T4. Th9 18th, 2024

Cấm ly dị là vô nhân đạo?

Cấm ly dị là vô nhân đạo?

Một ông Công giáo ở tuổi năm mươi, góa vợ. Một cô cán bộ ở tuổi bốn mươi, lỡ thời. Hai người đến gặp cha xứ để làm đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo. Cha xứ xởi lởi, cởi mở, hướng dẫn họ làm đơn và đính kèm lá thư xin đức Giám Mục ký thuận.

Thấy cô cán bộ tủm tỉm cười hoài, cha xứ hứng khởi trình bày một hơi về hôn nhân Kitô giáo.

– Hôn nhân Kitô giáo có hai điểm đặc thù: Một, đơn nhất tính, tức là một vợ, một chồng. Hai, vĩnh cửu tính, tức là hai người phải chung thủy cho đến chết. Trước hết đạo Công giáo chỉ cho phép một vợ, một chồng. Vậy cô có ý kiến gì về luật này?

– Tôi hoan nghênh tối đa.

– Cám ơn cô. Nhưng đạo Công giáo chúng tôi đã phải khổ gần hai mươi thế kỷ, vì cái luật một vợ một chồng này. Sienkiewics – tác giả cuốn Quo Vadis, giải Nobel văn chương năm 1905, đã cho ta biết thời đạo Công giáo được truyền bá rộng rãi ở Rôma, thì người phụ nữ Công giáo bị gọi một cách mỉa mai là “con mẹ một chồng”. Đàn ông nhiều vợ thì sang. Đàn bà nhiều đời chồng, thì được khen là tuyệt vời. Khi đạo Công giáo được truyền bá ở Phi Châu thì luật một vợ một chồng là một cản trở lớn. Các tộc trưởng da đen đều đa thê. Có những tộc trưởng sẵn sàng theo đạo và đưa cả bộ lạc vào đạo, nhưng… với điều kiện là cho giữ lại hết các bà vợ. Các nhà truyền giáo đành giơ tay đầu hàng.

Khi đạo Công giáo được truyền bá sang Việt Nam thì luật một vợ một chồng bị tác giả cuốn “Gia Tô Bí Lục” gọi là “kế ngu dân” của Đức Giêsu.

Phải chờ cho tới sau Cách Mạng Tháng Tám, luật một vợ một chồng mới được chính thức công nhận là luật tiến bộ. Hai ngàn năm. Ôi! Hai mươi thế kỷ bị chống đối, bị chế giễu, bây giờ mới được ngước mặt lên hãnh diện với đời.

Như vậy là chị đồng ý và hoan nghênh luật một vợ một chồng?

– Đúng thế. Một ông hai bà, một bà hai ông sẽ lung tung lắm. Cứ ghen nhau không thôi, cũng đủ chết rồi.

– Còn luật chung thủy cho đến chết, tức là không cho ly dị, thì chị nghĩ sao?

– Ai cũng muốn vợ chồng chung thủy, nhưng hôm nay là thế, ngày mai sẽ ra sao? Yêu nhau mà sống với nhau thì tuyệt vời. Không yêu nhau, thậm chí ghê tởm nhau mà phải bắt sống với nhau, thì có khác gì sống trong Hỏa ngục. Đạo không cho ly dị thì có khác gì đày đọa kiếp người.

Yêu nhau mà sống với nhau là tuyệt vời. Ghét nhau mà không cho ly dị thì vô nhân đạo.

Tôi hoan nghênh tình yêu chung thủy. Nhưng tôi yêu cầu Giáo Hội Công giáo khoan dung đối với những đôi vợ chồng bất hạnh. Yêu nhau mà trao thân gửi thịt cho nhau là tuyệt diệu, là trên tuyệt vời. Nhưng ghét nhau, khi dể nhau, mà phải trao thân gửi thịt cho nhau, thì thật là ghê tởm, là quái đản. Hỏa ngục trần gian có thể chỉ là thế.

Ông cha xứ cúi đầu ngẫm nghĩ. Không ngờ, một cô gái lỡ thời mà lại cảm nghiệm được đời sống lứa đôi và cảm nghiệm được cả nỗi đau của những cặp vợ chồng hụt hẫng đến như thế. Cha xứ nghĩ đến những cặp vợ chồng bất hạnh trong giáo xứ. Cha thương họ. Cha muốn họ được giải thoát. Cha muốn Giáo Hội khoan dung, theo yêu cầu của cô gái lỡ thời.

Nhưng Bỗng cha xứ ngẩng đầu lên, giảng thuyết một cách hùng hồn.

– Hai người yêu nhau, lấy nhau, trao thân gửi thịt cho nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng và dạy dỗ để con cái thành nhân. Tất cả bấy nhiêu chi tiết đều nằm trong bản thiết kế chung của Đấng Tạo Hóa. Mục đích của hôn nhân là tạo dựng nhân vị có nhân phẩm, có nhân cách. Tình yêu là phương tiện tất yếu để đạt được mục đích. Chính vì thế tình yêu phải chung thủy. Thiếu chung thủy thì công việc giáo dục con cái sẽ hụt hẫng.

Cảnh sát quốc tế đã khẳng định rằng hầu hết các thiếu niên phạm pháp đều là con cái của gia đình ly dị, hoặc bất hạnh. Như thế ly dị là thảm họa của xã hội. Cho ly dị là vô nhân đạo với con cái và đối với xã hội.

– Như vậy thì tốt nhất đừng lấy vợ, lấy chồng.

– Đúng vậy. Nhưng hãy lấy vợ, lấy chồng, khi đã có một tình yêu chân chính.

– Thế nào là tình yêu chân chính?

– Tình yêu chân chính là tình yêu quên mình để chỉ lo cho người mình yêu được hạnh phúc.

– Nhưng yêu mà bị phản bội thì sao?

– Tình yêu chân chính sẽ chinh phục người yêu phản bội. Tình yêu chân chính không bao giờ loại trừ. Chỉ yêu một lần và yêu mãi mãi.

– Yêu mà phải khổ suốt đời sao?

– Có sao đâu. Mẹ sanh con, thì muốn con mình lành mạnh. Nếu chẳng may sanh con tàn tật, thì mẹ vẫn yêu, vẫn nuôi, và yêu đứa con ấy nhiều hơn yêu các đứa con không tàn tật. Tại sao vợ chồng lại không bắt chước tình yêu mẫu tử?

Tình yêu chân chính là tình yêu tha thứ, chấp nhận. Nếu không tha thứ, không chấp nhận, thì chưa phải là tình yêu chân chính.

– Cha không có  vợ, cha không thông cảm với người có vợ có chồng. Nếu cha có vợ có lẽ cha sẽ bao dung hơn đối với những đôi vợ chồng không may mắn.

– Tôi nghĩ đến họ. Tôi thương họ. Tôi muốn bao dung với họ. Nhưng tôi lại thương các bé thơ, tôi lại thương đời sống an sinh của xã hội. Xin chị cứ thương các đôi vợ chồng lỡ dở. Nhưng xin chị xác tín rằng: “Ly dị là thảm họa của gia đình và xã hội”. Rồi sau đó chị sẽ thấy rằng không cho ly dị là vô nhân đạo hay là cho ly dị mới là vô nhân đạo?

Xin kết luận rằng:

1.Phải chuẩn bị hôn nhân kỹ lưỡng.

2.Phải học hỏi nhiều về ý nghĩa và cuộc sống hôn nhân.

3.Phải xác tín rằng vợ chồng chỉ là thợ xây, nên phải trung thành với bản thiết kế của hôn nhân do Tạo Hóa vẽ.

4.Vợ chồng là cộng tác viên của Thượng Đế chứ không phải là chủ công trình.

Tạp bút của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *