Chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa
Bàn Thờ là Núi Thánh. Và mỗi Thánh lễ là một cuộc Chúa biến hình. Người lấy hình bánh rượu để trở nên lễ vật, cho ta được tham dự vào lễ tế của Người. Như vậy, việc Chúa biến hình ngày trước tất có tương quan tới Thánh lễ chúng ta đang cử hành. Chúng ta hãy tìm hiểu, để Thánh lễ này thêm ý nghĩa và đời ta nên tốt đẹp hơn.
Câu chuyện Chúa Biến Hình
Thánh Matthêô kể câu chuyện này 6 ngày sau khi Phêrô tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa hằng sống (16,13-20). Hôm ấy Đức Yêsu cũng đã tuyên bố lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Người; và Người bảo ai muốn theo Người cũng phải vác Thập giá. Nhưng để an ủi, Người phán: rồi đây Con Người sẽ đến trong vinh quang và có những kẻ đang ở trước mặt Người đây sẽ chứng kiến.
Không biết các môn đệ có hiểu hết những lời ấy không? Nhưng hôm nay, 6 ngày sau, ba ông Phêrô, Yacôbê và Yoan đã được xem thấy vinh quang của Người như chúng ta vừa nghe đọc.
Xếp lại câu chuyện như vậy, chúng ta thấy ngay việc Chúa biến hình muốn thể hiện điều Người đã hứa. Và trước hết nó có ý nghĩa thế mạt. Người đã hứa cho mấy người được thấy Con Người đến trong vinh quang của Cha Người và đến với Nước của Người. Nên dù chỉ 6 ngày sau Người đã thể hiện Lời hứa, cảnh tượng vinh quang mà Người cho họ thấy vẫn thuộc về thời đại cánh chung. Và Matthêô đã có những từ ngữ, những hình ảnh làm nổi bật khía cạnh này. Ông nói đến một nơi núi cao, riêng biệt ra, tức là tách khỏi đời này. Ông diễn tả mặt Người sáng như mặt trời và áo Người trắng như tuyết, là những nét tả về con người ở thời cánh chung (Mt 13,40-43). Môsê và nhất là Êlya là những nhân vật mà người ta tin rằng sẽ trở lại khi Con Người đến. Có tiếng từ trời phán xuống cũng là một nét của thời đại cánh chung. Và việc cấm phổ biến những điều vừa xem thấy cũng thuộc loại văn khải huyền về thời thế mạt.
Như vậy, không ai có thể bảo câu chuyện Chúa biến hình đã thuộc về quá khứ. Nó là dấu hiệu báo trước tương lai. Nó đưa ta hướng mắt về Ngày Chúa trở lại. Nó có thể giúp ta tham dự vào Thánh lễ này sốt sắng hơn. Và Phụng vụ đặt nó vào ngày Chúa nhật hôm nay sau Chúa nhật trước nói về Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, phải chăng không muốn nói rằng ai đã tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, như Phêrô, tất sẽ được nhìn thấy vinh quang của Người?
Nhưng những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cánh chung, cũng đã khởi sự trong mầu nhiệm Phục sinh. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay cũng hướng ta về sự kiện Chúa sống lại. Hiển nhiên thánh Matthêô đã muốn cho chúng ta nhìn thấy Chúa Phục sinh trong bài Tin Mừng này; vì mặc dù câu chuyện xảy ra đang khi Đức Yêsu còn tại thế, nhưng tác giả đã dùng ánh sáng của Chúa sống lại để cho chúng ta nhận ra Người. Thánh Phêrô không xưng Người là Thầy như mọi khi, nhưng danh từ “Chúa” là từ mà môn đệ chỉ dùng để thưa với Chúa Phục sinh. Và cử chỉ của Đức Yêsu tiến lại, giơ tay nâng môn đệ dậy, chẳng phải là ơn phục sinh của Chúa cúi xuống đỡ nhân loại sa ngã lên đó sao? Nhất là đoạn văn này được viết tiếp ngay vào những lời Đức Yêsu tuyên bố lần đầu tiên về cuộc Tử nạn của Người và về việc môn đệ phải vác thập giá mà đi theo Người, quả thật có ý nói đến mầu nhiệm Phục sinh. Chính ý nghĩa cánh chung cũng phải nhờ viễn tượng Chúa sống lại mới hiểu ra được.
Tuy nhiên cả hai cái nhìn cánh chung và phục sinh vẫn không được làm chúng ta quên Đức Yêsu hiện tại. Chúa nhật trước, Phụng vụ giới thiệu Người như Con Thiên Chúa sống nơi sa mạc. Hôm nay, cũng dùng Tin Mừng thánh Matthêô, Phụng vụ cho ta thấy Người là Môsê mới ở trên núi. Nói đúng ra, Chúa nhật trước thánh Matthêô cũng đã muốn nói Người là Môsê rồi, nhưng còn kín đáo. Hôm nay rõ ràng tác giả muốn so sánh giữa hai Môsê. Cả hai đã lên núi, được mây bao phủ và đưa vào trong một cuộc đàm đạo với Thiên Chúa (x. Xh 24,15-18). Và cả hai trường hợp đều xảy ra vào ngày thứ 7. Tuy nhiên trong trường hợp của Môsê, chính Thiên Chúa đã có bộ mặt sáng láng và đã gọi ông, đang khi ở đây chính Đức Kitô đã biến hình và được tiếng Đức Chúa Cha tuyên dương. Môsê mới đã rõ rệt hơn Môsê cũ. Môsê cũ giờ đây chỉ đứng bên Môsê mới để tuyên chứng và cũng để được ánh sáng Môsê mới soi dọi vào. Nhất là Môsê cũ sẽ biến đi, để lại một Đức Kitô là Môsê mới, độc hữu và độc tôn trước mắt các Tông đồ đang còn vẳng nghe lời căn dặn: “Hãy nghe Người!”. Thánh Matthêô hiểu như vậy, nên đoạn 18 theo sau đoạn 17 này đã được tác giả dùng để viết lại giáo lý của Đức Kitô về Hội Thánh. Như vậy, ở đây muốn giới thiệu Người là Môsê mới của Hội Thánh.
Hội Thánh phải nghe Vị Môsê mới này để được đi tới mầu nhiệm phục sinh, bảo chứng của thời đại cánh chung: đó là nội dung bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy đến với Đức Kitô biến hình trong mầu nhiệm Thánh lễ hôm nay để xin Người dạy dỗ hầu đạt tới vinh quang phục sinh và Nước Trời.
Bài học cụ thể
Chúa hằng dạy dỗ chúng ta qua Sách Thánh. Bài sách Khởi nguyên hôm nay nói đến ơn gọi của Abraham, tổ phụ các tín hữu. Chúa gọi ông bỏ quê hương họ hàng ra đi đến nơi Người sẽ chỉ cho để sẽ được thịnh vượng và hạnh phúc. Người gọi chúng ta từ bỏ mọi dính bén để đi tới hạnh phúc phục sinh. Ơn gọi Abraham báo trước ơn gọi của chúng ta. Và con đường ông đã đi là con đường chúng ta phải bước vào… Con đường ấy là hành trình trong đức tin. Abraham phải từ bỏ những cái đang có để hy vọng, trông chờ những của vị lai. Một cách nào đó ông phải bỏ mồi bắt bóng. Ông đã làm vì ông tin Chúa, tin lời Người hứa. Ông ra đi như Chúa truyền. Vào đến đất hứa, ông vẫn chưa được chiếm hữu. Chúa sẽ trỏ cho ông thấy đó là đất Chúa sẽ ban cho con cháu ông, chứ ông chưa được. Abraham vẫn tin, tin dấu hiệu bảo chứng của thực tại. Ông là tổ phụ của chúng ta, là các tín hữu sau ông đã tin vào Chúa. Và cũng như ông, chúng ta luôn phải tin Lời Chúa và các Bí tích dấu chỉ ban ơn vô hình. Chúng ta có kinh nghiệm, đức tin nhiều khi đòi phải bỏ mồi bắt bóng, chịu thiệt thòi về vật chất để trông chờ những của mai sau hay những ơn thiêng vô hình. Thường khi hơn nữa, đức tin đòi phải biết nhận ra thời triệu, tức là xuyên qua những thực tại hữu hình đạt tới những thực tại vô hình; không những nhìn vào các Bí tích để biết nhận ra các ơn thiêng, mà còn biết tìm ra Ý Chúa và tiếng Người kêu gọi qua mọi sự kiện hàng ngày và đặc biệt qua mầu nhiệm Thập giá: ai muốn theo Chúa phải vác thập giá mình mỗi ngày. Thánh Matthêô đã viết rõ như thế. Và thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng bắt đầu bằng câu: hãy chia sẻ lao nhọc của Phúc Âm.
Phaolô viết cho Timôthê, nhưng cũng dặn dò Hội Thánh và mọi người chúng ta: hãy chung phần cam khổ vì Tin Mừng (bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn). Người không cần nói vì sao theo Tin Mừng và giảng Tin Mừng thì phải gian khổ. Điều ấy quá rõ rồi. Ai cũng có kinh nghiệm. Sống ơn gọi Kitô hữu và Tông đồ thật là khó: phải phấn đấu theo gương Chúa Yêsu như chúng ta đã thấy trong Chúa nhật trước; phải luôn luôn hành trình trong đức tin như gương Abraham còn để lại; phải thống hối cải tạo đời sống. Điều Timôthê và chúng ta cần biết hơn là lý do vì sao ta phải lao nhọc và có sức nào trợ giúp chúng ta không? Cả bài thư hôm nay muốn cống hiến cho chúng ta nhiều tư tưởng để suy nghĩ.
Một cách vắn tắt, Phaolô mời gọi chúng ta nhìn lên Đức Yêsu Kitô, Đấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Đó là Đức Yêsu Kitô phục sinh mà Matthêô đã giới thiệu trong bài Tin Mừng. Người đang kêu gọi chúng ta trong Thánh lễ này, không phải vì sự nghiệp, công trạng riêng gì của ta, nhưng chỉ vì ý định và ân sủng của Thiên Chúa yêu thương ta cách lạ lùng muốn cho chúng ta được chia sẻ vinh quang phục sinh nơi Đức Yêsu Kitô. Nếu chúng ta tin như vậy, thì phải bắt chước Abraham chấp nhận hành trình trong đức tin và gian khổ, vì có cùng chịu khổ với Người chúng ta mới được cùng Người sống lại.
Lời Chúa hôm nay muốn khuyến khích chúng ta: Chúng ta được đưa lên Núi Thánh để chiêm ngưỡng vinh quang và tham dự vào sự sống của Chúa, để khi xuống núi theo gương các Tông đồ chúng ta nghe và giữ Lời Chúa mà xây dựng Hội Thánh.
Chủ yếu việc xây dựng này không phải chỉ là chu toàn hoặc tổ chức những lễ nghi bên ngoài, nhưng là kiến tạo Hội Thánh cho thời đại cánh chung mà ai cũng biết sẽ là toàn thể nhân loại và tạo dựng được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Thế nên việc xây dựng Nước Trời bao trùm nhiều mặt cụ thể. Tất cả những gì giúp cho nhân loại ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và huynh đệ đều cần thiết cho thời đại cánh chung, cho ơn phục sinh đến với mọi người. Và làm những công việc như thế, dĩ nhiên phải phấn đấu, lao nhọc… nhưng đó là chung phần cam khổ vì Tin Mừng. Và chúng ta có Thánh lễ này để kết hợp với Đức Kitô biến hình, Đấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Chính Người sẽ chia sẻ sự sống và thần lực của Người cho ta để giúp ta hành trình trong đức tin và lao nhọc.
Chúng ta hãy tin như vậy và tham dự Thánh lễ này sốt sắng để tích cực và hiệu lực xây dựng hạnh phú Nước Trời ngay từ đời này cho vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc muôn người.