T3. Th9 10th, 2024

VỀ VỚI CHÚA VÀ VỚI GIA ĐÌNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

VỀ VỚI CHÚA VÀ VỚI GIA ĐÌNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Trình thuật Tin Mừng Luca (15,11-32) về Người Cha nhân hậu (hay Đứa con hoang đàng) cho thấy tình thương bao la của người Cha già và đồng thời trình bày gia đình như nơi chốn để con người quay về khi cuối cùng nhận ra rằng thế giới bao la kia không phải là chỗ dung thân.

Khi nạn dịch xảy ra, người ta không còn được đi đây đi đó, phải tránh các nơi vui chơi giải trí, thậm chí không còn đi làm được nữa. Lúc ấy việc “quay trở về” trở thành điều tất yếu, và việc “ra đi” (cho dù đi đâu) vốn là điều đương nhiên, nay trở thành vô bổ và nguy hại.

Khi Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, lên tiếng về “cách thức gia đình sống trong thời điểm đại dịch”, ngài trích dẫn Huấn quyền của Hội Thánh như kim chỉ nam. Và có lẽ đây là thời điểm mà mọi người chợt nhận ra rằng Huấn quyền Hội Thánh (vốn không được chú ý lâu nay) lại là điều cần thiết và hữu ích cho cuộc sống của người tín hữu.

Đức Hồng y trích Tông huấn Niềm vui Yêu thương – Amoris Laetitia: “Thiên Chúa cư ngụ trong các gia đình cụ thể, thực sự, với mọi rắc rối và đấu tranh, mọi vui tươi và hy vọng hàng ngày của họ”.

“Trong Giáo hội chúng ta có một kho báu ẩn kín đó chính là gia đình. Chúa luôn đồng hành với dân Ngài trong mọi khủng hoảng cùng với những sứ điệp ngoại thường; và dường như Ngài cũng đã làm theo cách đó trong đại dịch này: tất cả chúng ta phải rút lui trở về nhà”.

Không phải chỉ từ Amoris Laetitia, Hội Thánh mới đề cao gia đình như nơi Thiên Chúa cư ngụ và đồng hành. Trong chương 5, chương về Gia đình, của Bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công giáo (công trình của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận), chúng ta tìm thấy giá trị thánh thiêng của gia đình như sau:

“Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể, chấp nhận những đặc điểm của gia đình và đem lại cho định chế gia đình phẩm giá cao quý nhất, đó là biến gia đình thành một bí tích của giao ước mới (x. Mt 19,3-9). Vợ chồng tìm được phẩm giá sung mãn của mình, cũng như gia đình tìm được nền tảng vững chắc cho mình là nhờ đặt trong viễn tượng mới mẻ ấy” (số 210).

Khi con người không còn cơ hội đến với các bí tích khác, họ quay về với bí tích mà Chúa Giêsu đã “đem lại cho định chế gia đình”. Rõ ràng đây là cơ hội Thiên Chúa thúc đẩy con người quay về với nguồn cội của mình, với gia đình, với Hội Thánh và với Thiên Chúa.

Thế thì, quay về với gia đình để làm gì? Nếu chung ta quay về với gia đình mà lúc nào cũng mỗi người một máy tính hay một smartphone thì việc quay về chỉ là hình thức. Nếu quay về với gia đình mà cả ngày người chồng vẫn ôm lon bia, người vợ vẫn loay hoay với chiếc Tivi đủ thứ âm thanh náo nhiệt, những đứa con thì quay cuồng với những trò chơi điện tử… nếu như thế thì người ta quay về nhưng lại quay mặt đi.

Quay về, trước hết là “mối liên hệ với những người lớn tuổi” như Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống). Nhớ mối lên hệ ấy, người trẻ khám phá ra được kho tàng sống động của quá khứ, làm sống lại ký ức. “Lời Chúa khuyên đừng để mất liên lạc với người lớn tuổi, để có thể thu lượm được kinh nghiệm của họ”.

Mối liên hệ giữa các thế hệ trong gia đình có Chúa ở giữa là hình ảnh hiệp thông trong Giáo Hội. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo (số 2333) dạy: “Gia đình hiện diện như một nơi cho sự hiệp thông được khai sinh – sự hiệp thông này rất cần thiết đối với một xã hội ngày càng theo chủ nghĩa cá nhân như xã hội hôm nay. Gia đình là nơi cho cộng đồng các ngôi vị đích thực được phát triển và lớn lên”.

Quay về với gia đình là hàn gắn những rạn nứt, là chia sẻ những khó khăn vui buồn mà lâu nay những tiếng ồn của đủ loại âm thanh khiến ta không thể lắng nghe nhau. Quay về với gia đình để nhìn thấy nơi nhau những thiếu thốn mà mỗi thành viên sẽ ưu ái bù đắp cho nhau. Quay về với gia đình để cảm nhận tình yêu thẳm sâu mà lâu nay công việc bộn bề làm ta quên đi mất.

Và khi người ta hiệp thông với nhau trong gia đình thì đỉnh cao là việc cầu nguyện chung với nhau. Tông huấn Niềm vui Yêu thương viết: “Chúa Kitô tự làm Người hiện diện với vợ chồng Kitô hữu trong bí tích hôn nhân và ở lại mãi với họ. Chúa Giêsu không đi xa, nhưng vẫn ở với vợ chồng và hiện diện trong nhà của họ không chỉ khi họ tập hợp và cầu nguyện”. Chúa hiện diện trong gia đình không chỉ khi “họ tập hợp và cầu nguyện”, thế nhưng khi chúng ta cầu nguyện thì chúng ta có mối liên lạc thân tình với Chúa hơn và nhờ đó Chúa tuôn đổ ơn phúc trên gia đình.

 Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong tông huấn Christus vivit: “Con sẽ không nhận biết được tuổi trẻ đầy đủ nhất nếu con không gặp Người Bạn Lớn mỗi ngày, nếu con không sống trong tình bạn với Đức Giêsu” (số 150). Như một người bạn, “chúng ta nói chuyện, chia sẻ, ngay cả những điều thầm kín nhất với Giêsu”. “Đừng để thiếu đi tình bạn này trong tuổi trẻ của con”. Có Chúa Giêsu, chìm đắm trong lời cầu nguyện người trẻ mới sống tuổi trẻ của mình ý nghĩa nhất.

Khi người ta quay về với gia đình, cha mẹ giúp con cái định ơn gọi của họ. Thế giới quá ồn ào, nên nhiều khi người trẻ quên mất rằng mình cần ngồi lại bên Chúa Giêsu để biện phân ơn gọi đời mình. Người trẻ ở nhà hay vào nhà thờ một mình, cầu nguyện và phân định ơn gọi, xem Chúa muốn mình sống bậc sống nào. Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng “không có sự khôn ngoan của phân định chúng ta dễ dàng biến mình thành những con rối trước lòng thương hại của xu hướng hiện tại”.

Một cách cụ thế, chúng ta cùng thực hiện điều mà Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell khuyên dạy: “chúng ta hãy tập họp, như một gia đình, cử hành một cách trang trọng phụng vụ tại gia. Cách thực hiện rất đơn giản: tất cả quy tụ trong một căn phòng, đọc một bài thánh vịnh ngợi khen, xin lỗi nhau, đọc Tin Mừng Chúa nhật, chia sẻ những gì Lời Chúa đánh động nơi mỗi người. Từ những chia sẻ này tạo nên một lời cầu nguyện chung cho nhu cầu của gia đình, của những người thân, cho Giáo hội và thế giới. Và cuối cùng, phó thác gia đình và các gia đình mà chúng ta biết cho Đức Maria. Tất cả các gia đình đều có thể làm điều đó, bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: Truyền Thông HĐGMVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *