CN I MÙA CHAY B – Con số 3 trong Mùa Chay
Mỗi năm, vào đầu Mùa Chay, tôi đặc biệt nhớ tới con số 3 vì nó hiện diện ở ngay ngày thứ tư đầu Mùa Chay và ở ngày Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay.Thứ tư Lễ Tro, trong Phúc âm Thánh Matthêu (Mt 6,1-6.16-18), Chúa dạy 3 điều cần phải làm ba việc này:
Thứ nhất: Bố thí: làm việc lành, việc phước thiện, để nâng đỡ tha nhân, như thăm viếng người bệnh, người già, giúp công, giúp của cho những người cùng túng, lâm nạn, những người cô thân, cô thế và tàn tật…
Thứ hai: cầu nguyện: có thời giờ sống bên Chúa, thưa chuyện với Chúa, lắng nghe tiếng Người, đọc sách báo linh đạo, suy niệm về Ơn lành Cứu Ðộ và về những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu tại Giêrusalem, về cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Cầu nguyện để phát triển đời sống nội tâm, trong thinh lặng, với tâm tình cảm tạ và kính mến.
Thứ ba: Ăn chay: hãm dẹp các vọng động, giảm bớt tiêu pha và hưởng thụ, như bớt ăn, bớt uống, bớt coi điện ảnh, ngưng hút thuốc, bỏ ăn quà vặt, không chơi bài bạc và không chè chén say sưa…
3 điều trên đây có liên hệ mật thiết với nhau, như nhân với quả, như hoa với trái. Ví dụ: ta chỉ có thể có tiền và có thời giờ để giúp đỡ tha nhân, nếu ta đã tự hãm mình, dẹp bớt các nhu cầu và bỏ đi lòng vị kỷ. Hơn nữa, sự cầu nguyện và lòng kính mến Chúa sẽ thúc đẩy ta biết mở rộng lòng ra, biết cảm thông với những người đang gặp đau khổ về vật chất và tâm linh.
Vậy, nếu thực sự chúng ta kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, thì chúng ta chú trọng thực hành 3 việc là ăn chay, cầu nguyện và bố thí, một cách vui vẻ, âm thầm và kín đáo, như Chúa Giêsu dạy: “tay trái không biết việc tay phải làm”. Khi cầu nguyện, ăn chay và làm việc từ thiện, bác ái, chúng ta không tìm tiếng khen của người khác, mà chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa là Cha của chúng ta mà thôi.
Trong Phúc âm Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay (Lc, 4,1-13) ta gặp lại con số 3 một lần nữa: Đức Giêsu bị Satan dụ dỗ về 3 điểm, tức là 3 ước muốn mãnh liệt nhất của cái tôi giả tạo: thụ-hưởng, danh-vọng và quyền-lực. Đó là 3 điều dụ dỗ rất mực tế nhị và độc hại, đã từng làm cho loài người điên đảo, phạm những điều ngang ngược, phi nhân, phi nghĩa. Đức Giêsu đã dùng thần lực của Thánh Kinh mà khử trừ 3 dụ dỗ thâm hiểm đó của Satan. (Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD).
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta sống 3 thực hành quen thuộc của Mùa chay: “Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6,1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.” (Sứ điệp Mùa chay 2021, dẫn nhập).
Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có 3 phương thế để có thể chiến thắng.
1. Lời Chúa.
Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.
Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
– Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
– Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
– Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nỗi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39b); “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
2. Ăn Chay
Ăn chay giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. Ăn chay đi đôi với sự hãm mình. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại ăn chay hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu người. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.
3. Cầu Nguyện.
Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.
Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta!
Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay. Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: “Hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.
Ghi nhớ con số 3 của Mùa Chay để thực hành sám hối, canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.