Ách Và Gánh Yêu Thương – CN XIV TN A
Cái ách và cái gánh.
Có một lần tôi dạy một lớp Giáo lý cho các em thiếu nhi tại một họ đạo nhỏ ở Thành Phố, rất nhiều em không biết cái ách là cái gì. Đối với các em ở miền quê thì hầu như em nào cũng biết rất rõ cái ách và công dụng của nó.
Cái ách, theo Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, đã định nghĩa, là :
- “Đoạn gỗ mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày, bừa. 2. Gông cùm, xiềng xích… ách áp bức, ách đô hộ… 3. Tai họa hoặc việc rắc rối phải gánh chịu: “ách giữa đàng quàng vào cổ” (tng)…
Như thế, dù cái ách, hiểu theo nghĩa nào, nghĩa đen hay nghĩa bóng, nghĩa gốc hay nghĩa phái sinh, người hay con vật mang ách luôn là kẻ phải nhận, bị áp đặt, không chủ động đón nhận, không có sự tự nguyện. Nói chung, không “ai” tự tròng cổ vào ách !
Cái (đòn) gánh
Cái (đòn) gánh, theo Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, đã định nghĩa, là “Đòn làm bằng tre chẻ đôi, có mấu hai đầu, dùng để gánh. (Tất nhiên là nói tóm gọn như vậy, chứ “đòn gánh” làm từ một đoạn tre tùy loại tre lớn nhỏ được chẻ ra làm đôi, hay làm ba làm tư gì đó, kích thước lớn nhỏ, mỏng dày sao cho phù hợp với công việc, cũng có thể làm bằng loại cây khác, nhưng thường làm bằng tre vì nó mềm dẻo. – Chú thích của NVT).
Khác với cái ách, người nhận cái gánh thường chủ động kề vai gánh lấy một cách tự nguyện, với ý thức bổn phận và trách nhiệm rõ rệt.
Cái gánh không chỉ là danh gọi một vật dụng, nó còn là một động từ diễn tả cụ thể những việc làm, những hành động liên quan đến trách nhiệm và bổn phận của con người. Như “gánh vác, đảm đương công việc gia đình, gánh vác chuyện non sông…”
Ách và gánh của Chúa Giê-su
Vòng tay của Chúa : Cái Ách yêu thương
Sau khi đọc câu Phúc Âm : “Ách của Ta thì êm ái, và gánh của tôi thì nhẹ nhàng”, người giám thị của một ngôi trường truyền giáo quay sang hỏi các học sinh :
– Ai có thể nói cho cô biết “ách” là cái gì ?
Một bé gái nói :
– Thưa cô, đó là thứ mà người ta đặt lên cổ của những con vật.
Sau đó, cô giáo hỏi :
– Vậy “ách của Thiên Chúa” nghĩa là gì ?
Tất cả học sinh đều lặng đi trong giây lát, duy chỉ có cô bé lên 4 tuổi trả lời :
– Thưa cô, đó là cánh tay Thiên Chúa quàng lên cổ chúng ta !
Thật thú vị khi ta nghĩ đến vòng tay của Chúa cũng cong cong như hình cái ách đang choàng lên cổ của người mà Ngài đang thương mến.
Đó là lúc ta hiểu về lời Chúa đã khẳng định: “ách của ta thì êm ái”.
Ai trong chúng ta chắc cũng hơn một lần được ai đó quàng vòng tay qua bờ vai ta một cách thân mật yêu thương. Chắc hẳn ta không thể gỡ vòng tay đó để đẩy ra khỏi bờ vai ta, ngược lại, ta hạnh phúc cảm nhận được sự êm ái ngọt ngào của tình thương người đang bên cạnh ta, đem lại phút giây ấm áp cho đời ta.
Và, cứ thế, nhiều vòng tay như thế, nhiều “cái ách êm ái như thế” mang tỉnh yêu của Chúa Giê-su đến cho mọi người.
Vòng tay người Samari tốt bụng
Như vòng tay của người Samari nhân hậu đỡ nâng người bị nạn trên đường Giê-ri-khô. (Lc.10,25-37).
Như vòng tay của Đức Giám Mục Jean Cassaigne (1895-1973) đối với những người cùi.
Như vòng tay của Mẹ Tê-rê-sa (1910-1997) đối với những người bị bỏ rơi trên đường phố ở Ấn Độ…
Và, nhiều… nhiều … vòng tay như thế mà “cái ách của Giê-su” đặt lên cổ những người theo chân ngài để “lôi kéo” những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời cơ cực, những mảnh đời lạc lỏng, những mảnh đời chưa có điểm tựa niềm tin…về với Chúa, đem về bến bờ hạnh phúc Thiên Chúa.
Và từ đó…
Ta biết cảm nghiệm “cái ách tình yêu Thiên Chúa” – “đó là cánh tay Thiên Chúa quàng lên cổ ta” – trong hạnh phúc ngập tràn ấy, ta biết “gánh lấy trách nhiệm và bổn phận” đối với tha nhân, đối với Giáo Hội, đối với Thiên Chúa cũng như đối với chính mình.
Ách và gánh yêu thương
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt.11,28-30).
Không ai có thể cúi xuống để quàng vòng tay cứu giúp nâng đỡ người khác khi người ấy đang tự thấy mình quá lớn, quá cao cả, quá chuẩn mực. Như hai thầy tu trong câu chuyện “người Samari nhân hậu” là một thí dụ. (Lc.10,25-37).
Không ai có thể cúi xuống để quàng vòng tay yêu thương cảm thông người khác khi người ấy đang tự thấy mình quá trọn hảo, quá thánh thiện. Như câu chuyện “hai người lên đền thờ cầu nguyện” là một thí dụ. (Lc.18,10-14).
Không ai có thể gánh vác mọi việc trong bổn phận và trách nhiệm của mình với một tâm hồn vui tươi thanh thản nếu người đó không làm việc từ con tim yêu mến.
“Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình thương mến” (I Cor.13,13)”.
Thế nên,
Ách ta mang như “vòng tay yêu thương tha thứ” của Thiên Chúa Đấng là “Người Cha Nhân Từ” đón nhận đứa con lầm lạc trở về. (Lc.15,1-3.11-32).
Ách ta mang như “vòng tay yêu thương” theo gương Giê-su, Đấng luôn quàng vòng tay an ủi, nâng đỡ con người yếu đuối.
“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”. (Mc.13,17).
Gánh ta gánh vác như “gánh yêu thương” theo gương Giê-su, Đấng đã kề vai vác lấy Thập Giá vì tội lỗi con người.
Chỉ khi mọi việc ta làm được tắm gội trong nguồn tình yêu Giê-su – Đấng có lòng hiền hậu và khiêm nhường – ta mới tìm thấy lòng bình an thanh thản “được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Chỉ khi ta đón nhận Chúa là nguồn vui thật sự đời ta, ta mới không có tên trong số “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”, vì gánh nặng nề ấy chính là sự bon chen thu góp tiền tài danh vọng thế gian, hay không biết tín thác vào Tình Yêu Thiên Chúa.
Chính vì yêu, và yêu như tình yêu Giê-su, “như Thầy yêu thương”, ta mới có thể đón nhận những hy sinh, những nghịch cảnh, những thử thách, những gian nan thống khổ, với một tâm hồn an vui, thanh thản, nhẹ nhàng.
Một sáng tinh sương, ở một Thiền Viện kia, vị Thiền Sư trưởng đang ngồi phía sau Thiền Viện, mắt nhìn đăm đăm về hướng Đông, nơi ấy chân trời đang ửng hồng ánh mặt trời mọc.
Một đệ tử hối hả bước vào, lời nói ngập ngừng sợ hãi:
– Thưa thầy, đêm qua bọn trộm đã vào lấy hết những món đồ quý…
Vị Thiền Sư bình thản trả lời:
– Tội nghiệp họ quá !
Người đệ tử ngạc nhiên, hỏi:
– Thưa thầy, sau không tội nghiệp mình mà tội nghiệp họ ạ ?
Vị Thiền Sư thong thả nói:
– Vì họ thêm những lo lắng chất chồng… Nay ở đây, mai ở kia…
Im lặng một chút, vị Thiền sư nói tiếp:
– Ban ngày họ thanh thản không? Đêm về, họ an giấc không? Một bóng người xuất hiện cũng làm họ lo âu, một chiếc lá vàng rơi cũng làm họ sợ hãi… Một đời như vậy có đạt được xác an tâm tĩnh không ? Có đạt được diễm phúc không ?
Người đệ tử tròn xoe mắt nhìn thầy chưa hết ngạc nhiên, vị Thiền sư mỉm cười nói tiếp:
– Con nhìn kìa, chân trời rực sáng, mặt trời đang lên, giây phút rực rỡ bắt đầu một ngày mới. Tiếc thay !
– Thưa thầy, tiếc gì ạ ?
– Bao người bỏ phí những khoảnh khắc tuyệt vời của đất trời. Chỉ có cái tâm thanh tịnh mới hưởng thời khắc hạnh phúc này, đó cũng là lúc nghỉ ngơi bồi dưỡng chân tâm của con người vậy!
Lạy Chúa,
Cho con biết nghỉ ngơi
Trong Tình Yêu của Chúa.
Muôn muôn việc cuộc đời,
Qui về Chúa mà thôi.
Ách nào quàng lên cổ
Gánh nào đặt lên vai
con xin là của Chúa
để mang lấy một đời.
Ách và gánh yêu thương
nhẹ nhàng và êm ái.
tìm về thuở Địa Đường
Trong tình Ngài mãi mãi. Amen.