Theo Chúa – CN XXII TN A
Câu kết bài Tin Mừng tuần trước: “Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”, thật ngạc nhiên! Sau khi Chúa chuẩn nhận lời tuyên xưng của thánh Phêrô, Chúa lại cấm công khai điều ấy.Tại sao? Thánh Matthêu không trực tiếp trả lời, nhưng kể tiếp “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Chúa bắt đầu một “chương mới” trong việc dạy dỗ các môn đệ. Bấy lâu nay, các ông chỉ thấy Chúa rao giảng và chữa lành, được đám đông tôn kính. Nay các ông đã nhận ra “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” thì “từ lúc đó Chúa bắt đầu tỏ” cho các ông biết con đường Chúa phải trải qua để lãnh nhận tất cả uy quyền và vinh quang của “ Đức Kitô Con Thiên Chúa” trong thân phận Con Người “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Phản ứng của các môn đệ như thế nào? Vẫn ông Phêrô bộc lộ thật mãnh liệt. Có lẽ những lời về đau khổ và cái chết làm cho ông ù tai rồi nên không nghe được lời cuối cùng. “Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải những chuyện ấy” Nhưng cái cách “ông kéo riêng Người ra” để nói nhỏ khiến Chúa phải làm toáng lên để khỏi các môn đệ khác ngộ nhận: “Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: Xatan. Lui lại đang sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Ông Phêrô vừa được Cha trên trời mạc khải cho biết “tư tưởng của Thiên Chúa” về mầu nhiệm “Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”, bỗng quay lại với tư tưởng của loài người và trở thành Xatan cản lối. [Cái tên Xatan trong tiếng Aram vốn có nghãi là kẻ chống đối, còn trong tiếng Hylạp “dia-bolos” là kẻ gây chia rẽ bằng cách quăng một vật gì đó vào giữa hai người đang đi với nhau để tách hai người ra. Đó là nghề của Xatan từ ban đầu và bao lâu còn có con người trên mặt đất thì nó vẫn chưa thất nghiệp: xúi giục sự chống đối để chia rẽ con người với Thiên Chúa, chia rẽ người nam với người nữ, chia rẽ anh em, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ cả trong Hội Thánh của Chúa, dù Chúa đã bảo đãm là nó không phá nổi, nó vẫn cứ vùng vẫy cho tới ngày bị “quăng vào hồ lửa và diêm sinh” (Kh 20,8; x.St 2-4) ]. Khi Xatan cám dỗ Chúa cách thô lỗ nhất là xúi Chúa bái lạy nó để được vinh hoa thế gian thì Chúa đuổi nó thẳng tay: “Xatan kia! Xéo đi” (Mt 4,10). Bây giờ ông Phêrô, môn đệ được tuyển chọn, lại muốn cản đường Chúa, khác nào tiếng vọng của Xatan, nên Chúa quay lại qưở trách ông, nhưng không đuổi đi mà chỉ đuổi ông về vị trí môn đệ: làm môn đệ thì đi đàng sau Thầy; Chúa không cần một “Tôn Ngộ Không” đi trước dẫn đường! Ông đã nhận ra Chúa là “Đức Kitô Con Thiên Chúa” thì đừng theo tư tưởng của loài người nữa. Chúa như nhắc lời sách Isaia: “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối các người không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi chừng đó” (Is 55,8-9). (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan, SJ).
Theo “tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đã nói lên luật hy sinh cho những ai muốn làm môn đệ, gồm 3 điểm: từ bỏ mình, vác thập giá, và theo Chúa. Ba điểm đó, tuy là ba nhưng cũng chỉ là một: theo Chúa trên con đường khổ giá. Chúa lấy sự nhẫn nại đau khổ như một điều kiện để theo Ngài, làm đồ đệ Ngài : “Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác Thập giá và theo Ta” (Mt 16, 24).
Thời gian ngắn trước đây Chúa Giêsu khen Phêrô và đặt Phêrô lãnh đạo Giáo Hội khi trao “Chìa khoá Nước Trời” cho Phêrô và đặt ông làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội. Ngay sau đó, Chúa lại khiển trách Phêrô đã gây cớ ngăn cản chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Phêrô với tất cả tấm lòng chân thành yêu mến không muốn điều gì xảy ra cho Thầy. Khi Chúa Giêsu tâm sự cùng các ông là Ngài sẽ vác thập giá và chịu đóng đinh, chịu chết trên thập tự, Phêrô nêu ý kiến can ngăn Chúa tránh xa thập giá. Chúa cho Phêrô biết điều ông suy nghĩ xem ra có vẻ tốt lành nhưng không phải đến từ trời cao mà đến từ trần thế. Ý kiến trần thế của Phêrô vấp phải hai lỗi lầm: Phêrô không hiểu rõ sứ mạng của Thầy là chết cho người mình yêu và Phêrô cũng không thể mường tượng ra được hy sinh là dấu chỉ của tình yêu chân chính, đích thực.
Phêrô theo Chúa là hình ảnh tuyệt đẹp. Từ khi được Chúa gọi, Phêrô đã liên tục theo Chúa. Chúa đã tỏ ra là yêu thương Phêrô cách riêng nên trong tất cả các biến cố của cuộc đời Chúa: vui, buồn, lo âu, thất vọng, Chúa đều cho Phêrô tham dự vào cách tích cực nhất. Phêrô đã tỏ ra mẫn cán trong sự thương yêu này. Có những cuộc theo Chúa rất đáng khen như trường hợp khi Chúa tuyên bố về bánh hằng sống thì có một số đông các môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, trong khi đó Chúa đã hỏi nhóm 12 là: “Còn các con, các con không bỏ thầy sao?”. Phêrô đã tỏ ra rất ngoan ngùy và can đảm thưa với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”. Nhưng cũng có những lần vấp ngã trong việc theo chân Chúa như trong cuộc thương khó của Chúa. Kinh Thánh trong trường hợp này đã diễn tả việc theo chân Chúa một cách rất tiêu cực của Phêrô. Chỉ với lời hỏi han về mối liên hệ với Chúa, Phêrô cũng đã chối phắt đi là không quen biết Ngài, không phải là một lần mà tới ba lần. Cả sau này nữa, khi Phêrô xác nhận được Thầy mình đã sống lại, nhưng trước những cơn bách đạo dồn dập khốc liệt, ông đã quyết định bỏ thành Rôma để ra đi, và chính Chúa phải hiện ra buộc ông trở lại để theo chân Chúa đến cùng. Như vậy, cuộc hành trình theo chân Chúa chẳng đơn giản chút nào. Rất nhiều chướng ngại và thử thách đang chờ đợi người tông đồ.
Chúa không chấp thuận theo Chúa xa xa hay theo Chúa có điều kiện. Ngài muốn chúng ta theo Ngài thì phải triệt để, trọn vẹn và dứt khoát: “đã cầm cầy không có ngoái cổ lại”;“ai không sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em, ruộng vườn… thì không xứng đáng là môn đệ ta”;“ai không đứng về phe ta là chống đối ta”; “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Tất cả những điều này cho thấy Chúa muốn những ai theo Chúa thì quyết liệt thuộc về Chúa vì chỉ có Ngài mới có lời ban sự. Đó cũng là thái độ của các môn đệ Chúa sau này, sau khi được Chúa Thánh Thần tác động. Phaolô đứng trước công nghị không hề sợ hãi mà còn tuyên bố thuộc hẳn về Ngài dầu có phải chết, “chúng tôi không thể nào mà không rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại”.
Con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Con đường “đánh mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: con đường “đánh mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (x.Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Con đường Chúa đi không có tiện nghi trần thế mà chỉ có từ bỏ và thập giá. Nhưng Chúa mãi mãi là Tình Yêu. Chỉ có Chúa mới là Hạnh Phúc mà chúng ta đang mong chờ và tìm kiếm. Chúng ta vẫn có quyền chọn lựa, nhưng hãy nhớ rằng: “Bộ mặt thế gian sẽ qua đi”, và “dù được lợi cả thế gian mà mất mạng sống, thì ích gì cho chúng ta?”.
Lạy Chúa, con đường Chúa đã đi qua là con đường tình yêu, con đường thánh giá và vâng phục tự hiến. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An