CN 4 Mùa Chay B – 2021
Thiên Chúa Yêu Thế Gian
Trong những ngày này, Giáo hội Việt Nam sống lại kỷ niệm với Đức cố TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM. Sài Gòn khi kỷ niệm 3 năm ngày mất của ngài trong chuyến Ad Limina cùng với HĐGMVN, nghĩa là cuộc viếng mộ các thánh Tông đồ, mà cụ thể là 2 thánh Phêrô và Phaolô để bày tỏ sự hiệp thông với Giáo hội và cũng để báo cáo với Tòa thánh về hiện trạng Giáo phận của mình. Còn nhớ 3 năm trước, Giáo Hội Việt Nam bàng hoàng trước tin Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời. Không bàng hoàng sao được khi mới hôm trước Ngài còn vui vẻ, tươi cười hạnh phúc khi được yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô; không bàng hoàng sao được khi Ngài vừa mới chủ sự Thánh lễ tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành một cách rất sốt sắng… Nhưng xem ra sự ra đi của Ngài lại nằm trong hành trình trở về với yêu thương, vì Ngài đang trở về Rôma, “kinh thành muôn thuở” của người Công giáo, và hơn thế nữa trở về trong tình hiệp thông huynh đệ với Đức Thánh Cha và anh em Giám mục của mình, điều mà có lẽ chưa một vị Giám mục nào được diễm phúc. Và nhất là sự ra đi của Ngài là để trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương, một sự thật mà phụng vụ lời Chúa muốn gởi đến chúng ta hôm nay.
Tác giả Sử Biên Niên đã điểm lại những giai đoạn lịch sử của dân tộc Israel trước, trong và cuối cuộc lưu đày bên Babylon. Vì dân chúng phản nghịch, lại không chịu nghe lời Thiên Chúa thông qua các ngôn sứ và thủ lãnh, nên Thiên Chúa đã trừng phạt họ. Họ bị mất nước, bị lưu đày bên Babylon. Tuy nhiên, “giận thì giận mà thương thì vẫn thương”. Khi dân biết tội lỗi của mình, ăn năn sám hối, thì Thiên Chúa đã làm cho vua Kyrô thay đổi lòng dạ để ông ban sắc chỉ trả tự do cho dân của Chúa. Cho nên tất cả mọi sự đều do Thiên Chúa hành động để thanh luyện con người cho xứng với hạnh phúc cao quý Chúa ban.
Trong bài Tin Mừng, khởi đi từ cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô về sự sống vĩnh cửu, về ơn cứu độ. Hôm nay, Đức Giêsu như độc thoại, cho thấy vấn đề không còn là riêng của ông Nicôđêmô nữa mà là vấn đề của mọi người. Ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga3,16). Đó là sự thật của phụng vụ lời Chúa hôm nay. Thiên Chúa yêu thế gian và muốn cứu độ tất cả mọi người. Phần con người muốn được cứu độ phải tin và đón nhận tình yêu đó; phải sống trong và trở về với yêu thương.
Như vậy tình yêu của Thiên Chúa không chỉ đem đến cảm xúc ngọt ngào theo kiểu: “Khi tình yêu đến dẫn ta đến bờ bến lạ”, mà tình yêu của Thiên Chúa thường là sự thanh luyện như việc mài cho đến khi viên ngọc sáng lên, rèn cho đến khi con dao sắc bén, tập luyện cho đến khi thuần thục, giỏi giang một bộ môn nào đó như tục ngữ Việt Nam có câu: “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, hay “Thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu”.
Chúng ta dừng lại một chút ở điểm này vì đó chính là thực tế đời sống đức tin của chúng ta. Có mấy người trong cuộc sống yên ổn, mọi sự đều tốt đẹp, không gặp điều chi phiền muộn? Dường như đa số chúng ta nếu không muốn nói là tất cả đều có “vấn đề” trong cuộc sống. Nếu không gặp “vấn đề” cho chính bản thân thì cũng sẽ gặp “vấn đề” do người thân và hoàn cảnh. Những “vấn đề” này đến từ 2 lý do.
Lý do thứ nhất là hậu quả của những việc chúng ta đã làm như những người Do Thái trong bài đọc thứ nhất. Họ bị mất nước, bị lưu đày là do hậu quả của việc phản nghịch cùng Thiên Chúa và làm những điều ghê tởm. Những đau khổ, bệnh tật và những “vấn đề” chúng ta đang gặp phải có khi là do hậu quả chính mình làm ra: Uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya, sống vô độ sẽ dễ bị bệnh; sử dụng những chất kích thích sẽ gây ảo giác dẫn đến không kiềm chế được bản thân, làm điều xấu; chạy xe tốc độ cao, không tuân thủ luật lệ giao thông sẽ dễ gây tai nạn; các hình thức cờ bạc như đánh bài ăn tiền, cá độ, đá gà có ngày sẽ “tán gia bại sản”; buôn bán không trung thực, lường gạt người khác có ngày sẽ vô tù; trộm cướp, móc túi, giựt dọc sẽ có ngày bị người ta phát hiện và đánh nhừ tử cho chừa cái thói gian tà… Và nhiều những bất trắc khác mà nếu xét lại thì chính chúng ta là nguyên nhân.
Lý do thứ hai là Thiên Chúa muốn dùng những hoàn cảnh đó để thanh luyện chúng ta. Thiên Chúa có quyền làm như thế vì Ngài là chủ, là cha, là chúa tể muôn loài, nên trước khi trao điều gì quý giá, Ngài muốn xem chúng ta có xứng đáng hay không. Sau khi thử thách đức tin của Apraham, Thiên Chúa mới cho ông trở thành “tổ phụ của những kẻ tin”. ĐHY. Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khi còn làm Giám mục ở Việt Nam đã bị tù đày một cách vô cớ suốt 11 năm trời, sau này Ngài đã được trả công xứng đáng khi được Tòa Thánh tin tưởng trao cho những trọng trách quan trọng trong Giáo hội cùng với tước Hồng Y, và hiện tại đang tiến hành hồ sở tuyên thánh cho Ngài… Cũng vậy có những người không làm điều chi gian ác, sống tốt lành, thánh thiện… nhưng vẫn gặp những bất hạnh trong cuộc đời. Ví dụ gia đình nọ có người cha rất tốt, yêu thương lo lắng cho vợ con, đọc kinh, đi lễ hằng ngày… bỗng nhiên đột quỵ, qua đời. Gia đình buồn quá sức. Nhưng qua sự kiện đó, những người thân trong gia đình đi xưng tội để cầu nguyện cho ông, sau đó đi lễ, sống đạo rất tốt. Người vợ chia sẻ: “Con cám ơn Chúa, vì nhờ ba nó mà mấy đứa con của con đã trở lại”.
Điểm chung của cả 2 lý do này là dù như thế nào chúng ta vẫn gặp những đau khổ trong cuộc đời. Nhưng như lời của thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai: “Anh em đã chết vì phạm tội, nhưng được cứu độ nhờ ân sủng” (x. Ep2,5); nghĩa là mọi sự đều là ân sủng của Chúa để cứu độ chúng ta, và đó là tình yêu vĩ đại nhất của Ngài.
Điều đáng nói là con người chúng ta chỉ tìm kiếm thứ tình yêu êm dịu ngọt ngào. Nếu như vậy thì chúng ta chưa sống đức tin thực sự. Đức tin đòi hỏi nơi chúng ta sự tín thác vào tình yêu của Chúa và sống theo những gì Ngài chỉ dạy.
Ví dụ khi gặp những khó khăn chúng ta chỉ xin Chúa giải quyết theo ý chúng ta: “Con bị bệnh, xin Chúa cho con hết bệnh”; “Con đang thiếu nợ xin Chúa cho con trúng số để trả nợ”; “Gia đình con đang trục trặc, xin Chúa cho gia đình con yên ổn”… mà không tìm hiểu những nguyên nhân do đâu dẫn đến những khó khăn đó. Nếu do chính chúng ta thì phải giải quyết từ bản thân của mình. Có chăng là xin Chúa ban sức mạnh để con có thể sửa đổi. Ví dụ con bị bệnh vì con ăn nhậu quá sức ; gia đình con trục trặc vì con “ham của lạ” ; con thiếu nợ vì con bài bạc…
Còn nếu xét mình lại những khó khăn không phải do mình, và có những điều mình không thể chấp nhận được, thì hãy biết rằng Thiên Chúa đang có chương trình đặc biệt cho chúng ta. Ngài muốn dùng chúng ta để thanh luyện kẻ khác và chắc chắn hạnh phúc của chúng ta là rất lớn lao.
Mùa Chay là thời gian nhắc nhở về tình yêu của Thiên Chúa để mỗi người hãy lo sám hối vì những việc làm sai trái của mình kẻo không xứng đáng với công trình cứu độ của Chúa; cũng là thời gian để chúng ta hy sinh hãm mình đón nhận tất cả mọi đau khổ Thiên Chúa muốn, vì Đức Giêsu có trãi qua đau khổ mới đến vinh quang. Nhất là để nhắc nhở chúng ta về hành trình trở về với yêu thương để “Làm mọi sự vì Đức Ái”. Chỉ khi nào con người có Thiên Chúa họ mới bình an và sẵn sàng trong mọi sự.
Xin Thánh Cả Giuse là Đấng chúng con đang hướng đến trong năm đặc biệt này, giúp chúng con luôn sống theo thánh ý Chúa như Ngài đã từng sống. Xin Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp mà chúng con vừa cử hành lễ giỗ lần thứ 75 chuyển cầu cho nỗi lòng của chúng con, để dù thế nào chúng con vẫn được bình an trong cuộc sống.
Lm. Giuse Nguyễn