CHÚA GIÊSU VÀ THÁNH GIUSE CÓ THỰC SỰ LÀ THỢ MỘC KHÔNG?
WHĐ– Nhìn vào bản gốc tiếng Hy Lạp, bản dịch tiếng Latinh và bối cảnh lịch sử của chính Chúa Giêsu người ta có thể trả lời câu hỏi này… hay không?
Truyền thống và lòng sùng kính phổ biến thường mô tả Chúa Giêsu và Thánh Giuse là thợ mộc, làm việc cùng nhau, chia sẻ cả xưởng làm việc và dụng cụ trong khi đóng ghế dựa, ghế đẩu và bàn. Thậm chí một số bức tranh trường phái Barốc[1] của Tây Ban Nha còn cho thấy một Giêsu rất trẻ với một dằm gỗ nhỏ đâm vào ngón tay, một giọt máu nhỏ chảy ra từ đó, hoặc một Giêsu mang một khúc gỗ trên vai trong xưởng thợ, như thể báo trước cái chết của Ngài sau đó trên thập giá. Nhưng đó có phải là những gì bản văn Kinh thánh thực sự muốn nói không? Nhìn vào bản gốc tiếng Hy Lạp, bản dịch tiếng Latinh và bối cảnh lịch sử của chính Chúa Giêsu người ta có thể trả lời câu hỏi này hay không.
Dĩ nhiên rồi, hầu hết các bản dịch sử dụng từ “thợ mộc” để mô tả công việc làm ăn trao đổi của Chúa Giêsu và Thánh Giuse. Nhưng từ Hy Lạp chúng ta đọc trong Tin mừng Mátthêu và Máccô có thể được đọc theo nhiều cách khác nhau. Từ mà các Tin Mừng sử dụng là téktōn, một thuật ngữ phổ biến được sử dụng cho các nghệ nhân, thợ thủ công và những người làm việc với gỗ (vì vậy, vâng, chữ đó có thể dịch là “thợ mộc”), nhưng cũng thật thú vị, chữ đó có thể nói đến thợ xây đá, thợ xây, công nhân xây dựng, ngay cả nói đến những người xuất sắc trong công việc buôn bán trao đổi của họ và có thể dạy cho những người khác (như maestro[2] trong tiếng Ý ). Bản dịch tiếng Latinh mà chúng tôi tìm thấy trong Thánh Kinh bản Vulgata, faber, thực sự giữ được những ý nghĩa rất khác nhau mà tiếng Hy Lạp téktōn có được. Một faber là một thuật ngữ chung được sử dụng cho những công nhân và các thợ thủ công nói chung. Một faber chắc chắn có thể làm việc như một thợ mộc nhưng chỉ đôi khi thôi, còn một lignarius là một thợ mộc như một nghề phụ.
Giáo sư James D. Tabor, một học giả Kinh thánh tại Đại học Bắc Carolina, đã gợi ý rằng “người xây dựng” hay ‘thợ xây đá” sẽ là một cách dịch tốt hơn cho từ téktōn của Hy Lạp trong trường hợp của Chúa Giêsu, vì những lý do rất cụ thể. Một mặt, lời rao giảng của Chúa Giêsu thường sử dụng các phép ẩn dụ được truyền cảm hứng từ việc xây dựng: Ngài thường nói đến “đá góc tường” và “nền móng vững chắc”. Ngoài ra, với thực tế là khu vực nơi Chúa Giêsu sống và chết không thực sự phong phú về cây cối, và hầu hết các ngôi nhà trong thời của Ngài đều được xây bằng đá, vì vậy nghĩ rằng Chúa Giêsu và Thánh Giuse có thể đã làm việc trong ngành xây dựng thì có lý hơn.
Nhưng điều đó cũng không dễ dàng. Trong bản Septuagint[3] (bản dịch đầu tiên của Kinh thánh Do Thái từ tiếng Do Thái và tiếng Aram[4] sang tiếng Hy Lạp), chúng ta thấy từ téktōn của Hy Lạp đã được sử dụng để phân biệt thợ mộc với các công nhân khác trong sách tiên tri Isaia, và trong danh sách các công nhân làm công việc xây dựng hoặc sửa chữa Đền thờ ở Giêrusalem trong quyển thứ hai Sách Các Vua. Sự phân biệt này đã có từ xưa, vì người Hy Lạp đã thường xuyên sử dụng từ téktōn để chỉ một người thợ mộc, sử dụng từ lithólogos cho thợ đá và từ laxeutés cho thợ xây. Cách sử dụng phổ biến của từ này được các tác giả của Tin mừng thừa hưởng, là những người đã quen thuộc với Kinh Thánh Bản Bảy Mươi, nghĩ vậy là hợp lý.
Nhưng so sánh tiếng Hy Lạp trong Bản Bảy Mươi với tiếng Do Thái gốc được tìm thấy ở sách tiên tri Isaia cũng là cần thiết. Từ Hy Lạp téktōn là từ thường được sử dụng để dịch chữ kharash có gốc trong tiếng Do Thái, là từ thường được sử dụng cho “thợ thủ công”. Tuy nhiên, téktōn xylon là cách dịch từng chữ của tiếng Do Thái kharash-‘etsim, “thợ thủ công chuyên về gỗ”, thực tế được tìm thấy trong Isaia 44:13. Nhưng học giả kinh thánh Géza Vermes người Hungary cho rằng có thể téktōn của Hy Lạp không được dịch từ tiếng Do Thái kharash, mà thay vào đó, nó tương đương với naggara trong tiếng Aram. Vermes lập luận, trên thực tế khi Kinh Talmud[5] gọi ai đó là “thợ mộc”, thì đó có thể ám chỉ một người đàn ông rất uyên bác. Thế thì, điều này có nghĩa là các tác giả của các sách Tin mừng muốn chỉ ra rằng Thánh Giuse thực tế là một người đàn ông thông thái, người không chỉ khôn ngoan mà còn là người giỏi chữ nghĩa Kinh Torah[6], chứ không có ý nói đến công việc làm ăn của Ngài.
Tác giả: Daniel Esparza
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org
Chú thích của người dịch:
[1] Baroque
[2] bậc thầy.
[3] Aram là ngôn ngữ của Chúa Giêsu, người đã nói Phương ngữ Galilê trong sứ vụ công khai của Ngài, cũng như ngôn ngữ của các phần lớn trong các sách kinh thánh của Daniel và Ezra, và cũng là một trong những ngôn ngữ của Talmud.
[4] Bản Bảy Mươi.
[5] Tiếng Do Thái: תַּלְמוּד Talmud nghĩa là “giảng dạy, học tập”, “ nghiên cứu “) là một văn bản trung tâm của giáo sĩ Do Thái giáo (rabbinic). Toàn bộ kinh Talmud bao gồm 63 bài luận, trong bản in tiêu chuẩn dài hơn 6.200 trang. Nó được viết bằng tiếng Tanait Do Thái và tiếng Aram. Talmud bao gồm những ý kiến của hàng ngàn giáo sĩ Do Thái trong nhiều chủ đề, bao gồm cả pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử, thần học, truyền thuyết và nhiều chủ đề khác. Talmud là cơ sở cho tất cả các bộ luật của cộng đoàn Do Thái giáo.
[6] Tiếng Hebrew: תּוֹרָה, “Hướng dẫn”, “Dạy dỗ”, hoặc những gì thường được dịch là Ngũ Thư, là khái niệm trung tâm trong truyền thống Do Thái giáo. Torah bao gồm các câu chuyện nền tảng của người Do Thái: lời gọi của Thiên Chúa để hình thành nên dân tộc họ, những thử thách và đau khổ của họ, và giao ước của họ với Thiên Chúa, trong đó bao gồm việc tuân giữ cách sống được hiện thực hóa trong một tập hợp các nghĩa vụ tôn giáo và luân lý cũng như các luật pháp dân sự (halakha).