Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con! – Chúa Nhật II Phục Sinh
Có một nhà bác học được mấy người Ả Rập thông thạo dẫn đường qua sa mạc. Ông để ý khi hoàng hôn sắp lặn, thì những người Ả Rập đều dừng lại trải chiếu trên cát, hướng về mặt trời chắp tay cầu nguyện. Nhà bác học hỏi: Các anh làm gì vậy?Họ thản nhiên trả lời: Chúng tôi thờ lạy và cầu nguyện cùng Thiên Chúa của chúng tôi. Nhà bác học hỏi lại một cách mỉa mai: Vậy các ông đã thấy Chúa bao giờ chưa? Họ mỉm cười đáp lại: Thực ra chúng tôi chưa hề mắt thấy tai nghe tiếng Chúa bao giờ cả. Nhà bác học sửng sốt lên giọng: Sao các ông lại mù quáng sấp mình thờ lạy một Chúa mà các ông chưa hề xem thấy!? Họ im lặng không đáp lại lời nào hết.
Sáng hôm sau, mặt trời chưa ló dạng, nhà bác học đã thức dậy và nói với hướng dẫn viên: Anh hãy nhìn xem, chắc chắn là tối hôm qua có con lạc đà nào đã đi qua đây. Hướng dẫn viên hỏi lại: ông có chắc đã thấy lạc đà đi ngang qua đây tối hôm qua chứ? Nhà bác học đáp lại: Tối hôm qua tôi không thấy con lạc đà nào hết. Anh ta nói: Vậy thì ông cũng chẳng khác gì người điên. Ông quả quyết là lạc đà đã đi ngang qua đây tối hôm qua, trong khi ông lại nói là mắt ông không thấy nó. Nhà bác học cương quyết cãi lại: chứ ông không trông thấy dấu chân lạc đà còn y nguyên trên mặt cát hay sao?
Cùng lúc đó, mặt trời từ từ ló rạng kéo theo những tia sáng rực rỡ. Hướng dẫn viên trịnh trọng tuyên bố: Này ông bạn ơi! Ông hãy nhìn xem mặt trời và những tia sáng rực rỡ kia, đó chính là dấu chân huy hoàng của Thiên Chúa, Chúa mà chúng tôi tôn thờ.
Các bạn thân mến, câu nói của Chúa Giêsu với thánh Tôma năm xưa “Phúc cho ai không thấy mà tin” như vẫn còn hợp thời với mỗi người chúng ta. Con người hôm nay đòi hỏi đức tin phải có những lý lẽ hợp lý, xác thực như những sự kiện của khoa học. Vì thế, những chân lý đức tin thật khó mà chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt: phạm vi của khoa học là sự vật cụ thể, khả dĩ có thể thực nghiệm được; còn phạm vi của đức tin là chân lý siêu nhiên dựa trên uy quyền và lời chứng của Đức Kitô, khả dĩ đem lại cho con người ơn cứu độ. Khoa học chỉ có thể biến đổi thế giới vật chất bên ngoài, nhưng đức tin sẽ biến đổi thế giới tâm linh bên trong của mỗi người chúng ta.
Có thể nói, dù sống cách chúng ta hơn 20 thế kỷ nhưng Tôma có tâm trạng và lối suy nghĩ giống với con người sống trong thời đại khoa học hôm nay. Ông không có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, nên ông muốn được trực tiếp xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài để xác thực Chúa đã sống lại. Thực ra, Tôma không thách thức Chúa, ông chỉ cần bằng chứng rõ ràng để ông tin. Tám ngày sau, Chúa đã hiện đến với các ông và chấp nhận những điều kiện Tôma đưa ra, nhưng có thể ông chẳng còn lòng dạ để làm việc đó mà chỉ biết tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”. Qua đó, Chúa Giêsu phục sinh muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp: “Phúc thay những người không thấy mà tin”.
Ngày nay, trong xã hội cũng còn nhiều người đang gặp khủng hoảng đức tin trầm trọng, đặc biệt là các bạn trẻ, họ luôn sống trong lo âu sợ hãi, đời sống đức tin ngày càng nguội lạnh, không còn yêu mến Thánh lễ, hay không cần biết đến ý nghĩa cuộc sống, và chỉ biết tìm đến với những tệ nạn xã hội mà không có lối thoát. Vì vậy, là những chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta hãy mạnh dạn đi bước trước để đem sự bình an và niềm vui của Đấng Phục Sinh đến với những ai đang còn khao khát Chân Lý và Tình Yêu. Ước mong lời cầu nguyện thánh Tôma Aquinô: “Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông Chúa và yêu mến Chúa hơn nữa”, cũng là lời cầu xin của mỗi người chúng ta trên hành trình sống đức tin hôm nay.
Gợi ý suy niệm:
1. Sự “cứng lòng” của thánh Tôma năm xưa có giá trị như thế nào đối với đức tin của chúng ta hôm nay?
2. Chúng ta có đòi hỏi một bằng chứng rõ ràng nào đó để tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu không?
Lm. Joseph Lưu Trung Kiên