12 bước tiến của sự kiêu ngạo trong ta
Sự kiêu ngạo lớn lên trong ta thế nào ? Thánh Bênađô đã đưa ra cho chúng ta 12 bước tiến của nó. Chúng ta hãy lưu ý cách thức 12 bước này dần trở nên nghiêm trọng và cuối cùng dẫn ta đến nô lệ tội lỗi. Các bước này có xu hướng ảnh hưởng lên nhau, bắt đầu từ trong tâm trí, chuyển đến hành vi, sau đó đi sâu vào thái độ, và cuối cùng dẫn đến cuộc nổi loạn và sự nô lệ. Vì nếu người nào không phụng sự Thiên Chúa thì sẽ phụng sự Satan.
1. Sự tò mò
Điều làm cho sự tò mò bị liệt vào hạng kiêu căng, là vì chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta có quyền biết những điều mà lẽ ra chúng ta không nên biết. Chúng ta thường lún sâu vào những điều mà chúng ta không nên như: những tình cảm, vấn đề riêng tư, hay hoàn cảnh tội lỗi của người khác, v.v. Vì thế, chúng ta xoi mói một cách kiêu kỳ và thô thiển những điều mà đáng lý chúng ta không nên: những điều không thuộc chúng ta, hoặc không hợp và mất giờ của chúng ta, hay có lẽ vượt quá khả năng của chúng ta. Chúng ta tò mò tọc mạch, can thiệp, và xoi mói những thứ mà chúng ta không nên, như thể chúng ta có quyền làm như vậy. Đây là tội tò mò.
2. Sự lơ đễnh
Một chút bông đùa, thể thao, giải trí, có giá trị nhất định của chúng. Nhưng nếu quá thường xuyên, dần lún sâu vào giải trí, thì chúng ta cần xem lại. Chúng ta gạt bỏ, phớt lờ hoặc xem nhẹ những điều nghiêm túc liên quan đến sự vĩnh cửu, trong khi đó lại theo đuổi và những thứ mau qua và chóng tàn. Mất hàng giờ cho vấn đề giải trí, nhưng lại không có giờ cho việc cầu nguyện, học tập, hướng dẫn người khác trong đức tin, chăm sóc người nghèo, v.v., điều này cho thấy sự thiếu nghiêm túc, và thể hiện sự kiêu ngạo. Chúng ta gạt đi những gì quan trọng đối với Chúa cách nhẹ nhàng, và thay thế những ưu tiên ngu xuẩn của chính chúng ta. Đây là sự kiêu ngạo.
3. Sự tiêu khiển
Ở đây, chúng ta chuyển từ sự lơ đễnh của tâm trí sang những hành vi phù phiếm phát sinh từ sự lơ đễnh ấy. Chúng ta quá coi trọng những trải nghiệm và thú vui chóng tàn, trong khi lại đánh mất những điều quan trọng phải làm. Những hành vi ngớ ngẩn, nhạt nhẽo, dại dột và thất thường cho thấy một sự kiêu hãnh mà trong đó người ta không giàu có trong tương quan đối với Thiên Chúa. Chúng ta coi trọng điều vụn vặt, và xem nhẹ điều quan trọng một cách kiêu hãnh. Chúng ta dành nhiều thời gian cho sự phù phiếm, nhưng không có thời gian để cầu nguyện hay nghiên cứu Thánh Kinh.
4. Sự khoe khoang
Chúng ta ngày càng bị nhốt vào trong thế giới nhỏ bé của sự u mê và hành vi ngu xuẩn. Chúng ta bắt đầu khoái trá trong các hoạt động xác thịt, đê hèn, và coi chúng là một dấu hiệu của sự vĩ đại. Chúng ta bắt đầu khoe khoang về những điều ngu xuẩn. Khoe khoang là nói và nghĩ về bản thân vượt quá sự thật. Thánh Phaolô nói: “Nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu ? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?” (1Cr 4,7). Người khoe khoang nghĩ quá cao về bản thân mình, hoặc phủ nhận hoặc quên rằng những gì anh ta có là một ân sủng, một món quà. Đây là sự kiêu ngạo. Ngoài ra, như chúng ta đã thấy, sự kiêu hãnh của chúng ta thường hướng về những thứ ngu xuẩn và nhất thời.
5. Sự lập dị
Thế giới của chúng ta ngày càng nhỏ lại, nhưng chúng ta lại cứ nghĩ chính mình ngày càng vĩ đại. Khi niềm kiêu hãnh của chúng ta lớn lên, chúng ta quá dễ dàng quên đi sự phụ thuộc vào Thiên Chúa và người khác. Tất cả chúng ta chỉ là những hữu thể bất tất, lệ thuộc vào Thiên Chúa và người khác. Hơn nữa, chúng ta lại quá dễ dàng thu hẹp phán đoán và thế giới nhỏ bé của mình, nghĩ rằng cái đó là như vậy chỉ vì chúng ta nghĩ nó là như vậy. Điều đó khiến chúng ta không để ý đến những bằng chứng thực tế, ngừng kiếm tìm thông tin và lời khuyên từ người khác. Những người mà lấy lời khuyên của chính mình để làm cố vấn, là kẻ ngu xuẩn và kiêu căng! Sự lập dị là kiêu ngạo. Tuy nhiên, sự kiêu ngạo này phình to trong chúng ta, khi thế giới của chúng ta mỗi lúc một trở nên bé nhỏ và cá biệt hơn, chỉ tập trung càng nhiều vào chính cái tôi của mình.
6. Tính tự phụ
Khi thế giới chúng ta càng trở nên bé nhỏ, và niềm kiêu hãnh càng lớn, sự qui ngã và ảo tưởng của chúng ta ngày càng mạnh mẽ, và gia tăng tính tự tôn. Bây giờ, điều này là như vậy chỉ đơn giản là vì tôi nói vậy. Tôi đúng vì tôi nói như vậy. Không nhớ rằng trong con người chúng ta có ưu có khuyết, có thiện có ác. Chúng ta dễ trở nên mù lòa đến nỗi khó có thể sống với người khác. Chúng ta dễ thấy lỗi nơi người khác, nhưng lại không thấy lỗi trong chúng ta. Hơn nữa, chúng ta dễ so sánh bản thân mình với người khác, cho rằng “ít nhất tôi không giống gái mại dâm hay kẻ buôn ma túy”. Nhưng gái mại dâm hay kẻ buôn ma túy đâu phải là tiêu chuẩn để chúng ta so sánh. Chính Chúa Giêsu mới là tiêu chuẩn để so sánh. Nhưng thay vì chúng ta so sánh bản thân với Chúa Giêsu, và kiếm tìm lòng thương xót, chúng ta lại nhìn xuống, và so sánh chính mình với người khác, để từ đó mở đường cho sự kiêu ngạo.
7. Tính tự mãn
Ở giai đoạn này, ngay cả những phán xét của Thiên Chúa cũng phải nhường bước cho sự phán xét của chúng ta. Tôi tốt lành và sẽ được cứu độ, bởi vì tôi nói như vậy. Đây là tội chống lại niềm hy vọng, trong đó chúng ta chỉ đơn giản nhận lấy ơn cứu độ như thể do chính công trạng của chúng ta. Kết cục, chúng ta tuyên bố sở hữu những gì không thuộc chúng ta. Thật chính đáng để chúng ta hy vọng chắc chắn vào sự trợ giúp của Thiên Chúa trong việc đạt tới sự sống vĩnh cữu. Nhưng thật là kiêu ngạo khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta đã hoàn thành và sở hữu những gì chúng ta chưa có trong thực tế. Hơn thế nữa, sự kiêu ngạo làm chúng ta để qua một bên Lời Thiên Chúa, Lời mà hết lần này đến lần khác dạy chúng ta bước đi trong niềm hy vọng và kiếm tìm sự trợ giúp của Thiên Chúa như những người ăn mày, thay vì như những kẻ sở hữu, hoặc như những người tất nhiên đã được thừa hưởng vinh quang Thiên Đàng. Sự tự mãn là kiêu ngạo.
8. Tự công chính hóa
Bây giờ Chúa Giêsu phải rời ngai tòa phán xét bởi vì tôi đòi thế vị trí của Ngài. Không những thế, Ngài cũng phải bỏ Thánh giá, vì tôi thực sự không cần hy tế của Ngài. Tôi có thể tự cứu mình, và thật lòng mà nói, tôi không cần cứu độ. Tự công chính hóa là thái độ nói lên rằng, tôi có thể, bằng chính sức lực của mình, để tự công chính hóa bản thân mình, nghĩa là tự cứu độ mình. Rốt cuộc, điều đó cũng nói lên rằng, “tôi sẽ làm điều tôi muốn và tôi sẽ quyết định xem nó đúng hay sai”. Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1Cr 4,3-4). Nhưng người kiêu ngạo chỉ quan tâm đến quan điểm của mình, và từ chối giải thích, ngay cả với Chúa. Người kiêu ngạo quên đi vị thẩm phán trong vụ án của mình.
9. Thú tội giả hình
Trong tiếng Hy Lạp, từ giả hình có nghĩa là “diễn viên”. Trong vài hoàn cảnh và mức độ nhất định, khiêm nhường và thừa nhận những lỗi lầm của mình thì “hữu ích”. Người ta có thể nhận được “sự tín nhiệm” cho việc thừa nhận những lỗi lầm nhất định cách khiêm tốn, và tự xưng mình là “kẻ tội lỗi”. Nhưng người kiêu ngạo chỉ là đang diễn mà thôi. Người ấy chỉ đơn thuần đóng một vai diễn, và thực hiện phần việc của mình, vì sự tín nhiệm của xã hội hơn là sự ái hối hay ăn năn dốc lòng chừa. Rốt cuộc, người ấy thực sự không đến nỗi tệ. Nhưng nếu điệu bộ và vai diễn của kẻ tội lỗi khiêm nhường và sám hối sẽ đưa người ấy đến một nơi nào đó, thì người ấy sẽ nói lời thoại của mình, đóng vai diễn và trông có vẽ thánh thiện. Nhưng chỉ vì những tràng pháo tay từ khán giả mà thôi.
10. Cuộc nổi loạn
Sự kiêu ngạo thực sự bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát khi một người nổi dậy chống lại Thiên Chúa và các vị đại diện hợp pháp của Ngài. Nổi loạn có nghĩa là từ bỏ lòng trung thành, ý thức trách nhiệm, hoặc sự vâng phục đối với Thiên Chúa, Lời của Ngài, hoặc Giáo Hội. Nổi loạn là cố gắng lật đổ uy quyền của người khác, trong trường hợp này là Thiên Chúa và Giáo Hội. Thật là kiêu ngạo khi từ chối tùng phục bất cứ thẩm quyền nào, và hành động theo những cách trái ngược với những gì thẩm quyền hợp pháp khẳng định.
11. Tự do phạm tội
Ở đây, sự kiêu ngạo sắp đi đến chung kết, khi nó ngạo nghễ khẳng định và ăn mừng rằng, nó hoàn toàn tự do để làm những gì nó thích. Người kiêu ngạo ngày càng phủ nhận mọi ràng buộc hoặc giới hạn. Nhưng tự do của người ngạo nghễ không phải là tự do đích thực. Chúa Giêsu nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8,34). Giáo Lý vang vọng: “Ai càng làm điều tốt, người đó càng trở nên tự do. Không có tự do đích thực nếu không phục vụ điều thiện và chân lý. Chọn sự bất tuân và điều xấu, là lạm dụng tự do và sự lựa chọn này đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi (x. Rm 6,17)” (GLHTCG, số 1733). Nhưng người kiêu căng sẽ không có tự do đó, ngạo nghễ khẳng định quyền tự do để làm theo ý mình, nhưng lại càng lún sâu hơn vào nghiện ngập và nô lệ.
12. Thói quen phạm tội
Ở đây, chúng ta thấy được bông hoa xấu xí và tràn đầy sự kiêu ngạo: thói quen phạm tội và nô lệ cho nó. Như thánh Augustinô nói: “Điều xảy ra cho ta là những ước muốn không trong sạch trong ta sẽ tạo thành những thèm khát xấu xa, và khi những thèm khát xấu xa được đáp ứng thì nó trở thành thói quen, và khi thói quen không được kiềm chế thì nó sẽ trở thành một thứ nhu cầu”. (Tự Thuật, 8.V.10).
Chúng ta đã tìm hiểu mười hai bước của ngọn núi kiêu ngạo. Nó khởi phát từ trong tâm trí với sự thiếu tỉnh táo, bắt nguồn từ tội tò mò và mối bận tâm phù phiếm. Tiếp đến là hành vi phù phiếm, những thái độ bào chữa, tự phụ, và loại trừ. Cuối cùng đưa đến cuộc nổi loạn và nô lệ hoàn toàn cho tội lỗi. Hậu quả là “nếu một người từ chối phụng sự Thiên Chúa vì lòng kiêu căng, người đó sẽ phụng sự Satan”.
Chúng ta đã thấy một sự tiến triển trong các bước trên không khác một lời khuyên giá trị cổ xưa: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận”.
Tác giả: Đức Ông Charles Pope,
Hướng Dương chuyển ý từ blog.adw.org
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN