T4. Th9 18th, 2024

Ghen tuông trong đời sống vợ chồng: Nỗi đau không chỉ riêng ai!

Ghen tuông trong đời sống vợ chồng: Nỗi đau không chỉ riêng ai!

Ai cũng biết rằng ghen tuông (hay ghen tương) trong hôn nhân là điều khó tránh khỏi, dù vợ chồng là người bình dân hay giới trí thức, là người nghèo hay thành phần giàu có. Sự ghen tuông nó ăn vào máu thịt của mỗi người, nam cũng như nữ. Chẳng hạn, dân gian ta thường nói: “Ớt nào là ớt chẳng cay / Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng” hay “Ta rằng ta chẳng có ghen / Chồng ta ta giữ, ta nghiền, ta chơi!” (Ca dao VN).

Ngày nay, các vụ đánh ghen xảy ra như cơm bữa. Chỉ cần mở kênh Youtube lên là sẽ thấy những màn sát phạt thanh toán nhau hung dữ, ác độc, tàn nhẫn vô nhân đạo. Qua báo chí, người ta thường xuyên đọc được rất nhiều thông tin về những vụ án mạng rùng rợn mà nguyên nhân cũng chỉ vì ghen tuông mà ra. Chính vì vậy mà có người nói: “Lòng ghen tương giống như địa ngục và sức mạnh của nó là sức mạnh của lửa trong hỏa ngục”, hoặc có câu: “Một tình yêu ghen tuông thì đốt ngọn đuốc của nó trong đống củi hồng của những cơn giận dữ” (Burke).

Thực vậy, ta biết rằng: Ghen tuông được cho là khó tránh khỏi trong tình yêu và đôi lúc sự ghen tuông thái quá lại khiến mối quan hệ rạn nứt, khi sự ghen tuông thái quá chủ thể có khả năng sẽ hành động một cách ngớ ngẩn, thể hiện như sự bực bội, khó chịu khi một đối tượng nói chuyện thân mật với người khác giới, người tình cũ và có cảm giác thấy mình đang bị bỏ rơi, bị phản bội và cảm thấy bấp bênh cho tình yêu của chính mình, có những cặp đôi còn ghen tuông nhau ngay trong ngày cưới. (Theo Wikipedia)

Những biểu hiện của ghen tuông đối với những người có tâm lý hướng ngoại gồm biểu hiện sự giận dữ, ghen tuông ầm ĩ, đối với những người có xu hướng hướng nội thì biểu hiện sự ghen tuông của mình bằng sự xa lánh, lạnh lùng, khinh bỉ, căm thù đối tượng. Cả hai dạng này đều rất nguy hại cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần. (Theo Wikipedia)

* GHEN: CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Ai cũng biết rằng sự ghen tuông không trừ một ai hay bất kỳ một đôi hôn nhân nào. Nó có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu và bất kỳ trong hoàn cảnh nào. Ngoại trừ những trường hợp ghen bóng ghen gió, ghen vu vơ, ghen vớ vẩn, ghen không lý do, thì sự ghen tuông giữa hai vợ chồng thường bắt đầu với sự nghi ngờ về người thứ ba cùng với sự xuất hiện một số dấu hiệu khác thường, chẳng hạn như đi sớm về khuya, những cuộc điện thoại hay tin nhắn lạ lúc đêm khuya, phát hiện mùi thơm lạ cùng với sự chi tiêu tiền bạc cho những mục đích không rõ ràng, sự thờ ơ lạnh nhạt trong sinh hoạt vợ chồng vv.

Sự ghen tuông sẽ lên đến đỉnh điểm khi vợ/ chồng bắt quả tang mối tình vụng trộm của bạn đời với người thứ ba, lúc đó cuộc chiến bắt đầu công khai và khốc liệt. Khi phát hiện ra bằng chứng về sự phản bội, người đàn ông thường trở nên hung dữ, bạo lực, họ khống chế, chỉ trích người phụ nữ bằng đủ mọi cách nhưng một số không dễ dàng chia tay ngay lập tức.

Riêng đối với các bà vợ, một số phản ứng thường gặp của họ khi chồng vụng trộm là đánh ghen với tình địch, giận hờn, chì chiết. Tuy nhiên họ có thể bỏ qua, tha thứ cho chồng. Phụ nữ hay ghen khi cảm thấy bạn đời hờ hững, lạnh nhạt với mình. Có những phụ nữ ghen tuông kiểu lặng thầm, đó là do họ mất đi sự tự tin vào bản thân, lo sợ mình không còn nắm giữ được trái tim của bạn đời, sợ bị bỏ rơi. Họ càng ghen khi tự mình phóng đại và suy diễn những hành động của nam giới và kết luận rằng anh ta có dấu hiệu phản bội. (Theo Wikipedia)

Phụ nữ ghen sẽ tìm kiếm những bằng chứng và dấu vết từ người chồng như mùi nước hoa lạ, những tài liệu quên trong túi áo, túi quần, tin nhắn hoặc số điện thoại lạ… Khi phát hiện ra bằng chứng về sự phản bội, lo sợ rằng mình sẽ bị bỏ rơi, phụ nữ sẽ khóc lóc hoặc đe doạ bạn đời và thường sẽ tìm mọi cách gặp trực tiếp tình địch để giải quyết. Nói chung, phụ nữ khi ghen thì mỗi người có một kiểu ghen khác nhau, có cái ghen sáng suốt, minh mẫn, nhưng cũng có cả kiểu ghen mù quáng. (Theo Wikipedia)

Dù ghen tuông dưới hình thức nào đi nữa thì hậu quả sẽ là cả hai, người ghen và người bị ghen sẽ gặp rất nhiều bất lợi về mặt tâm lý, sức khỏe, mối tương quan vợ chồng, nhất là nó sẽ để lại nhiều hậu quả tai hại và di chứng khó lường.

Trước hết, ta thấy rằng, khi ghen tuông thì trong cơ thể sẽ xảy ra các phản ứng cả về tâm lý và hành động với các biểu hiện đau đớn về tinh thần, tức giận, buồn bã, bi quan, ghen tị, sợ hãi, lo lắng về hình ảnh của mình, tự xót thương mình, cảm thấy bị bẽ mặt (tâm lý), run rẩy, toát mồ hôi, tự trấn an mình, có những hành động hung hăng, thậm chí bạo lực (hành động). Ở góc độ tâm lý và y học, ghen tuông có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trí não, nó làm giảm trí thông minh, thiếu logic, đánh mất sự tự tin, tiêu tan độ hấp dẫn cũng như nhân cách con người.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng, ghen tuông ở một mức độ nhất định, sẽ có tính tích cực nhất định vì nó chứng tỏ tình cảm giữa hai bên sâu nặng, và góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa hai người và một chút ghen tuông hờn giận sẽ làm cho tình yêu thêm nồng nàn và hiểu nhau hơn, nó cũng là một biểu hiện của tình yêu sâu nặng. Dù vậy nếu không kiểm soát được thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, sự ghen tuông ở một mức độ vừa phải sẽ làm cho tình yêu bền chặt hơn, nhưng nếu ghen tuông mù quáng dẫn đến có những lời nói, hành vi thiếu kiềm chế sẽ là một trong những nguyên nhân của tội phạm, bi kịch tình yêu, bi kịch gia đình. (Theo Wikipedia)

Dù sao đi nữa thì “Ghen là vẫn tai họa cho tình yêu” (Colette). Người phương Tây thì cho rằng, đối với người vợ, thà có một người chồng không trung thành còn hơn có một người chồng hay ghen. Tại sao thế? Vì người chồng không trung thành còn giữ được hạnh phúc với vợ, còn người chồng hay ghen luôn biến gia đình thành địa ngục. Đối với người chồng, người vợ càng ghen tuông càng không thể nào sửa đổi được người chồng, trái lại nó còn đầu độc đời sống chung cho đến khi tình yêu bị tiêu diệt hoàn toàn.

* GHEN VÀ YÊU

Chúng ta tự hỏi có tương quan nào giữa ghen và yêu không, vì nhiều người vẫn cho rằng ghen xuất phát từ yêu, ghen là chứng tỏ còn yêu, ghen là biểu hiện của tình yêu bình thường giữa nam và nữ, đến nỗi có người đã nói “Kẻ nào không ghen là không yêu”. Như vậy, ta có thể chấp nhận sự ghen tuông được không?

Theo tác giả cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô” thì, “bất cứ ai yêu một người khác phái và yêu một cách lành mạnh cũng đều cảm thấy ghen tương khi người đó biểu lộ một sự quan tâm không hợp lý với một người thứ ba. Thiếu sự ghen tương trong những hoàn cảnh như thế cũng đồng nghĩa với thiếu yêu thương. Như thế, sự ghen tương là một biểu lộ chắc chắn của tình yêu. Có yêu mới ghen. Để nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, Kinh Thánh không biết dùng hình ảnh nào xác đáng hơn là nói rằng: Thiên Chúa là Đấng hay ghen tương, ghen là biểu hiện của tình yêu. Ai cũng biết, sự vắng bóng của ghen tương là một dấu hiệu cho thấy tình yêu đã vỗ cánh bay xa”. [1]

Tuy nhiên, trên thực tế, ta thấy rằng ghen tuông có nhiều mức độ, ở một giới hạn nào đó thì ghen chính là chút gia vị cho tình yêu, nhưng thông thường thì sự ghen tuông mà không kiểm soát được sẽ là tai họa cho tình yêu. Bà Nadezhda von Meck đã nói: “Có ghen mới là yêu, nhưng ghen quá sẽ giết chết tình yêu”. Một danh nhân khác cũng đã nói: “Sự ghen tuông trong tình cảm giống như muối trong thức ăn. Một chút ít có thể làm vị trở nên đậm đà, nhưng quá nhiều sẽ làm hỏng vị, và trong một vài trường hợp nhất định, có thể nguy hiểm đến tính mạng” (Maya Angelou)

Chúng ta biết rằng, một đôi hôn nhân hạnh phúc, một gia đình êm ấm luôn đặt trên nền tảng một tình yêu chân thành, trong sáng, tự do và song phương. Nhưng khi tình yêu phai nhạt, hoặc mất đi sự trong sáng lành mạnh của nó, thì nguy cơ sẽ là sự lo lắng, nghi ngờ, thất vọng. Làm sao có thể có được một gia đình êm ấm khi mà “Ông ăn chả” hoặc “bà ăn nem” được. Hành động ngoại tình và sự xuất hiện của người-thứ-ba sẽ làm đảo lộn tất cả. Như một danh nhân đã nói: “Ghen tuông làm đảo lộn và đầu độc tất cả những gì tốt đẹp trong tình yêu”. Tình yêu lúc đó chỉ còn là sự hờn ghen, lo sợ, hận thù và cay đắng mà thôi. Có người đã quả quyết rằng, trong khi tình yêu là sự khỏe mạnh thì ghen tuông lại là bệnh hoạn, cả hai không thể tương thích với nhau được (Robert A Heinlein).

Cuối cùng thì ta cũng thấy rằng, “Người ghen tương là người chưa biết yêu, vì một tình yêu đích thực luôn luôn được xây dựng trên sự tôn trọng. Hơn bất cứ quan hệ nào, đời sống vợ chồng đòi hỏi hai người phải tôn trọng và đối xử với nhau tế nhị hơn với bất cứ ai khác. Khi người ta bắt đầu nghi ngờ dẫn đến việc kiểm soát nhau, và nhất là để cắt đứt mọi liên lạc thân hữu với người khác cũng như mọi sinh hoạt xã hội, thì đó là dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng giữa hai người không còn nữa. Một khi không còn tin tưởng lẫn nhau, cuộc sống chung sẽ trở nên ngột ngạt, khó thở để rồi sẽ bùng nổ bằng bạo động và đưa đến đổ vỡ”. [1]

* THUỐC CHỮA “BỆNH” GHEN

 Chúng ta biết rằng, đã là người thì không ai lại không có thể mắc bệnh ghen. Dường như chẳng ai được miễn nhiễm khỏi tính ghen tương. Một chút ghen tương là một báo động tốt để giúp cho hai người hiểu nhau hơn, trưởng thành hơn trong nhân cách và tình yêu. Nhưng nếu ghen tương đã trở thành một thứ ung nhọt không chữa nổi thì đời sống vợ chồng sẽ như một thứ thân thể bệnh hoạn.

Mặc dù văn hào Pháp Michel de Montaigne đã quả quyết rằng, “Trong tất cả các thứ bệnh tinh thần, bệnh ghen được nuôi dưỡng nhiều thứ nhất và có ít thuốc chữa nhất”, nhưng trên thực tế có nhiều người đã tìm ra được những phương thuốc hữu hiệu để chữa bệnh ghen. Ta có thể tóm tắt mấy cách thế chính sau đây:

1- Đừng bao giờ biến sự ghen tuông trở thành phản ứng cực đoan. Khi ta thiếu kiềm chế, tạo cơ hội để cơn ghen bùng nổ, như đổ dầu vào lửa, thì lúc đó nó sẽ trở thành kẻ thù của hôn nhân và là tai họa cho tình yêu. Cả hai người, vợ cũng như chồng nên ngừng theo dõi người bạn đời của mình và nhất là đừng bao giờ tra hỏi nhau một cách trơ trẽn, thiếu tế nhị. Điều cơ bản của cuộc sống vợ chồng là tin tưởng lẫn nhau. Nếu cứ nghi ngờ nhau, hậu quả là vô tình người ghen đã đẩy chồng hoặc vợ mình vào vòng tay người khác.

Chúng ta lưu ý là trong hôn nhân, ghen tuông thái quá như món ăn nồng mùi vị khiến người trong cuộc chán nản, mệt mỏi. Nếu tỉnh táo biết nêm nếm đủ liều thì ghen sẽ là gia vị khiến đời sống vợ chồng thêm phần ngọt ngào, viên mãn. Trong thực tế, khi ghen người ta không thể làm chủ và kiểm soát được suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình. Sự mù quáng khi ghen khiến bạn có những biện pháp đối phó không hiệu quả. Hậu quả diễn ra, nhiều người mới ân hận vì những hành vi và lời nói của mình. (Nguồn: vnexpress.net)

2- Hãy tạo mọi cơ hội để lấy lại niềm tin, sự cảm thông và tha thứ. Người Tây phương đưa ra quan điểm thế này, người nào yêu thực sự thì người đó không ghen. Thực chất chủ yếu của tình yêu là lòng tin. Tước bỏ lòng tin trong tình yêu tức là tước bỏ nền tảng tạo nên sức mạnh và độ bền vững của tình yêu, là tước bỏ tất cả bộ mặt tươi sáng của nó.

Do vậy, phương thuốc để chữa bệnh ghen hữu hiệu, đó là tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ vì sao bạn đời mình lại “say nắng” như thế, vì sao lại xảy ra tình yêu “ngoài luồng” như thế, tình trạng trên mới chớm hay đã lâu, hoàn cảnh nào đã đưa đẩy đến sự việc ngoại tình của vợ hay chồng như thế vv. Phải giữ thái độ bình tĩnh và phản ứng sao cho có chừng mực, tỏ ra sự cảm thông và tha thứ, để người bạn đời của mình hiểu được rằng tình yêu thực sẽ có sức mạnh hóa giải tất cả.

Một tác giả đã chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Mặc dù cơn ghen của bạn được dựa trên chứng cứ rõ ràng, nếu bạn không dùng hình thức thô bạo thì bạn vẫn có hy vọng chiếm lại tình cảm của người mình thương yêu. Ở nơi đàn ông hay phụ nữ, đều dễ có sự sai lầm, phản bội nhưng sau đó họ vẫn có thể ân hận chân thành. Người ta cứ tưởng ngoại tình là nguyên nhân chính của ly hôn. Thực ra không phải vậy. Trong 75% trường hợp ly dị một cách hợp pháp, thì nguyên nhân chính là mâu thuẫn về tiền bạc”. [2]

3- Hãy xác định lại bản chất của tình yêu trong hôn nhân. Có người đã nhận định rằng, khi ghen tuông, tự ái sẽ đóng vai trò quan trọng hơn là ái tình (La Rochefoucauld). Điều đó có nghĩa là khi ghen, người ta trở nên ích kỷ, mù quáng, cọc cằn, tàn nhẫn. Hành động của người ghen, nếu nhân danh tình yêu, thì cũng chỉ là sự thù hằn đáng sợ.

Trong khi đó, tình yêu đích thực và trong sáng luôn luôn được thể hiện qua sự tôn kính, trân trọng người bạn đời. Nếu người ngoại tình là người không còn biết kính trọng bản thân và tình yêu của vợ hay chồng mình thì người ghen tuông là người đánh mất lý trí, hành động mù quáng, coi người bạn đời của mình như là một kẻ phản bội phải trả giá đắt và đáng khinh bỉ. Người ta quên rằng bản chất của tình yêu đích thực là dâng hiến, là vị tha, là bao dung. Thay vì tự ái vì mình bị “cắm sừng”, thay vì thù hận do tình yêu bị phản bội, thì chúng ta nên chọn lựa một thái độ đúng mực nhất, đó là bao dung và tha thứ. Chính điều này sẽ thuyết phục bạn đời mình từ bỏ những gì không phù hợp với tình yêu chân chính của vợ chồng.

Cuối cùng, muốn tránh được sự ghen tuông, thiết tưởng vợ chồng phải làm mọi cách để duy trì lòng chung thủy và giữ cho tình yêu giữa hai người luôn nồng thắm.

Thực vậy, “Không gì hữu hiệu để giúp đôi vợ chồng thắng vượt tính ghen tương cho bằng lòng chung thuỷ với nhau. Lòng chung thủy đối với nhau được thể hiện không chỉ bằng sự đam mê gắn bó với nhau, mà nhất là bằng lòng quảng đại, khoan dung, tha thứ, quên mình. Nói cho cùng, tình bác ái Kitô giáo chính là thể hiện của sự chung thuỷ và là chìa khoá của hạnh phúc hôn nhân”./. [1]

Aug. Trần Cao Khải

– – – – – – – – – – – – – – –
[1] D. Wahrheit – “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô” – Bài “Thử thách của ghen tương” – Mục Vụ HN&GĐ
[2] Vũ Hạnh – “Hôn nhân không đau đớn” – NXB Thanh Niên năm 2000

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *