GƯƠNG TỬ ĐẠO CỦA ĐỨC CHA AN
THÁNH JOSÉ DIAZ SANJURJO – AN
Đức Cha An được dẫn ra pháp trường như 1 tội phạm. Đến nơi hành quyết lính vây quanh thành 3 vòng: vòng trong cầm gươm, vòng giữa cầm giáo, vòng ngoài cầm cờ, sĩ quan oai vệ cưỡi ngựa cưỡi voi. Bỗng ngài lên tiếng nói đôi lời với những người có mặt, sau đó nói riêng với viên quan chỉ huy:
– Tôi xin gửi quan 30 đồng tiền để xin quan 1 ân huệ: xin đừng chém tôi 1 nhát, nhưng chém 3 nhát. Nhát thứ nhất, tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến đất Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ 2 để nhớ ơn cha mẹ sinh thành nên tôi. Còn nhát thứ 3 như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí trong đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình. Và như thế họ đáng lãnh phần phúc cùng các thánh trên trời.
Vị tử đạo đây chính là Đức Cha An, vừa dứt lời, lính liền trói ngài vào cây cọc hình thập giá. Dân Công giáo có mặt oà lên khóc. Lính chém Đức Cha 3 nhát như ngài đã yêu cầu. Đầu và mình của vị tử đạo bị ném xuống sông. Có 2 người lính thấm máu vị tử đạo liền bị tống giam. Đồ đạc sách vở của Đức Cha đều bị đốt.
Đó là ngày 20/7/1857. Trước đó 2 tháng, Đức Cha đã viết thư tạm biệt Đức Giám Mục và các linh mục trong giáo phận. Từ nhà ngục tỉnh Nam Định ngày 28/5/1857, Đức Cha An viết:
“Tù nhân trong Chúa gửi lời tạm biệt Đức Cha và các cha cho tới ngày gặp nhau trên trời. Xin tất cả anh em tha thứ cho những điều lầm lỗi và gương xấu tôi đã làm… Gông xiềng tôi đang mang được coi là những báu vật Đức Giêsu gửi cho tôi. Tôi vui mừng lắm và chỉ ước ao đổ máu vì Chúa, để máu tôi hòa với máu cực thánh Đức Giêsu rửa linh hồn tôi được sạch mọi tội lỗi. Xin anh em cầu cho tôi vững tin đến cùng…”
Giuse Diaz Sanjurjo cất tiếng chào đời ngày 26/10/1818 tại tỉnh Lugo nước Tây Ban Nha. Cậu là con cả trong 1 gia đình có 5 anh em mà 1 người sau là nữ tu Antonia. Lớn lên cậu theo học chủng viện Lugo. Chiến tranh khiến việc học của cậu bị gián đoạn 3 năm nhưng sau được vào đại học, cậu đã tìm đến với tỉnh dòng Đa Minh Rất Thánh Mân Côi là tỉnh dòng đặc trách lo việc truyền giáo tại Viễn Đông. Ở đây cậu đã lần lượt được nhận vào Tập Viện ngày 23/9/1842, được tuyên khấn 24/9/1843. Cha Giuse Diaz Sanjurjo đến địa phận Đông Đàng Ngoài ngày 19/9/1845 với tên Việt Nam là An. Sau thời gian học tiếng Việt, cha An được giao nhiệm vụ coi sóc chủng viện tại Nam An.
Dưới thời vua Tự Đức cấm đạo gắt gao năm 1848, cha An đã phải đau lòng gấp rút giải tán chủng sinh, chôn giấu các đồ thờ phượng và nhìn chủng viện bị tàn phá. Trong thư gởi 1 bạn ở Tây Ban Nha, cha An viết: “Chúng tôi chẳng còn nhà, chẳng còn sách vở và áo quần, chẳng còn gì nữa… nhưng chúng tôi vẫn an tâm vì nhớ lời Thầy Chí Thánh nói “Con Người không có chỗ tựa đầu…”
Nhiệt thành với tương lai giáo phận, cha An tái lập chủng viện tại Cao Xá. Thời gian này cha biên soạn cuốn văn phạm La ngữ bằng tiếng Việt.
Qua tông thư đề ngày 05/09/1848, Đức Piô IX thiết lập giáo phận Trung tách khỏi giáo phận Đông Đàng Ngoài. Giáo phận Trung gồm cả Bùi Chu và Thái Bình hiện nay, với dân số khi ấy là 140.000 giáo hữu rải rác trên 624 giáo xứ.
Người có công thuyết phục linh mục Marti Gia nhận chức vụ giám mục giáo phận mới thành lập chính là cha An. Trong bầu khí trao đổi thân tình, cha An đã phân tích các mặt của nhiệm vụ giám mục với những khó khăn trong thời cấm đạo. Kế đến cha nêu những nhu cầu của cộng đoàn dân Chúa mà vai trò phục vụ được giao cần phải đáp ứng. Cha An không ngờ sắc lệnh bổ nhiệm Đức Cha Marti Gia làm giám mục giáo phận Trung Đàng Ngoài, có ban quyền chọn giám mục phó. Đức Cha Gia liền chọn người đã thuyết phục mình nhận chức giám mục bản quyền, là cha An, làm giám mục phó.
Sau khi thụ phong giám mục, cha An lại trở về Cao Xá tiếp tục coi sóc chủng viện. Trong thư gởi gia đình, đức tân giám mục viết: “Ở đây thì chức vụ cao chỉ thêm công việc, con thường phải đi bộ, có khi phải đi chân không, nhiều lần phải lội bùn đến đầu gối, để trốn tránh những người lùng bắt.”
Tháng 3/1850, Đức Cha An giao chủng viện cho cha San Pedro Xuyên coi sóc rồi đi kinh lý toàn tỉnh Hưng Yên. Cuộc kinh lý bị bỏ dở. 2 lmục Việt Nam cùng đi với Đức Cha bị bắt. Đức Cha thoát nạn nhưng về bị sốt rét nặng 1 thời gian. 2 năm sau, Đức Cha Marti Gia lâm bệnh nặng và qua đời tại Hương Cảng ngày 26/4/1852. Thế là Đức Cha An phải đến ở toà giám mục Bùi Chu để điều khiển công việc giáo phận mà mũi nhọn là công cuộc truyền giáo. Số người được chịu phép rửa tội năm 1852 lên tới 28.355 người. Đức Cha An viết: “Đó quả là phần thưởng đầy khích lệ để các nhà truyền giáo tiếp tục trách nhiệm tông đồ bất chấp âm mưu của thần dữ. Không nản lòng trước những cơ cực thiếu thốn, trước nguy hiểm vây quanh và những nghịch cảnh có thể xảy đến…”
Xảy ra là từ năm 1854, tại miền Bắc có giặc nổi lên của Lê Duy Cự và Cao Bá Quát. Họ kêu gọi người công giáo tham gia nhưng Đức Cha An lên tiếng cấm bổn đạo không được chống lại chính quyền hợp pháp. Do đó các quan chức địa phương cũng nới tay trong việc thi hành sắc lệnh cấm đạo của nhà vua. Tổng đốc Nguyễn Đình Tuân biết chính xác trụ sở toà giám mục Bùi Chu nhưng vẫn làm ngơ. Ông còn hứa nếu bất đắc dĩ phải sai quân truy nã thì ông sai người báo trước.
Không may khi ấy có quan thượng thư từ kinh đô về Nam Định nhằm lúc có người làng Thoại Miên là Chánh Mẹo, lên tỉnh tố cáo rằng có đạo trưởng Tây tên An ở Bùi Chu. Quan Tổng đốc buộc lòng phải ra lệnh truy bắt nhưng cũng cho người đi báo tin cho toà giám mục. Tiếc rằng tin đến nơi thì Đức Cha An đã bị bắt. Khi lính đến bao vây, Đức Cha chạy đi ẩn náu liên tiếp ở 4 nơi. Nơi cuối cùng ở giữa bụi tre khá kín. Nhưng đúng lúc Đức Cha ngó đầu ra để xem lính đã đi chưa thì bị phát hiện và bị bắt.
Đức Cha An bị giải về Nam Định và bị biệt giam 2 tháng trước khi có án tử hình từ kinh đô truyền chém đầu Tây dương đạo trưởng tên An. Nhưng Đức Cha An đã không bị cưỡng bức chịu tử hình. Ngài đã vui mừng đón nhận cái chết tử đạo vì yêu mến Đức Giêsu vị Mục Tử nhân lành. Do đó ngài đã xin được chém 3 nhát mà nhát thứ 3 như lời di chúc cho các bổn đạo của ngài để họ bền chí trong đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình.