الثلاثاء. أكتوبر 22nd, 2024

Ngày Của Mẹ

Ngày Của Mẹ

“Ngọt ngào nghĩa Mẹ, tình Cha, Yêu thương dưỡng dục đưa ta vào đời” (Ca dao VN)

Tại Hoa Kỳ hằng năm vào tháng Năm và tháng Sáu chúng ta có cơ hội cùng nhau đặc biệt mừng Ngày tôn vinh Mẹ và Ngày tôn vinh Cha. Nói là đặc biệt vì không phải chỉ khi đến các ngày này chúng ta mới nhớ đến Cha Me, mà thâm tình đối với các ngài tất nhiên luôn tràn ngập trong tâm hồn mỗi người. Nhưng hai dịp này là những dịp để chúng ta biểu hiện một cách cụ thể tấm lòng con cái đối với thân Phụ, Mẫu.

Ngoài đời thì con cái mừng Ngày tôn vinh Cha và tôn vinh Mẹ. Trong đạo thì Điều răn Thứ Bốn Thiên Chúa dạy phải “Thảo kính Cha Mẹ.” Công Giáo từ thời Cựu Ước sang đến Tân Ước người ta đọc thấy nhiều chỗ nói đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ (Khởi Nguyên, Xuất Hành, Lêvi, Đệ Nhị Luật, Isaiah, Các Vua, Cách Ngôn, Phúc âm của Matthêu, Luca, Gioan). Phật Giáo có ngày Vu Lan, có mùa báo hiếu. Người Việt-Nam đến nhà thờ, đi chùa để cầu cho cha mẹ, còn sống cũng như đã qua đời. Họ cài lên áo những bông hoa hồng đỏ hoặc trắng. Trắng tượng trưng cho cha mẹ đã qua đời. Đỏ biểu hiện mẹ cha còn sống. Ở Hoa Kỳ ngày tôn vinh Mẹ là Chúa nhật thứ hai của tháng Năm, ngày tôn vinh Cha vào Chúa nhật thứ ba của tháng Sáu. Tại quê nhà, đồng bào chúng ta tôn vinh ông bà cha mẹ vào dịp Tết Nguyên Đán đầu năm. Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội Hoa Kỳ mừng Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day).

Trong Ca dao Việt-nam người ta cũng đọc thấy:

“Mẹ nuôi con bấy lâu rồi? Nuôi con khôn lớn thành người mới thôi,
Mẹ ru con mẹ cả đời, Dù con trả hết, không bằng lời mẹ ru.”

Thi sĩ Chế Lan Viên đã viết:

“Con dù lớn, vẫn là con của Mẹ; Đi hết đời, lòng Mẹ vẫn theo con.”

Trong thời gian chiến tranh giữa Trung hoa với Nhật bản, một số người Hàn quốc cũng tham gia cuộc chiến nầy và người ta kể lại một câu chuyện thương tâm về tình mẹ con như sau: Có một anh lính trẻ người Đại Hàn bị thương nặng tại chiến trường: tai điếc, mắt mù, miệng liên tục kêu gào xin cho gặp được mẹ trước khi chết. Đường từ nhà mẹ anh đến bệnh xá ở chiến trường phải mất tám ngày mới tới. Trong những ngày đầu, bất cứ người nữ y tá nào đến gần, anh cũng tưởng là mẹ mình nên chụp lấy, và lần nào cũng bị gỡ tay ra và chối từ! Cuối cùng anh đã nản lòng nên những ngày sau đó không còn tin là mẹ mình có thể đến được nữa, nên anh gào khóc thảm thiết trong tuyệt vọng chờ chết! Sau cùng bà mẹ anh đến được.

Vừa nhìn thấy con mình, bà lăn xả tới ôm con vào lòng, nhưng anh thương binh cứ tưởng bà là một y tá nào đó, nên đã hất tung mẹ anh ra. Trước cảnh tượng thương tâm mọi người có mặt đều nghẹn ngào, rơi lệ vì mọi nỗ lực đều đi đến bế tắc, vì anh vừa điếc lại vừa mù, làm sao thấy và nghe được lời phân giải của người mẹ ruột bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt anh. Nhưng tình thương mẫu tử đã nẩy sinh một sáng kiến tuyệt vời. Không xấu hổ, không ngại ngùng trước một số đông bác sĩ, y tá vây quanh, bà vạch yếm, đặt vú mình vào miệng anh!… Người con trai yêu của bà lúc ấy đã hiểu: chỉ có mẹ mình mới can đảm như vậy, và anh đã ôm chầm lấy mẹ, mặt mày rạng rỡ, tràn đầy niềm vui pha lẫn hy vọng trước thương tích hầu như vô phương cứu chữa. Tình mẫu tử của bà mẹ Hàn quốc nầy quả thật đã phát minh ra phương thuốc cứu sống con trai bà: bà đã gợi ra trong trí con bà cái đặc điểm quen thuộc và thân thương của tình mẹ con.

Hôm nay bài Tin Mừng, Thánh Luca cũng kể lại một biến cố trong đó hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu vì cái đặc điểm rất quen thuộc và thân thương của Thầy mình. Hai môn đệ trên đường Emau đã nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh trong cử chỉ rất quen thuộc của Ngài xưa kia khi Ngài Bẻ bánh và dâng lời chúc tụng. Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, lòng các ông đầy hoang mang, buồn chán và thất vọng, những ước mơ đã tan tành và cuộc đời gần như vô phuơng mất huớng. Hai ông đã từ bỏ nhóm, từ bỏ Jêrusalem với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với Thầy mình và với anh em. Hai ông lê từng bước chân thất thểu mệt mỏi trên chặng đuờng dài để về quê quán cũ của mình. Vì buồn nên cho dù một ngày đi bên nhau, một ngày trò chuyện, hai ông đã không nhận ra “Người Khách Lạ” đó chính là Thầy mình, vì con mắt các ông bị che phủ bởi những tối tăm của hoang mang hốt hoảng. Tâm hồn các ông vẫn còn bị đóng lại bởi những lo âu bối rối và buồn chán. Nhưng trong những lúc khó khăn, khủng hoảng và thất vọng nhất, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện, đồng hành và đồng bàn với các ông. Ngài dùng Kinh Thánh để giải thích cho các ông. Ngài còn tế nhị gợi lên niềm vui và hy vọng nơi các ông, từ từ đưa các ông đến chỗ nhận ra Ngài trong cử chỉ quen thuộc khi Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng.

Người Công giáo chúng ta cũng còn có một người mẹ tuyệt vời, không thể thiếu được trong đời và vẫn luôn đồng hành với chúng ta mọi ngày suốt đời, đó là Mẹ Maria. Đây không phải là bà mẹ trong tiểu thuyết hay trong các kịch bản movies, mà là một bà mẹ trong lịch sử đức tin, trong cuộc đời, bà mẹ đầy đau khổ đã ngậm đắng nuốt cay, đặc biệt trên đồi Canvê, dưới chân thập giá chứng kiến cái chết tủi nhục của người con trai duy nhất của mình. Trước khi từ giã cõi đời, Chúa Giêsu đã trối lai người mẹ thân yêu nhất của mình cho đại diện nhân loại là Thánh Gioan. Và từ đó, Đức Mẹ chính thức là Mẹ nhân loại, Mẹ chúng ta, Mẹ của từng Ông, Bà, Anh, Chị và của Tôi, trong cuộc chiến chống lại ma quỉ. Từ biến cố Bethlem đến đồi Canvê, và trải dài lịch sử nhân loại cho đến tận thế, Mẹ vẫn hằng tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta bằng các Ơn của Chúa qua trung gian chuyển cầu của Mẹ.

Những ai có dịp thăm viếng Thánh đô Rôma, ghé thăm Nhà Thờ Đức Bà Cả, sẽ nhìn ngắm Pho Tượng bằng đồng đen rất đẹp, tạc hình Đức Mẹ đang cởi yếm mình cho Chúa Hài Đồng Giêsu bú. Dòng sữa thân thương ngọt ngào từ châu thân của Đức Mẹ cũng như từ bao bà mẹ khác nói lên công ơn nuôi dưỡng các con mình là chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có một bà mẹ.

Ông Bà VN ta hay nói: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm.” Có người lại đọc “Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường!” đều có cùng một nghĩa là nếu mất mẹ, con sẽ bị đói, khát. Xót xa và mất mát thay khi nhìn những đứa trẻ mồ côi mẹ.

Sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản hôm tháng 3 vừa qua, hình ảnh cậu bé Toshihito Aisawa, 9 tuổi, cầm hai tấm biển ghi tên cha, mẹ của cậu đi từ các khu tạm trú này đến các khu tạm trú khác để tìm kiếm người thân yêu nhất của mình đã lay động tâm can cả thế giới.

Mất mẹ là mất đi một kho tàng quí giá nhất đời. Biết bao nhiêu văn, thi, nhạc sĩ ca tụng mẹ trong văn chương, thi ca nhạc trong đời sống thường nhật. “Mẹ” cũng là lời cuối cùng trước khi giã từ trần thế của những người con. Tình mẹ không thể thiếu vắng trong đời người, không chỉ cần cho sự hiện hữu và sinh tồn như những nhu yếu phẩm như sữa, đường, cơm, bánh… mà còn cần như những món đặc sản mang lại hương vị thơm tho như chuối, như mật, như gia vị…Mẹ là món quà cao quí nhất và cũng công bằng nhất mà Thiên Chúa ban cho mỗi người không trừ một ai. Cũng vì thế mà nhân loại trở nên bất hạnh vì những người đàn bà từ chối thiên chức làm mẹ của mình khi từ chối sinh con hay giết chết thai nhi.

Người ta nói món quà đẹp nhất trong Ngày Hiền Mẫu là Mẹ nhìn thấy các con mình yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Ngày Hiền Mẫu năm nay sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn các năm khác nếu mỗi người chúng ta đối xử với nhau với những cử chỉ thân thương của bà mẹ Hàn quốc trong câu chuyện mở đầu, của Chúa Kitô đã làm cho hai môn đệ trên đường Emmaus, của Mẹ Maria đã làm cho mỗi người. Ai trong chúng ta cũng có thể làm được những việc thực tế như yêu thương chồng, yêu thương vợ, yêu thương các con, yêu thương cha mẹ và yêu thương mọi người chung quanh chúng ta.

Cuối cùng, xin một giây thinh lặng để cho tâm hồn dào dạt tình cảm mến và biết ơn mẹ…. Và trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, khi cha chủ tế bẻ bánh và đọc lời chúc tụng, Chúa Giêsu Kitô sẽ đến trên bàn thờ trong bánh và rượu thánh, chúng ta hãy sốt sắng cảm tạ Chúa, vì đã ban tặng chúng ta hai người mẹ: một mẹ trên trời và một mẹ dưới thế để dạy chúng ta bài học yêu thương. Hãy cầu nguyện cho mẹ mình, dù ngài còn sống hay đã qua đời, với một nén hương lòng dâng ngài trong Ngày Hiền Mẫu hôm nay.

Happy Mother’s Day.

Pt. Đặng Phi Hùng

اترك تعليقاً

لن يتم نشر عنوان بريدك الإلكتروني. الحقول الإلزامية مشار إليها بـ *