Covid 19: Nên tổ chức đời sống tâm linh như thế nào?
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).
Khắp nơi đều hoang mang về Virus Covid 19 nhỏ xíu nhưng đã làm chao đảo tất cả mọi phương diện của cuộc sống. Không ai có thể bảo đảm mình sẽ không bị “Cô-vi” thăm viếng, dù người đó quyền lực và giàu sang kiêu hãnh đến mấy.
Biết bao nhiêu hoạt động trong xã hội và trong Giáo Hội phải ngưng lại. Trường tiểu học và trung học cũng như các đại học, Museum, trung tâm hội chợ, nhà hàng, quán bar, tụ điểm sinh hoạt buổi tối, trung tâm du lịch… đều phải đóng cửa. Biên giới của các quốc gia cũng bắt đầu đóng lại và nếu có mở ra, thì cũng rất giới hạn. Thế giới như đang ngừng lại và cuộc sống như đang đi vào cõi tĩnh lặng.
Những ai “không may” có những cuộc hẹn hay công tác xa và quan trọng trong thời gian này, cần phải quyết định có nên “lên máy bay”, “lên xe lửa” hay không? Vì chưa chắc là sẽ đến được điểm hẹn, vì “bảng cách ly” đứng đợi sẵn ở cửa vào bên trong sân bay. Mọi người được khuyên nên ở nhà. Chỉ ra nơi công cộng khi cần thiết, như mua thực phẩm và những đồ dùng vệ sinh, hay phải nhận thuốc thang từ các nhà thuốc… Hơn nữa, đôi tay thân ái cần phải “rút lại” trước người khác, tạm “xoá đi” nghi thức lịch sự bắt tay hay thái độ ôm choàng với cái hôn thân ái. Khoảng cách người với người cần được nới rộng ra ít nhất một sải tay. Khi hắt xì thì nên che miệng…
Trong Giáo Hội các sinh hoạt tôn giáo bắt đầu giới hạn nhiều. Đặc biệt ở những nơi “ổ dịch” đang “nóng”, các nhà thờ đều bị đóng cửa. Không Thánh Lễ, không sinh hoạt tôn giáo. Trong thời gian này, một số Toà Giám Mục không còn buộc Giáo Dân đi Lễ ngày Chúa Nhật. Đặc biệt những người cao niên và đau yếu không nên đến nhà thờ, mà nên ở nhà cầu nguyện, lần hạt, tham dự Thánh Lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng.
“Nên ở nhà và giới hạn tối đa ra nơi công cộng!” Một lời khuyên quan trọng được truyền từ người này đến người khác. Nhưng trong thời điểm tế nhị này, vừa là mùa Chay vừa trong tâm điểm của bệnh dịch, ở nhà người Công Giáo chúng ta nên tổ chức cuộc sống của mình như thế nào, đặc biệt những anh chị em có các con cái nhỏ và những anh chị em không còn có thể đến hãng xưởng để làm việc?
Chắc chắn việc tổ chức cuộc sống gia đình và cá nhân trong thời dịch bệnh là trách nhiệm và sáng kiến cá nhân. Tuy nhiên, ngay trong hoàn cảnh khó khăn và tế nhị này, là người Công Giáo chúng ta được mời gọi sống kết hiệp với Thiên Chúa nhiều hơn nữa. Cành nho cần phải bám chặt hơn nữa vào Thân Cây Nho là chính Chúa. Nói khác đi, chúng ta cần tổ chức lại đời sống tâm linh của mình cho thật tốt, vì trong những hoàn cảnh khó khăn đầy hoang mang, mà chúng ta biết ý thức chạy đến với Chúa bằng tâm hồn tin tưởng, cậy trông phó thác và sống kết hiệp mật thiết với Ngài, thì chắc chắn Thiên Chúa là nguồn mạch bình an sẽ ban cho chúng ta nguồn an ủi, ban cho chúng ta nơi chốn để ẩn náu.
Lời Thánh Vịnh gia nhắc nhớ chúng ta:
“Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,
hãy thưa với CHÚA rằng:
‘Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài’.
Chính Chúa gìn giữ bạn
khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc” (Tv 91,1-3).
Lời Chúa Giê-su mời gọi chúng ta:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).
Đến với Chúa tìm nương ẩn nơi Chúa. Đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Đó là sự khôn ngoan trong thời gian hoang mang này. Trong tâm tình đó, xin gợi ý một vài tâm tình cho việc xây dựng đời sống tâm linh trong thời gian Covid 19 đang hoành hành, để nhờ đó mỗi người chúng ta luôn bám chặt vào Chúa, như cành nho bám vào Thân Cây Nho là chính Chúa.
Ngày sống bắt đầu từ đêm khuya.
Như thế chúng ta tổ chức ngày sống tâm linh của mình bắt đầu từ đêm khuya. Đêm về là dấu hiệu của nghỉ ngơi và của an bình. Vì vậy, thật đẹp khi chúng ta dành thời gian để hồi tâm cám ơn Chúa về những hồng ân Chúa ban, cũng như nhìn lại những giao động tiêu cực và tích cực trong tư tưởng, trong lời nói và trong hành động, để rồi xin Chúa tha thứ những lầm lỡ, xin Chúa thánh hoá những yếu đuối, cũng như xin Chúa giúp chúng ta khiêm tốn về những điều tốt lành chúng ta làm được, và luôn tiếp tục ý thức trông cậy vào Chúa. Phần cuối cùng của hồi tâm là nhìn đến ngày mai với những dự định và công việc để chuẩn bị.
Cũng thật tốt, khi đọc qua các bài đọc và Tin Mừng của Thánh Lễ ngày mai. Về phần này, trang Phút cầu nguyện (phutcaunguyen.net) giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Ngoài ra, ai dùng Iphone hay Smartphone cũng nên download app phutcaunguyen xuống để dễ dàng đọc Lời Chúa mỗi ngày, cũng như đọc và nghe phần suy niệm mỗi ngày.
Thức giấc đừng vội mở ngay điện thoại xem có tin nhắn gì không. Ngược lại, thức giấc với thái độ tĩnh lặng, tri ân cảm tạ Chúa về đêm qua và âm thầm dâng ngày cho Chúa. Dâng gì? Hãy nghĩ tới những gì mình sẽ làm trong ngày, những cuộc gặp gỡ, những lo toan… và âm thầm dâng tất cả vào bàn tay giàu lòng thương xót của Chúa.
Để giúp ích cho đời sống tâm linh được tốt hơn nữa, sau khi làm vệ sinh sáng, nên dành thời gian 15 phút đến 30 phút để cầu nguyện riêng với Chúa. Cầu nguyện như thế nào? Bước vào thinh lặng, có thể đốt một ngọn nến trên bàn thờ. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào giờ cầu nguyện. Mở Lời Chúa trong ngày đã đọc buổi tối hôm qua, đọc lại chậm rãi, và nghiền ngẫm cũng như để từng chữ, từng câu Lời Chúa thấm vào lòng mình. Tiếp đến ở trong thinh lặng, nghĩa là ở bên Chúa và ẩn náu bên Ngài. Sau đó có thể tâm sự với Chúa trong thinh lặng.
Kết thúc cầu nguyện riêng, nên đọc kinh cầu nguyện cho nhân loại và thế giới trong thời gian dịch bệnh này. Có lời kinh nào chính thức không? Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, chủ tích uỷ ban Phụng Tự, phổ biến Lời Cầu Nguyện trong cơn dịch bệnh gởi đến mọi người. Có thể tìm lời kinh này trên trang tgpsaigon.net.
Chọn ra một câu Lời Chúa nào được đánh động trong lúc cầu nguyện, “dán chặt” vào tâm hồn và môi miệng câu Lời Chúa đó. Trong ngày sống ý thức dành ra những khoảnh khắc nhẩm đi nhắc lại câu Lời Chúa đó, nhờ đó Lời Chúa được cùng hoà nhịp với nhịp đập của trái tim. Hơn nữa, Lời Chúa trở thành lương thực, thành Ánh Sáng soi bước chúng ta đi (ss.Tv 119, 105).
Dưới đây là ví dụ hai câu Lời Chúa:
“Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91,2).
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4).
Trong khi dùng bữa sáng, nên nghe tin tức. Mở tin gì? Có ngàn thứ. Là người Công Giáo, chúng ta nên lắng nghe tin tức của Giáo Hội được cập nhật mỗi ngày. Vì thế, nên mở đài Vatican News phần tiếng Việt. Tìm đài này ở đâu? Vào trong youtube và đánh phần tìm kiếm hàng chữ sau: “Vatican News – Tiếng Việt”. Mỗi lần tin tức được phát khoảng từ 25-30 phút. Rất hữu ích cho đời sống Đức Tin của anh chị em.
Trong ngày sống, tại gia đình và hãng xưởng, xin Chúa ban ơn luôn được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Luôn chú ý dành những khoảnh khắc ngắn (5 giây, 10 giây, 30 giây hay nhiều hơn), nhắm mắt lại và ý thức mình đang được Thiên Chúa ấp ủ và chở che trong đôi tay từ ái của Chúa, cũng như ý thức tin tưởng và nương ẩn bên Chúa. Cuối cùng có thể dâng Chúa một lời nguyện tắt. Đây là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng nếu làm thường xuyên sẽ giúp mình kết hiệp với Chúa nhiều hơn.
Trong ngày sống gặp gỡ nhiều người, xin Chúa ban cho mình luôn nhìn anh chị em với ánh mắt và tâm hồn của lòng thương xót và niềm vui nội tâm. Từ ánh mắt nhìn đó, sẽ giúp cho suy nghĩ, lời nói và hành động của mình đối với anh chị em mang những nét tích cực hơn, tốt lành hơn, dễ thương hơn và giàu lòng thương xót hơn. Hãy lấy lòng thương xót và tình yêu mà cư xử với nhau. Hãy thương xót nhau như Cha trên trời là Đấng Thương Xót. Đó là hiệu lệnh của Tin Mừng đến với chúng ta, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh này. Sống theo tinh thần của Tin Mừng này, sẽ tránh được những điều tiêu cực làm lòng người buồn chán.
Khi những gì tiêu cực đến, thì nên như thế nào? Xin hãy nhẩm đi nhắc lại lời cuối trong kinh Lạy Cha: “Xin đừng để con sa chước cám dỗ, và xin cứu con ra khỏi sự dữ”. Tiếp đến ý thức làm điều ngược lại với khuynh hướng tiêu cực. Trong tiếng La tinh là agere contra. Đây là điều mà thánh I-nhã nhắc nhớ cần ý thức thực hiện để tránh được sự cám dỗ của thần dữ. Ví dụ: Nếu bị cám dỗ nghĩ xấu và nói xấu nhiều về người khác, thì làm ngược lại với điều đó, là hãy nghĩ đến một điều tốt của người đó và cầu nguyện cho người đó. Hay nếu bị cám dỗ rơi vào tình trạng hoang mang quá độ trong cơn dịch bệnh, đến nỗi ra chợ cố gắng thâu gom thật nhiều thùng mì gói và thật nhiều bịch giấy vệ sinh, để có có cảm giác “an toàn”, thì nên làm ngược lại bằng cách ý thức sống bác ái và hướng nhìn đến người khác, không ham hố “tích trữ” cho riêng mình, mà chỉ có chừng có mực trong việc dành dụm, vì anh chị em khác cũng có nhu cầu như mình vậy. Hơn nữa, Lời Chúa nói với người phú hộ tích trữ của cải để bảo đảm cho cái thân, vẫn luôn sống động: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 16,20). Khi sống tinh thần làm ngược lại khuynh hướng tiêu cực, là chúng ta đang sống tinh thần mùa Chay. Ngoài ra, chúng ta càng tránh xa được cám dỗ và các khuynh hướng tiêu cực, khi chúng ta “chìm mình” trong cầu nguyện.
Vì thế, việc lần Chuỗi Mân Côi cũng như đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót cũng sẽ giúp ích cho đời sống tâm linh. Mẹ Maria là người Mẹ của Lòng Thương Xót. Việc lần chuỗi không chỉ giúp chúng ta tôn kính Mẹ và qua đó Mẹ còn đưa chúng ta đến với Lòng Thương Xót của Chúa. Ở bên Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta kêu cầu sự thương khó và cái chết của Chúa Giê-su trên Thánh Giá thương xót và cứu độ bản thân chúng ta và cứu độ cả nhân loại.
Kế bên việc Lần Chuỗi và đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót, trong mùa Chay thánh, chúng ta nên ngắm Đàng Thánh Giá. Đây là cách thức cầu nguyện giúp chúng ta cùng bước theo Chúa Giê-su trên Đàng Thánh Giá, để qua đó kết hiệp với Chúa mật thiết hơn. Có rất nhiều kiểu đi Đàng Thánh Giá. Tuỳ mỗi người có thể chọn.
Trong ngày sống đã có giờ cầu nguyện riêng, nhưng nếu thiếu Thánh Lễ thì thật là thiếu sót lớn. Vì thế, không nên bỏ Thánh Lễ và Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày trong thời gian dịch bệnh này. Nhưng ở một số nơi các nhà thờ đóng cửa và không có Thánh Lễ, thì phải làm sao? Hay các cụ cao niên và những người đau yếu được khuyên không đến nhà thờ, thì nên như thế nào? Trong trường hợp này, nên tham dự Thánh Lễ trực tuyến. Tổng Giáo Phận Sài-gòn có truyền Thánh Lễ trực tuyến mỗi ngày trên trang nhà. Thánh Lễ bắt đầu lúc 17.30 (giờ VN). Địa chỉ trang nhà: tgpsaigon.net.
Nhưng khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến, thì việc rước lễ làm sao? Chắc chắn chúng ta sẽ rước lễ thiêng liêng. Rước lễ thiêng liêng như thế nào? Dưới đây là một cách thức rước lễ thiêng liêng:
– Làm dấu Thánh Giá và hát kinh Chúa Thánh Thần.
– Đọc kinh sáng soi và kinh ăn ăn tội.
– Đọc 01 kinh Lạy Cha, 03 kinh Kính Mừng và kinh sáng danh.
Thinh lặng và hướng trọn tâm hồn về với Chúa.
– Đọc lời kinh rước lễ thiêng liêng của thánh An-phông-sô:
“Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen”.
Thinh lặng cảm nhận Chúa đang hiện diện trong tâm hồn và dâng lời tạ ơn Chúa.
– Đọc kinh Cám ơn và kinh Trông cậy.
– Có thể hát một bài Đức Mẹ để kết thúc.
Với Thánh Lễ và bí tích Thánh Thể là lương thực nuôi sống tâm hồn, cùng với những tâm tình sống thiêng liêng khác, người Công Giáo có thể tổ chức một ngày sống tâm linh của mình, của con cái và gia đình mình được tốt, đặc biệt trong mùa Chay và trong cơn dịch bệnh này. Tuy nhiên, ngoài những gợi ý trên còn có một số cách thức khác giúp thêm cho người Công Giáo sống cuộc sống tâm linh tốt hơn nữa.
Magis, hơn nữa trong đời sống tâm linh.
Magis trong tiếng Tây Ban Nha là “hơn nữa”, cũng là thuật ngữ mà thánh I-nhã dùng để nhắc nhớ đời sống tâm linh của người tín hữu cần thăng tiến hơn nữa, nghĩa là không nên dậm chân tại chỗ, mà luôn ý thức “học” nơi Chúa là Đấng Hiền Lành và Khiêm Nhường trong lòng, để mỗi ngày có thể trở nên công chính hơn.
Vì thế, xin thêm một số gợi ý cho đời sống tâm linh. Trước hết cần chú ý chạy đến với các Bí Tích. Ngoài việc đón nhận Bí Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ, Bí Tích Hoà Giải sẽ là phương thuốc tuyệt vời để chúng ta có được đời sống bình an. Ơn tha thứ và lòng nhân từ của Thiên Chúa sẽ luôn ở đó dành cho chúng ta. Ai khôn ngoan, thì đến kín múc cách thường xuyên. Bí Tích Xức Dầu cũng rất cần thiết cho những ai đau yếu. Vì thế, máng chuyên ơn Chúa xuống cho chúng ta qua các Bí Tích là món quà thật đẹp Chúa ban qua Giáo Hội.
Cầu nguyện với Giờ Kinh Phụng Vụ. Trước đây Kinh Phụng Vụ thường được coi là chỉ dành cho các tu sĩ, nhưng sau này Giáo Hội khuyên nhủ các tín hữu cũng nên đọc kinh Phụng Vụ. Kinh Phụng Vụ được rải ra nhiều thời khắc trong ngày. Nhưng chính yếu có lời kinh Sáng (Laudes), kinh Chiều (Vesper) và kinh Tối (Komplet). Kinh Phụng Vụ bao gồm các Thánh Vịnh, các Thánh Thi, các bản văn Thánh Kinh khác nhau, cũng như các lời cầu nguyện Cộng Đoàn. Có thể vào trong trang của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ để tìm bản Các Giờ Kinh Kinh Phụng Vụ: ktcgkpv.org.
Trong bầu khí của Mùa Chay, thật hữu ích khi đọc, trau dồi, cầu nguyện và tập sống Tin Mừng Thương Khó và Phục Sinh. Có nhiều nguồn và tài liệu. Tuy vậy, ai muốn có thể vào trang liengiaophan.de, có phần 75 câu hỏi về Tin Mừng Thương Khó và Phục Sinh theo thánh Mát-thêu (chương 26-28), để cùng học hỏi. Cũng có bài suy niệm và giải thích về Tin Mừng Thương Khó theo thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Con đường của Người Tôi Tớ” (Mt 26,14 – 27,66).
Cũng trong trang liengiaophan.de có chương trình rất đơn sơ mang tên “Logos”. Đó là chương trình gởi đến anh chị em mỗi ngày một lời Thánh Nhân được viết trên một tấm hình. Lời đơn sơ này có thể được đọc đi đọc lại nhiều lần trong ngày, như là chút “mắm muối” cho đời tâm linh.
Trong bầu khí của Mùa Chay, việc tĩnh tâm luôn là điều rất hữu ích. Ai có thời gian, nên tĩnh tâm 01 tuần trong thinh lặng ở một tu viện nào đó. Ngoài ra, nên tham dự các chương trình tĩnh tâm thường nhật. Cũng có những phương cách tĩnh tâm Online thường nhật, như Dòng Cát Minh đã và đang thực hiện 40 ngày tĩnh tâm Mùa Chay với tinh thần của thánh Gioan Thánh Giá. Có thể tham khảo trang Dòng Cát Minh: dongcatminh.org. Ngoài ra, có thể vào trang của Dòng Cát Minh ở Áo để tham khảo chương trình tĩnh tâm 40 ngày này với các thứ tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý… Có thể vào google kiếm với cụm từ: KarmelExerzitien Online in der Fastenzeit 2020.
Kế bên việc tĩnh tâm thường nhật, cũng thật hữu ích khi có thể tìm được những nhóm chia sẻ tâm linh và cầu nguyện chung với nhau. Có những sáng kiến của anh chị em thành lập nhóm cầu nguyện online chung. Thống nhất với nhau một chủ đề tâm linh, hay dựa trên một tác phẩm thiêng liêng, sau đó cùng đọc từng bước và cầu nguyện. Tiếp đến hẹn giờ và gặp nhau chia sẻ Online, như qua phương tiện Video Conference. Thật tốt lành và rất đang hoan nghênh!
Hành trình tâm linh sẽ rất hữu ích, nếu có thể được đồng hành thiêng liêng. Đây là một cách thức tiêu biểu dành cho những ai muốn thăng tiến trên đường tâm linh. Vì ý thức thân phận yếu đuối và giới hạn, nên dù là tu sĩ hay giáo dân, việc đồng hành thiêng liêng sẽ là một cách thức rất tốt và hữu ích. Đồng hành thiêng liêng không có ý nghĩa theo kiểu gia đình linh tông. Đồng hành thiêng liêng là cách thức một người được đồng hành cách thường xuyên bởi một tu sĩ, linh mục và cả giáo dân có đủ khả năng tâm linh, kinh nghiệm và tri thức. Trong thời gian không thể đến gặp người đồng hành thiêng liêng, có thể liên lạc qua các phương tiện truyền thông như Skype, Viber hoặc Whatsapp…
Ngoài ra, việc đọc sách thiêng liêng cũng giúp ích cho đời sống tâm linh. Cha Henri Nouwen nhắc đến việc đọc sách thiêng liêng: “Đọc sách thiêng liêng là một thứ kỷ luật hữu ích. Có quyển sách nào ta đang đọc, một quyển sách ta đã chọn vì nó nuôi dưỡng tâm trí ta và đưa ta xích lại gần Thiên Chúa hơn chăng? Những tư tưởng và tình cảm của ta sẽ được tác động mạnh, nếu ta luôn mang theo mình một quyển sách lúc nào cũng đưa tâm trí ta về lại với hướng ta đang muốn đi… Dẫu mỗi ngày ta chỉ đọc quyển sách ấy 15 phút thôi, ta cũng sẽ sớm khám phá ra rằng tâm trí ta đang ngày một ít trở nên thùng rác và ngày một trở nên một bình đầy ắp những ý tưởng tốt đẹp”.
Về sách thiêng liêng hữu ích thì có rất nhiều. Sách thiêng liêng cổ điển đã giúp ích cho nhiều thánh nhân chính là sách Gương Chúa Giê-su còn được gọi là sách Gương Phúc. Tác phẩm Một Tâm Hồn của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng cũng đã làm rung động biết bao con người. Nhật Ký Tâm Hồn của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng đã lôi cuốn rất nhiều người. Một số tác phẩm thiêng liêng được nhiều người đọc phản hồi là rất hữu ích, như tác giả Jacques Philippe với các sách: “Được gọi để sống”, “Tự Do Nội Tâm”, “Khát Khao Cầu Nguyện”, “Tìm kiếm và giữ lấy sự bình an”… Cũng có những bài viết tâm linh ngắn của các tác giả khác nhau cũng rất hữu ích. Có thể vào trang: dongten.net, trang phanxico.vn, trang liengiaophan.de và tìm trong phần “tâm linh”.
Kế bên việc đọc sách thiêng liêng, thiết nghĩ cũng sẽ giúp ích cho đời sống tâm linh, nếu ai muốn chú tâm học hỏi, tìm hiểu, cầu nguyện và sống Lời Chúa mỗi ngày và Lời Chúa ngày Chúa Nhật. Về Lời Chúa mỗi ngày có thể tham khảo trang phutcaunguyen. Về Lời Chúa Chúa Nhật có thể vào phần suy niệm Lời Chúa trong trang simonhoadalat.com. Có những bài suy niệm, chú giải các bài Tin Mừng rất hữu ích cho đời sống tâm linh.
Lời Chúa được “chảy vào” tinh thần sống của các vị Thánh hiền. Vì thế, việc chú tâm tìm hiểu, học hỏi và thấm nhuần tinh thần của một vị Thánh sẽ rất hữu ích. Ví dụ dành thời gian 3 tháng hay 6 tháng tìm hiểu về thánh Tê-rê-sa Can-cút-ta sẽ cho chúng ta một linh đạo sống bác ái rất cụ thể. Tìm hiểu về Chân Phước Charles de Foucauld sẽ cho một tinh thần sống nghèo, hiến thân cho Chúa và làm chứng cho Tin Mừng trong âm thầm. Tìm hiểu về tinh thần sống của Đấng Đáng Kính ĐHY. Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận dẫn đến linh đạo hy vọng thật nổi bật qua chính đời sống của ngài.
Hơn nữa, ai muốn dành thời gian đi sâu hơn nữa để trau dồi thêm kiến thức Thần Học, Kinh Thánh, Giáo Lý, thì nên tìm đọc các tài liệu chuyên môn, như Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cũng như các văn kiện của Hội Thánh. Về phần Tín Lý có tác phẩm của Joseph Ratzinger (Đức Benedicto XVI) Đức Tin Ki-tô giáo hôm qua và hôm nay (Einführung in das Christentum). Dẫn vào Thần Học của Thomas P. Rausch SJ. biên tập chung với các tác giả khác…
Thay lời kết.
Mỗi thời đều có thách đố riêng và cơ hội riêng của nó. Trong phân định, xin Chúa Thánh Thần soi sáng, để chúng ta không rơi vào tình trạng hoang mang mất định hướng. Trên hết, là chúng ta tiếp tục trung thành sống kiếp “cành nho” luôn ý thức bám chặt vào “Thân Cây Nho” là chính Chúa Giê-su, để rồi Cha trên trời khi nhìn thấy thiện chí nhỏ bé của chúng ta, Người sẽ tỉa cành cây là mỗi chúng ta, để cành đó có thể sinh hoa kết trái nhiều hơn.
Tất cả vinh danh Thiên Chúa hơn và để mỗi người chúng ta tìm thấy được niềm vui nơi Chúa, như Chúa Giê-su đã nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,8-11).
Xin Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót nhìn đến nhân loại và thế giới chúng con đang sống trong hoàn cảnh rất hoang mang, và xin giải thoát chúng con khỏi bệnh dịch này.
Xin Mẹ Maria, thánh cả Giu-se cầu bàu cho chúng con.
Xin Triều Thần Thiên Quốc chuyển lời cầu của chúng con lên toà Thiên Chúa. Amen.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.