CN. Th10 6th, 2024

Đức Giêsu phục sinh – Ngài thật “tếu”

Đức Giêsu phục sinh – Ngài thật “tếu”

Sự phục sinh là căn bản niềm tin của chúng ta; không có phục sinh, niềm tin của chúng ta chỉ là một niềm tin hão huyền và chết chóc. Nhưng phải thành thật mà thú nhận một điều là chẳng ai trong chúng ta biết phục sinh là gì. Cũng chưa ai trong chúng ta có kinh nghiệm về sự phục sinh như Chúa Giêsu. Đấng đầu tiên phục sinh đã sống cách chúng ta hơn 2000 năm và niềm tin về Ngài mà chúng ta có được là nhờ những chứng nhân kể lại rồi lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ kia, chứ tận mắt chứng kiến hay tay sờ mồn một thì chúng ta chẳng có. Tin Mừng cho chúng ta không nhiều thông tin về sự phục sinh, nhưng mô tả cho chúng ta về Đức Giêsu phục sinh. Chiêm ngắm Ngài, ta có thể mường tượng về sự phục sinh của chính mình khi thời gian viên mãn.

Tạm thời bỏ qua những ý nghĩa thần học về sự phục sinh của Chúa Giêsu, lược lại tất cả những trình thuật phục sinh nói đến trong Tin Mừng, chúng ta sẽ vừa bị lôi cuốn, vừa cảm thấy hứng khởi khi phác hiện ra rằng Chúa Giêsu phục sinh, dù đã khải hoàn chiến thắng thần chết cách oai phong và sống sự sống viên mãn của Thiên Chúa, vẫn thật gần gũi, dễ thương, tâm lý và đặc biệt, rất “tếu”.

Hẳn Giêsu phải là một người thích tếu hài, chọc ghẹo người ta. Ngài hay “giả vờ”. Biết rõ là bà Maria Madalena đang mếu máo khóc vì không thấy xác Ngài. Ngài đang đứng trước mặt bà, vậy mà lại giả vờ hỏi “này bà, sao bà khóc”. Ta có thể tưởng tượng cảnh Ngài tủm tỉm cười khi đã “lừa” được bà, để rồi sau đó, Ngài mang đến cho bà một niềm vui khôn tả.

Rồi nữa, trong trình thuật kể về hai môn đệ Emmaus, Đức Giêsu tiến lại bắt chuyện với hai ông khi họ đang bàn luận với nhau về “những chuyện xảy ra ở Giêrusalem mấy bữa nay”. Chẳng biết điệu bộ, giọng nói của Ngài khi ấy thế nào mà dù Ngài ở sát bên, hai ông vẫn chẳng nhận ra Ngài. Rồi đóng vai như một khách bộ hành xa lạ, Ngài bắt chuyện làm quen như thể hai bên chưa hề biết gì về nhau, rằng: “Các anh vừa đi vừa trao đổi chuyện gì vậy.” Một trong hai ông trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Giêsu quả là một diễn viên kỳ tài. Chuyện xảy ra tại Giêsuralem có ai rành hơn Ngài, Ngài chẳng phải là nhân vật chính trong đó sao? Rõ ràng Đức Giêsu thừa biết là họ đang nói về Ngài, thế mà Ngài còn gọi lại: “Chuyện gì vậy”, để họ phải kể lại cho Ngài nghe toàn bộ câu chuyện về bản thân mình. Rồi từ đó mới giải nghĩa Kinh Thánh cho họ hiểu.

Tin Mừng Luca kể thêm rằng khi đã gần đến nơi của hai môn đệ, Chúa Giêsu còn “làm bộ” muốn đi xa hơn nữa. Ngài “làm bộ” có nghĩa là Ngài muốn ở lại, nhưng cư xử như thể không ở lại, để đến khi hai môn đệ kia ngỏ lời mời, Ngài mới vào nhà họ một cách “danh chính ngôn thuận.” Hãy tưởng tượng cảnh Ngài làm ra vẻ muốn đi xa nữa mà lòng cứ chờ lời mời của hai môn đệ kia, ta sẽ thấy khiếu khôi hài của Ngài mới phong phú ra sao.

Vào một buổi sáng ở biển hồ Tibêria, Đức Giêsu lại tiếp tục “làm bộ”, đóng vai người xa lạ, giả vờ hỏi han các môn đệ đang mệt mỏi và buồn phiền vì đánh cá suốt đêm mà chẳng được gì. “Này các chú, không có gì ăn ư?” Ngài xưng là “các chú”, chứ không phải “anh em” hay “các con”, vì nếu xưng như vậy thì các môn đệ sẽ nhận ra Ngài ngay. Câu hỏi của Ngài như muốn “chọc quê” mấy ông vì mang tiếng là ngư phủ lâu năm mà chẳng bắt được con cá nào để ăn. Với tài đóng kịch khá đạt của Giêsu, các ông cũng chẳng thể nào nhận ra Ngài. Ngài cũng chẳng giới thiệu mình là ai cho đến khi Gioan (người môn đệ Chúa yêu) nhận ra Ngài sau phép lạ bắt được nhiều cá. (x.Ga 21,1-8)

Có một chi tiết khác trong Tin Mừng mà nếu để ý, ta sẽ thấy Giêsu phục sinh rất “con người”, có một phong thái rất gần gũi như giới bình dân, mặc dù bây giờ Ngài đã hoàn toàn thoát khỏi vòng kiềm kẹp của vật chất. Đó là việc khi hiện ra với các môn đệ, Ngài thường xin hoặc chuẩn bị cái gì đó để ăn. Ăn uống là một hoạt động rất thường hằng của con người. Bàn tiệc thường là nơi nối kết người ta với nhau. Bạn bè thân thiết thường chẳng ngại “xin xỏ” nhau cái gì đó ăn. Khi muốn “dụ dỗ” ai cái gì, người ta cũng thường tặng đồ ăn thức uống…

Để chứng minh rằng mình là Thầy Giêsu chứ không phải ma như các môn đệ nghĩ, khi hiện ra với các ông vào chiều phục sinh, Ngài đã hỏi các ông: “Ở đây anh em có gì ăn không?”, rồi khi nhận khúc cá nướng, Ngài cầm lấy và ăn “ngon lành” trước mặt các ông, một hành vi rất tự nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ăn xong rồi, Ngài mới bắt đầu soi lòng mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, đặc biệt là những gì liên quan đến Ngài (x.Lc 24,41-43).

Liên quan đến đề tài ăn uống, ta cũng thấy xuất hiện ở Ga 21. Lời đầu tiên Chúa Giêsu hỏi các môn đệ sau một đêm đánh cá không phải là “anh em có mệt không” hay “có đánh bắt được gì không”, nhưng là “không có gì ăn ư”. Làm như Giêsu là người “sành ăn” vậy, hoặc các môn đệ là người hay đề cập đến chuyện ăn uống nên Chúa Giêsu sử dụng nó như một cách khơi gợi câu chuyện (x.Mc 6,36; 8,16; Ga 13,29). Ngay sau đó, Ngài đã dọn cho họ một bữa sáng thịnh soạn, có “than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa”, rồi lại thêm cá tươi vừa bắt xong. Buổi sáng, trời se se lạnh, ngồi bên đống lửa ăn bánh với cá nướng còn tươi, còn gì thú vị bằng! Ngài chưa vội vào ngay đề tài về Kinh Thánh, cũng chẳng gấp rút căn dặn chỉ bảo gì các ông, vì biết các ông có lẽ đang rất đói nên liền mời các ông “anh em đến mà ăn”. Ăn trước đi đã, no bụng và nghỉ ngơi chút cho khoẻ. Từ từ khi các ông đã sẵn sàng, Giêsu với vào thông điệp chính.

Chiêm ngắm một Giêsu phục sinh với những nét dễ thương như thế, ta bỗng thấy Ngài sao thật gần gũi, chứ chẳng xa cách gì. Sự phục sinh mang đến cho Ngài vinh quang, nhưng đó không phải là một kiểu vinh quang cao ngạo, xếp mình lên trên người khác, tự hào về bản thân. Đó là một kiểu vinh quang đặt mình ở vị thế phục vụ, với con tim đầy ắp cảm thông, thấu hiểu và tế nhị, luôn mang đến niềm vui, sự bất ngờ và khai sáng cho người khác. Thiên Chúa vốn dĩ là như thế, niềm vui của Ngài là được ở với con người và cùng chia sẻ mọi kinh nghiệm vui buồn với con người. Hình ảnh Chúa Giêsu phục sinh làm ta liên tưởng đến một tình trạng viên mãn, khi tất cả muôn loài được trở về với Thiên Chúa để thụ hưởng sự sống mới. Đó hẳn là một tình trạng ngập đầy hạnh phúc, một kiểu hạnh phúc khi tình yêu được lan toả muôn nơi và thấm sâu vào cả nơi tối tăm nhỏ bé nhất, làm bừng lên ánh vinh quang bất diệt làm hoan lạc cõi lòng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *