CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM A
ĐỪNG XAO XUYẾN
Bài Tin mừng Chúa nhật V Phục sinh đưa chúng ta trở lại với phòng tiệc ly. Trong bầu không khí trầm buồn, các môn đệ đã cảm nhận được cuộc thương khó của Thầy mình. Trả lời cho câu hỏi của ông Phê-rô: Thày đi đâu vậy?”, Chúa Giê-su nói: “Nơi Thầy đi bây giờ, anh không thể theo đến được”. Dường như giữa thày trò có điều không hiểu nhau. Một đàng là Phê-rô dứt khoát đoan hứa trung thành, đàng khác Chúa lại báo trước ông sẽ chối Người. Chính trong bối cảnh này, Chúa Giê-su trấn an các môn đệ: Lòng các con đừng xao xuyến.
Xao xuyến là tâm trạng của người đang lo lắng sợ hãi và bất an. Xao xuyến làm cho người ta mất ăn mất ngủ, đôi khi vì nỗi sợ mơ hồ khó định hình. Tâm trạng của các môn đệ trong phòng tiệc ly là sợ hãi và hoang mang. Độc giả hôm nay cần lưu ý rằng, các Tin mừng đều được viết sau biến cố phục sinh, khi những gì Chúa tiên báo đã được thực hiện. Vì thế, chúng ta phải đặt mình vào tâm trạng của các môn đệ trước Phục sinh. Các ông thực sự chưa hiểu những gì Chúa nói. Có nhiều dẫn chứng trong Tin mừng cho thấy điều ấy.
Để trấn an các môn đệ, Chúa Giê-su mặc khải cho các ông những giáo huấn quan trọng. Những giáo huấn này làm nên cốt lõi đức tin Ki-tô giáo.
Bài học thứ nhất: Đừng xao xuyến, vì Chúa Giê-su ra đi là về nhà Cha. Khái niệm “về nhà Cha” chúng ta thường dùng để diễn tả một tín hữu vừa qua đời. Ki-tô hữu là người tin vào Chúa Cha, nhờ mạc khải của Đức Giê-su. Chúa Cha là nguồn gốc mọi sự, và là đích điểm mọi loài. Chúa Giê-su từ Chúa Cha mà đến, nay Người lại trở về với Chúa Cha, như trở về với nguồn cội của mình. Việc về với Chúa Cha, khẳng định Người là Con Thiên Chúa. Người đến trần gian để thi hành sứ vụ cứu độ con người. Nay sứ vụ ấy đã hoàn tất, Đức Giê-su như vị tướng lãnh chiến thắng huy hoàng, trở về trong vinh quang và trong lời tung hô của các thiên thần.
Bài học thứ hai: Đừng xao xuyến, vì Chúa cho chúng ta biết tương lai và đích điểm của đời người. Như Chúa Giê-su đã về với Chúa Cha, người tin vào Người cũng được về với Chúa Cha như vậy. “Nhà của Cha Đức Giê-su” cũng là nhà của Cha chúng ta. Giáo lý của Giáo hội dạy chúng ta: chết không phải là hết. Chết là ra đi, là biến đổi. Chết là bước vào cuộc xuất hành mới. Cuộc xuất hành này có đích điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi. Những ai trung tín với Chúa, sẽ được hưởng vinh quang nơi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, trong hạnh phúc viên mãn. Bài Tin mừng này thường được đọc trong Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn, để hướng tín hữu đến niềm hạnh phúc vĩnh cửu, ngay trong lúc thương đau mất đi một người thân. Được soi sáng bởi Lời Chúa, chúng ta là người còn sống, tin rằng người thân của chúng ta ra đi là về với Chúa.
Bài học thứ ba: Đừng xao xuyến, vì chúng ta có Chúa Giê-su là Đấng dẫn đường. Từ cổ chí kim, chưa ai có thể tuyên bố như Đức Giê-su: “Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống”. Đức Giê-su có thể khẳng định điều này vì Người là Thiên Chúa, Đấng Hằng sống và Đấng ban sự sống cho loài người. Nếu con đường về nhà Cha đầy gian nan thử thách, thì chúng ta có Chúa Giê-su là Đường dẫn chúng ta đi. Nếu tư tưởng và lý trí con người dễ lầm lạc, thì chúng ta có Chúa là nguồn Chân lý, giúp chúng ta nhận ra lẽ phải. Nếu con người tự bản tính phải chết, thì Chúa Giê-su, Đấng Phục sinh, sẽ ban cho chúng ta sự sống mới qua nghi thức Thanh tẩy. Nhờ Chúa Giêsu chỉ đường, chúng ta sẽ tiến bước bình an và không sợ lạc lối. Chúa Giê-su khẳng định với các môn đệ: ngay từ bây giờ anh em đã biết Chúa Cha và đã thấy Chúa Cha. Phải hiểu điều này thế nào? Chúa Cha là Đấng vô hình, nhưng con người có thể gặp gỡ Chúa Cha, khi gặp gỡ Chúa Giê-su, bởi lẽ “Ai thấy thầy là thấy Cha”. Đây quả là một huyền nhiệm. Qua Đức Giê-su, con người có thể gặp gỡ Chúa Cha và tâm sự với Ngài.
Bài học thứ tư: Đừng xao xuyến, vì chúng ta được trở nên dân tư tế nhờ Đức Giê-su. Ý niệm “dân tư tế” đã được đề cập trong Thánh lễ Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh. Phụng vụ Chúa nhật V Phục sinh mượn lời trong thư của thánh Phê-rô để nhắc lại vinh dự cao quý này. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, tất cả các Ki-tô hữu đều được chia sẻ ba chức năng của Đức Giêsu: đó là chức năng Ngôn sứ, chức năng Tư tế và chức năng Vương đế. Chức năng tư tế nơi người tín hữu giáo dân khác với nơi các linh mục có chức thánh. Công đồng Vatican II định nghĩa chức năng tư tế của người giáo dân là chức tư tế cộng đồng. Toàn dân Ki-tô giáo đều có chức năng tư tế, để tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa và dâng chính đời sống của mình làm của lễ thơm tho ngọt ngào lên Thiên Chúa. Ba chức năng cao quý này làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su, để cộng tác với Người, đem ơn Cứu độ cho thế giới.
Bài học thứ năm: Đừng xao xuyến, nhưng hãy tin vào sự hiện diện của Chúa Giê-su và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mặc dù Đức Giê-su đã về trời, nhưng Người vẫn hiện diện trong Giáo hội. Bài đọc thứ nhất, trích sách Tông đồ Công vụ nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và tác động của Ngài nơi cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi. Cũng như Chúa Thánh Thần luôn ở với Chúa Giê-su trong sứ vụ loan báo Tin mừng, Chúa Thánh Thần cũng luôn ở với Giáo hội là thân thể huyền nhiệm của Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần là sức sống và là linh hồn của Giáo hội. Nhờ Ngài soi sáng mà Giáo hội kiên vững trước mọi biến cố thăng trầm. Ngay từ ban đầu, các tông đồ đã ý thức được tác động soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần làm cho các ông nên mạnh mẽ phi thường khi phải điệu ra trước Thượng Hội đồng Do Thái. Tác vụ của bảy vị phó tế đầu tiên, cùng với nghi thức đặt tay xin ơn Chúa Thánh Thần, đã chứng minh điều ấy.
Giữa một cuộc sống đầy bon chen tính toán và bất an bất ổn, Chúa vẫn đang khích lệ chúng ta: đừng xao xuyến. Lời Thánh vịnh 32 trong phần Đáp ca nói với chúng ta: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương; hầu cứu họ khỏi tay thần chết, và nuôi sống trong cảnh cơ hàn”. Như thế, một điều kiện quan trọng để được Chúa gìn giữ khỏi mọi tai hoạ và âu lo, đó là sống công chính. Nơi khác Chúa nói với chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6,35). Những ai tin vững vàng nơi Chúa, sẽ có thể tự tin khẳng định như tác giả Thánh vịnh: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23, 4).