giáp với Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trong số những gia đình di cư này, có nhiều người gốc làng An Mỹ, phủ Phú Xuyên, Hà Nội.

Bấy giờ, hiện diện trên mảnh đất nghèo nàn, phức tạp này chỉ có khoảng 20 gia đình Công Giáo, với hơn 100 giáo dân sống xen kẽ cùng các gia đình gốc người miền Nam lâu đời, và số đông anh chị em tôn giáo bạn. Tất cả đều sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi, buôn bán nhỏ…

Với tấm lòng mộ đạo, những giáo dân ở đây đã cộng góp với nhau mua đất, để san lấp ao hồ và các vùng trũng sình lầy, họ đã cùng chung vai hợp sức dựng tạm Ngôi Nguyện Đường bằng những vật liệu thô sơ như: gỗ, tre, lá… để có nơi đọc Kinh, cầu nguyện, thờ phượng Chúa. Lúc này, giáo dân thường đi lễ tại các xứ Bùi Phát, Vườn Xoài, Hoà Hưng và Dòng Chúa Cứu Thế, thi thoảng cũng có các cha ở Bùi Phát, Hòa Hưng đến đây dâng lễ, vì lúc này Giáo xứ chưa được chính thức thành lập.

Khi có được Ngôi Nhà Nguyện tạm này, những giáo dân ở đây đã thỉnh cầu với cha Phao-lô Nguyễn Văn Truyền (bấy giờ là chánh xứ Hòa Hưng) xin đặt Mình Thánh Chúa và cử hành Thánh lễ. Nhưng Cha sở Giáo xứ Hòa Hưng không đồng ý, vì chưa có sự chấp thuận của Đấng Bản Quyền.

Và đến ngày 18 tháng 7 năm 1959, Đức Giám Mục Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Sài Gòn, đã về làm phép Nhà Nguyện đơn sơ này trong niềm vui vô bờ của mọi tín hữu. 

  1. Xây dựng Nhà thờ đầu tiên:

Vị Linh Mục tiên khởi Cha Mát-thêu PHẠM CÔNG NGƠI.

  • Sinh năm 1917 tại Ninh Bình, Giáo Phận Phát Diệm.
  • Thụ phong linh mục ngày 26 tháng 5 năm 1945.

  • Trước 1962 mục vụ tại Giáo Xứ Lạc Quang, Hóc Môn.
  • Chánh xứ An Phú : từ 22/6/1962 đến 07/2/1991.
  • Về nhà Chúa ngày 07 tháng 2 năm 1991. (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Canh Ngọ)

Bao nhiêu sự mong đợi của những trái tim nồng nàn yêu mến Chúa đã được đền đáp,  ngày 14 tháng 6 năm 1962, với sự chuẩn y của Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình, cho phép thành lập Giáo Xứ nơi đây, thuộc Hạt Chí Hòa – Tổng Giáo Phận Sài Gòn, cùng với việc bổ nhiệm Cha sở tiên khởi.

Niềm vui càng dâng trào trong tâm hồn của các tín hữu nơi đây, khi vào ngày 22 tháng 6 năm 1962, Cộng đoàn Giáo xứ hân hoan đón chào Cha Mát-thêu Phạm Công Ngơi, với bài sai chính thức của Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình, ngài đã từ Giáo xứ Lạc Quang, Hạt Hóc Môn về với Giáo xứ. Cha Mát-thêu trở thành vị linh mục tiên khởi và sáng lập Giáo xứ. Được thành lập trong bối cảnh quá khó khăn về mọi mặt, nhất là sự thiếu hụt nhân sự, khi ban đầu, chỉ có vài vị kiêm nhiệm tất cả việc nhà Chúa cùng với Cha sở.

            Thấy được sứ mạng cao cả và Đức Ái mục tử thôi thúc, ngày 26 tháng 6 năm 1962, Cha Mát-thêu đã mời gọi một số vị đại diện để thành lập Ban chấp hành lâm thời. Cha đã chia Họ Đạo ra làm 5 Giáo khu để quản trị gồm: Khu Gio-an, Khu Thánh Tâm, Khu Mông Triệu, Khu Phê-rô và Khu Phao-lô (mỗi Khu chọn 01 vị). Tiếp đến, Cha Mát-thêu thiết lập các Hội đoàn. Trong đó, tiền thân của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể là đội Nghĩa Binh Thánh Thể, để dạy dỗ và giáo dục các em thiếu nhi. Ngoài ra, còn có Hội các Bà Mẹ, Hội con Đức Mẹ, Hội Liên minh Thánh Tâm và Ca đoàn Thánh Tâm…

   * Cha Mát-thêu đã chọn lễ kính Thánh Giu-se (19/3) làm Bổn mạng Giáo xứ An Phú.

Ngôi Nhà thờ đầu tiên của Giáo xứ được hoàn thành sau một thời gian vượt qua nhiều khó khăn, Cha Mát-thêu cùng với giáo dân mua thêm một số đất; đồng thời, bắt tay tu bổ lại ngôi Nguyện Đường đơn sơ ban đầu bằng những vật liệu kiên cố hơn như: cây, gỗ, vách ván, mái tôn khá khang trang. Những người giáo dân ở đây đều nhất trí đặt tên cho Nhà thờ là An Phú, phát xuất từ ý nghĩa: An là làng An Mỹ, Phú là phủ Phú Xuyên, nhưng An Phú còn mang một ý nghĩa thân thương khác khởi nguồn từ Cha Mát-thêu, vì ngài những ước mong cho người dân nơi đây được “An cư và Phú túc” về mọi mặt. Ký ức này mãi in sâu trong tâm khảm của nhiều người.

Bước ngoặt lịch sử của Ngôi Nhà thờ kiên vững ngày nay, khởi đi từ hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ, do con đường vào Nhà thờ quá chật hẹp, việc đưa tiễn người quá cố gặp rất nhiều trở ngại. Song song đó, người dân đổ vào Sài Gòn từ khắp nơi ngày một đông… Cha Mát-thêu quyết định họp bàn với quý vị trùm trong Ban chấp hành, và một số vị có thế giá lúc đó để mua đất, dời nhà thờ sang một nơi khác… 

  1. Xây dựng Nhà thờ thứ hai:

Được sự chấp thuận của Tòa Tổng Giám Mục, sau khi nhận thư thỉnh nguyện của Cha Mát-thêu về việc xây dựng Ngôi Thánh Đường mới. Trong một thời gian ngắn, Cha đã có công vận động các ân nhân xa gần và giáo dân trong xứ, quyết định mua một số căn hộ để mở rộng mảnh đất, tọa lạc tại số 205/45 Trần Văn Đang, Quận 3 như hiện nay (cách ngôi nhà thờ cũ khoảng 50m). Với tinh thần đức ái mục tử, Cha Mát-thêu bắt tay vào việc xây dựng ngay, để rồi các cột bê-tông, tường gạch, mái tôn kiên cố đã dần mọc lên, hình thành một Ngôi Nhà Thờ khang trang, rộng rãi với cấu trúc một trệt, một lầu đúc kiên cố, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của giáo dân lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, Cha Mát-thêu đã dành một khu đất để làm nhà xứ, xây dựng một tháp chuông, để tiếng chuông có thể được vang xa, mời gọi các tín hữu đến Nhà Chúa mỗi ngày.

 Năm 1963, song song với việc xây dựng Nhà thờ mới, Cha Mát-thêu đã nghĩ đến việc phát triển giáo dục cho những mầm non tương lai trong địa bàn Giáo xứ, ngài đã dành một mảnh đất tại ngôi nhà thờ cũ để xây dựng Trường tiểu học, lấy tên An Phú Học Đường; đồng thời, ngài cũng mời gọi Quý Soeur Dòng Đa Minh về phục vụ và dạy dỗ các thiếu nhi. Con em các gia đình hằng ngày được cắp sách đến lớp để ê, a những câu chữ vỡ lòng. Từ đây, ngọn lửa đức tin được nung nấu và nuôi dưỡng, để cộng đoàn nhỏ bé này phát triển lớn lên từng ngày và dần trưởng thành trong hơn nửa thế kỷ qua…

Năm 1964, Cha Mát-thêu mời Quý Soeur thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đến giúp Giáo xứ. Với tinh thần phục vụ khiêm tốn, Quý Soeur cũng dấn thân làm các việc để sinh sống như: bán thuốc, dạy học, dạy trẻ, phục vụ phòng thánh, dạy giáo lý…

            Được khởi công xây dựng từ năm 1963, với sự vận động từ nhiều nơi và bao công khó không biết mệt mỏi của mọi tín hữu, mãi cho đến năm 1965, ngôi Thánh Đường thứ hai mới hoàn thành. Giáo Xứ An Phú từng bước vượt qua những khó khăn, để tiến lên từng ngày cùng với các xứ bạn.

* Ngày 23 tháng 7 năm 1987 Giáo xứ An Phú tổ chức mừng Ngân khánh 25 năm thành lập (1962-1987).

          Trải qua bao năm tháng thăng trầm, nơi đây đã chứng kiến một An Phú phát triển về mọi phương diện, nhưng cũng không thiếu những khó khăn về mặt xã hội. Sự kiện trọng đại của Giáo xứ nhân dịp mừng Ngân Khánh, 25 năm thành lập Giáo xứ, diễn ra vào ngày 23/7/1987. Đây là cột mốc lịch sử, đánh dấu cả một quá trình chuyển mình và vươn lên đúng tầm theo thời gian.

Cha cố Mát-thêu là một mục tử hiền lành, đầy nhiệt huyết và yêu mến chăm sóc đoàn chiên hết lòng. Ngài cũng đã đón nhận các nghĩa tử để huấn luyện và gửi vào Tiểu chủng viện, rồi Đại chủng viện Thánh Giu-se Sài Gòn như: Cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Xuân Đức, Cha Giu-se Nguyễn Duy Diễm và Cha Giu-se Trần Văn Lưu.

Sau một thời gian dài phục vụ không hề ngưng nghỉ, với 29 năm tận tụy với Giáo xứ An Phú, sức khỏe của ngài đã suy yếu vì bệnh tật, Cha cố Mát-thêu đã về nhà Chúa ngày 07/2/1991 trong niềm tiếc thương vô hạn của mọi người. An Phú đã mất đi một vị Cha già đáng kính và thân thương. Thân xác ngài được an nghỉ tại nghĩa trang Giáo xứ Lái Thiêu (Giáo Phận Phú Cường). Hằng năm, nhân ngày giỗ hoặc lễ bổn mạng của ngài, đề tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ, Cộng đoàn Giáo xứ cùng đến mộ để thăm viếng và đọc kinh cầu nguyện.

B. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:

Sứ mạng chăn dắt đoàn chiên An Phú của Cha cố Mát-thêu Phạm Công Ngơi, được tiếp nối với chính nghĩa tử của ngài. Vị mục tử của những người trẻ được mời gọi…

Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Cha Giu-se Nguyễn Duy Diễm (nghĩa tử của Cha cố Mát-thêu) được Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình truyền chức linh mục, và được bổ nhiệm làm Cha phó Giáo Xứ An Phú.

Năm 1976, Tổng Giáo Phận Sài Gòn phân chia lại thành 15 Giáo Hạt và Giáo xứ An Phú thuộc Giáo Hạt Tân Định.

Ngày 07 tháng 2 năm 1991, sau 29 năm phục vụ tại Giáo xứ An Phú (1962 – 1991), Cha cố Mát-thêu Phạm Công Ngơi về nhà Chúa trong niềm thương tiếc của giáo dân.

Ngày 09 tháng 2 năm 1991, Cha Giu-se Nguyễn Duy Diễm được bổ nhiệm làm Chánh Xứ Giáo xứ An Phú.

Cha Giu-se với khả năng hoạt bát đã củng cố lại Hội Đồng Mục Vụ, các Hội đoàn, thành lập các ca đoàn (Emmanuel; Magnificat; An-rê Trần An Dũng Lạc). Ban Hành Giáo được tổ chức và chọn ngày Lễ Chúa Chiên Lành làm Bổn mạng Giáo xứ.

– Giáo dân lúc bấy giờ khoảng trên 2.000 người, và 500 hộ gia đình Công Giáo.

– Năm 1993, Cha Giu-se bắt đầu gộp và đặt lại tên các khu thành 4 Họ Giáo:

  • Khu Gio-an Baotixita và Khu Thánh Tâm thành Họ Giáo Thánh Linh.
  • Khu Phê-rô thành Họ Giáo Hiển Thánh.
  • Khu Phao-Lô thành Họ Giáo Hiển Linh.
  • Và Họ Giáo Mông Triệu.

– Tuy không thực hiện được việc xây dựng Nhà thờ mới vì gặp khó khăn từ nhiều phía, nhưng Cha Giu-se đã cùng với Hội Đồng Mục Vụ vận động giáo dân tu sửa lại Thánh Đường như: sửa chữa tháp chuông, thay đổi nội thất, trang trí lại Cung Thánh, bàn thờ, tượng Chúa, trần và sàn nhà thờ đều bằng gỗ, đóng mới lại các ghế ngồi, thay cửa gỗ bằng cửa sắt, đập bỏ gác lửng hai bên (chỉ chừa lại gác đàn), xây dựng lễ đài Đức Ki-tô Mục Tử trước nhà thờ để giáo dân kính viếng và cầu nguyện.

– Trong thời gian này, nghĩa trang Giáo xứ cũng được thành lập tại Bình Hưng Hòa, với sự đóng góp tích cực của Cộng đoàn.

– Năm 2000, để các em thiếu nhi và các hội đoàn có nơi sinh hoạt, Cha Giu-se tiếp tục vận động giáo dân đóng góp, mua một căn hộ ở phía sau nhà thờ và xây thành các phòng.

– Ngày 06 tháng 11 năm 2003, Cộng đoàn dân Chúa trong Giáo xứ chia tay cha Giu-se Nguyễn Duy Diễm về nhận nhiệm sở mới tại Giáo xứ Thánh Gia, Quận 1 (Giáo Hạt Tân Định) sau hơn 28 năm phục vụ tại Giáo Xứ (1975-2003).

Ngày 08 tháng 11 năm 2003, Cộng đoàn Giáo Xứ An Phú chào đón Cha Phê-rô Lê Hoàng Chương về làm Chánh xứ, khi đó đang là cha phó Giáo xứ Tân Sa Châu.

 

– Cha thường xuyên thăm viếng các gia đình trong xứ: xức dầu, giải tội và trao Mình Thánh Chúa.

–  Năm 2005, Cha Phê-rô bầu Hội Đồng Mục Vụ, kiện toàn lại Hội gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Legio Mariae, Đoàn Thiếu Nhi. Bổ sung và thành lập thêm ca đoàn Mẹ Thiên Chúa và ca đoàn Thiếu Nhi, nhóm cầu nguyện lòng Chúa thương xót, ban Caritas , ban Phụng tự, ban truyền thông.

– Ngày 20 tháng 1 năm 2006, sau khi được Đức Hồng Y cho phép, Cha Phê-rô và Hội Đồng Mục Vụ bắt đầu tiến hành công việc xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý.

– Ngày 10 tháng 11 năm 2007, Đức Giám Mục phụ tá Giu-se Vũ Duy Thống đã chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý.

– Ngày 02 tháng 12 năm 2007, Đức Hồng Y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn chủ sự Thánh lễ khởi công xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý.

– Ngày 05 tháng 5 năm 2008, để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của giáo dân muốn gởi hài cốt tại Giáo Xứ, Cha Phê-rô cho xây dựng Nhà chờ Phục Sinh.

– Ngày 19 tháng 4 năm 2009, Đức Giám Mục phụ tá Giu-se Vũ Duy Thống chủ sự Thánh lễ khánh thành nhà sinh hoạt giáo lý.

– Ngày 30 tháng 5 năm 2010, Cha Phê-rô cùng Hội Đồng Mục Vụ tiễn các Soeur Dòng Mến Thánh Giá đi nhận nhiệm vụ mới, sau gần 41 năm phục vụ tại Giáo Xứ An Phú.

– Sau hơn 40 năm sử dụng, ngôi Thánh Đường đã xuống cấp, Cha Phê-rô cùng Hội Đồng Mục Vụ tiếp tục vận động giáo dân trong và ngoài Giáo xứ, bắt tay xây dựng lại Nhà Thờ.

– Ngày 08 tháng 8 năm 2009, Đức Hồng Y Gio-an Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên.

Ngày 15 tháng 5 năm 2011, Lễ Khánh Thành Nhà Thờ Và Cung Hiến Bàn Thờ được tổ chức trọng thể, Cha Hạt trưởng Hạt Tân Định Gio-an Bao-ti-xi-ta Võ Văn Ánh chủ sự.

– Ngôi thánh đường mới đáp ứng được chỗ ngồi cho cộng đoàn và các sinh hoạt khác như: phòng học giáo lý, nhà chờ phục sinh, chỗ để xe, hội trường…..

– Cha Phê-rô xây mới tượng đài Đức Mẹ La-Vang, chỉnh trang lại tượng Đức Mẹ ban ơn và bức phù điêu các Thánh Tử Đạo nằm trong khuôn viên rộng thoáng để cộng đoàn lui tới đọc kinh, cầu nguyện.

– Ngày 29 tháng 4 năm 2012, Giáo Xứ An Phú long trọng mừng Năm Thánh Hồng Ân, kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ (1962-2012) do Đức Hồng Y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn chủ sự.

– Ngày 23 tháng 9 năm 2012, Ban Thừa Tác Viên được thành lập gồm: thừa tác viên trao mình Thánh Chúa và thừa tác viên đọc sách Thánh.

– Ngày 03 tháng 3 năm 2014, Ban Truyền Giáo được thành lập và Ca Đoàn Giu-se chính thức ra mắt.

– Ngày 14 tháng 6 năm 2015, Cha Phê-rô Lê Hoàng Chương nhận sứ vụ mới tại Giáo xứ Thánh Khang (Q. Thủ Đức) thuộc Giáo Hạt Thủ Đức sau 12 năm mục vụ tại Giáo Xứ An Phú (2003 – 2015)

Ngày 27 tháng 6 năm 2015, cộng đoàn Giáo Xứ đón mừng Cha Giu-se Đinh Đức Hậu về làm Chánh Xứ.

– Cha Giu-se tiếp tục thực hiện các công việc chỉnh trang Thánh Đường:

  • Tu sửa Nhà Chờ Phục Sinh.
  • Lắp đặt tranh xuyên sáng Chúa Chiên Lành và tranh bổn mạng 4 Họ Giáo.
  • Ngày 3 tháng 4 năm 2016, thực hiện công trình lắp đặt “thang máy” để hỗ trợ cho người già yếu di chuyển dễ dàng lên nhà thờ và phục vụ việc tang lễ.
  • Ngày 29 tháng 6 năm 2016 lễ khánh thành “Công trình Lòng Chúa Thương Xót”.
  • Cha Giu-se đã đặt tạc tượng Thánh Giu-se bằng đá, để ngài ngự vào khuôn viên tượng đài, cạnh tượng đài Đức Mẹ La Vang.
  • Ngày 04 tháng 6 năm 2017, Cha Giu-se tái lập Ban Caritas Giáo Xứ.

– Ngày 20 tháng 7 năm 2018, Cha Giu-se Đinh Đức Hậu nhận sứ vụ mới tại Giáo Xứ Bình Thới (Q.11) sau 3 năm mục vụ tại Giáo xứ An Phú (2015 – 2018).

Ngày 27 tháng 7 năm 2018, cộng đoàn Giáo Xứ đón mừng Cha Martino Bùi Huy Hòa trong sứ vụ quản nhiệm Giáo xứ.

– Cha Martino tiếp tục củng cố các hoạt động sinh hoạt mục vụ của Giáo Xứ.

– Từ năm 2019 đến nay, được sự ủng hộ, đóng góp của giáo dân, Cha Martino mời gọi giáo dân trong Giáo xứ cùng cộng tác, chung tay với Hội Đồng Mục Vụ, tiếp tục thực hiện công việc tu sửa, bảo trì Thánh Đường… và Ban thiện nguyện được hình thành.

– Năm 2019, Cha cho xây thêm 3 phòng trên tầng thượng, và cung ứng đầy đủ thiết bị cần thiết cho các phòng học Giáo Lý.

– Thay mới hệ thống âm thanh Bose và đèn chiếu sáng trong nhà thờ.

– Ngày 17 tháng 5 năm 2020, Thánh lễ Tạ ơn  mừng bổn mạng Giáo Xứ lần thứ 58 và làm phép tranh kính màu Chúa Chiên Lành.

– Cũng trong thời gian này, do trần nhà thờ gặp sự cố và gạch nền Nhà thờ bong tróc, Cha Martino đã mời gọi giáo dân đóng góp, thay mới trần bằng hợp kim Metal, ốp đá hoa cương tường Cung Thánh và toàn bộ đá nền trong Nhà Thờ. Đồng thời, cung nghinh hai Thánh tượng Đức Mẹ và Thánh cả Giu-se, đặt hai bên tả hữu Cung Thánh.

– Ngày 1 tháng 10 năm 2020, Thánh lễ tạ ơn việc hoàn thành tu sửa Thánh đường: làm phép Nhà Tạm mới, tranh kính Ba Mầu nhiệm, tranh kính 4 Thánh sử, tượng Thánh Giu-se và Mẹ Maria.