CN. Th10 6th, 2024

Sự công chính – CN VI TN A

Sự công chính – CN VI TN A

Truyện kể: Có thánh lễ an táng trong khu phố. Mọi người trong xóm đạo đều có mặt. Cha xứ có công truyện phải vắng mặt vào ngày đó, nhưng cha rất vui lòng vì có cha phó sẽ cử hành thánh lễ an táng. Cha phó là người dễ dãi và nhạy bén cảm tình. Khi chiều đến, cha xứ trở về hỏi han xem lễ an táng diễn tiến thế nào? Cha phó trả lời:Mọi sự tốt đẹp, không có vấn đề gì cả. Đông người tham dự, nhưng cũng có một vấn đề nho nhỏ. Vấn đề gì thế? Bà Robinson có mặt tại lễ an táng và như cha biết bà là người Tin Lành. Ô! không có vấn đề, vì tôi cũng mong có bà hiện diện ở đó vì bà là bạn thân của gia đình đó mà. Cha phó nói: Ô, nhưng bà ta đã xếp vào hàng đi lên rước lễ. Cha xứ vội ngồi xuống ghế và với vẻ mặt lo lắng bồn chồn. Cha giật nẩy mình hỏi: Điều gì đã xảy ra? Cha phó trả lời: Bà ta xếp hàng lên rước lễ và chỉ còn cách có hai người nữa thì con mới nhìn thấy bà ta. Cha xứ hỏi dồn: Kể tiếp, kể tiếp và cha đã nghĩ gì và làm gì? Cha phó: Con không biết phải làm sao nữa, nhưng con phải quyết định nhanh. Con quyết định ngay rằng con nên làm điều mà con tin Chúa Giêsu sẽ làm. Cha xứ: Ô! không, lạy Chúa tôi, chắc là cha đã không làm điều đó chứ!

Khi mở mắt đón chào một ngày mới, mỗi người chúng ta đều có quyền chọn lựa cho mình một thái độ sống vui hay buồn. Nếu chọn sống vui, chúng ta sẽ có một ngày vui tươi an lạc. Chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận mọi trạng huống xảy đến, dù thuận lợi hay không thuận lợi. Đối diện với cuộc sống hàng ngày, chọn lựa thái độ sống là cần thiết, như tác giả sách Đức Huấn Ca đã viết: Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào thì được thứ ấy (Hc 15, 17). Sự lành hay sự dữ, mong ước thứ nào sẽ được thứ ấy. Vì sự tốt lành mà chúng ta nhìn thấy nơi người khác, thì cũng ẩn hiện trong chúng ta. Những lỗi lầm chúng ta nhìn thấy nơi người khác, cũng là lỗi lầm của chúng ta. Những khả thể chúng ta nhận biết nơi người khác, thì cũng khả thể nơi mình. Nhận biết sự tốt đẹp chung quanh, cũng chính là sự tốt đẹp của chúng ta.

Thế giới chung quanh là một sự phản ảnh, giống như chiếc gương phản chiếu khuôn mặt của chúng ta. Để thay đổi thế giới quanh ta, chúng ta phải thay đổi chính mình trước. Khi chúng ta than phiền hay càm ràm, thì chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối và tồi tệ hơn. Bất cứ điều gì chúng ta quan tâm, đó là trách nhiệm của chúng ta. Điều chúng ta nhìn thấy nơi người khác thì cũng xuất hiện nơi con người chúng ta. Nhìn thấy cái tốt nơi người khác và chúng ta cũng trở nên tốt. Những gia sản mà chúng ta chia sẻ cho người khác, là chúng ta đang cho chính mình. Ước mong sự tốt lành và chúng ta sẽ được tốt lành. Yêu và chúng ta sẽ được yêu. Tìm học hỏi và chúng ta sẽ được hiểu biết. Lắng nghe và lời của chúng ta sẽ được lắng nghe. Chúng ta nhìn vào gương với khuôn mặt rạng rỡ, chúng ta sẽ vui mừng vì cùng khuôn mặt vui tươi đang nhìn lại mình.

Thiên Chúa truyền dạy chúng ta hãy tránh điều ác và thực hành điều thiện: Người không truyền dạy cho ai làm điều gian ác và không cho phép một ai phạm tội (Hc 15, 20). Con người yếu đuối hay hướng chiều về đàng xấu và thích tìm thỏa mãn những đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Chúng ta biết rằng thả dốc thì dễ dàng và để thuyền trôi xuôi theo dòng thì nhẹ nhàng thoải mái, không cần phải gắng sức chèo chống. Sống thỏa mãn theo các đòi hỏi của nhu cầu bản năng tự nhiên xem ra không khó. Các loài thú vật luôn sống theo bản năng: Đói tìm ăn, khát tìm uống và đến mùa, đến ngày đi tìm thỏa mãn nhu cầu tính dục tự nhiên. Con người thì cao trọng hơn con vật bội phần. Tuy rằng con người vẫn còn thú tính, nên đôi khi cũng lạc bước tìm thỏa mãn các thú vui. Con người có trí khôn, tự do và ý chí. Nhờ có trí khôn, con người đã có những bước tiến nhảy vọt cả về đời sống tâm linh, về luân lý đạo đức và khoa học kỹ thuật.

Trải qua lịch sử ngàn năm, con người đã cố gắng góp nhặt và hệ thống hóa những tư tưởng, suy tư, chiêm niệm và tu thân để đi tìm chân lý. Sự khám phá tâm linh thì như đi vào một cõi vô định, tâm trí của con người chìm sâu vào các bí nhiệm và huyền nhiệm. Hành trình đi vào nội tâm sâu thẳm, tự con người vẫn chưa tìm được ngõ ra. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho giáo đoàn Corintô đã khai mở một cửa ngõ: Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi (1Cor 2, 7). Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, đã mạc khải mầu nhiệm cao siêu của Nước Trời qua chính Con Một là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là trưởng tử và trung gian của vạn vật. Phaolô đã diễn tả rằng: Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép: Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người (1Cor 2, 9). Tình yêu là tất cả.

Bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã gom trọn những lỗi lầm mà con người thường hay ngã phạm, cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Những tội về giết người, phẫn nộ, chửi rủa anh em là ngốc, là khùng, tội ước muốn điều tà dâm, gây dịp tội của con mắt và của tay chân, tội ngoại tình, tội bỏ vạ cáo gian và thề gian dối…Chúng ta biết các cám dỗ về đàng tội, luôn rình chờ sự sơ hở của ý chí chọn lựa trong mọi nơi và mọi lúc. Khi chúng ta thiếu tỉnh thức, các dịp tội sẽ xâm nhập vào tâm trí một cách rất tinh tế và nhẹ nhàng tưởng như vô thưởng vô phạt. Chúa Giêsu cảnh tỉnh: Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu các con không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và Biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu (Mt 5, 20). Chúa Kitô thấu tỏ tấm lòng của các vị lãnh đạo tôn giáo, vì lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Họ trang sức bên ngoài với lễ phục tươm tất gọn gàng nhưng trong lòng chứa đầy những ý tà và sự gian dối. Chúa mời gọi chúng ta sống công chính không chỉ trước mặt người đời, nhưng là trước mặt Thiên Chúa.

Một trong những lỗi lầm mà chúng ta thường hay phạm nhất là sự nói dối. Đôi khi chúng ta muốn nói dối để tránh tội và chối tội vì sợ bị vạ lây. Có khi nói gian hay chứng dối để được thêm lợi lộc tiền của. Khi tiền đề câu truyện là sự nói dối, chúng ta cứ phải nói dối tiếp để bịa thêm truyện. Cứ thế, càng nói dối càng xa sự thật. Chúa nhắc nhở chúng ta: Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt truyện là bởi ma qủi mà ra (Mt 5, 37). Lòng con người sâu thẳm, chẳng mấy ai có thể dò thấu. Ở đời, người ta có thể dùng ảnh hưởng quyền lực và tiền bạc để che dấu sự thật, nhưng không thể lừa dối lương tâm. Chỉ có sự thật mới có thể giải thoát và làm sáng tỏ mọi vấn đề. Hằng ngày qua truyền thông báo chí, chúng ta biết có rất nhiều câu truyện gian dối và lừa đảo đã bị phát giác và bại lộ. Mỗi người hãy tự cảnh tỉnh lương tâm của mình qua công ăn việc làm, qua lời ăn tiếng nói, qua việc khai báo bản thân và qua việc hành xử trong cuộc sống. Hãy luôn nhớ: Có thì nói có, không thì nói không.

Lạy Chúa, Chúa Giêsu phán: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Xin cho chúng con biết dõi theo lối bước của Chúa để chúng con sống như con cái sự sáng giữa ban ngày. Chúng con sẽ suy nghĩ sự thật, phát biểu sự thật và luôn sống trong sự thật.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *