T7. Th7 27th, 2024

Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc: Con người và Di sản

Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã về Nhà Cha được một năm. Một năm, thời gian không dài, nhưng đủ để cho những cảm xúc ngỡ ngàng, choáng váng, tiếc thương, nhung nhớ được lắng đọng. Một năm, thời gian cần thiết để những tình cảm chúng ta dành cho ngài được bình tĩnh, chân thật và bền vững hơn.

 Triết gia Gabriel Marcel đã viết: “Yêu ai, nghĩa là nói với người ấy: bạn sẽ không chết“[1]. “Bạn sẽ không chết” hiểu là bạn mãi mãi tồn tại trong ký ức và trong trái tim tôi. Nhưng nếu ký ức của chúng ta mất đi, và trái tim chúng ta cũng chết đi, như chính thân phận phải chết của chúng ta, thì sao?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngậm ngùi xót xa: “Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu…“[2]

May thay, thánh Augustinô đã mở lối cho chúng ta: “Phúc cho kẻ mến Chúa, kẻ yêu bạn mình trong Chúa… Vì chỉ có kẻ đó là không mất người yêu quý nào, vì kẻ ấy yêu quý mọi người trong Đấng không thể mất được“[3].

Mang thân phận phàm nhân chóng qua, mọi tương quan tình cảm của chúng ta cũng đều chóng qua, mọi ký ức của chúng ta cũng đều chóng qua. Vì thế, những tình cảm chúng ta dành cho nhau chỉ trở nên chân thật và trường cửu trong Chúa, Đấng Hằng Sống; những ký ức của chúng ta về nhau chỉ trở nên sống động và thuỷ chung trong Đấng làm cho sự hiện hữu của chúng ta nên bất tử. Nói cách khác, chúng ta không thể mất đi những người chúng ta yêu mến, nếu chúng ta yêu mến họ trong Đấng không thể hư mất, và nhờ Ngài chúng ta cũng không thể hư mất.

Trong tinh thần đó, Logos – Suy tư Thần học và Mục vụ số 03 thực hiện chủ đề “Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc: Con người và Di sản“, để tưởng nhớ và tri ân ngài. Tưởng nhớ ngài trong thân phận một con người, một Kitô hữu và một mục tử, đã suốt đời tận tâm yêu mến và phục vụ Tin Mừng. Tri ân ngài vì những chứng từ về tình Chúa và tình người hoà quyện trong cuộc sống của ngài, ít nhiều trở nên dấu chỉ soi dẫn chúng ta trong cõi đời làm người và làm con Chúa, đang khi hướng đến sự sống viên mãn trong cõi trời.  

Những cảm nghĩ tưởng nhớ và tri ân được xoay quanh ba phần chính:

Phần I: Con người và sứ vụ, với những bài viết về con người và những sứ vụ chính yếu trong cuộc đời ngài: linh mục và giáo sư triết-thần học giai đoạn sống tại Đà Lạt (1970-1999); Giám mục Chánh toà Giáo phận Mỹ Tho (1999-2014); Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh (2014-2018); Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (2001-2013; 2016-2018).

Phần II: Những tâm tình dịp tang lễ, tập hợp những bài suy tư và bài giảng tràn đầy cảm xúc nhân văn và tinh thần đức tin chung quanh cái chết đột ngột của ngài.

Phần III: Di sản thần học và mục vụ – Suy tư gợi mở, là những suy tư của những cá nhân, tập thể đã từng cộng tác với ngài trong Uỷ ban Giáo lý Đức tin, ít nhiều liên quan đến di sản thần học và mục vụ mà ngài để lại.  

Sau hết, bài “Đối thoại giữa các tôn giáo” là một trong những bút tích cuối cùng của Đức Tổng Phaolô, được giới thiệu trong tập san này như một phần ký ức sống động về ngài.

Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người!“, nếu đã từng ít nhiều đi qua đời nhau mà chẳng còn nhớ gì về nhau, thì rồi những hạnh ngộ của chúng ta trước sau cũng sẽ rơi vào cõi đen tối của mộ phần, “đen tối vùng lãng quên“[4], và từ đó là chính thân phận chúng ta nữa.

Trong niềm hy vọng Kitô giáo, chúng ta không thể lãng quên nhau được: tưởng nhớ, hy vọng và cầu nguyện cho Đức Tổng Phaolô được vĩnh phúc cũng là lời nhắc nhớ chúng ta về niềm hy vọng cho vĩnh phúc của bản thân và tha nhân. Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông, và “Sự hiệp thông này thâm sâu đến nỗi, điều gì mỗi người làm hoặc chịu, trong và vì Đức Kitô, cũng đều mang lại hoa trái cho mọi người.”[5]

Xin chân thành tri ân Quý Đức Hồng y, Quý Đức cha, Quý cha và tất cả những ai, vì ân-tình-hiếu-nghĩa với Đức Tổng Phaolô, đã đóng góp suy tư và công sức cho tập san này.

Lời tri ân sẽ được nhân rộng rất nhiều đến tất cả những ai đón nhận tập san và chia sẻ tâm tư của các tác giả về thân phận con người, về lòng biết ơn, về niềm tin-cậy-mến Kitô giáo, và về ơn gọi vĩnh phúc vốn là cùng đích của đời sống Kitô hữu.

+ Gioan Đỗ Văn Ngân

Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc

Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin


[1] Gabriel Marcel, Le Mystère de l’Être, tome II, Foi et réalité, Paris, Aubier, 1981, pp. 154-155.

[2] Trịnh Công Sơn, “Tôi mơ thấy chuyến đi của mình”.

[3] St. Augustinô, Tự thuật, Nxb. Tôn Giáo, 2007, IV, 9, tr. 299-300.

[4] Phạm Đình Chương, “Người đi qua đời tôi”.

[5] GLHTCG, 961.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *