T7. Th7 27th, 2024

Tình yêu mạnh hơn sự chết – CN V Mùa Chay năm A

Tình yêu mạnh hơn sự chết – SN Chúa nhật V Mùa Chay năm A

Suy niệm: Ga 11,1 – 45

Con người ngày nay có thể lên cung trăng nhưng không thể tránh khỏi cái chết. Con người có thể đảo lộn thế giới bằng cách thực hiện những kỳ tích khoa học và kỹ thuật trong mọi lãnh vực, ngay cả trên chính hữu thể mình. Nhưng họ không biết cách nào để ngừng cái chết. Chính vì thế con người cố gắng quên cái chết, giả ngơ trước sự hiện thực này. Con người thời nay lao vào trong sự hưởng thụ không phanh để cố quên, để ngụy trang, để xua đuổi, nhưng cái chết vẫn lảng vảng, vẫn thăm hỏi… Nó đến với chúng ta trong những người thân, người hàng xóm, bạn bè. Và mọi ngày, cái chết vẫn trung thành với bổn phận của mình nơi chính bản thân chúng ta qua bệnh tật, tai nạn, tuổi tác. Trong mùa đại dịch này, hằng ngày chúng ta nghe điểm số người chết đến kinh hoàng. Chúng ta bàng hoàng sợ hãi trước cơn đại dịch ập xuống bất ngờ trên mọi nước. Người ta không thể ngụy trang cũng không thể che dấu nó vì nó hiển hiện trước mắt mọi người cách rất hiện sinh.

Trong cơn đại dịch chúng ta chứng kiến bao nhiêu cái chết thảm thương diễn ra hằng ngày. Chúng ta hiệp thông cùng Đức Thánh Cha cầu nguyện van xin Chúa chữa lành và cứu vớt thế giới. Trước sự sợ hãi kinh hoàng này, Chúa luôn quan phòng cho các ngôn sứ luôn đồng hành để giúp chúng ta lắng nghe tiếng Chúa đang nói với chúng ta bằng những âm thanh lớn đến nỗi không một tiếng động nào có thể lấn át được. Khi lắng nghe những lời dạy dỗ đó, tôi đã để cho dòng nước mắt tuôn rơi vì cảm động trước tình thương bao la của Chúa. Thời Cựu Ước khi Chúa sửa dạy dân Do Thái đi sai đường lối Chúa bằng những trận đòn nặng tay thì Chúa luôn gửi các ngôn sứ đến với họ để động viên, an ủi và giúp họ nhìn về tương lai để nuôi hy vọng. Ngày hôm nay trước hằng cái chết, Chúa vẫn lên tiếng nơi Người Đại Diện của Chúa là Đức Thánh Cha, các Giám Mục, Linh Mục và những tiếng nói khác của Chúa. Chúng ta được an ủi rất nhiều qua sự hiện diện, qua lời cầu nguyện và lời dạy dỗ rất ý nghĩa này. Chúng ta không chịu đau khổ một mình nhưng cùng chịu với các ngôn sứ và anh em của chúng ta. Những hy sinh của các anh em nằm xuống là lễ dâng cho chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa dạy bảo trong đau thương tột cùng này.

Cái chết luôn là bi kịch khốc liệt đối với mọi người trong mọi thời. Trong thời gian đại dịch này chúng ta đọc Tin Mừng Chúa cho Lazaro hồi sinh trước nỗi đau buồn của hai chị em Matta và Maria. Đây là gia đình Chúa Giê-su yêu mến, mái nhà thân thương, nơi Chúa nghỉ chân sau cuộc hành trình tông đồ mệt nhọc, xảy ra một chuyện thương tâm, một người em đau nặng, thập tử nhất sinh. Trước tình trạng bấn loạn này, Hai chị em Matta và Maria đã gửi đến Chúa một tin buồn khẩn cấp bằng ngôn ngữ lay động trái tim Chúa: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau nặng.” Trước tin giật gân này, hai chị em hi vọng Chúa sẽ ngừng mọi công việc và đến chữa Lazaro.

Nhưng tiếc thay, Chúa vẫn bình thản tiếp tục công việc của mình. Việc trì hoãn này làm cho trái tim của hai chị em tan nát. Trước mắt họ, sự sống của người em yêu dấu đang giảm dần. Và Lazaro đã chết. Thánh Gioan cho chúng ta biết cái chết của người em đã làm cho Matta và Maria đau khổ vô cùng: Maria không rời khỏi nhà. Mọi người đến an ủi nhưng vô ích, vì một Người đáng lẽ phải có ở bên cạnh họ lúc này lại vắng mặt, Chúa Giê-su bạn của hai chị em và của Lazaro. Bạn của họ có thể ngăn được cái chết lại quá vô tình và hờ hững trước nỗi đau của họ: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây, thì em con không chết.” Cả hai có cảm tưởng bị bạn thân tín bỏ rơi trong lúc đau khổ.

Khi Ngài đến thì mọi sự đã rồi không còn chuyện gì để nói nữa. Hai chị em đón Ngài cách hờ hững. Matta oán trách Chúa: “Nếu Thầy ở đây, em con không chết.” Nhưng còn một hy vọng cỏn con: “Con biết bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”

Và Chúa đã mở ra cho Matta một niềm hy vọng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống.” Trước lời an ủi này, Matta và Maria không thể tin một người đã nặng mùi có thể chỗi dạy. Matta ngăn Chúa: “Thưa Thày nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã bốn ngày rồi.” Trước sự nghi ngờ của hai chị em, Chúa Giê-su vẫn biểu lộ quyền năng của mình là cho Lazaro ra khỏi mồ. Một phép lạ vĩ đại đã làm rung chuyển cả một góc trời: Một người lạ lùng đã làm cho kẻ chết sống lại. Và chính phép lạ này đã gây ra sự chia rẽ giữa những con người thời đó: kẻ tin , kẻ chống đối…

Qua bài Tin Mừng này chúng ta hãy bắt chước Matta, mặc dù trong lúc thử thách ngọn đèn đức tin của cô có lu mờ, nhưng cô vẫn được coi là mẫu mực của lòng tin, vì trải qua bao sóng gió nhưng đức tin của cô cuối cùng cũng được cắm neo nơi tình yêu của Thầy. Trong những giờ phút đau khổ, cô đã chạy đến với Chúa và đổ đau khổ của mình lên Thầy. Khi Ngài thách đố lòng tin của cô, cô đã làm một sự xưng thú tuyệt vời: “Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trần gian.”

Khi gặp đau khổ, điều chúng ta phải làm là đến với Chúa bằng cầu nguyện, tin vào Chúa, phó thác cho Chúa những khốn cùng của chúng ta và buông bỏ cho Ngài.

Nhưng trong đau khổ, nhiều khi chúng ta có cảm tưởng như Chúa vắng mặt. Nhưng thực sự Ngài hiện diện trong đau khổ của chúng ta khi chúng ta cầu nguyện. Ngài ở đó để tăng sức và ban niềm hy vọng để đỡ nâng chúng ta.

Ngài không để cho Matta và Maria chìm trong đau khổ nhưng Ngài đến ở đỉnh cao đau khổ để chia sẻ nỗi buồn đau và giúp họ tin vào sự sống đời đời.

Cũng vậy, trước nỗi khốn cùng, Chúa Giê-su không bỏ rơi chúng ta, Ngài bao bọc chúng ta bằng tình yêu của Ngài và sự nâng đỡ của anh em ta.

Chúa Giê-su hiểu sự đau buồn tột cùng của cái chết nên Ngài đã không bỏ qua nỗi khổ của hai chị em. Ngài đến để dạy hai chị em và chúng ta ý nghĩa của cái chết. Chính Ngài cũng phải đón nhận nó để trở nên người mở đường và là cờ hiệu hi vọng cho tất cả chúng ta.

Cái chết đưa chúng ta về thế giới thật mà trần gian này chỉ là thế giới ảo, thế giới tạm. Khi ở trần gian, chúng ta thấy lờ mờ như trong gương. Và khi chiếc gương này mờ dần trong cơn bệnh của người hấp hối sẽ để lộ ra mặt phải của nó ở bên kia. Cái mặt phải mà Thánh Phao-lô nói: Diện đối diện với Thiên Chúa.

Người chết dạy ta đón nhận cái chết trong bình an như trẻ thơ chạy vào bàn tay rộng mở của cha mẹ đang đón chờ mình. Những người mang tâm tình như thế họ đi vào cái chết như đi vào tiệc cưới. Mắt họ đóng lại với thế giới này nhưng mở ra với sự sống đời đời.

Cái chết của người yêu mến Chúa không phải là sự bắt buộc hay cam chịu nhưng là một lễ dâng cao cả. Tiếng xin vâng cuối cùng của tôi tớ trung tín làm cho cuộc ra đi của họ như đóng một cuốn sách buổi chiều, như tắt một ngọn đèn trên giá hay như cất một dụng cụ sau một ngày làm việc.

Trước những đau khổ của dịch bệnh Corona nhiều khi chúng ta than trách Chúa làm ngơ trước những lời cầu xin tha thiết của đoàn dân Chúa. Chúng ta có ngờ đâu Chúa vẫn ở bên chúng ta rất gần và Ngài đang lên tiếng trong chúng ta. Nhờ cơn dịch này mà nhiều người xa rời đức tin đang nhanh chóng trở về với Chúa. Những buổi xưng tội tập thể đông kín nhà thờ cho chúng ta hiểu ra ý của Chúa. Đừng trách Chúa! Hãy để Chúa huấn luyện chúng ta trong tình yêu vô cùng của Chúa. Bạn và tôi hãy khiêm cung thưa với Chúa: Lạy Chúa xin thương xót chúng con vì chúng con đã phạm tội chống lại Chúa!

Trong mùa chay thánh này, chúng ta đang tiến gần đến cái chết của Chúa Giê-su, Ngài tự nguyện tiến về Jerusalem để chấp nhận cái chết đau thương mà Cha đã sắp đặt để cứu độ trần gian. Chính Ngài đã kinh nghiệm nó nơi chính bản thân mình. Ngài không tránh cái chết nhưng Ngài chiến thắng nó. Chúng ta hãy xin Ngài, Đấng đã kinh qua cái chết, đã hiểu được sức nặng của nó đang đè trên chúng ta, giúp chúng ta hiểu cái chết là cửa ngõ dẫn vào vinh quang. Nên sự sống là chuỗi hồng ân và sự chết chỉ là sự thêm vào chuỗi hồng ân đó để đưa chúng ta vào cõi vĩnh hằng.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *